Ngô Đình Nhu (Chính đề Việt Nam)
Đăng bởi: Hà Thủy Nguyên 16-5-2014
Book Hunter Club : Đây là một đoạn trích trong
chương III cuốn “Chính đề Việt Nam” của ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn của chính phủ
Việt Nam Cộng hòa. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề Phát triển Dân tộc Việt trở
nên cấp thiết, nhưng trước tiên chúng ta phải hiểu được “điều kiện nội bộ”
trong vị thế của Việt Nam.
————–
Thật ra thì, vì sự minh bạch của vấn đề trình bày,
nên, trong các phần trước, có nhiều điều kiện nội bộ đã được đề cập đến. Dưới
đây, chúng ta sẽ xem lại toàn thể các điều kiện nội bộ, và nếu cần sẽ nhắc lại
các điều kiện đã bàn đến. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ gồm vào phần này những điều
kiện phát sinh ra do sự liên lạc của Việt Nam với các phần tử khác trong xã hội
Đông Á, và với các quốc gia đang tìm phát triển. Sự liên lạc, với các quốc gia
trong xã hội Đông Á, có thể xem là điều kiện nội bộ của chúng ta, bởi vì chúng
ta là một phần tử trong xã hội đó. Sự liên lạc, giữa chúng ta và các nước đang
tìm phát triển, có thể xem là điều kiện nội bộ, bởi vì trong một thế giới do
Tây phương và Nga Sô phân chia ảnh hưởng như ngày nay, chúng ta và các nước
đang tìm phát triển, đều ở vào những hoàn cảnh có nhiều điểm tương đồng.
Thật đúng ra thì, trong phần này chúng ta sẽ phân
tích tất cả các điều kiện đã, hay có thể, gây cho chúng ta một cái vốn thuận
hay một cái vốn nghịch, trong sự thực hiện công cuộc Phát Triển Dân Tộc của
chúng ta.
Liên
lạc với Trung Hoa.
Từ khi lập quốc, năm 939, đến khi bị sự tấn công của
Tây phương và biến thành một thuộc địa của đế quốc Pháp, hai sự kiện hoàn toàn
chi phối chín trăm năm lịch sử của Dân Tộc Việt Nam.
Hai sự kiện đó là sự liên lạc với Trung Hoa và công
cuộc Nam tiến.
Trong lịch sử bang giao, giữa chúng ta và Trưng Hoa,
các biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi đã nhìn
nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần
lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu gồm phần
đất mà Trung Hoa xem như là của họ. Bên kia, Việt Nam lúc nào cũng nỗ lực mang
xương máu ra để bảo vệ nền độc lập của mình. Tất cả các sự kiện, xảy ra giữa
hai quốc gia, đều do sự khác nhau của hai quan niệm trên.
Ngay năm 981, nghĩa là vừa ba năm sau khi đã nhìn nhận
độc lập của Việt Nam, Tống triều thừa lúc nội chính Việt Nam có biến, vì Đinh
Tiên Hoàng vừa mất, và sự kế vị không giải quyết được, gởi sang Việt Nam hai đạo
quân, do đường thủy và đường bộ, để đặt lại nền thống trị của Trung Hoa.
Quan
niệm Trung Quốc.
Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị và
không lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triều cống của chúng ta.
Ngay những lúc mà quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân đội
Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng khôn ngoan, tìm cách thỏa thuận
với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng, điều mà Trung Hoa muốn
không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống. Trung Hoa, suốt gần một
ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm
mất.
Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây
phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội
này, tạm ngưng hoạt động, Trung Hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam.
Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần Nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần
Nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều
đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ
Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế ấn định: Lưu vực
sông Hồng Hà là đường thoát ra biển thiên nhiên của các Tỉnh Tây Nam của Trung
Hoa, và ngược lại cũng là con đường xâm nhập cho các đạo quân chinh phục vào nội
địa Trung Hoa. Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn
thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần. Cũng chỉ
vì lý do này mà, năm 1883, Lý Hồng Chương, thừa lúc Tự Đức cầu viện để chống
Pháp, đã, thay vì gửi quân sang giúp một nước cùng một văn hóa để chống ngoại
xâm, và thay vì cứu viện một thuộc quốc mà Trung Hoa đáng lý ra phải có nhiệm vụ
bảo vệ, lại thương thuyết một kế hoạch chia đôi Việt Nam với Pháp, Trung Hoa
dành cho mình các phần đất gồm các vùng bao bọc lưu vực sông Hồng Hà để lấy đường
ra biển. Và ngay chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1945, dành phần giải giới quân
đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc, cũng vì lý do trên.
Xem thế đủ biết rằng, đối với Dân Tộc chúng ta họa
xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên.
Họa xâm lăng của Trung Hoa vừa tạm ngưng, vì sự tấn
công của Tây phương, là chúng ta lọt ngay vào sự thống trị của đế quốc Pháp.
Ngày nay, ách thực dân vừa mới cởi được, nhưng cái họa
xâm lăng đối với chúng ta không thể vì thế mà thuyên giảm. Bởi vì họa xâm lăng,
do vị trí địa dư của chúng ta và tình trạng nội bộ của chúng ta mà ra, và bao
giờ hai yếu tố đó chưa thay đổi được thì họa xâm lăng vẫn còn.
Tâm
lý thuộc quốc.
Họa xâm lăng đe dọa Dân Tộc chúng ta đến nỗi, trong
suốt một ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các
nhà lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào
cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc.
Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ tìm cách đả phá
không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến công lừng lẫy và tài ngoại
giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của Dân Tộc vẫn phải khuất phục trước
thực tế.
Tâm lý thuộc quốc đè nặng, chẳng những trên sự bang
giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, lại còn lan tràn sang lĩnh vực bang giao giữa
chúng ta và các nước láng giềng. Nếu, đối với Trung Hoa, chúng ta là thuộc quốc,
thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc. Tâm lý đó
làm cho sự bang giao, giữa chúng ta và các nước láng giềng, lúc nào cũng gay
go. Đã đành rằng công cuộc Nam tiến của chúng ta, là một công trình mà Dân Tộc
đã thực hiện được, Nhưng chúng ta còn thiếu tài liệu để cho các sử gia có thể
xét đoán xem, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa trên
những nguyên tắc phong phú hơn thì, có lẽ sự bành trướng của chúng ta sẽ không
một chiều như vậy. Ví dụ, một câu hỏi mà chúng ta không thể tránh được: Chúng
ta là một Dân Tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật vượt biển của chúng ta
không phát triển? Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta phong phú hơn, và
không bó hẹp vào một đường lối duy nhất, có lẽ sự bành trướng của Dân Tộc chúng
ta, đã sớm phát ra nhiều ngõ, và sinh lực của chúng ta không phải chỉ dồn vào mỗi
một công cuộc Nam tiến. Nước chúng ta ở vào giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn
Độ. Với một chính sách ngoại giao khoáng đạt hơn, sự liên lạc quốc tế của chúng
ta có lẽ đã rộng rãi hơn, và do đó, vị trí của chúng ta sẽ, đương nhiên, được củng
cố bằng những biện pháp dồi đào và hữu hiệu hơn.
Nhưng thực tế là vậy đó. Họa xâm lăng của Trung Hoa
đè nặng vào đời sống của Dân Tộc chúng ta, đến nỗi, tất cả các nhà lãnh đạo của
chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó. Và, để đối phó lại, họ chỉ có hai con
đường, một là thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Sở dĩ, khi bị Tây phương tấn công, mà các nhà lãnh đạo
Triều Nguyễn của chúng ta lúc bấy giờ, không có đủ khả năng quan niệm một cuộc
ngoại giao rộng rãi, để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, là
vì các nhà lãnh đạo của chúng ta không lúc nào vùng vẫy, đả phá nổi không khí
tâm lý thuộc quốc đã đời đời đè nặng lên lịch sử ngoại giao của chúng ta. Hành
động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu với Trung Hoa.
Chúng ta đã biết Trung Hoa đã hưởng ứng như thế nào lời kêu gọi của Nhà Nguyễn.
Nhưng Trung Hoa cũng đang bị đe dọa như chúng ta, nếu không có lẽ Trung Hoa đã
lại thừa cơ hội mà đặt lại nền thống trị ở Việt Nam.
Các Sứ Bộ của chúng ta gởi sang Pháp lại cũng với mục
đích điều đình, thần phục với Pháp như chúng ta quen điều đình, thần phục với
Trung Hoa, chớ không phải với mục đích đương nhiên phải có của một hành động
ngoại giao, là khai thác các mâu thuẫn để mưu lợi cho mình.
Vì thế cho nên, nếu chúng ta có cho rằng, công cuộc
Nam tiến thành công là một kết quả của chính sách ngoại giao một chiều như trên
đã trình bày, thì cân nhắc kết quả đó với những sự thất bại mà cũng chính sách
ngoại giao đó đã mang đến cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử, thì có lẽ những
sự thất bại nặng hơn nhiều.
Sự bành trướng của chúng ta đã thâu hẹp lại và chỉ
theo có một chiều, bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho
chúng ta.
Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự,
không đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ
lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi khí sắc
bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ.
Lỗi
lầm trước đã như vậy đó.
Trong chín trăm năm, từ ngày lập quốc, chúng ta đã bị
ngoại xâm tám lần, bảy lần do Trung Hoa và một lần do Tây phương. Chúng ta đẩy
lui được sáu lần, chỉ có lần thứ sáu Nhà Minh đặt lại nền thống trị, trong hai
mươi năm, và lần thứ tám đế quốc Pháp xâm chiếm toàn lãnh thổ và thống trị
chúng ta trong hơn tám mươi năm.
Chống
ngoại xâm.
Vì vậy cho nên, chống ngoại xâm là một yếu tố quan
trọng trong chính trị của Việt Nam. Chính trị cổ truyền, của các Triều Đại Việt
Nam không được quan niệm rộng rãi nên, nếu có phân nửa kết quả đối với sự xâm
lăng của Trung Hoa, thì lại hướng chúng ta vào một chính sách chật hẹp về ngoại
giao. Do đó tất cả sinh lực phát triển của Dân Tộc, thay vì mở cho chúng ta được
nhiều đường sống, lại được dốc hết vào một cuộc chiến đấu tiêu hao chỉ để tranh
giành đất dung thân. Một mặt khác, chính sách ngoại giao chật hẹp đã đưa chúng
ta vào một thế cô lập cho nên lúc hữu sự, các nhà lãnh đạo của chúng ta không
đương đầu nổi với sóng gió, và lưu lại nhiều hậu quả tai hại cho nhiều thế hệ.
Chính
sách chống ngoại xâm.
Cái họa ngoại xâm đối với chúng ta hiển nhiên và
liên tục như vậy. Vì sao những biện pháp cổ truyền, của các nhà lãnh đạo của
chúng ta trước đây, thành công phân nửa, trong công cuộc chống ngoại xâm Trung
Hoa, nhưng thất bại trong công cuộc chống ngoại xâm Tây phương?
Trước hết, các biện pháp cổ truyền đã đặt vấn đề ngoại
xâm của Trung Hoa là một vấn đề chỉ liên quan đến hai nước: Trung Hoa và Việt
Nam. So sánh hai khối Trung Hoa và Việt Nam, thì như thế là đương phải với mục
đích đương nhiên, chúng ta đã thất bại rồi. Những sự thần phục và triều cống chỉ
là những biện pháp hoãn binh. Và vấn đề chống ngoại xâm chưa bao giờ được các
triều đại Việt Nam đặt thành một chính sách đương nhiên và nguyên tắc, đối với
một nước nhỏ, như nước chúng ta. Vì thế cho nên, những biện pháp cần được áp dụng,
như biện pháp ngoại giao, đã không hề được sử dụng khi Tây phương xâm chiếm nước
ta.
Lý do thứ hai, là công cuộc chống ngoại xâm chỉ được
chuẩn bị trên lĩnh vực quân sự. Nhưng, nếu chúng ta không thể phủ nhận tính
cách cần thiết và thành quả của các biện pháp quân sự trong các chiến trận chống
các triều đại Trung Hoa: Nhà Tống, Nhà Nguyên cũng như Nhà Minh, Nhà Thanh,
chúng ta phải nhìn nhận rằng nỗ lực quân sự của chúng ta rất là giới hạn. Và
ngày nay, độc lập rồi, thì nỗ lực quân sự của chúng ta chắc chắn cũng rất là giới
hạn.
Như vậy, đối với một nước nhỏ, trong một công cuộc
chống ngoại xâm, biện pháp quân sự không thể làm sao đủ được. Trên kia, chúng
ta có đề cập đến những biện pháp ngoại giao, đặt trên căn bản khai thác mâu thuẫn
giữa các cường quốc để bảo vệ độc lập cho chúng ta.
Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và
hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do
của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và Dân Tộc. Đồng thời, áp dụng một
chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo
quốc gia được nhiều người thấu triệt.
Nếu ý thức quốc gia và Dân Tộc được ăn sâu vào tâm
não của toàn dân, và độc lập và tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường
quốc xâm lăng, dầu có đánh tan được tất cả các đạo quân của chúng ta và có thắng
chúng ta trong các cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí
quật cường của cả một Dân Tộc.
Nhưng ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người
lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng.
Vì vậy cho nên, đồng thời với những biện pháp quần
chúng nói trên, cần phải áp dụng những biện pháp giáo dục, làm cho mỗi người
dân đều quen biết với vấn đề lãnh đạo, và, điều này còn chính yếu hơn nữa, làm
cho số người thấu triệt vấn đề lãnh đạo quốc gia càng đông bao nhiêu càng hay bấy
nhiêu. Bởi vì, có như thế, những người lãnh đạo mới không bao giờ bị tiêu diệt
hết được. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường
quốc xâm lăng.
Nhân đề cập đến vấn đề chống xâm lăng trên đây, lý
luận đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề vô cùng quan trọng.
Trước tiên chúng ta nhận thức rằng đối với một nước
nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên.
Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân
sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương
diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân
dân, phát huy ý thức quốc gia và Dân Tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để
cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.
Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể
chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại
xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt
tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi
người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và
dễ sử dụng như một khí cụ.
Bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là
giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự
thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi
khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền.
Hơn nữa, giả sử mà chính thể chuyên chế hay độc tài
chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người,
thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại
xâm. Bởi vì, dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét
người lãnh đạo họ và hướng về bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét, như là hướng
về một người giải phóng, mặc dầu đó là một kẻ xâm lăng. Lịch sử xưa nay của các
quốc gia trên thế giới đều xác nhận điều này: Chỉ có những Dân Tộc sống tự do mới
chống được ngoại xâm.
Riêng về Dân Tộc chúng ta, chắc chắn rằng sự kháng cự
của chúng ta đối với sự xâm lăng của Tây phương sẽ mãnh liệt hơn bội phần nếu
trước đó, Nhà Nguyễn, thay vì lên án tất cả những người bàn về quốc sự, đã nuôi
dưỡng được tinh thần tự do và độc lập của mỗi người và phát huy ý thức quốc gia
và Dân Tộc trong nhân dân.
Ngược lại, mấy lần Dân Tộc thắng được ngoại xâm, từ
Nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ, đến Nhà Lê đánh quân Minh và Quang Trung chiến thắng
Mãn Thanh, đều nhờ ở chỗ các nhà lãnh đạo đã khêu gợi được ý chí tự do và độc lập
của toàn dân.
Và vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đã nêu ra
trên kia là vấn đề chính thể của nước Việt Nam. Vì những lý do trình bày trên
đây, chính thể thích nghi cho Dân Tộc chúng ta, không phải định đoạt do một sự
lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết
lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của
chúng ta, cùng với trình độ phát triển của Dân Tộc.
Nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể
ấy phải như thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng chính
thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ
rất rõ rệt.
Ngô
Đình Nhu
Đọc
toàn bộ “Chính
đề Việt Nam”
No comments:
Post a Comment