Thursday, 5 June 2014

VÌ SAO VIỆT NAM VẪN CHƯA CÓ SỰ KIỆN THIÊN AN MÔN ? (Tâm Đon - Dân Luận)




Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Sáu, 06/06/2014

Sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc mãi mãi là khúc ca bi tráng về khát vọng tự do, dân chủ của nhân dân Trung Quốc nói chung, và của tầng lớp trí thức-sinh viên Trung Quốc nói riêng. Nếu một ngày nào đó, dân chủ và tự do được thiết lập ở Trung Quốc, cần minh xác một điều rằng, chính sự kiện Thiên An Môn là tác nhân quan trọng đầu tiên xác lập thiết chế dân chủ và tự do đó.

Tại sao Việt Nam, một đất nước, một chính thể có rất nhiều nét tương đồng với Trung Quốc chuyên chế lại chưa nổ ra một sự kiện Thiên An Môn tương tự? Và, bao giờ Việt Nam bùng phát một Thiên An Môn long trời lở đất để có thể dẫn đến một sự thay đổi tích cực?

Đối với câu hỏi thứ nhất, không thể dùng các luận thuyết ưu việt của thể chế dân chủ để trả lời. Việt Nam trong thời hiện đại có những hoàn cảnh lịch sử éo le và bi đát hơn Trung Quốc láng giềng, và xa hơn là các nước tuân theo ý thức hệ cộng sản ở Đông Âu. Vì thế chỉ có thể giải đáp câu hỏi thứ nhất bằng chính những hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Giai đoạn trước năm 1975, trong khi người dân miền Nam Việt Nam đã được thụ hưởng những thành quả đầu tiên của nền dân chủ sơ khai, thì nhân dân miền Bắc Việt Nam với não bộ được tẩy xóa đậm đặc vẫn tuyệt đối tin tưởng vào ánh hào quang của chủ nghĩa Marx-Lenin bách chiến bách thắng, vào ảo vọng của những huyền thoại vu vơ. Dưới sự lãnh đạo và cai trị cứng rắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân miền Bắc Việt Nam quá bận bịu với cuộc chiến ý thức hệ - cuộc nội chiến Bắc – Nam, họ hoàn toàn không bận bịu về các giá trị tự do và dân chủ. Một Thiên An Môn đã không diễn ra ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 là một điều dễ hiểu.

Năm 1975, sau khi miền Bắc đánh bại thể chế dân chủ miền Nam, Việt Nam bước vào một thời kỳ khổ đau không kém các đau khổ quằn quại trong cuộc chiến vừa chấm dứt không lâu. Giai đoạn này có thể được phân ra 10 năm với mốc 1976-1986. Với sự giáo điều mù quáng của lý luận Marx-Lenin, với sự cứng rắn đến cực đoan và tàn bạo, chính thể cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phi nhân trên toàn miền Nam như thực hiện chính sách cải tạo, đánh tư sản và xóa tan các định ước kinh tế thị trường đầy sức sống để thay vào đó bằng nền kinh tế tập thể-nhà nước vô trách nhiệm. Các đau đớn và quằn quại liên tiếp xuất hiện, bất hạnh nối tiếp bất hạnh.

Nhưng, một Thiên An Môn vẫn không xuất hiện trên toàn cõi Việt Nam. Vì sao? Vì, đối với những người cộng sản và những người có liên quan mật thiết đến cộng sản ở Việt Nam, họ vẫn còn bị huyễn hoặc về các chiến thắng chống Pháp, chống Mỹ, chống PolPot và Khmer đỏ, chống bành trướng Trung Quốc. Các chiến thắng đó với sự tô vẽ và tô hồng của một bộ máy tuyên truyền khổng lồ đã làm cho đa phần người dân Việt Nam, nhất là người dân miền Bắc vẫn có một niềm tin lớn vào lý tưởng cộng sản, tin vào các giá trị và phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam dù nhiều người dân, nhiều trí thức đã phần nào nhận ra những sai lầm của đảng cộng sản, nhưng đối với họ đó là những sai lầm mang tính nhất thời và giai đoạn.

Nhưng, trong giai đoạn 1976-1986 này, nhiều người dân miền Nam Việt Nam đã nhận thức đúng đắn về những cay đắng mà chính thể cộng sản đã mang đến cho họ. Họ đã phản kháng bằng những cuộc di cư bi phẫn và đau đớn, đó là phong trào thuyền nhân - vượt biên bi thảm nhất của nhân loại với khoảng 700 ngàn người chết đói - chết khát và chết đuối trên biển. Cuộc di cư bi phẫn đi tìm tự do và dân chủ chứ không phải đi tìm những ham muốn đời thường và bản năng đã làm cho thế giới văn minh bàng hoàng và chính thể Việt Nam bối rối.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sự hả hê của những người sở hữu súng đạn và sự buồn đau của những người sở hữu khát vọng tự do dân chủ đã không thể trở thành đồng minh để có thể làm nên một Thiên An Môn.

Giai đoạn 1987-1993 ở Việt Nam là buổi giao thời đầy dông bão. Đa phần người dân Việt Nam tin tưởng vào công cuộc cải tổ và đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng. Kết quả bước đầu của công cuộc đổi mới đã phần nào xoa dịu vết thương lòng của người dân. Từ đói khổ cùng cực, người dân đã có đủ miếng cơm tấm áo, họ tạm thời quên đi những cay đắng tột cùng do ý thức hệ cộng sản mang lại, họ tạm hài lòng với cuộc sống.

Nhưng trong giai đoạn này ở Việt Nam, ý thức phản kháng, ý thức phản tỉnh của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể bằng các phương thức bất mãn, yếm thế và trào lộng. Trong giai đoạn này đã ghi nhận sự phản kháng mang tính hệ thống và khoa học của một trào lưu tư tưởng mới mẻ thể hiện qua các bài viết, bài nói chuyện được lưu hành và lưu truyền bí mật của các nhà cấp tiến Trần Phương, Trần Độ, Nguyễn Minh Cần, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu…Những con người dũng cảm này sẵn sàng chia tay ý thức hệ, sẵn sàng dắt tay nhau đi dưới ánh sáng chỉ đường của ngọn cờ trí tuệ( mượn chữ của Hà Sĩ Phu). Đây là buổi giao thời của nhận thức, của những định đoán về giá trị thực sự của dân chủ tự do và chủ nghĩa cộng sản. Có vẻ như, trong giai đoạn này, tầng lớp tinh hoa của Việt Nam đã nhận thức được rằng, dân chủ là đích đến của loài người nói chung và Việt Nam nói riêng trong khi đại đa số người dân Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chia tay ý thức hệ. Vì lẽ trên, một Thiên An Môn đã không diễn ra.

Trong giai đoạn 1994-2005, Việt Nam có những thành tựu to lớn, vượt bậc về phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP hàng năm đạt mức cao, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt mức cao và hợp lý, thu nhập bình quân trên đầu người tăng mạnh…., đã phần nào làm dịu lại mọi hoài nghi về bản chất của chủ nghĩa cộng sản và nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò độc tài-độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng sự hội nhập quốc tế đã mở toang cánh cửa nhận thức. Trong giai đoạn này, người dân Việt Nam lần đầu tiên được mở rộng tầm nhìn qua các chuyến xuất ngoại (theo dạng du lịch, thăm thân nhân, giao thương….) đã tự nhiên đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại quá nghèo so với Thailand, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore lân cận, chưa kể là quá nghèo và bất hạnh so với Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Thực tiễn sống động đã đưa đến cho người dân Việt Nam một nhận thức quan trọng: chỉ có giá trị và phẩm chất của thể chế dân chủ mới tạo nên sự thịnh vượng, hạnh phúc và hùng mạnh, còn ảo tưởng chủ nghĩa cộng sản-chủ nghĩa xã hội chỉ đưa đến đói nghèo-bất hạnh và đau đớn.
Nhưng, Thiên An Môn của Việt Nam vẫn không xảy ra trong giai đoạn này vì nhận thức chân lý diễn ra không đồng đều giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng dân số địa lý Bắc – Nam, vì các chính sách “bàn tay sắt” được lồng ghép thâm độc với các trò mị dân của chính quyền, vì sự hài lòng với hiện trạng no ấm của người dân.

Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2013, Việt Nam sôi sục lên trong các vấn đề kinh tế-chính trị và xã hội. Về kinh tế, hết sức bất ổn với tăng trưởng GDP thấp, lạm phát cao, thu nhập bình quân trên đầu người giảm xuống thấp, tiêu thụ sụt giảm mạnh. Tình trạng xã hội có nhiều bất an, tội phạm tàn độc tăng trưởng đột biến, tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo được kéo dãn vô cùng. Về chính trị, có vẻ như nhà cầm quyền đã phần nào nhận thấy sự lúng túng về phương pháp luận của một ý thức hệ đã lỗi thời kéo theo đó là sự xung khắc của các nhóm quyền lực, các nhóm lợi ích, các nhóm cấp tiến và bảo thủ…Lòng người Việt Nam xáo động và bất an hơn bao giờ hết.

Trong giai đoạn này, sự phát triển như vũ bão của các công nghệ mới, của Internet, của các mạng truyền thông xã hội đã có tác động tích cực đến nhận thức của người dân, từ tinh hoa đến cấp tiến và phần nào là tầng lớp bình dân. Thực tại cuộc sống khó khăn trăm bề và nhận chân giá trị về dân chủ-cộng sản đã tạo nên những giá trị mới, những đòi hỏi mới về dân sinh-dân chủ-dân quyền-thoát Trung-thoát Cộng. Người dân Việt Nam đã nhận thức được rằng, họ không thể mãi sống trong một thể chế lạc hậu đã bao năm đưa đến đói nghèo và bất hạnh, và, mơ ước lớn nhất của họ là được sống trong một xã hội dân chủ.

Những tù nhân lương tâm đang ngày đêm khổ đau trong chốn lao tù, những cuộc biểu tình uất nghẹn chống Red China, những trang mạng được nhiều người tìm đọc là Bauxite Việt Nam và Ba Sàm là biểu hiện sinh động của mơ ước ấy.

Vậy, tại sao trong giai đoạn này Việt Nam vẫn không có một Thiên An Môn?

Con sóng mạnh bao giờ cũng phải tích lũy năng lượng. Theo qui luật này, con sóng Thiên An Môn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tích lũy năng lượng để có thân sóng dài, chân sóng rộng, đỉnh sóng cao và bước sóng dài vô tận. Có thể con sóng này chỉ xuất hiện một lần, và nhấn chìm tất cả bọt bèo.

Nhưng, quan trọng nhất, nguyên nhân đến từ phía chính quyền. Không thể phủ nhận một thực tế rằng, trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển dân chủ ở Việt Nam bằng các biện pháp kiên quyết và tàn độc. Chính quyền triệt để ngăn cấm và đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, dùng các biện pháp hạ tiện và lưu manh để không chế và phá vỡ các mối liên kết của những người khát khao dân chủ. Một lần nữa, chính quyền lại thắng và người dân lại thua, khác với các thể chế dân chủ là người dân luôn luôn thắng và chính quyền luôn luôn thua.

Bên cạnh đó, để đàn áp khát vọng dân chủ, chính quyền Việt Nam đã mua chuộc sự trung thành của các lực lượng chuyên chế như công an, quân đội bằng cách ban phát cho hai lực lượng này các đặc quyền đặc lợi khủng khiếp. Nhà nước Việt Nam cũng tiến hành mua chuộc sự trung thành của giới công chức bằng cách làm ngơ hoặc xử lý nhẹ các hành vi nhũng nhiễu và tham nhũng của giới này. Nhà nước Việt Nam còn áp dụng biện pháp chống “diễn biến hòa bình” có một không hai trên thế giới là tạo ra những lực lượng bán chuyên nghiệp có các chức năng không rõ ràng như tổ khu phố, thanh niên tình nguyện, lực lượng dân phòng, lực lượng quản lý đô thị, lực lượng dư luận viên….Tất cả các lực lượng nàyvốn ngốn ngân sách mạnh như ngựa hủy diệt đồng cỏ, thực sự là nỗi ám ảnh, mối đe dọa với những người khát khao dân chủ.

Việt Nam chưa có một Thiên An Môn trong quá khứ không đồng nghĩa với Việt Nam sẽ không có một Thiên An Môn trong tương lai. Có lẽ, cơn bão đang đến gần. Có lẽ, con sóng lừng đáng sợ nhất đang ngày đêm miệt mài tích lũy năng lượng để có thân sóng dài nhất, chân sóng lớn nhất, đỉnh sóng cao nhất và bước sóng dài nhất để có thể quét sách mọi rác rưởi.

Cơn bão ấy, con sóng ấy đang được định hình trong những phong trào dân oan đòi đất, trong những người tù nhân lương tâm đã không nuối tiếc tự do của mình, trong những mảnh đời bần hàn và bất hạnh, trong những cuộc biểu tình ngắn ngủi chống Red China để thoát Cộng, trong những trang web lừng danh như Ba Sàm - Bauxit Việt Nam mỗi ngày thu hút hàng triệu lượt truy cập, trong những ước muốn khôn nguôi đòi hỏi phải hiện thực hóa các quyền lợi cơ bản của con người.

Sài Gòn, 05-6-2014
Tâm Đon



No comments:

Post a Comment

View My Stats