Monday, 24 August 2015

Phía sau những vụ thảm án: Trách nhiệm của ngành giáo dục ở đâu? (Phước Bình P/V Nguyên Ngọc)





25/08/2015

Làm tha hóa con người trong một xã hội chắc chắn giáo dục phải chịu một trách nhiệm rất lớn, nhưng hiện tượng tha hóa con người một cách toàn diện với tốc độ khủng khiếp như ở Việt Nam hiện nay buộc lòng chúng ta phải đi tìm nguyên nhân ở những gì có tác động trực tiếp và tức thời đến việc đảo lộn nền tảng đạo lý bền vững trong xã hội hơn là giáo dục rất nhiều. BVN đã có dịp bàn về điều này trong một dịp trao đổi với ông Võ Xuân Sơn (xin xem ở đây). Dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa là trong “cơn lũ” đang kéo tuột mọi phẩm chất con người xuống đáy và tội ác đủ kiểu ngày ngày “nở hoa” khắp mọi nơi khiến hầu như tất cả những người Việt nào có chút lương tri đều thấy nghẹt thở, giáo dục có thể điềm nhiên coi mình là kẻ vô can đứng ngoài.

Xin đăng lại dưới đây bài phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc của phóng viên báo Lao động Phước Bình.

Bauxite Việt Nam

*

Thời gian qua, có nhiều vụ thảm án kinh hoàng. Từ những vụ việc như đánh nhau, điển hình là bạo lực học đường cho đến nhiều vụ án mạng xảy ra cũng từ những người trẻ, thậm chí trong số đó, có cả những người học cao. Vậy điều gì đã và đang xảy ra? Đằng sau những vụ thảm án, ngành giáo dục nước nhà có vô can? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam).

Thưa nhà văn, với suy nghĩ của cá nhân mình, ông có nhận định gì về những vụ thảm án vừa qua trên cả nước?
- Theo tôi, những vụ thảm án trên có thể gọi là cái ác xuất hiện trên sự vô cảm của con người.
Thông thường, với tâm lý con người, khi gây nên một vụ việc xấu họ thường cảm thấy hối lỗi, đau buồn, lo lắng và suy nghĩ nhiều trước bi kịch của người khác.
Tuy nhiên, có một số vụ, hung thủ vẫn thản nhiên như bình thường sau khi gây án. Họ không lo lắng, không trăn trở, không hề hoảng hốt. Đó thực sự là việc báo động cho sự vô cảm của con người với chính đồng loại.

Nhiều nhà tâm lý học phân tích, chỉ rõ những mấu chốt nằm trong suy nghĩ ở tâm sinh lý của giới trẻ. Theo ông, đó có phải là những nguyên nhân và nếu thực trạng là vậy, có giải pháp nào để khắc phục cũng như xây dựng một tâm lý tốt nhất, bền vững nhất ở đạo đức con người ngay từ thuở nhỏ?
- Theo tôi, lý do đầu tiên cần phải tạo cho con người tâm lý trăn trở, thương cảm với đồng loại. Bởi vậy, việc giáo dục trong nhà trường là điều cần thiết phải quan tâm.
Đơn cử, ở ta những môn học như Đạo đức, Giáo dục Công dân, bậc tiểu học hay trung học còn sơ sài, chung chung. Những môn học này chưa thể chuyển tải hết được thông điệp để xây dựng trong nhân cách con người. Đã đến lúc, giáo dục của Việt Nam cần thiết đưa vào giảng dạy những môn học về pháp luật về nhà nước, để giới trẻ ý thức được trách nhiệm của cá nhân với pháp luật và hiểu được vai trò, trách nhiệm của cá nhân với nước nhà.
Ví như ở Mỹ, họ có môn học giáo dục về nhà nước. Trong đó nêu rõ những vấn đề về chính trị, pháp luật cũng như việc ra đời của nhà nước. Công dân có những quyền và lợi ích như thế nào.
Bên cạnh đó, công dân sẽ biết được mình có nghĩa vụ, trách nhiệm nào với xã hội, đất nước...

Việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ là quan trọng. Ông có nhận xét gì về việc học sinh lơ là với những môn học về xã hội nhân văn?
- Thực tế, nhiều học sinh không ham, không muốn và cũng không ấn tượng với những môn học về khoa học xã hội như văn, sử, địa... Đây là lỗi của ngành giáo dục nước nhà, phải biết và hiểu được cách giảng dạy những môn học này đang diễn ra thế nào.
Với văn học, tôi có thể nói, qua tác phẩm văn học, người đọc phải có được sự liên tưởng, suy ngẫm về một con người, một số phận nào đó để họ có sự đồng cảm, rung động trước những mảnh đời đó. Nếu có sự đồng cảm này, con người cơ bản đã tu rèn về đạo đức, dần dần họ sẽ quen thuộc với những giá trị nhân văn trong nhân cách của con người.
Ví như, một người đi ra đường, nhìn thấy một người bán vé số, họ sẽ liên tưởng, tưởng tượng ra vì sao người đó bán vé số? Cuộc sống gia đình họ thế nào? Hoàn cảnh của họ ra sao?... Từ đó, những sự đồng cảm sẽ xuất hiện, đó cũng là đạo đức của con người.
Hay với "Truyện Kiều", đọc qua người đọc sẽ thấy được thân phận của người phụ nữ đẹp khi xưa thế nào? Cô Kiều xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh là vậy. Người đọc sẽ có sự rung động và thương cảm hơn với những cảnh đời, mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Là người tâm huyết nhiều năm trong ngành giáo dục, và đặc biệt là một nhà văn, ông có suy nghĩ gì về sự tác động của văn học với tâm sinh lý hay nền tảng đạo đức trong mỗi con người?
- Theo tôi, văn học có tác động rất lớn đến tâm sinh lý, suy nghĩ của con người. Học sinh được đào tạo, học về văn học không phải tất cả trong số ấy đều trở thành nhà văn.
Việc thụ hưởng một tác phẩm văn học, hướng con người đến sự liên tưởng, tưởng tượng và trăn trở hơn đối với mỗi số phận con người trong tác phẩm. Khi ấy, bước vào xã hội, họ sẽ có nhiều điều suy nghĩ, trăn trở với một số phận con người đó trong xã hội. Và khi gây ra một việc ảnh hưởng đến người khác, họ sẽ tự mình trăn trở về cái lỗi của chính mình. Họ thấy được cái sai của chính mình trong việc ấy. Làm người khác đau, buồn phiền họ cảm thấy mình cũng chẳng sung sướng hay vui vẻ gì cả. Chưa kể, làm đau một người, họ sẽ thấu được nỗi buồn của chính người thân của người mà mình đã làm hại.
Chẳng hạn, xem xong một bộ phim, nghe một bài nhạc, hay đọc một tác phẩm văn học… luôn có những trăn trở, những điều gửi gắm đằng sau đó. Đó là một bài học đưa con người hướng đến đạo đức giữa chính họ với đồng loại.
Có thể thấy được, phim truyện trên truyền hình hiện nay đang thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận và ít quan tâm đến giá trị của nó. Thực tế, ví như phim Hàn Quốc có nhiều bộ phim rất hay, rất ý nghĩa, nhưng Việt Nam khó có thể tiếp cận và mua về sử dụng vì nhiều lý do, có thể về tài chính, cũng có thể về lý do chủ quan của chính nhà đài.

Theo ông, có phải đã đến lúc ngành giáo dục nước nhà cần xem lại trách nhiệm và nghĩa vụ của mình?
- Thực trạng việc giáo dục những môn xã hội nhân văn hiện nay là thực dụng, trong khi đó, lẽ ra, phải hiểu rằng, những môn này góp phần giải quyết những vấn đề xã hội và góp phần phát triển xã hội. Điều này, đòi hỏi những lãnh đạo cần am hiểu và trân trọng những môn học về nhân văn.
Hiện tại, văn học nước nhà chỉ mới đang coi trọng cái đúng cái sai mà không coi trọng cái hay cái dở. Nhưng cái dở thì làm cho con người sống quen thuộc với sự tầm thường.
Nếu muốn đổi mới cho ngành giáo dục, theo tôi hãy thử cấm việc con cháu của các cán bộ, lãnh đạo đi du học sang nước ngoài rồi tự họ sẽ thấu hiểu được vấn đề giáo dục của nước nhà có điều gì đáng lo ngại, phải cấp thiết quan tâm và đổi mới.
Vấn đề cốt lõi của giáo dục, không chỉ dạy cái tài cho con người về kỹ thuật, nghiệp vụ mà cần quan tâm hơn nữa đến đạo đức con người. Đặc biệt, ở đây những bài học giá trị của lịch sử dân tộc hay những phận đời qua tác phẩm văn học là quan trọng. Nền giáo dục phải quan tâm đồng đều đến những môn học về tự nhiên và cả những môn về xã hội nhân văn.

Xin cảm ơn ông!
P.B.


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:45 

-----------------------------

XEM THÊM :

25.08.2015







3 comments:

  1. Thảm án như thế thì giáo dục cũng chỉ là góp một phần thôi, mà theo mình là một phần rất nhỏ, bởi lẽ nếu các vị đã đi học ở trường và hiểu về giáo dục của Việt Nam thì sẽ thấy, chẳng thầy cô nào lại dạy cho học sinh những thứ không phải là điều hay lẽ phải, chẳng thầy cô nào bảo chúng đi đánh nhau gây gổ hoặc làm điều xấu, một phần lớn là ảnh hưởng từ sự giáo dục của gia đình và xã hội thôi

    ReplyDelete
  2. Mình cũng đồng ý là giáo dục chỉ góp một phần, đối với đứa trẻ mà bản tính đã hư sẵn mà lại hay chơi với bạn xấu. bố mẹ không quan tâm hoặc thậm chí có những hành động không ra gì làm gương cho nó thì lớn lên cũng sẽ trở thành một người có hành vi và đạo đức không tốt, những vụ thảm sát không thể đổ lỗi cho giáo dục được

    ReplyDelete
  3. Tôi lạy cái trang bauxite, nói năng như thế mà cũng phun ra được, gây tha hóa con người thì giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm :v trước giờ chưa bao giờ thấy nơi nào đi học hành ở nhà trường của nhà nước thì sẽ gây tha hóa con người cả, vốn dĩ trên thế giới này lúc nào cũng có người nọ người kia, sao các ông không nhìn vào hàng triệu học sinh giỏi khác, thành tài và đang xây dựng đất nước để mà ca ngợi ngành giáo dục?

    ReplyDelete

View My Stats