Saturday, 1 August 2015

Phỏng vấn một “Con Phản Động” – Phần 1 (Tác giả: Ku Búa - Cafe Ku Búa)





Tác giả: Ku Búa  -   Cafe Ku Búa
29 JUL, 2015

Giới thiệu: Đây là một bài phỏng vấn một bạn đang hoạt động tự do dân chủ ở Việt Nam. Vì có quá nhiều câu hỏi và câu trả lời hơi dài nên sẽ chia ra làm nhiều phần. Đây là phần thứ nhất. Bài phỏng vấn được thực hiện qua một thời gian dài, tầm vài tháng, ở ngoài đời và qua mạng.

Ku Búa quen bạn này từ phong trào #DMCS. Bạn ấy tự gọi mình là một người bình thường đang sống trong một đất nước không bình thường. Cái từ Đảng Cộng Sản (ĐCS) hay dùng để gọi những người như bạn ấy là “phản động”. Hay theo từ ngữ dân thường là “Con Phản Động.”

Sự nhiệt tình của bạn ấy đã khiến bạn ấy bị đuổi học sau khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Không những vậy, ĐCS đã phải tịch thu hộ chiếu và mỗi lần có sự kiện gì liên quan đến tự do dân chủ ở Sài Gòn thì bạn ấy được dân phòng đến nhà canh me 24 trên 24.

Bạn ấy đã trả giá rất đắt. Vì sao bạn ấy lại chọn con đường này? Ku Búa xin giấu tên bạn ấy. Mời các bạn đọc bài phỏng vấn sau đây để biết và hiểu rõ hơn về vấn đề cũng như con người hoạt động tự do dân chủ tại Việt Nam.

  1. Ku Búa: Bạn bắt đầu có cái nhìn khác về chính phủ Việt Nam từ bao giờ?
Con Phản Động: Không hẳn là có cái nhìn khác về chính phủ mà là mình quan tâm nhiều hơn về các vấn đề trong xã hội, những tiêu cực xung quanh mình hơn. Thật ra trước đó mình có nhận thức mơ hồ về những lỗi hệ thống đang diễn ra xung quanh mình nhưng nó vẫn chưa định hình cụ thể lí do vì sao và ngọn nguồn vấn đề như thế nào.
Đó là vào khoảng cuối năm 2010 đầu năm 2011, nhờ internet và Facebook mình biết được nhiều sự thật lịch sử mà mình không được học thời phổ thông, cũng như nhìn thấy tiêu cực xung quanh mình ngày càng nhiều. Từ đó khiến mình quan tâm nhiều hơn về chính trị và hiện nay trở thành một người hoạt động về các vấn đề xã hội.

  1. Ku Búa: Sự kiện nào đã ảnh hưởng bạn nhất?
Con Phản Động: Sự kiện ảnh hưởng đến mình nhất đó là sự kiện Trung Quốc cắt cáp thăm dò của Việt Nam, vào khoảng năm 2011 dẫn đến nhiều cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc. Sau khi tham gia cuộc biểu tình lịch sử ngày ___2011 mình kết nối Facebook với nhiều bạn bè, anh chị có cùng quan tâm về vấn đề xã hội, về chủ quyền biển đảo và cùng chia sẻ những thông tin xã hội với nhau.

  1. Ku Búa: Trong suốt 12 năm học ở trường, có bao giờ bạn hoài nghi về những gì mình đã được học không?
Con Phản Động: Trong suốt 12 năm học ở trường, thật sự là mình ko hề hoài nghi về những gì mình được học. Mình vẫn nghĩ chế độ cũ là xấu xa tàn độc, mình tin hoàn toàn vào những gì mình được học trong sách. Mình nghĩ đa số các bạn khác cũng đã từng giống như mình, gia đình mình ngày xưa cũng có nhiều người làm việc cho chế độ cũ nhưng họ lại không chia sẻ những thông tin cho con cháu nhiều.
Lúc ấy mình chỉ biết rằng nhiều người miền Nam không thích chế độ cộng sản nhưng lại ko rõ lí do vì sao họ ghét. Nhiều thầy cô dạy mình ngày trước cũng bày tỏ quan điểm không thích cách quản lí của nhà nước, lúc ấy mình chỉ hơi hoài nghi và ko nhận thức được rõ ràng, cho đến khi mình được tiếp xúc nhiều hơn với internet. Internet đã giải đáp mọi thắc mắc mà mình hoài nghi từ đó tới giờ.
Có thể nói thứ đầu tiên làm ảnh hưởng đến nhận thức của mình nhất cho đến nay là trang Facebook Lịch sử Việt Nam qua ảnh. Một lần tình cờ vào trang này mình đã biết nhiều hơn về lịch sử Việt Nam, thông qua hình ảnh và nhiều tài liệu quý giá. Từ đó mình mới phát hiện ra rằng những gì mình được học hoàn toàn không đúng với những gì đã diễn ra trong lịch sử.

  1. Ku Búa: Cho mình hỏi, gia đình bạn trước năm 1975 đã tham chiến co ai? Bạn nghĩ điều này có ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn về xã hội Việt Nam không?
Con Phản Động: xin lỗi Ku Búa nhưng câu hỏi này quá riêng tư, mình xin không trả lời câu hỏi này.

  1. Ku Búa: Bạn biết đến nhà bất đồng chính kiến nào đầu tiên?
Con Phản Động: Sự kiện chính trị đầu tiên mình quan tâm đến đó là Trung Quốc lấn chiếm biển Đông, vì vậy nhà bất đồng chính kiến mà mình biết đó là Điếu Cày. Khoảng thời gian đó Điếu Cày – Tạ Phong Tần – Anh Ba SG là những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất, và cũng là những người đầu tiên đi tiên phong trong việc chống Trung Quốc. Sau đó mình tìm hiểu mới biết nhiều nhà bất đồng chính kiến khác như Trần Huỳnh Duy Thức, thầy giáo Đinh Đăng Định, Đỗ Thị Minh Hạnh v.v.v…

  1. Ku Búa: Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn bày tỏ quan điểm chính trị của mình không? Lần đó là ở đâu? Như thế nào? Về đề tài gì? Và phản ứng của mọi người ra sao?
Con Phản Động: Lần đầu tiên mình bày tỏ quan điểm chính trị của mình là sau khi đi biểu tình chống Trung Quốc ngày ___/2011 về, vì quá hào hứng nên mình đã kể cho mẹ nghe là mình đã trốn học thể dục để đi biểu tình. Mẹ mình lúc đó rất lo sợ và mắng mình, bảo mình không được tham gia biểu tình nữa vì nó rất nguy hiểm, nhưng sau đó mình vẫn tiếp tục tham gia và bị bắt vào ngày ___/2011.
Lần đó gia đình rất hoang mang và lo sợ, sau lần đó về mình bày tỏ chính kiến rõ ràng hơn cho gia đình biết, họ thật sự rất lo lắng và yêu cầu mình không được tham gia gặp gỡ hay đăng những thông tin về chính trị lên mạng xã hội nữa. Khoảng thời gian đó thật sự rất khó khăn đối với mình, bây giờ nghĩ lại mình vẫn ko hiểu vì sao, bằng cách nào mình có thể vượt qua sợ hãi của bản thân, của phía gia đình để tiếp tục hoạt động trên con đường này.
Mình nghĩ tất cả những người trẻ, khi bắt đầu bày tỏ quan điểm đều phải trải qua khoảng thời gian này. Nó ko phải điều xấu mà ngược lại rất có ích để rèn luyện bản thân mình hơn, đó là một trải nghiệm mà khi bạn đã trải qua rồi bạn sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm sống có giá trị.

  1. Ku Búa: Vào năm 2011, bạn đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Đây là một hành động tự giác hay bạn đã tham gia theo phong trào với các bạn khác?
Con Phản Động: Mình tham gia chống Trung Quốc theo lời kêu gọi trên mạng. Lúc đó là một hành động tự phát của mình thôi hoàn toàn không do ai rủ rê hay lôi kéo gì cả. Lần đó mình có hẹn một người bạn học cùng trường đi cùng, bạn này cũng quan tâm giống như mình, thông qua Facebook mình và bạn ấy có hẹn nhau nhưng sau đó mình đã đi một mình.
Nhờ mình đi một mình nên cũng quen biết được nhiều anh chị khác, các anh chị đó hoạt động, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng họ rất giỏi và rất hiểu biết. Điều đó làm mình tò mò hơn. Mình tự hỏi: Tại sao những người có học thức, giỏi, hiểu biết đều luôn quan tâm đến những vấn đề mà ai cũng cho là ”phản động”? Mình càng thắc mắc thì mình càng tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn.

[còn tiếp…..]





No comments:

Post a Comment

View My Stats