Wednesday 4 June 2014

TÒA ÁN QUỐC TẾ ĐÒI BẮC KINH ĐƯA BẰNG CHỨNG VỀ ĐÒI HỎI CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG (RFI, BBC, VOA)




Đức Tâm  -  RFI
Thứ tư 04 Tháng Sáu 2014

Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 03/06/2014, yêu cầu Trung Quốc, trong vòng sáu tháng, cung cấp các luận cứ và bằng chứng để biện hộ cho các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đã từ chối tham gia vụ kiện mà Manila đã khởi xướng từ năm ngoái.

Trong thông cáo được công bố ngày hôm qua, tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, đã đề nghị, từ nay đến 15/12/2014, phía Trung Quốc cung cấp các luận cứ và bằng chứng cụ thể, phản bác đề nghị của phía Philippines.

Năm ngoái, chính phủ Philippines đã đệ đơn, đề nghị tòa án Liên Hiệp Quốc xem xét tính pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường chín đoạn ở Biển Đông – mà Việt Nam thường gọi là bản đồ hình lưỡi bò do Bắc Kinh đưa ra. Theo bản đồ này, gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Hôm nay, các quan chức Philippines, lại một lần nữa, kêu gọi Trung Quốc tham gia vụ kiện để có được một giải pháp hòa bình và bền vững cho các tranh chấp lãnh thổ.

Sau khi chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc, ngày 30/03/2014 vừa qua, Philippines đã hoàn tất hồ sơ, cung cấp luận cứ và bằng chứng, phản bác các đòi hỏi về chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông cáo ngày hôm qua của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng cho biết, vào tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã gửi thông báo nhắc lại rằng Bắc Kinh « không chấp nhận vụ kiện lên tòa án trọng tài do Philippines khởi xướng », nhưng theo các thẩm phán của tòa án trọng tài, thì thông báo nói trên không liên quan gì đến việc Trung Quốc chấp nhận hoặc tham gia thủ tục kiện.

Mặt khác, tòa án trọng tài cũng nêu khả năng tiếp tục nghe phía Philippines trình bày luận cứ của mình, cho dù Trung Quốc không tham gia và xác định các bước tiếp theo, sau khi tham khảo ý kiến các bên liên quan.

Từ đầu tháng Năm, Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình ở Biển Đông căng thẳng. Trong bối cảnh đó, nhân chuyến công du Philippines vào tháng trước, lần đầu tiên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là Hà Nội đang xem xét các hành động pháp lý chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, nếu Việt Nam kiện, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chống lại, giống như trường hợp đối với Philippines. Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần khuyên can Việt Nam không đưa vụ việc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc.

----------------------------------------

BBC
Cập nhật: 11:34 GMT - thứ tư, 4 tháng 6, 2014

Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của tòa án quốc tế muốn Bắc Kinh gửi hồ sơ phản bác trong vụ kiện tranh chấp Biển Đông do Philippines khởi xướng.

Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hague, Hà Lan, cho Trung Quốc hạn đến 15/12 để hồi đáp bộ hồ sơ của Philippines.
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại nước này không có dự định tham gia vụ kiện.
Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố hôm thứ Tư: “Lập trường của Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines, không thay đổi.”

Thông báo của tòa án ở Hague nói họ yêu cầu Trung Quốc hồi đáp nhắm bảo đảm “mỗi bên đều có đầy đủ cơ hội để được nghe và trình bày”.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc xem lại quyết định không tham gia.”
“Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng việc nhờ trọng tài phân xử là cơ chế giải quyết thân thiện, cởi mở và hòa bình


Philippines khởi kiện từ năm 2013 dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang của Manila được gửi cho tòa nhằm khởi kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì tranh chấp biển đảo.
Nói với hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Dũng cho biết: “Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này.”

----------------------------------

Simone Oredain  -  VOA
04.06.2014

MANILA — Một tòa án quốc tế đang cho Bắc Kinh thêm thời gian để bênh vực các khẳng định chủ quyền ở vùng Biển Ðông. Nhưng Trung Quốc đã từ chối không tham gia vào vụ kiện này do Philippines đưa ra để làm rõ những khẳng định chủ quyền.

Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật sau đây.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye cho hay Bắc Kinh có tới ngày 15 tháng 12 để đệ trình các lập luận cho hội đồng trọng tài xử lý vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Nhưng trong một thông cáo tòa nói đã nhận một lời khai của Trung Quốc nói rằng “họ không chấp nhận vụ kiện do Philippines đề xuất. Tòa cũng cho biết Trung Quốc đã khẳng định rõ rằng sự đáp ứng ngoại giao không có nghĩa là họ chấp nhận hay tham gia vụ kiện.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói bộ đang yêu cầu Trung Quốc xét lại quyết định không tham gia.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi họ tham gia vào vụ kiện để có thể xác minh lời khẳng định như trình bày trong đường chín đoạn.”

Philippines gọi khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Ðông là “quá đáng.” Một số bản đồ cho thấy Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển lưỡi bò 9 đoạn. Manila nêu nghi vấn về những khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với những hòn đảo mà họ nói là nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
 
Brunei, Malaysia, Ðài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền vùng biển giàu tài nguyên hải sinh, và có thể chứa những trữ lượng lớn về hydrocarbon đồng thời là một tuyến giao thương quan trọng.

Trong mấy tuần vừa qua, các tàu thuyền của Việt Nam và Trung Quốc đã xung đột trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Trường Sa nơi một giàn khoan dầu của Trung Quốc đang hoạt động.

Hoa Kỳ từng tuyên bố Trung Quốc có những hành động “gây mất ổn định” khi khẳng định chủ quyền của mình.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker đang đi thăm Philippines hôm qua tuyên bố giàn khoan dầu của Trung Quốc được tàu của chính phủ hộ tống có tính cách “khiêu khích” và có thể gây cản trở cho kinh doanh. Nhưng bà cũng nói rằng “sự phát triển đáng kể” của nền kinh tế Philippines và những nước khác ở khắp vùng này đem lại tiềm năng đầu tư chưa được khai thác.

Trong một bài phát biểu quan trọng với các nhà lãnh đạo kinh doanh Mỹ ở Manila, bà Pritzker lập lại rằng sự ‘cam kết’ của Hoa Kỳ đối với vùng Châu Á Thái Bình Dương vẫn không thay đổi.
“Cam kết của chúng tôi là hợp tác với quý vị và nhiều quốc gia sinh động trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương nhằm củng cố tiến bộ kinh tế của quý vị và đem lại sự thịnh vượng lớn hơn cho hàng triệu người khắp vùng, ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới.”

Philippines là chặng dừng thứ nhì trong chuyến công du 3 nước của bà Pritzker, trong đó có Việt Nam và Miến Ðiện.
Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh của mình trong khu vực với trọng điểm nhắm vào các mặt trận an ninh, kinh tế và chính trị trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng.
Hồi cuối tháng 4, Hoa Kỳ và Philippines đã ký một hiệp định tăng thêm các cuộc luân phiên điều quân Mỹ, các cuộc tập trận chung và bố trí sẵn thiết bị Mỹ trong nước.
Philippines coi đây là một cách để củng cố cho vị thế phòng bị khả tín của mình trong khi phải đối đầu với vụ tranh chấp đang tiếp diễn với Trung Quốc.



No comments:

Post a Comment

View My Stats