Thứ Bảy, ngày 31 tháng 5 năm 2014
Trong những năm qua, khi đi vào nghiên cứu,
tìm hiểu về vấn đề Dân chủ, xây dựng thể chế dân chủ, trong đầu tôi luôn có một
câu hỏi: có một thể chế dân chủ nào có thể áp dụng cho mọi quốc gia (trong trạng
thái bình thường, tức là không có chiến tranh), đều đem đến kết quả tốt đẹp
không? Làm thế nào để có được một thể chế dân chủ, để xây dựng được một thể chế
dân chủ như vậy?
Những nỗ lực nghiên cứu đã
được đền đáp, tôi tin là tôi đã tìm ra được một thể chế dân chủ có thể áp dụng
cho mọi quốc gia đạt tới đích cuối cùng: tự do của người dân. Không những vậy,
thể chế dân chủ này sẽ chỉ đường và đưa các quốc gia hòa hợp vào một thể chế lớn
hơn, thể chế dân chủ toàn cầu, mà chúng ta thường được nghe dưới cái tên Toàn cầu
hóa.
Sẽ có một câu hỏi đặt ra
ngay lập tức, vậy thể chế dân chủ này so sánh với thể chế dân chủ Hoa Kỳ có điều
gì giống và khác nhau? Xin trả lời, giống ở những nguyên lý cơ bản, nhưng khác ở
cách thức xây dựng một hệ thống đồng bộ ngay từ ban đầu. Thể chế dân chủ Hoa Kỳ,
thể chế dân chủ ưu việt nhất hiện nay, là một quá trình tìm tòi, sáng tạo trong
xây dựng quốc gia Hoa Kỳ, cũng là quá trình xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ. Đó
là quá trình thử và sai vô cùng vất vả của người dân Hoa Kỳ trong suốt mấy trăm
năm. Đến nay, về cơ bản, đó là thể chế khá hoàn thiện, tuy nhiên, chưa phải là
hoàn hảo.
Thể chế dân chủ mà tôi sắp
trình bày, dựa trên việc rút ra được những nguyên lý cơ bản nhất của thế chế
dân chủ Hoa Kỳ, nhưng việc áp dụng là hoàn toàn chủ động và đồng bộ trong hệ thống
các mối liên hệ hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực. Về cơ bản, những nguyên lý đã được
trình bày trong cuốn sách Dân Chủ của tôi. Tuy nhiên, bài viết này, sẽ giải
thích và trình bày các nguyên lý đó, dưới một khía cạnh khác về thể chế dân chủ.
Đó là một cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự
điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực.
I/ Thể chế Dân chủ -
Cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các
lĩnh vực
1/ Một số vấn đề lý luận
Trước khi đi sâu tìm hiểu
thể chế dân chủ, chúng ta cần tìm hiểu lý thuyết và lý luận về Cấu trúc tự hoàn
thiện, và cơ chế tự điều chỉnh. Một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho tất cả
các quốc gia thì bản thân nó phải có sự tự hoàn thiện bên trong cấu trúc của
nó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hiểu được, thế nào là một cấu trúc tự hoàn
thiện.
Cấu trúc tự hoàn thiện
là một hệ thống các yếu tố bên trong tương tác lẫn nhau luôn luôn dẫn tới
sự phát triển cả về phẩm và lượng của hệ thống hay cấu trúc đó.
Cấu trúc tự hoàn thiện nào
cũng bao hàm bên trong các yếu tố sau:
- Động lực nội tại của cấu
trúc (hệ thống)
- Cơ chế thực thi, phát
huy, phát triển động lực đó
- Tính đồng bộ của hệ
thống
Khi chúng ta nói tới cấu
trúc tự hoàn thiện, là nói tới cấu trúc xã hội trong đó con người tương tác lẫn
nhau. Vậy các yếu tố của cấu trúc tự hoàn thiện sẽ được hiểu như thế nào về mặt
xã hội?
- Động lực nội tại của cấu
trúc, đó chính là nhu cầu chung nhất, quan trọng nhất của con người, chúng ta cần
tìm ra nhu cầu này.
- Cơ chế thực thi, phát
huy, phát triển động lực chính là cơ chế, cách thức để con người thực hiện nhu
cầu chung, quan trọng nhất đó.
- Tính đồng bộ của hệ thống
xuất phát từ nhu cầu đa dạng của con người, cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống.
Bởi vì nhu cầu (chung) của
con người là tự nhiên, nên điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, thực hiện
nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Cơ chế này chính là hạt nhân trong cả một hệ
thống các yếu tố tương tác lẫn nhau của hệ thống.
Khi chúng ta tìm ra được
nhu cầu chung, quan trọng nhất, động lực cho toàn hệ thống, và chúng ta tìm ra,
xây dựng được cơ chế thực thi hiện thực hóa nhu cầu này, cùng với các yếu tố
tương tác đồng bộ thì hệ thống, cấu trúc đó sẽ tự vận hành đưa lại những điều tốt
đẹp nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân hoặc tập thể nào. Đó
gọi là cấu trúc tự hoàn thiện.
Cơ chế tự điều chỉnh:
Có hai khía cạnh để nói về cơ chế tự điều chỉnh, một là sự sắp đặt các
thành tố theo một lo-gic tương tác thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau giúp cho các
thành tố đều phát triển không bị thiên lệch và mất kiểm soát. Ví dụ rõ nhất là
cơ chế Tam quyền phân lập. Hai là, cơ chế tự điều chỉnh là sự vận hành của hệ
thống các quy định về kết quả và hậu quả mà chủ thể có thể lựa chọn đem lại lợi
ích cho bản thân và công việc. Đây là hệ thống các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt
chẽ về sự thưởng phạt, những lợi ích, hậu quả ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực
của đời sống con người. Mỗi một cá nhân, trong toàn bộ tương tác với xã hội, từ
công việc đến sinh hoạt xã hội đều cần tự điều chỉnh hành vi phù hợp với các
quy định trong từng khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Cơ chế tự điều chỉnh sẽ
giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện, đồng thời ngăn
chặn ngay từ đầu những khiếm khuyết và lệch lạc có thể dẫn tới sự phá hủy cấu
trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ.
Như vậy, cấu trúc tự hoàn
thiện là hệ thống các yếu tố, trong đó có yếu tố hạt nhân, tương tác dẫn tới sự
phát triển của hệ thống. Cơ chế tự điều chỉnh giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả
của cấu trúc tự hoàn thiện.
2/ Diễn giải thể chế Dân chủ dưới góc độ cấu trúc tự hoàn thiện
a- Như phần trên có đề cập,
điều quan trọng đầu tiên của cấu trúc tự hoàn thiện là tìm ra được động lực bên
trong cấu trúc. Thể chế dân chủ có bộ khung cấu trúc là toàn thể xã hội con người
trong một quốc gia. Tìm động lực của xã hội chính là tìm hiểu nhu cầu cơ bản,
quan trọng nhất của con người sống trong xã hội. Tìm đúng nhu cầu nội tại, cơ bản,
quan trọng nhất của con người là bước quan trọng đi tới cơ chế quan trọng nhất,
là hạt nhân của cấu trúc tự hoàn thiện, của thế chế dân chủ. Đó là cơ chế bảo đảm
phát huy, phát triển động lực, nhu cầu cơ bản đó.
Từ trước tới nay, đã có nhiều
sách báo, tài liệu nói về nhu cầu quan trọng nhất của con người nói chung,
nhưng có khá nhiều sự lầm lẫn. Ví dụ, có người nhận định, nhu cầu quan trọng nhất
của con người là mong muốn được mọi người cho mình là quan trọng. Điều này nghe
qua thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Có rất nhiều người
không đi tìm kiếm sự đánh giá của người khác về bản thân mình, họ đi tìm sự đặc
biệt, sự khác biệt của bản thân với mọi người. Cũng như vậy, việc nỗ lực tạo ra
nhiều tiền, để thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của con người là một nhu cầu
quan trọng mà nhiều người theo đuổi, tuy nhiên, vẫn có những người không theo
đuổi việc kiếm tiền trong xã hội. Vậy thì điều gì là chung nhất, bao hàm tất cả
các nhu cầu khác biệt (mà quan trọng đối với mỗi cá nhân) đối với con người nói
chung? Đó là nhu cầu tự thể hiện bản thân của con người. Anh này
muốn tự thể hiện bản thân bằng việc kiếm được nhiều tiền, chị kia muốn tự thể
hiện bản thân bằng việc có nhiều quyền lực. Người khác muốn tự thể hiện bản
thân thông qua sự khác biệt trọng hội họa...vv... Nhu cầu tự thể hiện bản thân
là nhu cầu tối quan trọng, chung nhất và không thể thiếu ở mỗi một con người.
Như vậy, bất kỳ một xã hội nào cũng hàm chứa một động lực nội tại cho sự phát
triển và tự hoàn thiện như nhau, bởi nhu cầu quan trọng nhất của con người là
giống nhau ở tất cả các chủng tộc, sắc tộc và các quốc gia.
b- Vậy điều gì có thể giúp
cho con người thỏa mãn, thực hiện được nhu cầu tối quan trọng đó? Đó chính là sự
Tự do! Tự do là yếu tố quan trọng nhất để con người nói chung và mỗi cá nhân
nói riêng có thể thõa mãn nhu cầu tự thể hiện bản thân. Chúng ta cần xây dựng
được cơ chế bảo đảm tự do của con người, thì xã hội sẽ phát triển và tự hoàn thiện.
Tiếp đến, yếu tố nào là
quan trọng nhất bảo đảm tự do của con người trong xã hội? Chúng ta đều biết rằng,
một xã hội dân chủ phải bao hàm nhiều yếu tố, định chế quan trọng như: tam quyền
phân lập, cơ chế tản quyền (nhà nước liên bang), đa nguyên đa đảng, các quyền
cơ bản của con người, các quyền dân sự, quyền công dân,…vv. Nhưng khi có tất cả
các yếu tố này thì yếu tố nào là quan trọng nhất, là hạt nhân cần tập trung và
nhấn mạnh. Đó là yếu tố đã từng nêu ở các cuốn sách và bài viết trước đây: khả
năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân là hạt nhân
quan trọng nhất của cơ chế dân chủ, của thể chế dân chủ.
Như vậy, cơ chế để bảo đảm
khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân là cơ chế hạt nhân, quan trọng
nhất trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ
c- Để bảo đảm, thực thi được
cơ chế hạt nhân này, cần có một loạt các điều kiện và yếu tố được thực hiện.
Đây chính là yêu cầu về tính đồng bộ của hệ thống, cấu trúc tự hoàn thiện. Có
nhiều định chế liên quan tới việc bảo đảm các quyền con người về mặt luật pháp
và cơ chế thực hiện. Nhưng quan trọng nhất trong cơ chế hạt nhân (khả năng tự bảo
vệ quyền con người của mỗi cá nhân) là TÒA ÁN NHÂN QUYỀN để mỗi một cá nhân có
thể tự bảo vệ các quyền con người của mình. Tòa án Nhân quyền chính là định chế
quan trọng nhất để thực hiện khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá
nhân.
Tòa án Nhân quyền là nơi
các cá nhân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình, nhưng trong trường hợp
cá nhân là người nghèo, không có tiền để thuê luật sư và tham gia tố tụng thì
sao? Đây chính là nơi thể hiện tính đồng bộ và ưu việt của thế chế dân chủ
lấy con người làm trung tâm, tất cả tập trung cho tự do của con người. Đó là, tất
cả các công dân đều được miễn phí khi tham gia tự bảo vệ các quyền con người của
mình tại các Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp. Hệ thống chính quyền các cấp sẽ
phải có nguồn kinh phí cho việc này. Nếu chúng ta chỉ nêu ra những cơ chế, định
chế tốt đẹp bảo vệ quyền con người mà không đi tới cùng các yêu cầu, điều kiện
để bảo đảm cơ chế đó vận hành đúng và đem lại lợi ích cao nhất cho người dân
thì chúng ta không bao giờ có được sự tự do thực sự của người dân và một nền
dân chủ hiệu quả.
II/ Phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia
Có một điều cần lưu ý,
phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia được nêu ra ở đây không phải
là sự khác biệt hoặc mới mẻ hoàn toàn. Thực tế, đó cũng chính là việc xây dựng
các định chế cần thiết của bất kỳ nên dân chủ nào trên thế giới hiện nay. Tuy
nhiên, có sự nhấn mạnh, tập trung đặc biệt vào một số định chế, đồng thời cũng
có sự bổ sung, hoàn thiện ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, chúng ta cần khẳng
định, việc xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia bao hàm việc xây dựng các định
chế cần thiết sau: Hiến pháp Dân chủ, hay còn gọi là đạo luật cơ bản của quốc
gia; cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp); hình thành,
thành lập các đảng chính trị (đa nguyên, đa đảng); cơ chế tản quyền, chế độ
liên bang; các quyền tự do cơ bản của con người; các quyền tự do dân sự chính
trị, hay quyền công dân,…vv…Trong quá trình xây dựng toàn bộ các định chế đó, cần
chú trọng hoàn thiện và xây dựng thêm một số định chế và nội dung quan trọng.
1/ Tập trung xây dựng thể chế dân chủ cơ sở, là đơn vị hành chính mà người dân
trực tiếp tham gia
Đây là điều khác biệt với
phần lớn cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Trọng tâm của
thể chế dân chủ cần phải đặt ở đơn vị cơ sở, là nơi người dân có thể tham gia
trực tiếp nên việc xây dựng các điều luật bảo đảm các quyền con người trong điều
kiện hoàn cảnh cụ thể của họ (để hiểu rõ hơn phần này, xin đọc cuốn sách Dân Chủ,
chương IV, hiện thực hóa dân chủ). Một khuynh hướng quan trọng của thế giới là
toàn cầu hóa đã giúp giảm bớt các gánh nặng vai trò quốc gia, cũng có nghĩa là
giảm bớt sự tập trung quyền lực và nguồn lực của trung ương trong xây dựng thể
chế dân chủ. Như vậy, thời điểm để xây dựng thể chế dân chủ tập trung trên bình
diện cơ sở là rất thuận lợi đối với các quốc gia.
2/ Tập trung xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và cơ chế thực thi để người dân
tự bảo vệ các quyền con người của mình
Đây là cơ chế, định chế
quan trọng nhất của thể chế dân chủ, là hạt nhân trong cấu trúc tự hoàn thiện của
thể chế dân chủ quốc gia. Chúng ta xây dựng thành công các Tòa án Nhân quyền,
và cơ chế thực thi việc bảo vệ quyền con người là chúng ta đã thành công trong
xây dựng thể chế dân chủ. Tòa án Nhân quyền cũng là yếu tố, định chế mới so với
tất cả các thể chế dân chủ hiện đang tồn tại trên thế giới. Để xây dựng thành
công Tòa án Nhân quyền và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây:
- Sự độc lập hoàn toàn và
quyền lực tuyệt đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói
chung và Tòa án Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt
đối của Tòa án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự
bảo vệ các quyền con người của mình.
- Xây dựng đội ngũ luật sư
nhân quyền độc lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý và cùng tham gia
bảo vệ quyền con người của công dân.
- Xây dựng nguồn kinh phí của
nhà nước phục vụ bảo trợ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người của công dân
trong tố tụng.
Tóm lại, ngoài việc
thành lập Tòa án Nhân quyền các cấp, nhà nước cần bảo đảm sự hỗ trợ về pháp lý
và tài chính để công dân tự bảo vệ các quyền con người của mình.
3/ Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ
cho người dân
Người dân là chủ thể xây dựng
nên thể chế dân chủ, nhất là khi trọng tâm của thể chế dân chủ ở cấp cơ sở, thì
nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng. Người dân cần được trang bị đầy đủ
các kiến thức về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt
cần hiểu rõ cơ chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô
cùng quan trọng nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị
kiến thức cho nhân dân về lĩnh vực này. Một mặt, các thể chế dân chủ của các quốc
gia hiện nay, chủ yếu được xây dựng trên bình diện quốc gia, không phải trên
bình diện dân chủ cơ sở, nên vai trò của người dân rất mờ nhạt. Mặt khác, các
kiến thức về tự do, dân chủ quá kinh viện, trừu tượng và khó hiểu, nên không thể
phổ cấp đến cho người dân. Chính vì vậy, để thực hiện việc trang bị kiến thức
cho người dân hiệu quả cần phải:
+ Chuẩn hóa các kiến thức về
tự do dân chủ dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất.
+ Xây dựng các học viện về dân
chủ, các khoa dân chủ học ở các trường đại học, môn học dân chủ ở các trường
trung học phổ thông để phổ biến tới mọi người trong xã hội.
Người dân càng có nhiều hiểu
biết về tự do, dân chủ thì đóng góp xây dựng nên thể chế dân chủ càng thiết thực
hiệu quả và nâng cao khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.
4/ Ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội
Không nghi ngờ gì nữa, việc
ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội sẽ
nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thể chế dân chủ. Cơ chế tự điều chỉnh, với
khía cạnh là quy định về kết quả và hậu quả những lựa chọn của cá nhân cho bản
thân và công việc. Hệ thống thưởng phạt về tác phong sinh hoạt, đi sớm về muộn
tại công sở, hoặc về hậu quả công việc sẽ đặt các cá nhân vào những lựa chọn tối
ưu cho bản thân và công việc. Một cơ chế tự điều chỉnh trong công việc là điều
tuyệt đối cần thiết và cần thực hiện ngay. Ví dụ, một phòng công tác có trưởng
phòng và 10 nhân viên. Các nhân viên có các quy định thưởng phạt chi tiết, tỉ mỉ,
và hình phạt nặng nhất là đuổi việc, nếu vi phạm một số lỗi nhất định. Trưởng
phòng sẽ bị cách chức khi có 3-4 nhân viên bị đuổi việc. Cứ như vậy, một vụ trưởng
(hay cục trưởng, viện trưởng..) cũng sẽ bị cách chức khi có đủ số lượng các trưởng
phòng dưới quyền bị cách chức theo quy định…Đó chính là cơ chế tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc thực thi cơ
chế tự điều chỉnh cần phải tính toán rất kỹ càng, chi tiết. Ban đầu, cơ chế này
nên áp dụng vào công việc thực thi ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Sau đó
sẽ lan tỏa ra tất cả các lĩnh vực của toàn hệ thống. Cuối cùng sẽ tới các sịnh
hoạt dân sự của người dân, khi mà người dân đã làm quen và chấp nhận cơ chế tự
điều chỉnh trong công việc.
Cần nhấn mạnh một điều, cơ
chế tự điều chỉnh là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả
của cấu trúc tự hoàn thiện – thể chế dân chủ tự do.
III/ Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc Mộng Việt Nam
Theo mạch lo-gic của cuốn
sách Dân Chủ và các bài viết của tác giả, đến nay chúng ta đã có chất liệu để
có thể xây dựng thể chế dân chủ tự do. Các nguyên lý cơ bản, và một phần lớn nội
dung xây dựng thể chế dân chủ đã được khái quát trong cuốn sách Dân Chủ. Phần đầu
bài viết này đã giải thích toàn bộ thể chế dân chủ dưới góc độ một cấu trúc xã
hội được xây dựng phát huy tối đa động lực nội tại của con người và toàn thể xã
hội, đưa tới sự phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống, cấu trúc đó. Chúng ta
cũng đã đề cập tới phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia nói chung,
áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta cần phải
có các bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực dựa trên hoàn cảnh hiện tai của đất
nước và các đặc thù riêng có của Việt Nam.
1/ Những nội dung quan trọng cần chuẩn bị trong quá trình xây dựng thể chế dân
chủ ở Việt Nam
Trong bài viết “ Những
thách thức trong việc xây dựng thể chế Dân chủ ở Việt Nam”, chúng ta đã đề cập
tới những đặc trưng riêng của Việt Nam khi xây dựng thể chế dân chủ. Đó là,
chúng ta chưa có các lực lượng chính trị thay thế, người dân bị bất ngờ và
chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc chung với tư cách các tổ chức, đoàn thể.
Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để thực hiện các bước chuẩn bị
quan trọng. Việc xây dựng thể chế dân chủ là một công việc vô cùng quan trọng
và phức tạp. Có cảm giác, các quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua
trên thế giới đã quá vội vàng trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng
ta thường nghe nói, các nước có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng
tuyển cử từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai
làm được gì ngoài việc copy các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu
đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên để ra 2-3 năm chuẩn bị và từ 1-2 năm cho các đảng
phái, tổ chức lực lượng chính trị vận động tranh cử. Đó là thời gian tối thiểu,
nếu chúng ta muốn xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự. Vậy trong thời
gian này, chúng ta cần chuẩn bị và thực hiện những công việc gì?
a- Định hình các tổ chức,
đảng phái và lực lượng chính trị. Đây là việc vô cùng quan trọng, và cần có
thời gian để thực hiện. Chúng ta có một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải
ngoại, khi chuyển tiếp về trong nước, cũng phải mất một thời gian để người dân
làm quen và lựa chọn. Những tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu được thành lập và
vận động người dân tham gia. Thời gian 2-3 năm không phải là nhiều, nhưng cũng
đủ để các tổ chức đảng phái định hình và bước vào hoạt động được.
b- Xây dựng dự thảo hiến
pháp dân chủ để xin ý kiến nhân dân. Đây là việc làm bắt buộc với bất cứ quốc
gia nào bắt tay xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một
quốc gia, nhưng chúng ta cần một cách nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Chúng ta
chỉ nên nêu những vấn đề quan trọng nhất trong việc định hình quốc gia, các nội
dung quan trọng nhất. Về hiến pháp mới của Việt Nam, tôi nghiêng về tinh thần
xây dựng hiến pháp của Tập hợp dân chủ đa nguyên, nhưng cần có thêm hai nội
dung quan trọng: Đạo luật về xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và Đạo luật về
việc bắt buộc trang bị kiến thức cho người dân về tự do, dân chủ và phương thức
xây dựng thể chế dân chủ.
c- Thành lập Ủy ban Hòa
giải quốc gia. Đây là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được đối với
đất nước chúng ta. Trong một thế kỷ qua, chúng ta đã quá chia rẽ và hận thù,
cũng như xung đột liên miên. Chúng ta cần một Ủy ban để hóa giải hận thù, để
phân biệt đúng sai và cuối cùng, để kéo mọi người lại gần nhau hơn, chung tay
xây dựng đất nước. Ủy ban Hòa giải cần thực hiện những công việc gì?
+ Xây dựng được hệ thống
giá trị quy chuẩn, dựa vào việc tham khảo hệ thống các giá trị của quốc tế, để
từ hệ thống quy chuẩn đó, đánh giá lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, trước mắt là từ
cuối thế kỷ XIX đến nay. Những gì là đúng, là sai, là công, là tội cần được
minh bạch, rõ ràng đối với các lực lượng chính trị xã hội, đối với các cá nhân
có dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Đây là việc rất quan trọng mà phần lớn các nước
thoát khỏi họa Cộng sản đã không thực hiện. Điều này đặc biết quan trọng với Việt
Nam bởi vì một di sản vô cùng tai hại mà Cộng sản Việt Nam đã để lại, đó là mọi
giá trị trong cuộc sống đều bị đảo lộn, khiến cho người dân không thể nhận thức
được những gì là đúng, là sai, là công, là tội…
+ Tập hợp toàn bộ các hồ
sơ, các khiếu nại, tố cáo về sự oan sai của tất cả người dân từ khi đảng Cộng sản
xuất hiện tới khi sụp đổ. Cần phân chia thành các thể loại khác nhau để có hướng
xử lý. Đây cũng là công việc bắt buộc nếu chúng ta muốn chia tay quá khứ để
cùng bắt tay xây dựng tương lai. Việc xử lý dựa trên tinh thần công khai thừa
nhận sự oan sai, khôi phục, phục hồi danh dự, phẩm giá của các nạn nhân. Nếu điều
kiện kinh tế cho phép, sẽ có sự đền bù một phần cho nạn nhân.
+ Xác định tinh thần chủ đạo
trong việc xử lý những người có trách nhiệm của chế độ CSVN. Đây là việc rất
khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đã có
Ủy ban hòa giải thì mọi việc phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch.
Tinh thần chung là học tập cách xử lý của các nước đi trước thoát khỏi họa Cộng
sản, đồng thời không làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng thể chế dân chủ
trong tương lai. Nhưng dù có làm cách nào, có lẽ theo tôi, vẫn cần có một sự
sám hối tập thể của những người đã cố ý hoặc vô tình đày đọa nhân dân và dân tộc.
2/ Những nội dung cần chú trọng, nhấn mạnh và đặc biệt quan tâm trong quá trình
xây dựng thể chế dân chủ tự do
a/ Nội dung cần chú trọng:
Xây dựng nhà nước liên bang. Đây là một điều kiện, một cơ chế bắt buộc của
thế chế dân chủ. Cơ chế tản quyền, giúp cho mọi vùng, miền có các đặc thù riêng
biệt có thể phát triển và phát huy hết các lợi thế so sánh của mình. Đồng thời
tránh được những xung đột đảng phái trên quy mô quốc gia. Điều kỳ lạ là phúc lợi
của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang rất lớn và việc thực hiện nó rất
quan trọng đối với thể chế dân chủ tự do nhưng có rất nhiều quốc gia trên thế
giới đã bỏ qua. Chúng ta thấy, có các quốc gia dân chủ lâu năm như Pháp, quốc
gia có thể chế dân chủ khá lâu như Thái Lan, các quốc gia mới có thể chế dân chủ
như Ai Cập, Ucraina….đều bỏ qua định chế quan trọng này. Những quốc gia này đều
có những bất ổn và khiếm khuyết trong cấu trúc dân chủ. Đặc biệt hơn cả, chúng
ta thấy, Thái Lan là một ví dụ điển hình về thất bại của nền dân chủ liên quan
trực tiếp tới việc bỏ qua cơ chế tản quyền, chế độ liên bang. Những quốc gia vừa
đề cập, nếu chuyển sang chế độ liên bang, sẽ giải quyết cơ bản các bất ổn hiện
nay.
Trên cơ sở nhận thức về lý
luận, sự cần thiết của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang, đồng thời rút
kinh nghiệm của các quốc gia bỏ qua yếu tố quan trọng này, chúng ta cần thống
nhất, nhà nước của Việt Nam tương lai là nhà nước liên bang.
b/ Nội dung cần nhấn mạnh:
Tòa án Nhân quyền. Chúng ta đã đề cập tới nhiều lần, về việc Tòa án Nhân
quyền, cơ chế để người dân thực hiện việc bảo vệ các quyền con người của mình
là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất của thể chế dân chủ tự do, của cấu trúc tự
hoàn thiện. Nhưng việc cần nhấn mạnh cơ chế này cũng là bởi, nếu thực hiện,
chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. Vậy nên, tính chất
quan trọng là việc mở đường của sự thành công hay thất bại của một cách tiếp cận
mới trong xây dựng thể chế dân chủ. Chúng ta thực hiện thành công cơ chế này, nội
dung này, thể chế dân chủ của chúng ta sẽ là hình mẫu trong tương lai cho các
nước khác học tập theo.
c/ Nội dung cần đặc biệt
quan tâm: Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế
dân chủ cho người dân. Xét đến cùng, một cơ chế, một thể chế muốn thành
công phải dựa vào sự tham gia, đóng góp, thực hiện và thực thi của người dân.
Nhưng người dân chỉ có thể tham gia khi họ nhận thức được các vấn đề, nội dung
mình tham gia để đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Khi chúng ta trang bị
các kiến thức này cho người dân, chúng ta không cần phải lo lắng, lo ngại nhiều
về thể chế dân chủ của mình. Bởi vì, khi người dân biết được các quyền (lợi) của
mình, biết cách thức xây dựng thể chế dân chủ đem lại quyền lợi đó, và cuối cùng,
biết cách để bảo vệ các quyền con người của mình thì mặc nhiên, đất nước sẽ có
một thể chế dân chủ tự do thực sự, tiệm cận sự hoàn hảo. Xét cho cùng, các quốc
gia chưa có được tự do thực sự cho người dân, cũng là bởi người dân chưa biết
được: tự do là gì?
************************
Chúng ta có tương lai,
chúng ta có những con người quan tâm tới việc xây dựng thể chế dân chủ trong
tương lai, điều chúng ta cần là sự đoàn kết và quyết tâm. Tôi tin rằng, lịch sử
sẽ lựa chọn dân tộc nhiều đau thương và bất hạnh này (Việt Nam) để làm được điều
gì đó cho nhân loại. Vậy chúng ta có tự tin để nắm tay nhau xây dựng thành công
một thể chế dân chủ nâng đỡ và tôn vinh con người hay không? Hãy nắm tay nhau
chung xây GIẤC MỘNG VIỆT NAM!
Hà Nội, ngày 31/5/2014
Nguyễn Vũ Bình
Được đăng bởi Nguyễn Vũ Bình vào lúc 08:45
-------------------------------------------------------------
Nhiên
Tuệ
Thứ Tư, 04/06/2014
Nguyên Vũ Bình đã có những đóng góp nhất định cho Phong trào dân chủ Việt
nam, cả về lý luận và hoạt động thực tiễn. Nhưng trong bài viết vừa rồi, tôi thấy
có nhiều điểm chưa xứng tầm với anh, vì vậy muốn trao đổi cùng anh và mọi người
qua bài viết này.
--------------------
Nguyễn Vũ Bình là một cái tên khá nổi tiếng từ khoảng
hơn chục năm trước đây, khi anh là một trong những người cất cao tiếng nói đòi
dân chủ trong môi trường mà phong trào đấu tranh vì dân chủ trong nước còn khá
thưa thớt so với bây giờ. Anh đã bị nhà cầm quyền kết án 7 năm tù giam vì tội “làm
gián điệp” và thực tế là phải ở tù gần 5 năm (09/2002-06/2007). Anh đã có
nhiều bài viết cổ động cho dân chủ và là tác giả của tập sách Việt Nam và con
đường phục hưng đất nước.
Anh là một trong những tấm gương cho những người đấu
tranh vì một nước Việt nam dân chủ khi vẫn kiên định con đường của mình dù phải
chịu rất nhiều áp bức từ phía chính quyền và chịu những thiệt thòi, mất mát
trong cuộc sống riêng tư vì sự nghiệp chung.
Thế nhưng trong bài viết này của anh, tôi thấy có
nhiều điều chưa ổn, xin được thẳng thắn trình bày.
Thứ
nhất, anh thông báo rằng “…tôi đã tìm ra được một thể
chế dân chủ có thể áp dụng cho mọi quốc gia đạt tới đích cuối cùng: tự do của
người dân. Không những vậy, thể chế dân chủ này sẽ chỉ đường và đưa các quốc
gia hòa hợp vào một thể chế lớn hơn, thể chế dân chủ toàn cầu, mà chúng ta thường
được nghe dưới cái tên Toàn cầu hóa”.
Liệu đây có phải là công việc hiện thời của một chiến
sỹ dân chủ Việt nam hay không? Đọc đoạn này, tôi hình dung ra cảnh có một người
đang ngoi ngóp, sắp chết đuối giữa dòng sông, mọi người trên bờ đang nhìn anh
ta với ánh mắt lo lắng, không hiểu anh ta có tự lo được không hay cần có sự
giúp đỡ, thì anh ta lại cố ngoi lên và nói với những người đang câu cá thư giãn
trên bờ rằng: Mọi người nên đừng buồn rầu nữa, anh ta đã tìm ra cách để giúp mọi
người luôn được vui vẻ và thoải mái rồi! Thật là khôi hài với hoạt cảnh này!
Công việc thiết thân trước mắt của những chiến sỹ
dân chủ Việt nam là giải thể chế độ độc tài hiện tại, đem lại tự do, dân chủ
cho đất nước và người dân Việt nam, đồng thời với việc ngăn ngừa chế độ độc tài
quay trở lại, dù với bất cứ hình thức nào. Việt nam là một trong những xứ sở
khát khao tự do dân chủ nhất trên thế giới hiện nay, mình hãy lo cứu mình đi
đã, nếu thành công thì cũng là thành công chung của trào lưu dân chủ trên thế
giới, nhân dân các nước dân chủ cũng sẽ sẵn sàng chia vui. Còn việc của các nước
khác thì hãy tin rằng họ biết cách lo, mình không thể ôm đồm thay họ được. Đó
là chưa kể lấy gì làm chắc chắn rằng cái “thể chế dân chủ” kia có thể hữu
hiệu với tất cả các quốc gia? Vậy thì có còn nói gì đến tính đa nguyên được nữa
đây? Đây là một luận điểm tôi không đồng ý được với Nguyễn Vũ Bình.
Thứ
hai, anh đưa ra một loạt những khái niệm rất ít gặp
trong ngôn ngữ của lĩnh vực Chính trị - Xã hội và đặt chúng nằm cạnh nhau, cũng
như bắt chúng phải làm việc cùng nhau theo một cách nào đó mà có lẽ chỉ mình
anh hiểu, làm người đọc rối trí. Chúng ta cùng đọc đoạn này: “Đó là một cấu
trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh
vực. Khi chúng ta tìm ra được nhu cầu chung, quan trọng nhất, động lực cho toàn
hệ thống, và chúng ta tìm ra, xây dựng được cơ chế thực thi hiện thực hóa nhu cầu
này, cùng với các yếu tố tương tác đồng bộ thì hệ thống, cấu trúc đó sẽ tự vận
hành đưa lại những điều tốt đẹp nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của
cá nhân hoặc tập thể nào. Đó gọi là cấu trúc tự hoàn thiện”. Nào là “Cấu
trúc tự hoàn thiện”; rồi “hệ thống các cơ chế”; “tự điều chỉnh”;
rồi “nhu cầu chung”; “cơ chế thực thi hóa”; “tương tác đồng bộ”; “tự vận
hành”… Thú thực là đọc tới đoạn này, tôi chẳng hiểu anh muốn nói gì cả! Tiếp
tục đọc xuống, tôi gặp đoạn này: “Cấu trúc tự hoàn thiện là một hệ thống các
yếu tố bên trong tương tác lẫn nhau luôn luôn dẫn tới sự phát triển cả về phẩm
và lượng của hệ thống hay cấu trúc đó”. Tới đây, tôi thấy anh đã phạm một
sai lầm nghiêm trọng về lý luận. Anh cho rằng có thể có một hệ khép kín mà nhờ
hoạt động và tương tác giữa các phần tử bên trong hệ, hệ thống có thể tự phát
triển được về số lượng và chất lượng. Điều này sai cả trên góc độ Khoa học Tự
nhiên lẫn Khoa học Xã hội. Về Khoa học Tự nhiên, chúng ta có Định luật thứ 2 của
Nhiệt động học và Nguyên lý Bất toàn Godel. Định luật thứ 2 của Nhiệt động học
nói rằng: entropi của một hệ kín không bao giờ giảm đi; nói theo ngôn ngữ thông
thường là: mức độ lộn xộn của một hệ thống khép kín chỉ có tăng lên chứ không
bao giờ giảm xuống. Còn Nguyên lý bất toàn của Godel thì khẳng định rằng một hệ
khép kín không thể tự nhận định một cách khách quan được; nói nôm na là: bạn sẽ
chẳng bao giờ hoàn toàn hiểu được chính bạn, bởi vì ý nghĩ của bạn, giống như bất
kỳ một hệ thống khép kín nào khác, chỉ có thể biết về bản thân mình dựa trên những
kiến thức của chính mình nên không thể toàn diện và khách quan. Nói một cách
hình ảnh: bạn không thể tự túm tóc mà nhấc bổng mình lên được. Về khoa học Xã hội
thì không cần lấy dẫn chứng đâu xa xôi, chúng ta vừa đã chứng kiến sự sụp đổ của
chủ nghĩa Cộng sản, một chủ nghĩa ngạo mạn cả về lý thuyết và tổ chức, tự xây
nên những lý luận và cung cách tổ chức của riêng mình, bất chấp những kiến thức
cổ kim của nhân loại. Theo lẽ thông thường, chúng ta cũng dễ dàng thấy được rằng
một hệ thống cũng như một cơ thể, phải có sự trao đổi chất với môi trường bên
ngoài mới tồn tại và phát triển được, không hiểu dựa vào đâu mà Nguyễn Vũ Bình
lại xây dựng nên ý tưởng về cái “cấu trúc tự hoàn thiện” như thế này?
Thứ
ba, anh đi tìm “nhu cầu chung nhất, quan trọng nhất
của con người” mà anh cho đó là “động lực nội tại của cấu trúc”. Thực
ra, cái anh đi tìm chính là cái phức tạp nhất chi phối mọi hoạt động của xã hội
loài người, và anh đã tìm được một cái gọi là “nhu cầu tự thể hiện bản thân
của con người”. Nhưng cái anh đã tìm được đây cũng rất phiến diện. Bạn đọc
nào quan tâm đến vấn đề này nên tìm hiểu về Tháp nhu cầu của Maslow thì sẽ nắm
được rõ hơn.
Thứ
tư, anh cho rằng “Khả năng tự bảo vệ các quyền con
người của mỗi cá nhân là hạt nhân quan trọng nhất của cơ chế dân chủ, của thể
chế dân chủ”. Thiết tưởng rằng khi chế độ dân chủ đã được thiết lập thì quyền
con người phải được xã hội bảo đảm một cách vô điều kiện, chứ lại để cho mỗi cá
nhân tự bảo vệ lấy quyền lợi của mình thì còn gì gọi là dân chủ nữa?
Và như vậy thì còn thời gian đâu người dân dành cho muôn ngàn những hoạt động
khác của đời sống con người?
Thứ
năm, anh cho rằng trong cơ chế tự hoàn thiện đã đề cập đến
đó, “Tòa án Nhân quyền chính là định chế quan trọng nhất để thực hiện khả
năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân”. Điều này nghe thật
không ổn. Định chế quan trọng nhất của một xã hội lành mạnh không thể là một
tòa án, hơn nữa lại là một Tòa án Nhân quyền. Cái quyền phổ cập nhất của mọi
thành viên trong xã hội, quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân lại cần đến một
định chế quan trọng nhất của xã hội để duy trì thì thử hỏi xã hội đó là loại xã
hội gì?
Thứ
sáu, anh cho rằng: “Người dân cần được trang bị đầy đủ
các kiến thức về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt
cần hiểu rõ cơ chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô
cùng quan trọng nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị
kiến thức cho nhân dân về lĩnh vực này”. Tôi đồng ý với vế đầu nhưng không
đồng ý với vế sau trong câu này của anh. Tình trạng nhân quyền trên thế giới đã
tiến những bước rất dài trong vài chục năm trở lại đây, và kiến thức về nhân
quyền của nhân dân các nước - nhất là các nước có nền dân chủ từ lâu đời - đã ở
vào một trình độ rất cao chứ không phải như anh nhận định. Điển hình như ta đã
thấy có những quan chức chính phủ ở Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã bị mất
chức hay phải từ chức khi chi tiêu sai công quỹ chỉ vài trăm USD, hay cấp dưới
của mình phạm những lỗi không giải trình được… Những điều này xảy ra do trình độ
dân trí - trong đó có trình độ về nhân quyền - của người dân các nước đó rất
cao, chính quyền không thể xử sự khác đi được.
Chỉ qua những điểm nêu trên, tôi thấy bài viết này của
Nguyễn Vũ Bình rất không ổn về lý luận và tính thực tiễn. Trong tình hình nóng
bỏng của đất nước hiện nay, rất cần những chiến sỹ dân chủ bỏ công sức và tâm
trí để đưa ra những ý kiến nhằm thay đổi theo hướng tiến bộ cho xã hội, nhưng
cũng phải để ý tới tính đúng đắn cũng như tính thực tiễn của những đề xuất,
tránh những ý kiến viển vông và phi thực tế làm mất thời gian và tâm trí của
nhiều người. Mong rằng sẽ nhận được từ Nguyễn Vũ Bình những ý kiến xác đáng
hơn.
No comments:
Post a Comment