Fri, 08/07/2015 - 03:19 — Kami
Chính trị Việt nam hiện nay theo thể chế nhất
nguyên, do một đảng lãnh đạo ở Việt Nam là đảng CSVN, mọi chủ trương đường lối
của đảng CSVN luôn được coi là tuyệt đối đúng. Mọi hành vi hay ý kiến khác hoặc
ngược với chủ trương của đảng sẽ bị coi là phản động, chống đảng.
Không
khí đa nguyên tư tưởng
Vậy mà việc tỉnh Sơn la đang tiến hành chuẩn bị xây
dựng tượng đài "Bác Hồ với nhân dân Tây bắc", theo ý kiến chỉ đạo của
Ban Bí thư, dự kiến sẽ khởi công vào ngày 11/10/2015 sắp tới, với kinh phí dự
kiến khoảng 1.400 tỷ đồng, bằng 1/2 ngân sách của tỉnh miền núi nghèo này đã tạo
thành một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Đây là chủ đề chính được bàn thảo sôi động
trên các mạng xã hội, người phản đối, kẻ ủng hộ song xu thế có phần nghiêng về
những người phản đối dự án này.
Những người phản đối thì cho rằng đây là một dự án
lãng phí, không hiệu quả và chưa thực sự cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay, đặc
biệt là với tỉnh Sơn la khi số lượng các hộ nghèo còn chiếm tới 27%. Theo họ
thì hiện nay trên cả nước đã có 134 tượng đài bác Hồ các loại, với kinh phí
không ít, cái tượng đài nhỏ thì vài chục tỷ, trung bình thì vài trăm tỷ, lớn
thì trên ngàn tỷ. Nếu như đem số tiền xây dựng tượng đài này để xây dựng các
công trình như trường học, bệnh viện, cầu đường,… cho tất cả các tỉnh miền núi
trên cả nước thì có lẽ tất cả các xã miền núi đều có trường học, trạm y tế khang
trang, người dân có cầu qua sông, suối,… không phải lội hoặc đu dây. Thậm chí
GS. Ngô Bảo Châu cũng không kìm được và phải chua chát thốt lên rằng:"Số
tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Son la và các
tinh miền núi. (Trong lúc) trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt
như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc
là thần kinh.".
Còn những người ủng hộ (có lẽ là do quá yêu bác hoặc
là người của chủ đầu tư) thì cho rằng đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa
chính trị cao. Thậm chí họ còn khẳng định rằng đầu tư cho công tình tượng bác Hồ
thì đừng tính đếm kinh phí xây dựng và xem xét vấn đề hiệu quả. Như TS. Đào Ngọc
Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam còn cho rằng "Tôi
cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ. Trước
khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực
cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói thì phải mua cơm
trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước."
Vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái với
quyết định của đảng, song những ý kiến của đa số dân chúng lại nhận được ủng hộ
và đồng tình của người đứng đầu chính phủ, điều đó thể hiện cho thấy xu hướng
đa nguyên về tư tưởng đã xuất hiện và được tôn trọng ở Việt nam. Và đây là những
dấu hiệu đáng mừng, điều mà cách đây ít lâu người ta không dám nghĩ tới.
Quan
chức bên đảng ganh ăn
Trước hết phải khẳng định luôn là, việc xây dựng các
công trình văn hóa và tượng đài đang là mỏ tiền và là cơ hội để các quan chức
các cấp tham nhũng và vơ vét.
Lâu nay ở Việt nam, tình trạng các tỉnh, thành phố
đua nhau xây dựng các công trình văn hóa, như nhà bảo tàng, nhà văn hóa, các
khu vực quảng trường và tượng đài... với kinh phí xây dựng khổng lồ là điều hết
sức phổ biến. Chưa nói đến các công trình này có giá trị sử dụng và chất lượng
xây dựng rất thấp, thậm chí xây xong thì bỏ hoang. Tuy vậy, tình trạng này đã
diễn ra và lây lan như một thứ bệnh dịch, theo kiểu tỉnh A, tỉnh B... có thì tỉnh
X, tỉnh Y, tỉnh Z... cũng phải có bằng được. Thoạt đầu ai cũng nghĩ rằng có lẽ
là do "con gà tức nhau tiếng gáy" nên các địa phương đua nhau, song
những người trong nghề đã chỉ ra rằng đằng sau các dự án khổng lồ cho dù rất ít
hiệu quả hay chẳng hề có hiệu quả ấy, là những khoản lại quả có giá trị bằng
25-30 % tổng trị giá đầu tư của công trình. Hay nói một cách khác, việc đầu tư
xây dựng các công trình văn hóa ấy với mục đích cao nhất là bòn rút ngân sách để
chia chác giữa các quan chức các địa phương và các quan chức trung ương theo lối
"khách ba, chủ nhà bảy".
Việc này đã diễn ra từ hàng chục năm nay, kể từ năm
1986 khi đất nước đổi mới cơ chế kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng
XHCN. Đó cũng là một phần lý do vì sao các quan chức nhà nước ở các cấp giàu có
nhanh như vậy, cho dù trước đây đặc quyền này chỉ dành riêng cho các quan chức
bên chính quyền. Còn cán bộ bên đảng thì cũng chỉ được chấm mút không đáng kể.
Nếu hiểu ở Việt nam thì chính trị là thống soái, do
vậy các quan chức các ban ngành bên đảng, đặc biệt là các cơ quan tuyên giáo
không thể ngồi yên đề nhìn những người đồng chí bên phía chính phủ thỏa sức vơ
vét mãi như thế được. Đó chính là lý do việc xây dựng tượng đài bác Hồ đã là chủ
trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hơn nữa hơn ai hết, các cán bộ tuyên giáo
luôn hiểu rằng cái gì đã gắn với Bác Hồ thì trở thành nhiệm vụ chính trị và chắc
chắn sẽ không bao giờ bị cản trở hoặc chịu các áp lực khác, đề xuất bao nhiêu
cũng phải duyệt, kể cả các chi phí phát sinh v.v.... Vì không có kẻ nào dại dột
để bác hoặc không giải quyết các yêu cầu đó. Từ đó, tượng đài Bác Hồ đã trở
thành một Miễn Tử Kim Bài, một khu vực bất khả xâm phạm.
Đó cũng chính là nguyên nhân, vì sao bây giờ các địa
phương đổ xô vào việc xây dựng tượng bác Hồ. Và theo Tạp chí Tuyên giáo cho biết: "Theo
số liệu thống kê hiện trên cả nước có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh các loại.
Trong đó, tại các khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước có 103 tượng
đài Chủ tịch Hồ Chí Minh . Tượng đài được xây dựng tại quảng trường, trung tâm
hành chính, chính trị là 31 tượng. Ngoài ra vừa qua các tỉnh, thành phố đề xuất
đưa vào quy hoạch xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hết năm 2030
là 58 tượng đài."
Ai không tin chuyện này thì hãy trả lời cho biết
"Tại sao Tạp chí Tuyên giáo đã phải vội vã xoá bài viết về kế hoạch xây
thêm 58 tượng đài Hồ Chí Minh?". (Xem ở
đây) Phải chăng các đồng chí tuyên giáo của đảng vì có tật nên vội giật
mình?
Dùng
tượng Bác làm bình phong để tham nhũng
Đề án tượng đài Hồ Chủ tịch 1.400 tỷ đồng là "nhằm
đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào" theo lời của các quan chức tỉnh
Sơn la. Trước phản ứng của dư luận xã hội, ông chủ tịch tỉnh Sơn La phải trấn
an dư luận, cho rằng “báo chí hiểu chưa sát chủ trương xây dựng tượng đài”. Trả
lời phỏng vấn của VTC News, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng
định hiện nay dư luận đang hiểu sai vấn đề. Kinh phí xây tượng Bác Hồ của Sơn
la chỉ có 200 tỷ, chứ “Không có chuyện xây dựng tượng đài lên tới 1.400
tỷ đồng. Nêu như thế là không đúng. Khoản kinh phí dự toán 1.400 tỷ đồng bao gồm
nhiều công việc như xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, xây dựng quảng trường,
xây dựng khu tái định cư, phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các hạng
mục chiếu sáng, cây xanh, điện nước…".
Có nghĩa là (tượng) Bác đã phải cõng thêm 1.200 tỷ đầu
tư các khoản vô tội vạ khác mà chắc chắn sẽ không phải là để "đáp ứng nguyện
vọng và tình cảm của đồng bào", mà thực ra chỉ để giúp các quan chức Sơn
la... tham nhũng. Có lẽ đây là lý do vì sao mà ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND
tỉnh Sơn La cho rằng "Chưa có tượng đài Bác Hồ là thiệt thòi cho chúng
tôi". Cái này có lẽ đúng, vì nếu như không xây tượng đài Bác Hồ thì các
quan chức ở Sơn la (và cả trung ương nữa) sẽ không có khoản lại quả khổng lồ với
trị giá 1,400 tỷ x 30% = 420 tỷ VND (Bốn trăn hai chục tỷ đồng).
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phải có văn
bản hỏa tốc yêu cầu UBND Tỉnh Sơn la báo cáo rõ về việc đầu tư cho Dự
án nay, vì quy mô đề án quá lớn và chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Điều đó không chỉ cho thấy sức mạnh của truyền thông và dư luận xã hội, song điều
quan trọng hơn đó là sự biết lắng nghe và phản ứng một cách tích cực và dứt điểm
của người đứng đầu chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cái mà người ta khó
có thể thấy từ các quan chức Việt nam hiện nay.
Và sau cùng, web site Chính
phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Sơn La
chỉ được tiến hành khởi công xây dựng Tượng đài khi bảo đảm các điều kiện cần
thiết theo quy định, trong đó có việc phải báo cáo Ban Bí thư phê duyệt
mẫu tượng đài và xác định rõ nguồn vốn. Vì theo quy định thì công
trình chỉ có thể được khởi công nếu đã có dự án được phê duyệt, có giấy phép
xây dựng, có thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, bố trí đủ vốn
theo tiến độ…. Nghĩa là phải dừng lại cho tới sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ
XII.
Kết
Điều đó cũng có nghĩa là, miếng ngon khổng lồ của
các quan chức bên đảng ở trung ương và ở Sơn la dự kiến sẽ nuốt trọn vào ngày
11/10/2015, đã bị người đứng đầu Chính phủ phanh lại và để xem xét. Đã có nhiều
người cho rằng, phải chăng đây là lúc Thủ tướng Dũng tận dụng thời cơ để khẳng
định uy lực tại thời điểm này của mình?
Ngày 06/8/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment