Sunday 8 June 2014

ĐỐI THOẠI QUỐC PHÒNG : TRUNG QUỐC LỘNG NGÔN, NHƯNG VỤNG TÍNH (Matthew Robertson, Epoch Times)




Matthew Robertson, Epoch Times
9 Tháng Sáu, 2014

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Vương Quán Trung phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 tại Đối thoại Shangri-La (SLD) do Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức ở Singapore, ngày 1/6/2014. Các chuyên gia nói, phát biểu của ông Vương là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông với sự trợ giúp của kỹ thuật tâm lý chiến (Ảnh internet)

Vương Quán Trung là “một trong số những nhà chiến lược đấu tranh chính trị tài năng nhất của Quân đội Trung Quốc” – nhà phân tích quân sự Mark Stokes.

Tại buổi kết thúc đối thoại an ninh quốc tế Shangri-La ở Singapore gần đây, một nhân vật tâm lý chiến hàng đầu Trung Quốc có cơ hội trình bày sau cùng, để giáng trả thẳng tay Nhật Bản, và Mỹ, về những phát biểu trước đó của các nước này, mà theo ông ta là “sặc mùi tư tưởng bá chủ”. Trong khi Mỹ cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và một số tướng lĩnh cấp cao, và Nhật Bản cử Thủ tướng Shinzo Abe và bộ trưởng ngoại giao, thì đoàn Trung Quốc không có các quan chức quốc phòng hàng đầu.

Thay vào đó, đoàn Trung Quốc chỉ có các quan chức và học giả nói tiếng Anh, có kinh nghiệm trong tuyên truyền đối ngoại, và dẫn đầu bởi Trung tướng Vương Quán Trung, một nhân vật tuyên truyền quân sự và chiến lược kỳ cựu.

Sự xuất hiện nổi bật của ông Vương, người làm việc lâu năm trong bộ phận tuyên truyền ở Tổng cục Tham mưu và hiện nay là “một trong những nhà chiến lược đấu tranh chính trị tài năng nhất của Quân đội Trung Quốc”, theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Mark Stokes – đã cho thấy Trung Quốc tập trung vào một trong những chiến lược quan trọng nhằm nỗ lực duy trì chủ quyền thực tế trên các vùng biển quanh Trung Quốc, đó là: đấu tranh chính trị.

Vương Quán Trung có những bình luận chống lại cả Mỹ và Nhật Bản trong “những nhận xét không có trong văn bản” (có thể đã soạn sẵn) trong bài phát biểu chính của ông, và cũng trong cuộc phỏng vấn dài với báo chí Trung Quốc sau đó.

Ông Vương nói: “Phát biểu của Bộ trưởng Hagel là bài phát biểu đầy ngôn từ đe nẹt, dọa dẫm”. Chắc chắn đó cũng là “một phát biểu đầy kích động và xúi giục”. Đó cũng là một bài phát biểu đầy “khiêu khích” và “thái độ thiếu hợp tác”

Đề cập đến các quan điểm tương đồng giữa Mỹ và Nhât Bản, ông Vương nói đó dường như họ đã “hát một bản song ca”, và hỏi lại: “Ai mới là người chủ động khơi dậy các sự việc, kích động các tranh chấp, và xúi giục xung đột?”

Ông ta đáp trả mạnh mẽ các phát biểu của ông Abe ngày 30 tháng 5 và ông Hagel ngày 31 tháng 5. Cả hai nước nhắc lại khá thẳng thắn các quan điểm nhất quán của họ về vấn đề lãnh thổ và lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Ông Abe không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Hagel phát biểu rõ ràng, chỉ rõ ứng xử của Trung Quốc là nguồn cơn chính của căng thẳng, bất ổn và tiềm ẩn xung đột. Điều này không phải là quan điểm mới của Mỹ nhưng cho thấy quan điểm rõ ràng hơn của Mỹ.

Ông Vương không tập trung vào các điểm chi tiết, hoặc bản chất phát biểu của ông Abe và Hagel. Ông ta dường như quan tâm hơn đến việc lớn tiếng bác bỏ và tái tuyên bố sự đúng đắn rõ ràng của quan điểm Trung Quốc.

Richard D.Fisher, một học giả kỳ cựu về các vấn đền quân sự Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Quốc tế, nói “Nhiệm vụ của Tướng Vương là hăm dọa Nhật Bản và Mỹ để bảo vệ lợi ích của họ bằng cách dứt khoát phủ nhận Trung Quốc có bất cứ lỗi nào trong các căng thẳng quân sự leo thang ở biển Hoa Đông và biển Đông”

Phản bác mạnh mẽ của ông Vương nhanh chóng được báo chí đưa tin và tạo ra những tranh luận trực tuyến trên khắp thế giới – điều này rất có thể là ý định của Trung Quốc.

Tuyên truyền đóng vai trò chiến lược

Theo một báo cáo của Dự án 2049, một nhóm nghiên cứu an ninh đặt tại Virginia, Ông Vương đã có 6 năm làm việc về chiến lược đấu tranh chính trị ở bộ phận tuyên truyền của Tổng cục Tham mưu Quân đội Trung Quốc, nơi chịu trách nhiệm cho “công việc liên lạc”, cũng được biết tới như “đấu tranh chính trị”.

Báo cáo của Dự án 2049 giải thích, đấu tranh chính trị là một loạt các chiến lược và kỹ thuật nhằm gây ảnh hưởng lên cảm xúc, động cơ và lập luận của các tổ chức nước ngoài.

Những ý tưởng và thực tiễn này được chế độ cộng sản phát triển trong nhiều năm hoạt động ngầm, đấu tranh cách mạng chống lại Quốc dân đảng, trước khi lật đổ Quốc dân đảng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.

Báo cáo nói: “Đấu tranh chính trị dùng các kỹ thuật tâm lý chiến như phương tiện dẫn dắt dư luận quốc tế và gây ảnh hưởng lên các chính sách của cả bạn và thù”. Đối với Đảng Cộng sản, “công việc liên lạc là các phương tiện quan trọng để làm suy giảm nhuệ khí kẻ thù và tạo dựng sự ủng hộ quốc tế và trong nước”

“Tuyên truyền, thực hiện trong cả thời bình và thời chiến, để phóng đại hoặc thu nhỏ các hiệu ứng chính trị của biện pháp quân sự và của quyền lực quốc gia”

Trong sự việc này, ông Vương dường như đã áp dụng cách “thuyết phục cưỡng ép để làm suy yếu ý chí chính trị của đối phương và ép buộc một loạt các hành động có lợi cho lợi ích của một bên”, theo như học thuyết đấu tranh chính trị được Dự án 2049 giải thích.

Theo ông Fisher, một nhà nghiên cứu quốc phòng thì mục đích không phải là chiến thắng trong tranh luận hợp pháp. Trung Quốc phản đối quá trình kiện tụng quốc tế của Philippines, cho thấy rõ điều này. Thay vào đó, họ “sử dụng lối lộng ngôn thù địch để hăm dọa Tokyo và Washington”

Ông nói thêm: “Hiệu ứng gây sốc được nhân lên qua Đối thoại Shangri-La, nơi từ xưa được coi là nơi thúc đẩy sự thân thiện và giải pháp hòa bình”. Đối thoại Shangri-La được Học viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tổ chức hàng năm ở khách sạn Shangri-La ở Singapore, một tổ chức tham mưu an ninh đặt ở London.

Theo ông Fisher, kết quả lý tưởng với Trung Quốc sẽ là các nhà làm chính sách ở châu Á kết luận rằng “Trung Quốc ‘đủ điên để giết người’” và họ lùi bước, cho phép quân đội Trung Quốc coi biển Đông như là cái “hồ”  của họ. Ông Fisher nói, nếu khóa được Nhật Bản và Mỹ ngoài các khu vực nhất định của vùng biển này thì Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế quân sự.

Ông Fisher nói: “Nếu Trung Quốc có thể khiến các nước khác đầu hàng bằng cách đơn giản la hét thì Trung Quốc sẽ làm vậy”

Nhưng liệu đó có là chiến lược thắng lợi không thì vẫn chưa rõ.

Tranh chấp lãnh thổ

Trong vài năm gần đây, và đặc biệt trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã tìm cách tuyên bố vùng lãnh hải trên thực tế của họ phần lớn ở biển Đông, đồng thời tuyên bố chủ quyền với các đảo do Nhật Bản quản lý hàng thập kỷ ở biển Hoa Đông.

Các nhà phân tích mô tả chiến thuật của Trung Quốc là “nói không thành có” hay “vừa ăn cắp vừa la làng” (“salami slicing”), đề cập đến cách mà các tàu thuyền Trung Quốc đâm tàu của các nước khác, tịch thu cá, đánh ngư dân và nhìn chung hành động như thể biển Hoa Nam đã thuộc về Trung Quốc.
Theo quan điểm này, các nước khác trong khu vực là những người xâm phạm vùng biển Trung Quốc. Đó chính là cách mà Trung tướng Vương công kích Nhật Bản và Mỹ.

Dù vậy, mặt trái của cách tiếp cận này là các hành động kích động và lộng ngôn có thể “gậy ông đập lưng ông”. Fisher nói: “Trung Quốc cũng đối mặt với rủi ro lớn hơn, khi phóng đại sự thù địch và thiếu lẽ phải, họ sẽ để cho Tokyo và Washington nhanh chóng tập hợp các nước nhỏ hơn để có hành động chung”






No comments:

Post a Comment

View My Stats