Saturday, 22 August 2015

Olympic: Một sự kiện thất bại và không ai mong muốn (Joshua Philipp, Epoch Times)





Joshua Philipp, Epoch Times 
DK Lam dịch
20 Tháng Tám , 2015

Đây là tương lai của Olympic. Trong khi những quốc gia dân chủ thận trọng với việc đăng cai vì điều đó sẽ gây tăng gánh nặng thuế cho người dân, thì những quốc gia độc tài lại nhiệt tình nắm bắt cơ hội này để quảng bá hình ảnh trên trường quốc tế và tăng cường tính chính thống của chế độ tại quê nhà.

Trong cuộc bỏ phiếu cho thành phố đăng cai Olympic mùa đông 2022, chỉ còn 2 trong 8 thành phố là: Bắc Kinh, Trung Quốc và Almaty, Kazakhstan. Tỉ lệ bình chọn rất sít sao, nhưng Bắc Kinh đã chiến thắng với 44 phiếu, Almaty có 40 phiếu.

Như dự đoán, từng ứng cử viên một, các thành phố và khu vực ở những quốc gia dân chủ – Stockhlm, Krakow, Oslo, và Graubünden – đã rút khỏi tranh cử, dẫn đến việc Bắc Kinh là thành phố duy nhất trong lịch sử được chọn để tổ chức cả Olympic mùa đông lẫn mùa hè.

Mặc dù Trung Quốc cũng đang đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu như phần còn lại của thế giới, Gordon Chang, tác giả cuốn “ Sự sụp đổ cận kề của Trung Quốc”, nói rằng lý do Trung Quốc muốn đăng cai Olympic rất đơn giản “Bắc Kinh khao khát được thừa nhận tính chính danh, giống như mọi chế độ độc tài khác”.

“Vì sao họ sẵn sàng chi hàng tỉ đô la vào một điều mà không quốc gia nào mong muốn?” Ông Chang phát biểu qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại.

Tiếng nói dân chủ

Thiếu sự ủng hộ từ người dân có vẻ là nguyên nhân khiến một số thành phố quyết định không tranh cử đăng cai Olympic nữa. Khi Boston rút khỏi chiến dịch tranh cử Olympic mùa hè 2024, CEO Ủy ban Olympic Hoa Kỳ Scott Blackmun viết trong một thông cáo ngày 27 tháng 7 rằng họ không thể “nhận được sự đồng thuần của phần lớn người dân Boston” về việc tổ chức Thế vận hội.

Thị trưởng Boston Martin Walsh giải thích rõ ràng hơn “ Tôi không thể đặt những người nộp thuế vào tình thế nguy hiểm”, ông nói, theo NPR, “ Không có lợi ích nào thực sự đáng giá để đánh đổi tương lai tài chính của cả thành phố”.

Với một quốc gia tự do, tổ chức Olympic là một trách nhiệm nặng nề bao gồm phải chi rất nhiều đô la tiền thuế cho một sự kiện quốc tế mà mang lại nguồn thu ít và hàng thập niên nợ nần, đi cùng với đó là sự chỉ trích gay gắt từ báo giới, sự kêu gào từ những người nộp thuế, và sự khinh thị từ các cử tri khi đi bầu.

Kết quả là Olympic dần ít được tổ chức ở những quốc gia nơi tiếng nói của người dân ảnh hưởng đến việc chi tiêu thuế, theo ông Cheng Xiaonong, từng là trợ lý của Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương và CEO của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc hiện đại, trụ sở tại Princeton, bang New Jersey.

“Ngày càng ít các quốc gia dân chủ hứng thú với việc tổ chức Olympic”, ông Cheng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông nói thêm rằng cứ theo đà này thì Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ bị buộc phải “công nhận các quốc gia độc tài”.

Ông Cheng Xianong cho biết “Trung Quốc được chọn không phải vì họ là nơi tốt nhất… Họ được chọn vì họ là nơi tốt nhất trong số những nơi tệ nhất”.

Chính quyền Trung Quốc muốn tái lập hiệu ứng của Olympic Bắc Kinh 2008, ông Cheng nói. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố để hợp thức hóa luật lệ của nó. Nó cũng cố gắng nhấn mạnh nhận thức về sự trỗi dậy trở thành một thế lực toàn cầu của nó.

Ông nói “Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chứng minh sự thành công của họ cho thế giới, họ có thể đẩy mạnh chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, khi đó thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ dễ dàng bị lôi cuốn theo tư tưởng này”.

Ông Cheng bổ sung, mặc dù vậy, đăng cai tổ chức Olympic Mùa đông đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chơi với lửa.

Ông Cheng nói “Thế hệ trẻ Trung Quốc quan tâm về tiền bạc nhiều hơn là hình ảnh của một Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trở thành một ngôi sao đang lên.”

Tính ổn định của sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là dựa trên “chính danh qua hiệu quả thể hiện”, khi người dân tỏ ra hạnh phúc miễn là họ kiếm được tiền, ông Cheng nói.
“Kinh tế Trung Quốc đang rơi vào suy thoái thực sự – tệ hơn rất nhiều so với phương Tây nghĩ,” ông Cheng bổ sung “Khi Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức Olympic Mùa đông, kinh tế Trung Quốc lúc ấy hẳn đã gặp rắc rối lớn”.

Khi năm 2022 đến, ông nói, “thậm chí chính phủ Trung Quốc giàu có khi đó cũng có thể thiếu tiền”.

Một nhiệm vụ quá sức

Chi phí là một nhân tố quan trọng. Ông Chang phát biểu “Những cuộc thi đấu thể thao này là cực kỳ đắt đỏ để theo đuổi, và chỉ gây được ảnh hưởng tạm thời nhưng về lâu dài các thành phố sẽ mất rất nhiều tiền bạc cho nó.”

Ông nói “Tôi không thể nhớ là thời gian nào trước đây đã từng có trường hợp chỉ hai quốc gia tranh cử tổ chức Olympic. Nhưng đến nay rõ ràng là các quốc gia mất nhiều tiền của cho sự kiện này.”

Biểu đồ này thể hiện mức kinh phí mà các quốc gia phải chi để tổ chức Olympic(Frank Fang/Epoch Times)

Montreal mất 30 năm để trả nợ 1,5 tỉ USD cho Olympic 1976. Họ phải áp dụng thuế thuốc lá đặc biệt để bù vào khoản tiền 990 triệu USD bị thâm hụt.

Olympic mùa hè 2004 để lại cho Hy Lạp khoản nợ 11 tỉ USD. Olympic mùa đông 2010 ở Vancouver có chi phí 6,5 tỉ USD và người dân phải gánh khoản nợ 2,3 tỉ USD. Olympic mùa hè 2012 ở Luân Đôn tốn 14,6 tỉ USD và người dân chịu 4,4 tỉ USD.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc có kế hoạch chi 3,9 tỷ USD, nhưng lịch sử đã chứng minh thật hiếm khi một thành phố đăng cai Thế vận hội chỉ chi tiêu đúng như trong ngân sách .

NPR đưa tin mỗi kỳ Olympic kể từ năm 1960 đều vượt quá ngân sách dự chi trung bình là 179%. Họ trích dẫn thông tin từ hai nhà kinh tế học tại Oxford là Ben Flyvbjerg và Allison Stewart.

Tác phẩm điêu khắc miêu tả một cái búa và một cái liềm nổi trên một khung cảnh đường phố trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi ở Nga vào ngày 7 Tháng 2 năm 2014. (Yuri Kadobnov / AFP / Getty Images)

Từ kinh nghiêm tổ chức Olympic 2014 ở Nga cho thấy, Bắc Kinh có thể phải chi nhiều hơn đáng kể so với dự toán. Nga chi 51 tỉ USD cho Olympic, vượt quá xa mức dự toán 12 tỉ USD khi thắng thầu đăng cai năm 2007.

Bắc Kinh cũng được hy vọng sẽ xây dựng những công trình quan trọng phục vụ Olympic. Vì đất nước này không có lượng tuyết rơi cần thiết, các nhà tổ chức phải tạo băng tuyết nhân tạo, và một số sự kiện sẽ tổ chức ở Trương Gia Khẩu. Để đưa vận động viên và khán giả đến Trương Gia Khẩu, Bắc Kinh sẽ xây dựng một đường sắt cao tốc dài 90 dặm.

Trò chơi nhận thức

Kazakhstan cho thấy sự sẵn sàng và trình bày những lợi ích khi tổ chức Olympic. Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov tuyên bố, theo tờ ABC, Olympic sẽ làm nổi bật Kazakhstan trên bản đồ.

“25 năm trước chúng tôi là một phần của Liên Xô. Chúng tôi khi đó có hình ảnh khác,” ông nói. “Chúng tôi muốn thay đổi hình ảnh này. Chúng tôi muốn khán giả quốc tế hiểu rõ hơn những gì chúng tôi đang thực hiện và tương lai chúng tôi đang hướng tới.”

Chế độ cầm quyền ở Trung Quốc, mặt khác, ít cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng. Thay vào đó, họ chỉ vặn to âm lượng cho các cơ quan ngôn luận chính thức của chế độ. Các cơ quan truyền thông nhà nước đang làm tốt nhiệm vụ được kỳ vọng, một số dự án nước ngoài cũng góp phần vào chiến dịch tuyên truyền.

Trong một thông cáo báo chí của xê-ri truyền hình trên đài ABC 7 có tên “Khám phá Bắc Kinh: thành phố hiện đại từng là nơi có một hoàng cung” (Discover Beijing: A Modern City with an Imperial Past), Cimagine Media Group tuyên bố rằng phần tiếp theo sẽ “ghi nhận sự đổi thay và phát triển của Bắc Kinh những năm gần đây và hiện tại thành phố này đang chuẩn bị cho việc một lần nữa đăng cai một sự kiện thể thao tầm cỡ lớn.”

Cimagine Media Group là đối tác truyền thông của nhiều hãng tin nhà nước Trung Quốc, trong đó có Nhân Dân Nhật Báo.

Ở quê nhà Trung Quốc, sự kiện Olympic sắp tới không nhận được nhiệt huyết giống như sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008. Hầu hết các việc ăn mừng chỉ được tổ chức trong sân vận động Tổ Chim (Bird’s Nest stadium) trong một sự kiện chọn lọc 500 người tham dự.

“Người ta không còn hân hoan như năm 2001 sau khi Bắc Kinh được tuyên bố thắng quyền đăng cai Olympic mùa hè 2008″, ông Chang nói.

Tuy nhiên, theo ông Chang, câu hỏi thực sự ở đây là liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có còn ở đó nữa không khi sự kiện này được diễn ra.

“Tôi không nghĩ rằng năm 2022 họ [ĐCSTQ] còn ở đó nữa”, ông Chang nói, và sau đó ông bổ sung thêm rằng khi thời điểm sự kiện Olympic xảy đến, Ủy ban Olympic Quốc tế “có thể sẽ phát hiện ra rằng chẳng có Trung Quốc ở đó mà làm nước chủ nhà nữa.”








No comments:

Post a Comment

View My Stats