Được đăng ngày Thứ ba, 03 Tháng 6 2014 21:11
Sau khi bài viết “Thấy gì qua những thư ngỏ,
tuyên cáo, kiến nghị…?” lên trang thì chúng tôi nhận được ba phản
hồi của độc giả Thông Luận.
Độc giả đầu tiên là Việt Tiến đã bày tỏ sự “tin
tưởng vào đường đi nước bước của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên”. Chúng tôi chỉ
biết nói lời cám ơn bạn và hy vọng bạn tiếp tục ủng hộ chúng tôi trong những
ngày tháng tới.
Độc giả thứ hai là Tu Duy đặt câu hỏi: “Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên có kế sách gì trong vụ giàn khoan HD 981 cũng như việc tranh
chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc?”. Vấn đề này đã có câu trả lời
trong bài “Kỷ lục của eThông luận và câu trả lời ngắn nhất của chúng
tôi”. Nay tôi xin tóm tắt như sau, chìa khóa để giải quyết mọi vấn
để cho Việt Nam (chứ không riêng gì vấn đề biển đảo và chủ quyền) là: Việt Nam
phải có Dân chủ. Và để đất nước có dân chủ thì phải có các tổ chức chính trị
dân chủ xuất hiện và tham gia vào chính trường và muốn có các tổ chức chính trị
dân chủ thì trí thức Việt Nam phải tham gia, ủng hộ và góp sức để hình thành
nên các tổ chức chính trị dân chủ đó.
Việc cần làm ngay trước mắt thì chúng tôi hoàn toàn
đồng tình với những gì mà giới học giả và giới hoạt động chính trị Việt Nam đề
nghị, đó là kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế và chính quyền không được
ngăn cấm các cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân phản đối các hành vi xâm lược
và gây hấn từ phía Trung Quốc.
Độc giả thứ ba là ông Đan Tâm và phản hồi của ông
cũng là trọng tâm của bài viết này. Ông không đồng tình với chúng tôi. Điều này
là chuyện bình thường trong một xã hội dân chủ. Dân chủ là đa nguyên vì vậy cần
phải tôn trọng mọi sự khác biệt. Dù không đồng tình với chúng tôi nhưng ông đã
phản hồi một cách rất có “văn hóa chính trị” bằng thái độ ôn hòa và sự đối thoại.
Chúng tôi cám ơn ông vì điều đó và xin trao đổi thêm với ông qua bài viết này.
Nói thật với ông khi viết bài này chúng tôi đã chuẩn
bị để đón nhận những phản đối gay gắt hơn từ giới trí thức Việt Nam. Tuy nhiên
đa số đã im lặng và chúng tôi hiểu rằng họ không còn phản đối chúng tôi nữa dù
họ không đồng ý với chúng tôi. Đây là một sự trưởng thành của trí thức Việt
Nam: họ chấp nhận những ý kiến khác biệt thay vì chụp mũ và công kích.
Phản
hồi của độc giả Đan Tâm có ba ý, đầu tiên ông viết: “Chê bai vài người thì còn tạm nghe được nhưng chê bai cả giới trí thức
thì thuyết phục được ai?”.
Thưa ông, chắc ông biết câu “quốc gia hưng vong, thất
phu hữu trách”? Để đất nước Việt Nam ra nông nỗi như ngày hôm nay thì lỗi đấy tại
ai? Đảng cộng sản Việt Nam không phải là mối họa từ trên trời rơi xuống. Chính
nhờ sự tiếp tay và ủng hộ của phần lớn giới trí thức Việt Nam nên đảng cộng sản
mới có thể tồn tại suốt 69 năm qua tại Việt Nam và không biết đến bao giờ mới kết
thúc. Ông Mác, ông Ăng-ghen là người Châu Âu và các đảng cộng sản đầu tiên ra đời
tại Châu Âu thế nhưng nó chưa bao giờ giành được chiến thắng trong bất cứ một
cuộc bầu cử nào và chưa bao giờ được cầm quyền tại Châu Âu (trừ nước Nga). Lý
do cũng rất đơn giản vì giới trí thức Châu Âu đã biết rõ rằng chủ nghĩa cộng sản
là thứ “viển vông” nên họ đã lên tiếng và báo động cho người dân được biết vì vậy
Châu Âu tránh được cái họa cộng sản. Trong khi đó trí thức Việt Nam đã đón
nhận chủ nghĩa Mác-Lênin hồ hởi như thế nào? Và đã rước cái chủ nghĩa độc hại
đó về Việt Nam ra sao? Giờ đây chúng ta đứng trước mối họa mất nước, nhưng
thay vì ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn để tạo dựng cho tổ chức
đó một tầm vóc lớn mạnh để làm đối trọng với đảng cộng sản, buộc đảng cộng sản
chấp nhận cuộc chơi dân chủ thì giới trí thức Việt Nam vẫn cứ làm cái việc “viển
vông” là đi van xin đảng cộng sản thay đổi ( y như đảng cộng sản van xin Trung
Quốc đừng lấy đất, lấy biển của Việt Nam vì hai nước có cùng ý thức hệ, vừa là
anh em…). Nếu đảng cộng sản không nghe thì sao? Lại tiếp tục chờ đợi và van xin
tiếp hay sao? Tại sao không tạo THẾ và LỰC cho một tổ chức đối lập để gây sức
ép buộc đảng cộng sản thay đổi?
Ý thứ hai, ông cho rằng “(Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên) hoạt động mấy chục năm mà không làm cho dân thấy được kết quả gì rồi lại
bảo dân “lầm tưởng” thì tội nghiệp cho người dân quá!”.
Hình như ông chưa hiểu ý chúng tôi! Chưa bao giờ
chúng tôi trách móc hay chỉ trích người dân Việt Nam mà chúng tôi chỉ phê phán
giới trí thức Việt Nam vì vai trò của giới trí thức là Hướng dẫn và Lãnh đạo quần
chúng. Chúng tôi chỉ kêu gọi người dân Việt Nam ủng hộ chúng tôi chứ chúng tôi
không trách họ. Trách làm sao được người dân? Xây dựng các tổ chức chính trị, đề
ra cương lĩnh chính trị, tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng của người dân để đưa
ra những giải pháp giải quyết những nhu cầu và đòi hỏi của người dân …là nhiệm
vụ của các đảng chính trị và giới trí thức Việt Nam. Người dân không lãng mạn,
không kiên nhẫn và không có trách nhiệm dấn thân chính trị. Họ chỉ biết chờ đợi.
Họ chỉ thực sự xuất hiện và tham gia vào giai đoạn cuối cùng của cuộc cách mạng
khi họ thấy rõ ràng là cuộc cách mạng đã thành công.
Cũng có thể ông cho rằng chúng tôi chưa làm được gì
trong mấy chục năm qua mà lại đi trách người khác? Chúng tôi hiểu được sự khó
khăn để thay đổi quan điểm và tư duy của cả một dân tộc về tư tưởng, chính trị,
dân chủ, tự do và cách mạng …vì vậy suốt 30 năm qua chúng tôi đã bền bỉ tạo ra
những đột phá về tư duy dân chủ cho người dân Việt Nam. Báo giấy Thông Luận trước
đây và báo điện tử eThôngLuận bây giờ là tờ báo khai phá về khoa học-chính trị
duy nhất của đối lập dân chủ Việt Nam trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng là tổ
chức chính trị dân chủ duy nhất có các nghiên cứu đầy đủ về tư tưởng chính trị,
về các bước hình thành và gây dựng một tổ chức chính trị và phương pháp dẫn
phong trào dân chủ đến thành công. Chúng tôi đã tóm tắt các chủ đề này trong Dự
Án Chính Trị-Thành Công Thế Kỷ 21.
Người Việt Nam không chỉ kém cỏi về chính trị mà hầu
như trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, thể thao, văn học nghệ thuật, … Chúng ta
chưa có một đóng góp gì cho nhân loại. Chúng ta quen với lối làm việc thủ công
và cảm tính thay vì cách làm việc và tư duy khoa học, có chiều sâu như người
Châu Âu. Chúng ta chỉ tính cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái lợi lâu dài. Nhiều
doanh nhân lớn Việt Nam ngã ngựa trong thời gian qua là một ví dụ. Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên hình thành và phát triển theo phương pháp của người Châu Âu, tức
là có chiều sâu, có các nghiên cứu cẩn thận và đường lối rõ ràng trước khi hành
động. Chúng tôi không manh động để lấy thành tích và tiếng vang. Có lẽ vì lối
tư duy và hành xử mới mẻ đó khiến nhiều người không nhận ra được những thành quả
mà chúng tôi đạt được trong 30 năm qua. Dù rằng vẫn còn khiêm tốn nhưng nó rất
khả quan và đầy triển vọng.
Ý kiến thứ ba của ông là: “Giới trí thức “tinh
hoa” Việt Nam trong cũng như ngoài đảng” rất ít, không thể kết hợp đủ lực để
gây sức ép với nhà cầm quyền. Vả lại, viết tốt về mình và chê bai trí thức như
bài này cũng khó mà kết hợp được “giới trí thức tinh hoa”. Gương Công Đoàn Đoàn
Kết Ba Lan kết hợp cả giới trí thức, công nhân, nông dân, những người làm văn
phòng và các lực lượng có phương hướng tranh đấu khác nhau lên đến gần 10 triệu
thành viên (1 nửa dân số trưởng thành) mới có thể đình công gây tê liệt sinh hoạt
xã hội, mới có thể ép đảng CS ngồi vào thương lượng và cuối cùng (phải mất 10 năm
tranh đấu) mới chuyển qua dân chủ”.
Chúng tôi đồng ý với ông rằng trí thức tinh hoa Việt
Nam hiện vẫn còn ít, chưa nhiều. Tuy nhiên lực lượng này sẽ xuất hiện ngày càng
đông khi có một tổ chức chính trị đối lập dân chủ đứng đắn có đủ uy tín và
phương pháp để dẫn một cuộc cách mạng đi đến thành công. Họ đang ẩn mình và chờ
đợi. Chúng tôi hy vọng với thời gian và nhất là qua những hành động ngang ngược
của Trung Quốc mới đây và sự nhún nhường quá mức của đảng cộng sản Việt Nam trước
Trung Quốc sẽ đánh thức được khối trí thức tinh hoa này. Họ sẽ đứng dậy và nhập
cuộc cùng chúng tôi để viết lên một trang sử mới cho dân tộc: trang sử của một
nước Việt Nam dân chủ và cường thịnh.
Chúng tôi nhận thấy ông đã mâu thuẫn với chính mình
khi đem Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan ra làm ví dụ. Chúng tôi là người đang hướng tới
một cuộc thay đổi trong hòa bình như Ba Lan. Chúng tôi chưa có tầm vóc của Công
Đoàn Đoàn kết vì trí thức Việt Nam vẫn chưa chịu ủng hộ và nhập cuộc cùng chúng
tôi, cũng có thể vì họ đang mải viết thư ngỏ. Ông chỉ nhìn thấy Ba Lan khi đã
thành công mà không thấy được những khó khăn ban đầu của những người khởi xướng
Công Đoàn Đoàn Kết. Chúng tôi đã tiếp xúc với họ và họ cho biết buổi ban đầu họ
cũng gặp nhiều khó khăn như chúng tôi bây giờ nhưng cuối cùng họ đã chiến thắng
vì họ là hiện thân của tương lai. Họ là người biết gieo trồng, chăm sóc
“cây dân chủ” để có một mùa bội thu, còn trí thức Việt Nam thì chỉ muốn thu hoạch
ngay chứ không muốn mất công gieo trồng và chăm bón. Đó cũng chính là sự khác
biệt lớn nhất của chúng tôi với các tổ chức chính trị khác và nhất là với các
trí thức nhân sĩ hoạt động không có tổ chức, cốt chỉ để gây tiếng vang và đánh
bóng bản thân mình. Họ tự khoác cho họ phong cách của một lãnh tụ mạc nhiên với
một số ít thành tích…
Việt
Hoàng
No comments:
Post a Comment