Trần
Phúc Tâm
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Tư, 11/06/2014
Nguy cơ lớn nhất không đến từ việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo xa xôi, đó
chỉ như là ghẻ lở ngoài da mà thôi. Hiểm họa thực sự nó nằm ở lòng ruột tim gan
(kinh tế), trong não bộ (tư tưởng, tổ chức, chính trị), đấy là sự thật chắc chắn
1.
Biển Đông
Tháng Năm năm 2014, cả nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam hối hả, háo hức, hừng hực với liên tục những ngày lễ kỷ niệm
truyền thống oai hùng, những hội nghị cấp cao hoành tráng. Nào là Quốc tế Lao động
(1/5), Chiến thắng "Mỹ cút Ngụy nhào" (30/4), Điện Biên chấn động
địa cầu (7/5), Chiến thắng Phát xít (9/5), Ngày sinh lãnh tụ kính yêu (19/5), Đại
lễ Phật đản Vesak 2014. Nào là Hội nghị các nước ASEAN, Gặp gỡ Shangrila ...
Đùng phát, Trung Quốc cắm ngay giàn khoan ở vùng biển
Hoàng Sa, vị trí chắc chắn thuộc Việt Nam, người dân và chính quyền Việt Nam đã
liên tục khai thác và quản lý cho đến năm 1974, khi bị Trung Cộng dùng vũ lực
cưỡng chiếm. Chính quyền cộng sản Việt Nam (tất nhiên) giấu nhẹm chuyện này để
không làm hỏng không khí vui tươi của sê ri lễ lạt đã được dày công chuẩn bị nhằm
tăng uy tín của đảng cộng sản và nhà nước XHCN đã và đang đến hồi lao dốc nguy
hiểm.
Người dân Việt ngỡ ngàng và vô cùng uất hận khi biết
tin dữ. Những cuộc biểu tình, những tập hợp kháng nghị tuyên bố phản đối diễn
ra rầm rộ từ trong quốc nội đến tận hải ngoại, có cả những cuộc bạo loạn của
công nhân và nông dân đập phá đánh đuổi người Trung Quốc xảy ra ở nhiều nơi
trên lãnh thổ Việt Nam. Các diễn đàn, báo chí, phát thanh, truyền hình liên tục
cập nhật tin tức. Đâu đâu cũng thấy không ngừng bàn tán xôn xao.
Dường như không thể nhịn hơn được nữa, nhà nước XHCN
Việt Nam công bố huỵch toẹt công khai cả những thông tin trước nay vẫn bao che
giấu giếm. Dân tình lại một phen bất ngờ đến ngã ngửa cả người khi biết được sự
thật, rằng: Liên Xô (thành trì XHCN, cái nôi của cách mạng cộng sản Việt Nam)
đã từng đề nghị Liên Hợp Quốc giao Hoàng Sa và Trường Sa cho ... Trung Quốc
nhưng có đến 46/51 nước thành viên LHQ khi ấy không đồng ý. Cũng tại hội nghị
quốc tế ở Sanfrancisco (Mỹ) một ông thủ tướng của ... Quốc gia Việt Nam (không
phải là Việt Minh, cũng chẳng phải là Việt Cộng) đưa ra tuyên bố Trường Sa -
Hoàng Sa là của Việt Nam, 100% đại diện các nước có mặt khi ấy (kể cả Trung Quốc)
không ai có ý kiến phản đối nào.
Giới trẻ Việt Nam vô cùng ngạc nhiên: "Ồ! Thế
ra bạn thân của đảng Ta toàn những thằng đểu, cướp đất, cướp biển của Việt Nam
ta. Bạn thân mà như thế thì đảng Ta thuộc hạng gì???". Người già và những
người yêu Đảng kính Bác giải thích: "Hồi ấy là do hoàn cảnh lịch sử, lý
tưởng cộng sản ăn chung ở chung làm chung, khối XHCN liền một mạch Việt Trung
Xô (quả bí ngô nấu với nghệ), "bên đây biên giới là nhà, bên kia biên giới
cũng là quê hương" ... Hoàng Sa Trường Sa mà thuộc ... Trung Quốc thì càng
dễ cho chúng ta đánh Mỹ đuổi Ngụy giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ Quốc".
Người trẻ không hiểu (vì quá ngoắt ngoéo rắc rối),
người già, người yêu đảng kính bác cố biện minh (vì đảng Ta, Bác Hồ không thể
nào sai cũng như ... lương tháng cùng sổ hưu chắc chắn là xứng đáng).
Chỉ đến khi có một ý kiến trung dung, rằng: "Nói
gì thì nói, không thể phủ nhận sự thật là anh em trong nhà đánh giết nhau để kẻ
ngoài hưởng lợi, cướp trắng lãnh thổ, đất đai, biển đảo mà tổ tiên ta đã khai
phá và truyền lại", thì thôi không ai còn nói gì được nữa.
Sự thật không thể che giấu là đảng Ta đã tin bạn,
tin đồng chí mà mất đất, mất biển đảo. Sự thật là đảng Ta đã phạm những lỗi lầm
to lớn mà đảng Ta luôn chê bai, đổ diệt cho người khác "đuổi beo cửa
trước, rước hùm cửa sau", "bán nước", "cõng rắn cắn gà
nhà". Sự thật là láng giềng Trung Quốc không phải là đồng chí, anh em,
không phải là bạn vàng hữu nghị của Việt Nam, chơi với Trung Quốc chúng ta luôn
luôn thiệt về tất cả mọi mặt. Sự thật là một khi đảng Ta còn cố bám vào đảng
Tàu thì phần lớn hàng xóm ASEAN chẳng dại xía vô chuyện mà người ta coi là "anh
em người ta có tranh giành thì vẫn là anh em, người ngoài ngu gì mà tham gia
này nọ", ngoại trừ các nước có quyền lợi liên quan (như Nhật,
Philippin, Malaysia, Singapore, Indonesia) hay là thấy có trách nhiệm (siêu cường)
và quyền lợi (giữ ngôi số 1) như Mỹ. Sự thật là những đối tượng mà đảng Ta hô
hào dân ta phải đánh đuổi lại là những người luôn giúp ta bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ từ trước cho đến tận bây giờ, còn những kẻ mà đảng Ta tuyên truyền là anh
em, bạn tốt thì không bao giờ ngừng mưu đồ cướp nước ta.
Vào chính những ngày Biển Đông sôi sục này, nhiều
người Việt Nam dù là yêu hay ghét, có thể thích hay không thích nhưng có lẽ đều
ngậm ngùi khi nhớ lại câu nói của ông Ngô Đình Nhu, đại ý là "chúng ta
là nước nhược tiểu, đằng nào cũng phải dựa vào nước lớn, sao không dựa vào Mỹ
mà lại đi dựa vào Trung Quốc!". Và, có lẽ cũng nhân tiện nhớ luôn đến
một câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu "Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn
với Mỹ mới khó".
Dẫu muộn còn hơn không, quay đầu lại là bờ. Đã dám
công khai sự thật và nếu dám tiếp tục sống cùng sự thật, đoạn tuyệt với quá khứ
sai lầm, cắt đứt quan hệ với bạn đểu, yêu dân, chăm lo cho dân (thay vì chỉ đau
đáu tham nhũng, buông lỏng quản lý và chăm lo cho đối tác nước ngoài), bước
cùng nhịp điệu thời cuộc thì có lẽ cơ đồ đảng Ta không đến nỗi sập đổ toàn diện
như nhiều người dự đoán.
2.
Tất cả vẫn nằm trong toan tính của Mỹ
Sau khi hao người tốn của mà vẫn không ngăn được sức
mạnh cộng sản ở Miền Nam Việt Nam, lại nhận thấy máu ích kỷ, bành trướng, thích
làm bá chủ của Trung Quốc, Mỹ lôi kéo Trung Quốc, đánh thẳng vào khúc giữa, cắt
đứt sự liền mạch cộng sản Việt - Trung - Xô.
Kéo được Trung Quốc rồi, Mỹ bỏ Miền Nam Việt Nam, để
người Việt Nam thấm đòn "thua đau thiệt đớn" khi chơi với
Trung Quốc. Nhiều người hay phê phán Mỹ về việc làm ngơ để Trung Quốc tự do cướp
Hoàng Sa, xin thưa: Sài Gòn còn chả giữ được thì giữ Hoàng Sa làm gì!
Ấy là chuyện Việt Nam. Còn khu vực Đông Á thì sao?
Khi Philippin muốn đuổi quân Mỹ ra khỏi Subic, Mỹ đi liền. Để rồi, lúc Trung Quốc
nống ra Hoàng Nham, Cỏ Rong thì Philippin lại phải mời Mỹ trở lại. Khi Nhật Bản
muốn chuyển căn cứ quân sự của Mỹ, Mỹ đồng ý ngay, nhưng rồi sau đó chả hiểu
sao đột nhiên xảy ra sự kiện Điếu Ngư/Senkaku nóng giãy, thế là Nhật phải vội
vàng khẳng định thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, không thay đổi gì hết. Khi
Hàn Quốc muốn tiếp nhận quyền chỉ huy quân sự, Mỹ vui vẻ chấp thuận, nhưng rồi
liên tiếp xảy ra việc Bắc Hàn suốt ngày hết thử hạt nhân lại nã pháo dọa dẫm,
việc chuyển quyền chỉ huy quân sự cho Nam Hàn đành tạm hoãn lại.
Trung Hoa, mặc dù đã được xếp hạng nền kinh tế thứ
hai thế giới, có lực lượng quân sự mạnh, vũ khí - khí tài hiện đại, có công nghệ
vũ trụ và vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, tất cả những cái đó đều là làm theo, học
mót chứ không có gốc chắc chắn. Từ giáo dục - đào tạo đến khoa học kỹ thuật, đường
hướng phát triển của Trung Quốc về thực chất là học theo Âu - Mỹ và bắt chước
Nhật. Trung Quốc không có Newton, Giêm Oát, Ken-vin, cũng chẳng có Anhxtanh,
Fecmi,, Edison, Tesla, Sioncopxki, Lomonoxop, Ampe, Bill Gate ... cũng chưa có
(và khó có) những đại gia kinh tế kỹ thuật như Honda, Toyota, Microsoft ... Với
năng lực như thế, cộng với dân số đông, mâu thuẫn sắc tộc phức tạp, chưa chi đã
nống lên xưng bá xưng hùng thì là quá vội, thậm chí điên rồ, có thể ví Trung Quốc
ngày nay như là Đông Á Khùng Phu. Khi con kình ngư long quái chưa chết, hoặc
ngay cả khi nó sắp chết thì vẫn phải cẩn thận, hết sức cẩn thận, bởi chỉ một
cái quật đuôi của nó cũng có thể làm chết người.
Mỹ đã từng nuôi Iraq, Alqueda để chống Liên Xô.
Nhưng, khi việc phá Liên Xô đã xong và những kẻ được nuôi phản chủ thì Mỹ tìm
cách tiêu diệt và đã tiêu diệt được. Từ năm 1971 đến gần đây, Trung Quốc liên tục
phát triển được cũng là nhờ Mỹ tạo điều kiện. Khi thấy sức mạnh Trung Quốc có vẻ
vượt tầm kiểm soát là Mỹ tính cách bóp liền. Khi thâm hụt thương mại với Trung
Quốc ngày càng tăng cao và Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự đồng thời hung
hăng đòi cạnh tranh sức mạnh với USD, tức thì, việc lập vành đai bao vây quanh
Trung Quốc và chuyển quân định hướng chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ được triển
khai không chậm trễ. Vì Trung Quốc mạnh hơn và tinh quái, thâm hiểm ơn Iraq và
Alqueda nhiều, nên việc bắt Trung Quốc cũng khó hơn, kỳ công hơn, như là câu cá
lớn cho dù nó đã cắn câu cũng phải kéo thả một hồi cho nó mệt nhoài kiệt sức rồi
mới giật lên được. Những ai còn nghi ngờ việc Mỹ vẫn đang kiểm soát được tình
hình thì hãy nhớ lại vụ trái phiếu hàng nghìn tỷ USD mà Trung Quốc hý hửng ôm
vào, sẽ thấy trong ván cờ Mỹ - Trung không có cơ thắng nào dành cho Trung Quốc.
Năm 1975 - 1976, sau ngày thống nhất, các chi bộ đảng
Lao động Việt Nam (nay là đảng Cộng sản Việt Nam) từ thành thị đến nông thôn đều
được quán triệt "Mỹ tuy thua nhưng chúng tuyên bố sau 50 năm nữa, khi
thế hệ chống Mỹ đã già và chết, chúng sẽ quay lại, không cần đánh cũng thắng".
Hàng chục năm sau đó, quan điểm này không ngừng được lãnh đạo đảng các cấp nhắc
lại trong sinh hoạt các chi bộ. Tính ra, 50 năm sau 1975 là 2025, nhưng mà mới
chỉ 30 năm sau (tức năm 2005) nhiều người Việt đã thấy là phải dựa vào Mỹ mới
phát triển được kinh tế và bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Khi xảy ra khủng hoảng Ucraina, Trung quốc đã muốn
ngay lập tức chớp thời cơ, rập rình đưa giàn khoan ra biển. Tuy nhiên, trong
chuyến thăm của Tập Cận Bình tới EU, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tế nhị tặng
Tập một cuốn bản đồ, trong đó, điểm cực nam của Trung Hoa là ở đảo Hải Nam. Bài
học Đức Quốc Xã đã được EU nhắc khéo lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy, như đã xảy ra
trong thực tế, Trung Quốc vẫn cố tình phớt lờ lời cảnh báo.
Vẫn biết là để giải quyết triệt để xung đột chủ quyền
lãnh thổ ở khu vực Biển Đông không thể không có bàn tay của Nga, nhưng Mỹ không
muốn để Nga chiếm công đầu mà là phải làm theo toan tính của Mỹ. Vụ khủng hoảng
Ucraina rồi tiếp sau là vụ Mỹ chuẩn bị triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở
Hàn, Nhật (với cớ rất hợp lý không chê trách vào đâu được là ngăn ngừa nguy cơ
từ Bắc Hàn) khiến Nga buộc phải thắt chặt quan hệ với Trung Quốc (dù chỉ là tạm
thời) không dám công khai ho he gì khi xảy ra xung đột ở Biển Đông.
Mỹ đã lập Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông, tôn vinh một
vị hoàng đế anh hùng dân tộc đức tài trọn vẹn nhất của Việt Nam. Việc này khiến
người Việt (đa phần ảnh hưởng văn hóa Phật giáo) có cảm tình nhiều hơn và gần lại
hơn với Mỹ ngay từ trong tư tưởng, ý nghĩ. Mấy ngày gần đây, với việc công khai
và mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, rất rất nhiều
người Việt Nam mong chờ và đặt hy vọng vào Mỹ không khác gì con nhang đệ tử
mong chờ Bụt thiêng hiển hiện. Vòng vây quanh nước Trung Hoa do Mỹ tổ chức, đến
nay, kể như đã được xiết lại thêm một độ chặt.
3.
Tai họa lớn nhất không đến từ phía biển
Hơn một tháng nay, sự kiện HD-981 Biển Đông luôn
luôn suốt ngày được thông tin rầm rộ trên các phương tiện thông tin của đảng cộng
sản Việt Nam và nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đấy là sự thật, nhưng "đằng
sau mỗi sự thật, luôn có ít nhất một sự thật khác", chính quyền cộng sản
Việt Nam đang muốn nhân vụ HD-981 để khỏa lấp những bất bình của dân chúng về sự
hoành hành tác quái của tệ quan liêu - tham nhũng - lộng quyền.
Việc hướng sự chú ý của dân chúng ra biển cũng tạm
thời làm lắng dịu những đồn đoán lùm xùm về tranh giành phe nhóm đang đến hồi
quyết liệt trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, con ông này đức gì mà vào trung
ương, con ông kia tài gì mà lên hàm tướng, nạn mua quan bán chức diễn ra khắp
các bộ ban ngành, khắp các địa phương, ở tất cả các cấp... Việc hướng tâm trí
dân chúng vào xung đột biển đảo cũng làm giảm sự quan tâm đếm những vấn đề của
kinh tế quốc gia như tăng trưởng khó khăn, nợ công gia tăng, chênh lệch giá
vàng, thâu tóm và tư nhân hóa phe nhóm hóa ngân hàng, lạm phát cao, giá cả các
mặt hàng tiêu dùng khó kiểm soát ....
Lúc đầu, quả thật các vấn đề bức xúc kể trên có lắng
dịu, dân tình dồn hết tâm trí ra biển. Nhưng rồi, người ta nhận ra ngay, dù có
mất cả Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí mất hết cả Biển Đông thì mình cũng chưa
chết, nhưng, ruộng đất nhà mình mà bị cướp bị trả giá rẻ thì bản thân và gia đình
chết chắc. Rồi, cứ thấy quân ta nhịn hoài, bị đánh đuổi hoài mà không thấy phản
ứng kháng cự có hiệu quả, người dân nổi giận so sánh "cướp đất, đàn áp
dân sao hùng hổ thế mà với giặc lại hèn yếu thế kia??". Rồi, thấy lãnh
đạo Ta không thực sự kiên quyết dám đi theo Mỹ và đồng minh chống Trung Quốc
thì người ta nản "quanh quanh thì rồi chúng nó lại chui vào nách Tàu mà
thôi, chả làm điếu gì được".
Xung đột Biển Đông mới khá nóng một tí nhưng xem ra
đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam từ lớn như các công ty trồng cao su
không xuất khẩu được sản phẩm, đến nhỏ như mấy chị em ve chai cũng bị ảnh hưởng
(Trung Quốc tạm ngừng nhập giấy cũ, sắt vụn, hạt nhựa tái chế). Quốc hội cũng
phải họp khẩn bàn về phương án kinh tế quốc dân trong trường hợp xung đột Biển
Đông leo thang dữ dội hơn.
* Nhân vụ việc HD-981 Biển Đông, người Việt Nam có dịp
nhìn ngắm tổng quan lại toàn bộ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và có điều kiện dễ
nhận ra một sự thật mà không ít người đã cảnh báo: Nguy cơ nội thuộc Trung Hoa
đang cận kề.
- Đảng Ta nảy nòi từ bên Nga và sinh ra từ bên Tàu,
được đảng Tàu không ngừng bú mớm nuôi dưỡng, "cha sinh không tày mẹ dưỡng",
ơn của đảng Tàu với đảng Ta lớn lắm, đảng Ta không thể bỏ đảng Tàu được. Do ở
nước Việt Nam ta, đảng Ta là lãnh đạo duy nhất và toàn diện, cho nên, mọi sự chống
đối của chính quyền Ta với chính quyền Tàu, dù gay gắt đến đâu cũng chỉ là "cá
không ăn muối cá ươn". Cuối cùng, đảng Ta, nhà nước Ta lại dẫn dân ta
cúi luồn đảng Tàu, nhà nước Tàu mà thôi, không khác được.
- Tàu không chỉ sinh ra đảng Ta và bú mớm nuôi dưỡng
đảng Ta, đảng Tàu còn huấn luyện đảng Ta đủ các chiêu trò. Đảng Ta từ xưa đến
nay gần như luôn luôn như nhất làm theo mọi sự chỉ đạo của đảng Tàu, từ Cải
cách ruộng đất đến tư bản hóa nền kinh tế XHCN. Mặc dù Đặng Tiểu Bình xua quân
xâm lược nước ta, gây cho dân ta biết bao đau thương nhưng giờ đây, lãnh đạo đảng
ta tôn sùng Đặng như thánh, hết lời ca ngợi từ "thuyết con mèo"
đến cách sống "điếu cần bạn nào lâu dài, chỉ có quyền lợi của tao là
vĩnh viễn". Mỗi đợt bầu bán trung ương, quan chức đảng viên Ta luôn phải
chạy chọt sang tận ... Tàu mới dễ bề được bổ nhiệm.
- Nền kinh tế của ta hóa ra chỉ là gia công cho kinh
tế của Tàu. Năng lượng, nguyên phụ liệu phần lớn phải nhập từ Tàu. Sản phẩm phần
nhiều bán sang Tàu. Hàng loạt dự án trọng điểm do Tàu thầu thi công (dù chất lượng
chẳng tốt - như nhà máy điện Hải Phòng là một ví dụ). Rất nhiều vùng đất trọng
điểm do Tàu thuê mua khống chế. Thâm hụt kinh tế Việt - Trung mỗi năm lên tới
hàng chục tỷ USD.
- Ngoài biển Tàu không ngừng xâm lấn thâu tóm. Ở bờ,
họ không ngừng thao túng Kampuchia và Lào. Việt Nam có muốn cố giãy ra cũng
càng ngày càng khó. Trong nước Việt Nam, thương nhân Tàu mặc sức tung hoành dìm
hàng, phá hoại nền kinh tế ta bằng những chiêu trò rất thâm độc (mua rễ tiêu,
lá điều, ngọn khoai, ốc bươu vàng, đỉa ...), khiến bà con ta nhiều phen khốn đốn.
- Trong quan hệ quốc tế, Tàu không ngừng cản trở, dọa
nạt nhằm ngăn không cho Việt Nam thân cận gần gũi ai để có thể cậy nhờ hòng
thoát khỏi sự kềm kẹp khống chế của Tàu.
Từ chỗ phụ thuộc mọi mặt từ tư tưởng, tổ chức chính
quyền đến ngoại giao, kinh tế - văn hóa, Việt Nam sẽ đi đến chỗ lệ thuộc Tàu nặng
nề và một ngày "đẹp giời" nào đó, chính quyền Việt Nam ký thỏa
thuận liên bang nội thuộc Trung Hoa, thế là xong.
* Rõ ràng, nguy cơ lớn nhất không đến từ việc Trung
Quốc xâm lấn biển đảo xa xôi, đó chỉ như là ghẻ lở ngoài da mà thôi. Hiểm họa
thực sự nó nằm ở lòng ruột tim gan (kinh tế), trong não bộ (tư tưởng, tổ chức,
chính trị), đấy là sự thật chắc chắn. Không phải là không có lý khi một số người
cho rằng: Muốn thoát Trung, trước hết phải bỏ Cộng (sản) độc tài toàn trị.
No comments:
Post a Comment