Monday, 2 June 2014

PHÂN TÍCH BÀI PHÁT BIỂU CỦA TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH TẠI SHANGRI-LA (Giang Lê)




Giang Lê
Posted by adminbasam on 02/06/2014

Tôi đang so sánh bài phát biểu của tướng Thanh bản tiếng Anh (trên website của IISS – link bên dưới) với bản tiếng Việt trên website báo Thanh Niên. Tôi sẽ bàn về nội dung của bài phát biểu này sau, trước hết là nhận xét về 2 version của bài phát biểu.Nhìn chung tôi cho rằng bản tiếng Anh là bài dịch từ nguyên gốc tiếng Việt vì một số câu chữ đặc thù của các bài phát biểu ở VN được đưa nguyên sang bản tiếng Anh. Tuy nhiên cũng lạ là có một số câu dường như bản tiếng Việt được dịch ngược lại từ bản tiếng Anh (vì câu tiếng Anh “chuẩn” hơn câu tiếng Việt).

Bản dịch tiếng Anh có câu cú, từ vụng không được trau chuốt, không chuẩn, và vẫn còn lỗi ngữ pháp. Một số chỗ có sai lệch về ý tứ giữa 2 version. Đặc biệt 2 paragraph rất quan trọng mà dư luận nhắc đến nhiều 2 hôm nay có sự khác biệt, dù không quá rõ nhưng đáng đặt câu hỏi đó là cố ý hay do người dịch không dịch tốt (tôi sẽ phân tích thêm về vấn đề này sau).

Bài phát biểu có nhiều ngôn từ rất “tuyên giáo” và “vênh” với văn hoá/chính trị quốc tế. Ví dụ đoạn nói về “lãnh đạo Đảng” hay ngụ ý về việc phải định hướng phát ngôn báo chí. Bài viết ba lần nhắc đến chữ “cấp cao” cũng là đặc thù của VN, hay những cụm tính từ rất đao to búa lớn như “nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết” cũng vậy (chắc làm người dịch toát mồ hôi).

Việc sử dụng từ East Sea trong bản tiếng Anh mà không mở ngoặc là South China Sea là một cố chấp, nó làm giảm giá trị của một paragraph khi nói về tranh chấp biển vì nhiều người nước ngoài không biết East Sea ở đâu (trong khi Song tu Dong, Song tu Tay vẫn có mở ngoặc chú thích tên tiếng Anh).
Dịch chữ “quân đội” thành “the army” có thể gây thắc mắc cho các nhà bình luận/nghiên cứu Anh/Mỹ. Ở những quốc gia Anglo-Saxon “armed forces/defence force” được cấu thành bởi “the army”, “the airforce”, và “the navy”. Trong đó “the army” chỉ là lục quân, hầu như không liên quan đến tranh chấp trên biển.

Câu “It is our clear awareness that struggling to protect territorial sovereignty is sacred” dịch quá máy móc. Chữ “struggling” làm thay đổi ý nghĩa của câu gốc tiếng Việt, chắc các độc giả nước ngoài sẽ gãi đầu gãi tai vì chẳng hiểu tại sao bảo vệ chủ quyền lại phải struggle.

——
Bây giờ nói về 2 cái paragraph “quan trọng” làm không ít người thất vọng về bài phát biểu này. Đoạn thứ nhất:“Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc…”
bản dịch tiếng Anh:
“Relations between Viet Nam and the friendly neighbouring country of China have seen overall strong growth. There remains an outstanding issue of disputes over sovereignty in the East Sea and frictions from time to time such as the incident…” 

Bỏ qua lỗi dịch thuật (“the relationship” chứ không phải “relations”), version tiếng Anh có nghĩa hơi khác so với tiếng Việt, không “nồng ấm” như ý trong tiếng Việt. “An overall strong growth” không hẳn là “đang phát triển tốt đẹp”. Cụm từ “the friendly neighbouring country of China” đọc lên rất lủng củng và bản chất khác với “nước bạn láng giềng Trung Quốc”. Dịch chính xác (nghĩa) câu tiếng Việt theo tôi phải là:
“The overall relationship between Vietnam and our neighbouring friend China is progressing well in all aspects…”
rõ ràng “nồng ấm” hơn hẳn bản dịch chính thức trên IISS. Lưu ý “friengly neighbour” khác với “neighbouring friend”. Câu tiếng Việt khẳng định TQ là “bạn” của VN, câu tiếng Anh chỉ nói TQ là một hàng xóm tốt, dù không khác nhiều nhưng đáng lưu tâm nếu đây là chủ ý. “Đang phát triển tốt đẹp” cũng không hẳn là “strong growth”, cụm từ tiếng Anh trung tính hơn hẳn cụm từ tiếng Việt.

Version tiếng Anh sau đó ngắt ra làm 2 câu trong khi bài tiếng Việt thêm vào một mệnh đề phụ với conjunction “chỉ còn” rất nhẹ nhàng. Khác biệt này rất khó thấy nhưng nếu chỉ đọc bản tiếng Anh (bỏ qua lỗi dịch thuật) thì người đọc có cảm giác quan hệ Việt-Trung phát triển đến ngày hôm nay và xuất hiện dispute về biển đảo làm gián đoạn quan hệ đó. Trong khi version tiếng Việt gợi ý rằng quan hệ đang phát triển tốt đẹp chỉ còn một vấn đề (nhỏ) khả năng sẽ được giải quyết êm thấm.

Sang paragraph thứ hai, bản tiếng Việt:
“Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước.”
bản tiếng Anh:
“We demand that China withdraw its drilling rig out of the Vietnamese continental shelf and exclusive economic zone and negotiate with us to maintain peace, stability and friendly relations between the two countries.”

Chữ “đề nghị” ở đây dịch thành “demand” là sai (có chủ ý hay không tôi không biết). “We demand” là một yêu cầu ngoại giao cứng rắn, phù hợp với thông lệ quốc tế có nghĩa là “Chúng tôi yêu cầu…”. Nếu dịch đúng (nghĩa) “Chúng tôi đề nghị…” sẽ phải là “We ask/insist…”, yếu hơn rất nhiều.

Phần tiếp theo “…và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hoà bình….” dịch đúng thành “…and negotiate with us to maintain peace…”. Tuy nhiên cả câu tiếng Việt lẫn câu tiếng Anh đều “đánh lừa” người đọc hiểu là VN yêu cầu TQ rút giàn khoan ra và đàm phán về vấn đề chủ quyền vùng biển đó. Cả báo tiếng Việt lẫn một vài báo tiếng Anh có vẻ hiểu như vậy mặc dù cái vế “đàm phán” này chỉ có nghĩa đảm bảo hoà bình, ổn định chứ không hàm ý đàm phán về chủ quyền. Sự mập mờ này là chủ ý hay chỉ là lỗi soạn thảo tôi không biết, nhưng điều này làm lập trường của VN yếu đi.

Dẫu sau trong 2 paragraph này tôi thấy bản tiếng Việt “ôn hoà” hơn hẳn bản tiếng Anh dù theo tôi bản tiếng Anh (lẫn bản tiếng Việt) vẫn chưa đủ cứng rắn và nội dung có nhiều điều cần bàn. Nếu hai version này được chủ ý viết khác nhau (dù rất subtle), một câu hỏi đặt ra là tại sao version tiếng Việt lại nhẹ nhàng hơn? Phải ngược lại mới hợp lý chứ (vì cần xoa dịu dư luận trong nước)?

Hôm trước anh Phu Nguyen Van có nhận xét cụm từ “hữu nghị viển vông” của TT Dũng trả lời phỏng vấn Reuters được dịch thành “elusive friendship” đã làm version tiếng Anh nhẹ nhàng hơn version tiếng Việt. Vậy tại sao tướng Thanh lại làm ngược lại?

——

Tạm xong về vấn đề hình thức, bây giờ chuyển qua nội dung bài phát biểu của tướng Thanh.
Trước hết đánh giá về “văn” với tôi bài này có chất lượng trung bình kém. Chưa kể quá nhiều từ ngữ và style kiểu “tuyên giáo” tôi đã phàn nàn trong entry trước, ý tưởng toàn bài không mạch lạc, nhiều ý bị lặp đi lặp lại, các điểm nhấn không nổi bật (có thể tác giả cố tình). Đúng như Carl Thayer nhận xét lãnh đạo VN thường chỉ nói chung chung chứ không đưa ra điều gì cụ thể.Sở dĩ tôi không xếp hẳn bài này vào diện kém vì 2 bài còn lại trong session này (chuyên đề về Managing Strategic Tensions) cũng nhạt nhẽo không kém, có chăng bộ trưởng QP Úc và Indonesia viết trôi chảy hơn một tẹo. Một lý do nữa (hơi AQ một tý) là không rõ có phải vì bài phát biểu “dĩ hoà vi quí” như vậy nên tướng Thanh không bị quay trong phần Q&A hay không, chứ không chẳng biết ông sẽ xoay sở thế nào :-)

Nội dung chính của bài này có thể tóm tắt như sau. Năm ngoái thủ tướng tôi nói “lòng tin chiến lược” nhưng chắc chẳng ai nghe nên thế giới và khu vực ngày càng bất ổn. Năm nay tôi sẽ nói về “quản lý căng thẳng chiến lược”, mà nói thực tôi cũng chẳng hiểu nó là cái gì (giống hai đồng nghiệp Úc và Indonesia vừa phát biểu). Thôi thì tôi cứ nhắc lại mấy câu “thần chú” ai ai cũng biết: giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà bình, các bên phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực, đề cao vai trò các diễn đàn/tổ chức quốc tế… Ví dụ như VN chúng tôi đây dù TQ ngang ngược đem giàn khoan vào EEZ của tôi không đời nào tôi dùng vòi rồng hay húc tàu (như chúng nó đã/đang làm – đoạn này ngầm hiểu không phải tôi nói đâu nhé!). Nhân tiện đây tôi nhắn bạn TQ kéo cái giàn khoan ra đi rồi chúng ta đàm phán, tôi hứa sẽ chỉ song phương thôi vì đây là vấn đề giữa 2 chúng ta (bạn lưu ý là tôi không có ý định kiện cáo gì đâu nhé). Cuối cùng, xin gửi lời chào thân ái và quyết thắng tới toàn thể hội nghị!

Điểm “văn” trung bình kém, còn điểm “impact” thì thế nào? Để đánh giá mặt này cần phải trả lời câu hỏi bài diễn văn này nhằm đánh tiếng điều gì và cho ai. Cá nhân tôi cho rằng đích đến của ông Thanh là TQ (dĩ nhiên rồi), Mỹ+Nhật+… (dĩ nhiên), nội bộ VN (nhân dân và các phe cánh khác phe (của) ông Thanh), có thể với Nga nữa. Tại sao lại với Nga? Đọc bài của bộ trưởng QP Nga sẽ thấy Nga lo ngại Mỹ xoay trục sang Asia-Pacific và tìm cách thành lập liên minh quân sự. Toàn bài của tướng Thanh không hề nhắc đến liên mình, liên kết gì cả, thậm chí đến tập trận chung (là điều rất nhiều speaker khác nhắc đến) cũng không dám nói (mạnh miệng nhất chỉ là vụ “giao hữu bóng chuyền” với lính Phi luật tân ở Trường Sa). Thông điệp cho Anatoly Antonov là cứ giao nốt mấy cái Kilo và Su-30 đi, tôi không phản thùng theo Mỹ đâu, tôi cũng ghét các thể loại “color” như bạn vậy.

Tất nhiên đây cũng là thông điệp cho TQ. Thông điệp này càng quan trọng sau bài mở màn đầy kịch tính của Shinzo Abe và nhất là bài cực diều hâu của Chuck Hagel. Nhiều người chỉ đánh giá bài của Hagel ở điểm xỉ vả thẳng thừng TQ mà không để ý ông này doạ TQ bằng cách công bố một loạt hợp đồng bán vũ khí mới cho các quốc gia bao quanh nước này. Hagel nói thẳng ý tưởng có thể lập liên minh quân sự (chống Tàu – cái này là tôi suy diễn nhé) còn Abe bảo liên minh đa phương mà khó thì làm liên minh tay ba Mỹ-Nhật và một nước thứ ba nào đó, mà VN rõ là một candidate rất hợp lý. Abe và sau đó một bạn Nhật khác tung hứng ý tưởng sẽ sửa hiến pháp để chủ động hơn trong các hoạt động quân sự trong và ngoài nước, trong các trường hợp “emergency”. Cuối bài phát biểu Chuck Hagel nói kháy TQ bằng lời của George Marshall: tao với mày đọ xem ai có nhiều bạn hơn nào? Không, tất nhiên VN vẫn là bạn với TQ, thông điệp này rất rõ ràng.

Vậy thì thông điệp với Mỹ và đồng minh thế nào? Một con số không tròn trĩnh. Bạn không tin á? Đến một chữ “Mỹ” hay “Nhật” còn không dám đưa vào bài phát biểu chứ đừng nói gì đến liên minh hay hợp tác. Thậm chí một version nhẹ nhàng hơn là TPP cũng giấu tịt. VN theo như tướng Thanh (và phe của ông ấy) sẽ không chơi với Mỹ, đấy là thông điệp trong bài phát biểu này bất chấp trước đó Chuck Hagel đã ra sức làm thân nhắc đến kỷ niệm năm 67. Tất nhiên cả Hagel lẫn Abe đều muốn nghe một tuyên bố cứng rắn từ phía VN công khai tại hội nghị, đó là thành công chính trị mà họ có thể đem về nước để lấy tiền và lấy phiếu. Nhưng hi vọng rằng cả hai bạn ấy đều hiểu phẩm chất của người CS, họ không làm những gì họ nói (trích lời TT đấy nhé). Cũng có thể tướng Thanh đang chê 18 triệu ít quá, số đó mới chỉ là xoay nắm đấm cửa thôi chứ trục trặc gì. Bởi vậy nên bạn đừng quá thất vọng.

Cuối cùng là thông điệp gì tướng Thanh muốn gửi ngược về cho đồng bào của mình? Đọc bản tiếng Việt “nhũn như con chi chi” trái với những lời lẽ cứng rắn của thủ tướng Dũng mấy hôm trước bạn có đoán được không? Tôi nhớ một dạo dư luận và báo chí ồn ào về vụ quân đội có nên “phi chính trị” hay không, hay bây giờ chuyển sang “phi chính phủ”? Cá nhân tôi cảm thấy lo lắng rằng trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này nội bộ VN không đoàn kết, một lòng tìm giải pháp đối phó với một đối thủ rất thâm độc. Hi vọng rằng những cảm nhận của tôi sai, các bác ấy đang đánh vu hồi tứ tung. VN đang đứng trước một mối đe doạ cực kỳ nguy hiểm nhưng đồng thời có một cơ hội lịch sử thoát khỏi quá khứ tối tăm. Tiếc là khả năng những dân đen như tôi và bạn chộp lấy cơ hội này quá nhỏ, vận mệnh đất nước một lần nữa lại nằm trong tay một vài người như tướng Thanh. Ở thời điểm này, tôi chấm cho (bài phát biểu của) ông điểm kém. Bạn sẽ chấm thế nào?
——


.
Nguồn:



Giang Lê
6-1-2014



--------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats