Monday, 24 August 2015

Sự việc “kiểm dịch” của Chu Giang với G.S Trần Đình Sử: Những cản trở của nền học thuật Việt Nam (Hà Thủy Nguyên)





25/08/2015

Sau một năm sóng dư luận đã yên, sự việc luận án về nhóm “Mở miệng” của Nhã Thuyên đã được khơi lại bởi ông Chu Giang Nguyễn Văn Lưu. Ông Chu Giang viết một bài có tên là“Kiểm dịch Trần Đình Sử” đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, với nội dung thông qua lời cảm ơn của Nhã Thuyên dành cho Trần Ngọc Hiếu với luận án “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại”, để hạ bệ Giáo sư Trần Đình Sử, người đã xét duyệt cho luận án táo bạo của Trần Ngọc Hiếu. Chính ông Trần Đình Sử là người hướng dẫn cho luận án này. Đây là một hiện tượng “dìm hàng” thường thấy của nhiều nhà phê bình, nhà văn công chức, tự cho mình quyền lực để “kiểm dịch” những nhân tố dám nói khác, nghĩ khác trong giới văn chương, chữ nghĩa. Sự “kiểm dịch” này, tiếc rằng lại không dựa trên nền tảng kiến thức khoa học mà chỉ là cái nhìn phiến diện và ác ý.

Cái nhìn sai lệch về Lý thuyết trò chơi
Mở đầu bài viết của  mình, ông Chu Giang tập trung vào việc công kích và phê phán luận án của Trần Ngọc Hiếu vì  đã ứng dụng Lý thuyết trò chơi để phân tích trường hợp của nhóm Mở Miệng. Ông Chu Giang cho rằng việc nhắc lại Lý thuyết trò chơi chỉ là  “nhại lại, diễn đạt lại tư tưởng của các học giả nước ngoài”. Ngoài ra, với cái nhìn phán xét, ông Chu Giang đã có những đánh giá rất sai lệch về Lý thuyết trò chơi như sau:  “Sự chơi, trò chơi là một thực tế, một phần hoạt động của con người. Nhưng xem mọi văn học đều là trò chơi. Mọi hoạt động đều là trò chơi, là cội nguồn của văn học, là điên rồ!”. Sau đó, ông Chu Giang trích dẫn rất nhiều lời của các “học giả nước ngoài”, nhưng chẳng câu nào liên quan đến Lý thuyết trò chơi cả.
Ông Chu Giang đã có một sự nhầm lẫn về Lý thuyết trò chơi, có thể ông đã bị ấn tượng xấu về từ “trò chơi” là một cái gì đó không nghiêm túc nên ông không bỏ thời gian ra để tìm hiểu xem Lý thuyết trò chơi là cái gì. Lý thuyết trò chơi không phải là thứ lý thuyết để phóng chiếu mọi thứ thành trò chơi. Đó là một nhánh của Toán học ứng dụng, dùng để nghiên cứu các tình huống chiến thuật mà các đối thủ sử dụng để tiến đến gần mục đích nhất có thể. Đầu tiên, Lý thuyết trò chơi chỉ được áp dụng trong Kinh tế, nhưng sau đó đã lan sang các lĩnh vực khác như Chính trị, Triết học, Sinh vật học… Nhưng ứng dụng Lý thuyết trò chơi vào Văn học để phân tích hành vi của “kẻ bên lề” như nhóm Mở Miệng, đó đích thực là một bước đi táo bạo của Trần Ngọc Hiếu và Nhã Thuyên.
Nếu đọc kỹ về Lý thuyết trò chơi, chắc hẳn ông Chu Giang không đưa ra những đòi hỏi vô nghĩa như yêu cầu Trần Ngọc hiếu xem xét lại việc ứng dụng Lý thuyết trò chơi có hợp với hoàn cảnh lịch sử hiện nay của Việt Nam hay không. Bởi vì, lý thuyết vốn là một thước đo, một phương pháp để mổ xẻ hiện thực, như vậy có nghĩa là, lựa chọn phương pháp nào để nghiên cứu, đó là quyền của học giả. Ông Chu Giang có thể sử dụng phương pháp “kiểm dịch” của ông để mổ xẻ hiện tượng Trần Ngọc Hiếu hay Nhã Thuyên, đó là quyền của ông, nhưng quan trọng hơn hết, ông phải trung thành với các tiêu chí của phương pháp mình đã lựa chọn; giống như Trần Ngọc Hiếu cũng phải ađảm bảo các tiêu chí căn bản của Lý thuyết trò chơi vậy.Cái nhìn sai lệch của ông Chu Giang về Lý thuyết trò chơi cho thấy ông đã phản bội lại chính các quy tắc của “kiểm dịch”.
Với cái nhìn sai lệch ấy, ông đã coi các Luận án của Trần Ngọc Hiếu và Nhã Thuyên và những trí thức dám chấp nhận họ như ông Trần Đình Sử là một thứ bệnh dịch mà ông tự cho phép mình quyền được lên án và loại trừ: “Luận án này toát lên tình trạng bất an bất định muốn chống lại, giải cái trung tâm chính thống truyền thống, phá vỡ cái hiện hữu, đạp lên cái tiền lập… Nhưng để đi đến cái gì? Những người thực hiện Luận án đã không trả lời được, hoặc không muốn, mà ngầm hiểu: hẵng phá vỡ cái hiện hữu đi đã!” . Tại sao ông lại lo lắng với khả năng “giải cái trung tâm chính thống truyền thống” của những “kẻ bên lề” như vậy? Ở độ tuổi như ông, đọc Đông đọc Tây, đọc chủ nghĩa Duy vật biện chứng, chính ông cũng tự hiểu rằng không có cái gì mãi mãi là “chính thống truyền thống”, không có một “hiện hữu” duy nhất, cái “tiền lập” nhất định phải có cái kế tiếp. Cho nên, việc khư khư giữ một cái “trung tâm chính thống truyền thống” nào đó, thực chất, với những người như ông Chu Giang, chỉ là giữ địa vị quyền lực và lợi ích, bất chấp vòng quay của xã hội và quy luật tự nhiên.

Sự lên tiếng của ông Trần Đình Sử, nên hay không?
Ông Chu Giang đã dành hẳn một phần rất dài để đả phá lý luận của ông Trần Đình Sử trong việc xét duyệt Luận án của Trần Ngọc Hiếu. Giáo sư Trần Đình Sử là một nhà lý luận có uy tín lớn trong giới trí thức Việt Nam, chuyên ngành về Lý luận văn học. Nguyên nhân sâu xa của việc ông Chu Giang cố tình hạ uy tín của ông Trần Đình Sử, chúng ta không thể biết đến mà chỉ có thể ngầm hiểu. Và ông Trần Đình Sử đã chọn phương pháp im lặng để đối phó với trường hợp này.
Sự im lặng này đến từ nhiều nguyên nhân. Trước hết bởi, ở vị thế của một trí thức nghiên cứu, ông Trần Đình Sử không muốn lời qua tiếng lại, vừa phiền phức mất thời gian, lại vừa mất đi cái cốt cách của người có học. Sau đó là bởi, từ lâu ở nước ta đã hình thành lớp công chức có học, chuyên “kiểm dịch” một cách vô tội vạ như Chu Giang, cùng với sự ủng hộ của báo chí chính thống và khả năng ngôn từ sắt đá, xóc mói, hoa ngôn, bất chấp lý luận và khoa học. Đối phó với đội ngũ đông đảo này, những trí thức nghiên cứu hiền lành như ông Trần Đình Sử không thể tranh cãi được.
Tuy nhiên, việc lên tiếng của Giáo sư Trần Đình Sử là vô cùng quan trọng. Không phải vì uy tín cá nhân của ông hay của Trần Ngọc Hiếu, Nhã Thuyên, mà vì độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Sự ra đời của các đội ngũ “kiểm dịch” mà ông Chu Giang là một phần trong đó nhằm mục đích thao túng truyền thông chính thống, cản trở độc giả tiếp cận với cái mới, cái khác biệt, cái đột phá. Nếu chúng ta im lặng, đồng nghĩa với việc giúp sức cho đội ngũ “kiểm dịch” kia lộng hành, che mắt dư luận, phá hoại mọi nỗ lực nâng cao dân trí và xây dựng nên học thuật Việt Nam vững mạnh của rất nhiều trí thức có trách nhiệm đang từng ngày gắng sức.
Đã từ lâu rồi, nền học thuật Việt Nam thiếu những cuộc tranh luận học thuật. Trí thức chân chính thì im lặng trước các cuộc tranh luận, đội ngũ “kiểm dịch” thì thích “dìm hàng” ai là “dìm hàng” được người đó, độc giả hoang mang không phân định được vàng thau. Đừng đổ lỗi cho độc giả khi họ không phân định được, bởi từ rất sớm họ đã bị đội ngũ “kiểm dịch” kia che mắt. Vì vậy, trí thức không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu hay sáng tạo, mà quan trọng không kém, đó là dám sử dụng tri thức của mình để phát ngôn, giúp độc giả có cái nhìn đa chiều hơn trước mọi khía cạnh của vấn đề.

Kết luận
Sự việc ông Chu Giang công kích Giáo sư Trần Đình Sử, Trần Ngọc Hiếu, Nhã Thuyên cho thấy hiện tượng vùi dập các nhân tố mới lạ trong nền học thuật đã trở thành thói quen trong tư duy của đội ngũ “kiểm dịch”. Sự “kiểm dịch” này hoàn toàn phản khoa học và là bước cản lớn cho con đường phát triển học thuật ở Việt Nam.
Hạn chế quyền lực của đội ngũ “kiểm dịch” này là một việc quan trọng để thúc đẩy nền học thuật ở Việt Nam. Để hạn chế sự lộng quyền của “kiểm dịch”, không cần các bài viết văn hoa, những trích dẫn dài dòng, mà cần những bài viết của các trí thức, chỉ rõ thực trạng, nêu lên sự thật và vạch ra những sai lầm trong cách thức “kiểm dịch”. Bên cạnh đó, độc giả cũng đóng vai trò quyết định. Nếu độc giả có cái nhìn đa chiều, đọc kỹ và hiểu rõ vấn đề thay vì chỉ vội vã tin vào những ngôn từ to tát của báo chí chính thống, dám lên tiếng bảo vệ điều đúng đắn, dù chỉ bằng một cái post trên facebook hay vài dòng trên blog cá nhân, cũng đủ để đội ngũ “kiểm dịch” kia phải xem xét lại mình.
Tôi tin rằng, dù đang lên gân hết sức, nhưng đội ngũ “kiểm dịch” không thể chống lại sự vận động liên tục đang diễn ra ở xã hội Việt Nam, khi mà cái khác biệt, cái ngoại vi, cái mới đang ngày càng được mở rộng và những “kẻ bên lề” đang dần có vị thế ngang với những người ở “trung tâm chính thống”

H.T.N.


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:45 

----------------------------------

 XEM THÊM :

19.08.2015

20.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Đọc xong bài của Kiểm dịch Trần Đình Sử của Chu Giang tôi cứ choáng ngợp trước những dòng viết lộn xộn gồm chửi đổng, giáo huấn, đưa đẩy kiểu hề chèo, rồi tự nhiên tôi liên tưởng tới những lời độc thoại nội tâm của thằng khờ Benjamin trong Âm thanh và cuồng nộ... (...)

19.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Liệu có nên mở một cuộc thi đoán xem cái gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí Chu Giang không? Giờ đây thì không chỉ có Chu Giang đáng thương, mà tờ Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành đối tượng cần được thương cảm... (...)

18.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Chỉ những ai lợi dụng bài viết của Chu Giang để làm phương hại tới danh dự của Trần Đình Sử, Trần Ngọc Hiếu thì mới thực sự đáng thương hại vì họ đã trông đợi quá nhiều vào những bài viết khá mông lung và ấu trĩ của Chu Giang... (...)









No comments:

Post a Comment

View My Stats