Sunday 8 June 2014

ĐỌC & VIẾT TIẾNG VIỆT THEO PHƯƠNG PHÁP ÂM VỊ HỌC (Thanh Phong - Viễn Đông online)




Thanh Phong   (Viễn Đông)
VienDongDaily.Com - 03/06/2014

GARDEN GROVE - Các Ni sư Thiền Viện Sùng Nghiêm ngoài việc tu hành còn luôn nghĩ đến việc phổ biến, duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam cho các thế hệ mai sau. Bởi thế, dù Thiền Viện không rộng rãi, khang trang như nhiều ngôi chùa trong vùng nhưng nơi đây luôn có những buổi triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, ra mắt những tác phẩm giá trị của Ni Sư Viện Chủ và một số tác giả khác để phục vụ đồng hương, nhất là những người yêu mến văn hóa Việt.

Hôm Chủ nhật 25 tháng Năm, Thiền Viện lại tổ chức buổi thuyết trình về đề tài “Dạy Đọc và Dạy Viết Tiếng Việt Theo Phương Pháp Âm Vị Học,” mà diễn giả là một nhà trí thức lỗi lạc của miền Nam trước 1975: Giáo sư, bác sĩ Trần Ngọc Ninh, nguyên Tổng Trưởng Văn Hóa Xã Hội Đặc Trách Giáo Dục VNCH.

Với một đề tài khô khan, không hấp dẫn tí nào, ai cũng nghĩ số người tham dự sẽ rất hạn chế nhưng không ngờ, ngoài khoảng 50 đồng hương, đa số là những giáo chức, văn nhân, thi sĩ, đặc biệt mọi người thấy sự xuất hiện của các vị Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Thích Nguyên Trí, Thích Giác Sĩ, Thích Quảng Thanh và một số quý vị điều hành Viện Việt Học như thầy Nguyễn Minh Lân, cô Kim Ngân, cô Cao Minh Châu v.v. và dĩ nhiên các Ni sư của Thiền Viện gồm Ni Sư Viện Chủ Thích Nữ Chân Thiền, các Ni sư Chân Như, Chân Diệu, Chân Liên, Chân Đạo đều hiện diện đầy đủ.

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đang thuyết trình tại Thiền Viện Sùng Nghiêm

Sau nghi thức chào cờ, Ni Sư Chân Thiền giới thiệu và chào mừng chư tôn đức Tăng, Ni, giáo sư diễn giả cũng như đồng hương và anh chị em giới truyền thông. Ni Sư nói, “Thiền Viện Sùng Nghiêm chúng con rất hân hạnh được nghênh tiếp quý Hòa Thượng, quý Ni hôm nay đã hiện diện tại đây để tham dự buổi thuyết trình, và Thiền Viện Sùng Nghiêm cũng rất hân hạnh được nghênh tiếp quý vị học giả, quý vị giáo chức, quý vị chủ nhiệm, các ký giả truyền thông cùng đông đảo đồng hương hiện diện. Một lần nữa, xin cám ơn quý vị đã đến, và đặc biệt nhất, xin hân hạnh được chào đón giáo sư Trần Ngọc Ninh, một vị quan trọng nhất với một đề tài cũng quan trọng nhất, một đề tài thăng hoa, cội gốc của nền văn hóa nước Việt Nam.”

Sau mấy lời ngắn gọn, Ni Sư Viện Chủ mời diễn giả lên bục thuyết trình.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh bước lên bục với những bước đi không còn mạnh mẽ, cứng cáp như mấy năm về trước khi ông cũng thuyết trình đề tài này tại Viện Việt Học ở Westminster, vì năm nay ông đã 91 tuổi.

Cầm trên tay micro, giáo sư chào quý Hòa Thượng và quý Ni Sư cũng như mọi người có mặt và nói rằng, chúng ta đang có mặt tại đây để làm công việc mà ông đã làm suốt đời, đó là theo tiếng gọi của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh “Nếu không duy tân” không làm sao có thể làm cho xã hội tiến bộ theo kịp trào lưu của nhân loại. Duy tân không phải làm một ngày mà phải đi từng bước một, mà nếu cái bước ấy chỉ có một người đi mà thôi thì như Đức Phật đã nói lúc Ngài mới thành Phật, Ngài định truyền đạo ra cho chúng sanh nhưng đạo khó quá. Nếu bây giờ ta giảng mà người đời không có ai theo thì đau khổ biết bao nhiêu! Khi một cái đạo dạy thoát khổ mà người lập ra đạo nói rằng nếu không có người theo thì quý vị phải hiểu rằng đau khổ đến như thế nào! Giáo sư Trần Ngọc Ninh có ý dùng tư tưởng duy tân của cụ Phan, dùng lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào việc canh tân vấn đề học và viết quốc ngữ theo âm vị học mà ông sắp diễn giảng.

Thật vậy, nhiều người cho rằng thời buổi này mà còn đem những nguyên âm, phụ âm, bán âm hay phương pháp đánh vần, không đánh vần ra thảo luận thì chẳng hợp tình chút nào, nên diễn giả lại một lần nữa, đem tư tưởng của giáo lý Phật Giáo ra biện giải. Giáo sư nói, “Nhiều người bị những cái chấp nó chi phối, nên không muốn thay đổi, không muốn học hỏi để bỏ cái dở học cái hay, bỏ cái cũ học cái mới.”

Đến đây, giáo sư nhắc lại thuở đầu tiên bỏ bút lông thay bằng bút sắt nó khó khăn như thế nào. Ngay hai anh em ông, người anh được tiếng là thông minh mà khi học tiếng Việt không tài nào đánh vần được chữ U..Y..Ê..N (uyên), phải bị trói tay vào cột nhà để học cho đến khi đọc được mới cho cởi trói. Còn ông, bố mẹ ông bảo, “Thằng này nó ngu lắm, nó không học được đâu” mà quả thật, giáo sư nói, ông chỉ lo ham chơi, học lớp đồng ấu (lớp vỡ lòng) gần 2 năm đánh vần chữ uyên vẫn không xong. Và giáo sư vẽ trên bảng chữ “bă,” “bâ” rồi hỏi mọi người “Có ai biết hai chữ này không?”làm gì có!

Rồi giáo sư quả quyết, ngay từ lúc đầu đã dạy ngu, dạy sai rồi. Sau đó ông phân tích một số chữ với nguyên âm, phụ âm và với những chữ không phải nguyên âm cũng như phụ âm mà ông gọi là nửa nạc nửa mỡ hay là gọi như bây giờ là “ái nam ái nư,” và giáo sư cho rằng lối dạy đánh vần của các cụ ngày xưa là hoàn toàn sai lầm, vì các cụ đâu có biết gì về âm vị học nên dạy cho người ta sai lầm hết. Để chứng minh thế nào là âm vị học, diễn giả vẽ một mặt người cắt dọc rồi chỉ cho mọi người khi đọc chữ “a”, chữ “ă” thì cái lưỡi chuyển động như thế nào? Không ai đọc chữ a giống nhau, vì giọng nói mỗi người khác nhau, có những rung động khác nhau, nên khi thế chiến thứ hai xẩy ra, người ta giả giọng của Hiler để đọc quân lệnh hầu làm rối loạn hàng ngũ quân Đức, nhưng khi nó đưa cái giọng nói vào máy phân tích, nó biết ngay là giả giọng, không phải giọng nói Hiler, cái giọng khác nhau đó là “âm vị”.

Phương pháp học và viết tiếng Việt theo âm vị học được giáo sư cắt nghĩa rõ ràng, thí dụ chữ “Mươi”, ông cắt ngang chữ Mư/ơi và bảo mọi người đọc “Mư..ơi” thì nó ra ngay chữ mươi, không phải đánh vần như xưa “Mờ ư mơ i mươi hay em mờ ư mư ơ mơ i mươi...” Cũng thế, ông dùng nhiều chữ khác để thí dụ khiến nhiều người thích thú, và với phương pháp âm vị học, không cần đánh vần này, người Việt cũng như người ngoại quốc học tiếng Việt sẽ rất dễ dàng.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ thuyết trình, Ni sư Viện Chủ cảm tạ chư tôn đức, giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng như quý thân hào nhân sĩ, quý giáo chức, các cơ quan truyền thông và đồng hương.

Mọi liên lạc xin đến Thiền Viện Sùng Nghiêm ở địa chỉ: 11561 Magnolia St, Garden Grove, CA 92841, ĐT: (714) 636-0118 hay email: sungnghiêm@hotmail.com .


No comments:

Post a Comment

View My Stats