Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-08-25
2015-08-25
Buổi chiều ngày
30/3/2015, tại Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa
một số nghị sĩ của Đức và Thụy Điển với giới xã hội dân sự Việt Nam. RFA
Ngày
càng có nhiều ý kiến cho rằng sự lớn mạnh của xã hội dân sự tại Việt nam sẽ
đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.
Sau đây là cuộc thảo luận về đề tài này giữa Tiến sĩ
Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà nội, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt,
cựu tù nhân chính trị đang định cư tại Hoa Kỳ.
Buổi thảo luận diễn ra tại đài RFA ở Washington do
Kính Hòa thực hiện.
Kính
Hòa: Xin bắt đầu
bằng câu hỏi dành cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Thư ông trong bài viết mới đây
ông có trình bày những mô hình có thể cho tiến trình dân chủ hóa Việt nam,
trong đó ông tự nhận mình theo cách tiếp cận đến dân chủ hóa bằng xã hội dân sự.
Thưa Tiến sĩ ông đánh giá là xã hội dân sự Việt nam đã lớn mạnh hay chưa?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Rất nhiều người nghĩ rằng xã hội dân sự ở Việt nam
vừa yếu vừa kém, và không phát triển. Điều đấy cũng là sự thực, nhưng mà nếu
mình xét theo khía cạnh lịch sử, tức là nếu chúng ta so sánh Việt nam bây giờ với
các nước mà họ đã thành công trong việc chuyển đổi dân chủ, ở cái thời trước
chuyển đổi của họ độ khoảng 5, 7 năm thì tình hình xã hội dân sự của Việt nam
bây giờ là khá.
Kính
Hòa: Thưa
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, từ góc đứng ở Hoa Kỳ, với một khoảng cách mấy chục năm
xa Việt nam, quan sát xã hội dân sự Việt nam thì Giáo sư có đồng ý với Tiến sĩ
Nguyễn Quang A không?
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Điểm đầu tiên tôi đồng ý là nếu mình so sánh về lịch
sử thì chỉ khoảng cách đây 5 hay 10 năm thôi thì đã khác rất nhiều.
Và internet là một điều rất là quan trọng, vì thực sự
nếu mình nói về xã hội dân sự bây giờ thì trước đây mình không có tại Việt nam
có lẽ là vì không có internet. Nó giúp cho xã hội dân sự mặc dù nhà nước chưa
cho phép. Ngay cả những người hoạt động xã hội dân sự trong hai mươi mấy hội
đoàn thì thực sự cũng chưa thể hoạt động dưới đất một cách chính thức được.
Thành ra Internet rất là quan trọng, một điều mà cần phải nhận xét khi nói về
xã hội dân sự tại Việt nam, một xã hội dân sự tôi hay gọi đùa là trên trời, và
nó đang tìm cách hạ cánh xuống đất.
Đó là điểm thứ nhất, còn điểm thứ hai là nếu chúng
ta nhìn xã hội dân sự theo cái mô hình bình thường ở các nước thì chưa có ở Việt
nam vì nhà nước không cho phép, nhưng nếu chúng ta nhìn nó là những hoạt động của
người dân, thì chúng ta đã có từ lâu rồi, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại
đây. Những hoạt động của người dân ngày càng chủ động và tự động mặc dù nhà nước
không cho phép, mà đôi khi còn bắt bớ hay phá nữa. Nhưng mà chúng ta thấy nó đã
có và ngày càng mạnh lên.
Kính
Hòa: Xin trở lại
với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông có viết trong bài viết mới của ông về những
giai đoạn của tiến trình dân chủ, thì theo ông Việt nam vẫn đang ở trong giai
đoạn chuẩn bị. Thưa ông như vậy có bi quan quá không?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Không bi quan. Trong bài viết của tôi có nói đến 3
giai đoạn trong quá trình dân chủ hóa, là giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn chuyển
đổi, và giai đoạn củng cố. Đó là một sự tổng kết lý luận và thực tiễn kinh nghiệm
của hàng chục nước đã dân chủ hóa trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba. Và tôi
nghĩ rằng xét về tình hình cụ thể ở Việt nam thì Việt nam vẫn chưa bước vào
giai đoạn chuyển đổi. mà vẫn còn ở trong giai đoạn chuẩn bị thì nó là một thực
tế. Không phải bi quan hay lạc quan mà đấy là một sự thực. Chúng ta phải ghi nhận
sự thực ấy, và cái việc chúng ta hoạt động, chúng ta hành động như thế nào để
cho nó chuyển sang giai đoạn sau thì đó là cái việc của chúng ta nhận ra được
rõ mình đang ở vị trí nào.
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Thực sự ra có nhiều cách nhìn bổ sung cho nhau.
Giống như Tiến sĩ A nói là chuẩn bị hay quá độ, thì
tôi nhìn theo cái danjng kinh tế, văn hóa và chính trị. Nhìn như vậy có tính
như là chuyển đổi.
Chuyển đổi đầu tiên là về kinh tế. Rồi đến chuyển đổi
về văn hóa xã hội, rồi đến chuyển đổi về chính trị là sau cùng. Chính trị ở đây
hiểu theo nghĩa là thể chế, cơ chế, chính quyền. Thực sự ra nếu chúng ta hiểu
dân chủ theo nghĩa là toàn diện, tức là dân chủ trên kinh tế, dân chủ trong văn
hóa xã hội, dân chủ trong chính quyền, thì chúng ta thấy nó đã diễn ra rồi. Vì
vậy tôi mới chia làm ba giai đoạn, giai đoạn kinh tế, văn hóa xã hội, rồi đến
giai đoạn thứ ba mới là chính trị.
Như thế thì chúng ta thấy từ năm 2011, 2012, lúc mà
thảo luận về sửa đổi Hiến pháp chẳng hạn thì chúng ta thấy có hai ba bản Hiến
pháp đưa ra, thì tôi thấy đó là đã bước vào giai đoạn chuẩn bị để thay đổi thể
chế chính trị. Nhưng mà kinh tế đã xảy ra rồi, văn hóa xã hội cũng đã xảy ra vì
thế chúng ta mới thấy các NGO (Tổ chức phi chính phủ) ra đời, mặc dù nhà nước
chưa cho phép. Đó là cái cách nhìn như thế, nó bổ sung cho nhau.
Tức là dân chủ hóa là một tiến trình đi qua từng
giai đoạn như vậy. Và mỗi giai đoạn đều có chuẩn bị.
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Đó là những cách nhìn khác nhau về một tiến trình
dài. Như Giáo sư Hoạt thì nhìn theo những nhân tố cơ bản của một xã hội, là
kinh tế, văn hóa, chính trị. Còn chuyển đổi chính trị theo nghĩa chúng tôi hiểu
thì nó hẹp hơn một chút.
Ví dụ như là chuyển đổi dân chủ ở các nước Đông Âu
thì họ phải làm cả chuyển đổi chính trị lẫn kinh tế. Việt nam bây giờ thuận lợi
hơn họ, tức là chuyển đổi về kinh tế thì cơ bản đã xong rồi, chỉ còn chuyển đổi
chính trị mà thôi.
Từ trái phóng viên
Kính Hòa, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, và Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại đài RFA ở
Washington ngày 20 tháng 8, 2015
Kính
Hòa: Liên quan đến
sự thay đổi đó, thì theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, xã hội Việt nam bây giờ đã có
một sự đa nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Quang A có đồng ý rằng Việt nam bây giờ đã có
một sự đa nguyên hay không?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Bản chất của xã hội là một sự đa nguyên. Các lợi
ích khác nhau, các ý kiến khác nhau,… Mình có công nhận hay không công nhận sự
đa nguyên thì nó vẫn thế.
Giáo
Sư Đoàn Viết Hoạt: Nó đã có rồi…
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: …Nói đa nguyên ở đây chúng ta đang đấu tranh cho một
sự đa nguyên chính trị ở Việt nam. Chứ còn đa nguyên kinh tế ở Việt nam thì đã
có các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh
nghiệp tư nhân thì cũng có đủ loại. Còn những sở thích về văn hóa cũng như vậy.
Và ngay cả quan niệm về mặt chính trị cũng có nhiều
quan niệm khác nhau. Thì thực chất là bản chất của xã hội Việt nam là một xã hội
đa nguyên, vốn bản thân nó là như vậy. Bây giờ mình làm sao để mọi người, nhất
là giới lãnh đạo chính trị, chấp nhận đa nguyên chính trị nữa,
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Đấy mới là điểm hay. Một mặt xã hội và người
dân cứ như thế phát triển theo đúng qui luật khách quan của nó. Một mặt những
người cầm quyền độc tài chưa chịu chấp nhận nó, nhưng thực sự nó vẫn đang tiến
lên rồi.
Kính
Hòa: Thưa Tiến sĩ
Nguyễn Quang A, ông có một so sánh thú vị trường hợp chuyển đổi dân chủ của Ba
Lan và Việt nam. Quan hệ lịch sử giữa nước Ba Lan và nước Nga đế quốc, giữa nước
Việt nam và nước Trung Hoa đế quốc. Trong trường hợp Ba Lan, thì có một điểm
chung giữa những người cộng sản Ba Lan, những người cộng sản Xô Viết, và những
người đối kháng Ba Lan là không muốn có sự can thiệp xảy ra. Trong trường hợp
Việt nam là những người cộng sản Việt nam, Trung quốc, và những người đối kháng
Việt nam. Thưa ông hai trường hợp này có giống nhau?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Chưa có một nghiên cứu chi tiết về quan hệ Việt
Trung, nhưng tôi cũng có để ý xem là lợi ích của Trung quốc là cái gì, của ban
lãnh đạo Việt nam là cái gì, lợi ích của nhân dân Việt nam là cái gì. Tôi nghĩ
rằng cả ba đều có những điểm chung với nhau, vì tôi nghĩ rằng nếu có sự can thiệp
thô bạo của Trung quốc vào quá trình dân chủ hóa Việt nam thì sẽ làm cho Trung
quốc thiệt hại nhiều thứ, mà cái được của họ là không bao nhiêu. Tôi suy ra là
cũng giống như quan hệ giữa ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan, nhân dân Ba Lan, và
Kremlin mấy chục năm trước. Nhưng tất nhiên chỉ là cảm giác thôi, cần nghiên cứu
kỹ hơn về các lợi ích, các cái được và mất của các bên thì chúng ta mới rút ra
được kết luận chắc chắn.
Kính
Hòa: Giáo sư Đoàn
Viết Hoạt?
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi nghĩ rằng nó không tương đồng lắm. Ngay cả ban
lãnh đạo cộng sản Việt nam và Bắc kinh thì cái lợi ích đã dần dần không tương đồng
rồi. Trước đây thì rất tương đồng, bây giờ thì không.
Tôi nghĩ rằng ở đây vấn đề là làm sao giải quyết
quan hệ giữa đảng cộng sản Việt nam và Bắc Kinh, để tiến trình dân chủ hóa có
thể xảy ra tại Việt nam, vì thực ra đó là một trở ngại lớn. Một trở ngại hai mặt.
Một mặt ban lãnh đạop đảng cộng sản Việt nam cũng không muốn đẩy mạnh quá. Vì nếu
đi trước Bắc Kinh, làm phật lòng họ thì chưa chắc đã là tốt.
Mặt thứ hai cũng có thể là Bắc Kinh cũng đang có dự
án, một ý đồ thay đổi về chính trị, như là một mẫu mực để đảng cộng sản Việt
nam hay Việt nam nói chung noi theo. Cũng như trước đây họ cản trở không cho
mình vào WTO chẳng hạn.
Tôi nghĩ nếu không tương đồng như vậy thì có lẽ đó
là một trở ngại cho tiến trình dân chủ hóa. Nhưng nếu mình biết khai thác thì
nó cũng có thể là một cái tốt vì Việt nam có thể đi trước Bắc Kinh. Và nếu như
giữa ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và nhân dân Việt nam, đặc biệt là những
người đấu tranh, nếu có những lợi ích chung, càng ngày càng gần nhau, thấy rằng
việc dân chủ hóa Việt nam là chuyện không thể thoát được. Và đó là cái lợi ích
chung cho cả ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam và dân tộc Việt nam, quốc gia
Việt nam, nhất là trước nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh, nếu đạt được cái đó
thì tiến trình dân chủ hóa Việt nam sẽ đạt được những bước tiến rất mạnh.
Kính
Hòa: Có những ý
kiến cho rằng việc thương thảo để vào TPP và chuyến thăm vừa qua của ông Nguyễn
Phú Trọng đến nước Mỹ, có thể là một điểm rất quan trọng cho sự thay đổi cho Việt
nam từ đây trở về sau. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt có đồng
ý với ý kiến đó không?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Mối quan hệ Việt nam và Hoa Kỳ rất là quan trọng,
trong suốt 20 năm qua nó ngày càng nồng ấm. Tôi tin là trong tương lai sẽ càng
mật thiết hơn nữa, và đó là cái điều tốt cho Việt nam, tốt cho Hoa Kỳ, tốt
chung cho cả thế giới.
Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ mang tính
biểu tượng ghi nhận lại sự phát triển trong 20 năm qua. Nhưng tôi không lạc
quan, hay là đánh giá quá cao cái việc đó như là một sự thay đổi mang tính đột
phá, và là một sự chuyển trục sang phía Mỹ của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt
nam.
Tôi nghĩ không phải như vậy mà đây là một quá trình
tiệm tiến từ từ. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực trong nước. Người dân nếu ủng
hộ sự phát triển này, gây sức ép 24/7 với chính quyền, thực sự là để giúp bản
thân chính quyền thực hiện những cái họ nói.
Bây giờ cái mà họ nói, và cái họ làm khoảng cách
tương đối là xa. Nhân dân chỉ muốn là các ông nói như thế, thì cũng làm như thế.
Chúng tôi chỉ giúp các ông thực hiện những việc mà các ông nói rất là hay đó.
Nếu chúng ta thực hiện được những việc là bên trong
đấy ra, bên ngoài thì kéo để cho cái không gian hoạt động chính trị, không gian
xã hội dân sự mở rộng ra. Khi không gian này được mở rộng thì quá trình dân chủ
hóa dễ xảy ra hơn, và xảy ra một cách ít tốn kém cho dân tộc.
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Nhìn chung chúng ta thấy là từ khi đảng cộng sản
Việt nam chấp nhận đổi mới kinh tế, chấp nhận tham gia sự hội nhập quốc tế, thì
Việt nam ngày càng dễ phát triển. Cái đó rất là rõ. Và khi anh càng hội nhập quốc
tế bao nhiêu thì anh càng phải nới rộng, giống như Tiến sĩ A nói, cái không
gian cho người dân. Anh không thể nào thắt chặc cái không gian của người dân nếu
anh muốn hội nhập vào cái không gian chung của thế giới. Thành ra cái việc vào
TPP hay xích lại gần với Mỹ là một xu thế bắt buộc. Không thể nào đi ngược lại.
Vậy nên cái đó nếu mà chậm thì chỉ làm chậm lại sự phát triển thôi. Và đó là một
cái không thể cưỡng lại được.
Kính
Hòa: Câu hỏi cuối cùng xin dành cho Tiến sĩ Nguyễn
Quang A là với tư cách một người thành danh tại Hungary. Mà Hung nay có vẻ là một
sự chuyển đổi dân chủ khá thành công trong sự chuyển đổi ở Đông Âu. Vậy theo
ông Việt nam có thể học được những gì từ mô hình đó?
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Thực sự thì không chỉ có kinh nghiệm của
Hungary. Kinh nghiệm của nước này cũng có những bài học dở mà chúng ta nên
tránh. Trong 10 năm qua tôi đã nghiên cứu tất cả các trường hợp của Đông Âu,
kinh nghiệm các nước Nam Âu, kinh nghiệm các nước Mỹ latin, Nam Phi, và quan trọng
là những nước láng giềng của chúng ta như Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hàn
quốc. Từ kinh nghiệm của các nước ấy, các nước khác nhau một trời một vực, về địa
lý, về văn hóa, về kinh tế, về môi trường chính trị, nhưng có những bài học
chung để chúng ta có thể học, hoặc chúng ta có thể tránh.
Tôi nghĩ rằng từ những bài học đó, chúng ta có thể
hình dung ra là chúng ta nên hoạt động như thế nào để quá trình dân chủ hóa ở
nước mình nó tiến hành một cách suông sẻ hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn.
Kính
Hòa: Mời Giáo sư
Hoạt.
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Các nước rất khác nhau đặc biệt là so với Việt
nam rất là khác. Cái khác lớn nhất theo tôi là đảng cộng sản Việt nam. Ở những
nước kia không có cái tổ chức như là đảng cộng sản Việt nam. Từ lúc sinh ra, lớn
lên trong bao nhiêu cuộc đấu tranh. Cho đến bây giờ nó có bao nhiêu kinh nghiệm,
cái cách cai trị rất đặc biệt vì thế đó là một trở ngại rất là lớn, nếu đảng cộng
sản không đưa ra được những con người mới thì quá trình dân chủ hóa vẫn rất khó
khăn.
Mặc dù là sự đấu tranh của quần chúng đặc biệt là của
giới trẻ, mà tôi có niềm tin là ngày càng mạnh. Điều đó sẽ là một áp lực rất lớn
và áp lực ngay lên nội bộ đảng cộng sản để cho những khuynh hướng cởi mở hơn, cấp
tiến hơn sẽ thắng.
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A: Không có nước nào giống nước nào cả, ngay cả các
nước xã hội chủ nghĩa với nhau. Nhưng cũng có những điểm chung. Chẳng hạn như
các nước cộng sản Đông Âu mà tôi sống ở đó 13 năm, thì tôi thấy giống đảng cộng
sản Việt nam lắm, từ bộ máy nhà nước đến các tổ chức quần chúng.
Hoặc chúng ta nhìn sang Đài Loan, cái bộ máy tổ chức
của Quốc dân đảng rất giống cộng sản.
Nhìn cái sự so sánh như thế thì tôi có sự lạc quan
hơn so với Giáo sư Hoạt cho rằng Việt nam rất là đặc biệt, vì người ta cho rằng
Việt nam nó khác.
Tôi nghĩ rằng Việt nam đúng là khác, nhưng Việt nam
không phải là một ngoại lệ.
Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi không phải không lạc quan đâu, bởi vì người Việt
nam nói chung, kể cả người Việt nam cộng sản, nó rất là đặc biệt, và cái đặc biệt
đó sẽ giúp bung phá tình hình.
Kính
Hòa: Xin Cám ơn
hai ông.
No comments:
Post a Comment