Wednesday, 11 June 2014

PHẢI KIỆN TRƯỚC KHI TRUNG QUỐC RÚT GIÀN KHOAN (Trần Kinh Nghị)




Thứ Tư, ngày 11 tháng 6 năm 2014

Dư luận trong và ngoài nước đang rộ lên về việc "kiện Trung Quốc". Tuy nhiên, cách hiểu thì  khác nhau khá nhiều, chủ yếu tập trung vào các khía cạnh như  kiện về cái gì, kiện ra tòa án nào, thời điểm nào, vận dụng lý lẽ ra sao, và khả năng thắng thua...

Thật ra về phần mình Việt Nam đã tính đến việc kiện TQ ra tòa án quốc tế từ nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới tính. Tuy nhiên VN chưa thật sự coi trọng mặt trận pháp lý này, lý do chủ yếu vì sợ chọc giận TQ gây căng thẳng quan hệ lâu dài, và điều này đã được ám chỉ bởi một vài vị lãnh đạo cấp cao mới đây rằng "kiện khác nào bát nước đổ đi". Đồng thời cũng có sự lo ngại khả năng bị thua kiện. Có lẽ cái "sự thiếu mặn mà" và do dự này ít nhiều đã hạn chế quá trình chuẩn bị hồ sơ, chí ít  là cho đến khi xảy ra vụ giàn khoan 981.

Dự do dự băn khoăn trên đây là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh mối quan hệ bị ràng buộc và bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi TQ là nước lớn lắm tiền và lắm mưu mô chước quỷ. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của toàn bộ vấn đề. Vấn đề còn phụ thuộc vào thái độ của TQ. Với những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thể hiện cho thấy họ đã chủ động vứt bỏ quan hệ với VN để đạt mục đích bá chủ Biển Đông thì không có lý gì VN phải luyến tiếc. Và vấn đề cũng phụ thuộc vào cách thức và thời điểm của từng vụ kiện. Nếu không thấy điều này thì lúc nào cũng do dự và thời cơ sẽ trôi đi không bao giờ lấy lại được; thế hệ này không được thì thế hệ sau càng khó.        

Có lẽ có 2 lĩnh vực vấn cần xem xét ở đây. Một là cần xác định nội dung kiện là gì. Nếu kiện để đòi  lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào lúc này là điều rất ít tính khả thi, thậm chí có nguy cơ thất bại hoặc không đi đến đâu cả. Nhưng nếu tập trung kiện về vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì Việt Nam hoàn toàn có lợi thế; một trong những lợi thế đó là việc TQ ngang nhiên đơn phương cho hạ đặt giàn khoan với sự yểm trợ của hàng ngàn tàu thuyền, kể cả  tàu chiến máy bay, gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng đối với Việt Nam, không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển 1982 mà còn vi phạm luật môi trường và quyền mưu sinh của con người. Hành động đó đang đe dọa sự an toàn hàng hải tại Biển Đông và đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế. Các nước có tranh chấp với TQ rất lo ngại sẽ đến lượt mình.
Những lý lẽ để bác bỏ đường chín đoạn cũng là một lợi thế của VN và cần được nêu ra trong dịp này chắc chắn sẽ được dư luận rộng rãi trên thế giới ủng hộ.

Đó là nôi dung kiện mà VN chính thức nêu ra. Còn nếu phía TQ viện dẫn chủ quyền Hoàng Sa theo quan niệm của họ thì đó sẽ là dịp để VN lên tiếng  bác bỏ làm cho dư luận thế giới hiểu đúng hơn về tranh chấp Hoàng Sa. Tất nhiên tòa án sẽ không phán quyết gì  liên quan vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua vụ kiện này, nhưng đó là một dịp để ghi nhận sự phản kháng của VN đối với sự chiếm đóng trái phép của TQ. Điều tòa án có thể phán xét (nếu có) sẽ là buộc TQ rút giàn khoan.
Hai là, cần xác định thời điểm kiện kịp thời khi giàn khoan Haiyang 981 vẫn còn hoạt động phi pháp trong hải phận Việt Nam. Nếu để nó rút đi rồi thì coi như mất cơ hội; giống như khi quả bóng xì hơi thì không ai nhìn thấy nó nữa. Do đó VN cần đưa vụ kiện ra quốc tế đúng lúc để có đủ chứng cứ và được dư luận quốc tế quan ủng hộ, đồng thời hạn chế việc TQ sử dụng các thủ đoạn phi pháp lý vốn là "thế mạnh" của họ. 

Mục đích của việc kiện không chỉ để buộc TQ rút giàn khoan mà còn ràng buộc họ không dễ dàng dấn sâu thêm vào những vụ xâm phạm khác. Nếu chỉ nhằm mục tiêu TQ rút giàn khoan thì sớm muộn họ cũng phải rút thôi, chậm nhất là đến 15/8 hoặc cùng lắm là đến thời gian sóng to  gió chướng tại khu vực này. Lúc đó TQ sẽ tự tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ" ...để  lần sau lại tiến hành những "nhiệm vụ" tương tự dọc bờ biển VN thì ta sẽ còn khó hơn nhiều!      

Tóm lại, trước mắt Việt Nam nên kiện đòi TQ rút giàn khoan cùng toàn bộ lực lượng ra khỏi  lãnh hải của VN trả lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Việc chọn đưa ra toà án Công lý Quốc tế hay UNCLOS tùy thuộc vào mục đích kiện. Tất nhiên trong quá trình xét xử, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa dù muốn hay không sẽ được đề cập, và bằng cách đó Việt Nam sẽ có cơ hội để trình bày lý lẽ của mình. Trong trường hợp TQ không đồng ý tham gia vụ kiện thì ít nhất việc khởi kiện của VN cũng góp phần làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của mình trước công luận quốc tế, dù sao  vẫn có lợi hơn là không kiện./.


Đăng bởi Trần Kinh Nghị




No comments:

Post a Comment

View My Stats