Wednesday, 4 June 2014

LUẬT BIỂU TÌNH : MỘT CƠ HỘI CHO CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ tư 04 Tháng Sáu 2014

Tháng 5/2013, việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí vào thăm dò tại vùng thềm lục địa Việt Nam, làm bùng lên làn sóng phản đối chưa từng thấy ở trong nước và khiến nguy cơ xung đột trong khu vực dâng cao. Trong bối cảnh đó, chính quyền Việt Nam cuối tháng 5 đã có một quyết định, được một bộ phận công luận đánh giá là khá bất ngờ, khi đưa trở lại dự luật Biểu tình vào chương trình làm luật của Quốc hội, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm tới 2015.

Theo mô tả của truyền thông trong nước, quyết định nói trên được đưa ra, một mặt là để thỏa mãn quyền căn bản của người dân, mặt khác để tạo thuận lợi cho việc quản lý của Nhà nước. Có một quan điểm khá phổ biến là chính việc thiếu luật Biểu tình đã khiến các cơ quan thực thi công lực không có đủ căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi bạo động, bên lề các cuộc phản đối Trung Quốc tại một số khu công nghiệp nước ngoài.

Giới luật gia cũng như những người quan tâm suy nghĩ gì về quyết định nói trên của chính quyền ? Luật Biểu tình trong tương lai liệu có khả năng tạo thuận lợi cho việc thực thi quyền biểu tình hiến định ? Đâu là những trở ngại cho việc ra đời một luật Biểu tình thực sự bảo vệ nhân quyền căn bản, quyền của các công dân Việt Nam ?

Khách mời của tạp chí xã hội RFI tuần này là Luật sư Trần Thanh Hiệp (Paris), Luật sư Trần Quốc Thuận (Sài Gòn) và Luật sư Hà Huy Sơn (Hà Nội).

Trước hết Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết suy nghĩ của ông, sau khi Quốc hội Việt Nam quyết định đưa dự luật Biểu tình vào chương trình làm luật năm 2015.
Nghe (01:45)  :  Luật sư Trần Quốc Thuận (Sài Gòn)   04/06/2014


Luật sư Trần Quốc Thuận : Đó là những luật bị treo, những quyền cơ bản của người dân bị treo, cũng như luật Lập hội, luật Cung cấp thông tin, quyền tự do tư tưởng… Bây giờ luật Biểu tình đã được đưa vào, tôi cho rằng việc đưa vào thì hơi trễ, nhưng dù sao đó cũng là việc thực thi Hiến pháp 2013, mà trong đó có dành một chương để nói rõ là Việt Nam có nhân quyền… Trước đây ông Thủ tướng có đặt vấn đề là giao dự luật Biểu tình này cho Bộ Công an làm trưởng ban soạn thảo, từ đó rồi lặng thinh, bây giờ thì chính thức đưa vào chương trình làm luật.
Vấn đề biểu tình là nguyện vọng chính đáng, để thực hiện được việc đã được nêu rất nhiều trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, tức là kêu gọi người ta « phản biện ». Mà biểu tình cũng là một hình thức phản biện. Cho nên, tại sao không để người ta biểu tình ?
Chuyện này, tôi nghĩ là để xem. Các đòi hỏi của các đại biểu Quốc hội là cung cấp luật biểu tình của các nước tiên tiến trên thế giới, xem thực hiện quyền tự do dân chủ này như thế nào. Có điều kiện khảo sát, nghiên cứu, lúc đó mới có điều kiện tham gia ý kiến được. Còn bây giờ, tôi nghĩ là họ đưa ra đây, trước nhất cũng là một kiểu để « đáp ứng », để nói cho « hợp lòng dân ». Bây giờ có nhiều người đang thực hiện chuyện đó lắm. Cũng chưa biết sự thật thế nào. Có điều, cái chữ « biểu tình » được người ta hưởng ứng, còn cái luật thì đang chờ, nhưng mà ta cũng cố gắng tham gia ý kiến để ngăn cản những cái bất hợp lý.

Luật sư Hà Huy Sơn, một người từ nhiều năm nay dành rất nhiều tâm lực để bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền, cũng có cùng quan điểm dè dặt như Luật sư Trần Quốc Thuận. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ bộ luật Biểu tình tương lai - cho dù tốt về nguyên tắc - bị vô hiệu hóa bởi các văn bản dưới luật.
Nghe (03:04)  :  Luật sư Hà Huy Sơn (Hà Nội)   04/06/2014


Luật sư Hà Huy Sơn : Luật Biểu tình Quốc hội đã trì hoãn, đã treo quyền của công dân cũng đã lâu rồi, hơn 20 năm rồi, từ Hiến pháp 1992. Tôi chưa biết luật Biểu tình này như thế nào, tức là có triển khai trong thực tế hay không, hay là người ta chỉ đưa ra để giải quyết nhu cầu của dư luận thôi ? Tại vì trong thực tế, Quốc hội Việt Nam cũng ban hành rất nhiều luật không thể thực hiện được.
Theo tôi, luật này tối thiểu cũng phải theo các thông lệ, quy định về biểu tình của các nước trong khu vực hoặc là tiến bộ hơn là vận dụng các quy luật phổ quát của các luật biểu tình của các nước Phương Tây. Có thể quy định về thời gian, hay địa điểm được biểu tình, hoặc số người đăng ký biểu tình không bắt buộc phải lớn quá. Việc thời gian để được chính quyền, địa phương cho phép là một hoặc hai tuần là dài quá, trong khi vấn đề biểu tình cũng là xuất phát từ những tình hình thời sự trong nước, hoặc phát sinh như vấn đề giàn khoan HD981. Thời gian nên thực tế hơn là hai ngày, năm ngày hay chậm nhất là một tuần.
Về mặt pháp lý, theo Hiến pháp quy định là người dân đã có quyền rồi. Nhưng thường luật ở Việt Nam quy định không được cụ thể, nên khó cho các cơ quan chức năng và khó cho cả người dân. Thông thường người ta hay quy định thêm. Nghị định của chính phủ thì hướng dẫn chi tiết hơn, thậm chí chi tiết nữa là thông tư hướng dẫn của các bộ, ví dụ ở đây là Bộ công an được Chính phủ giao. Trong thực tế, các văn bản dưới luật (thông tư, nghị định) giới hạn các quyền theo luật và quyền trong Hiến pháp. Chuyện đó xảy ra ở Việt Nam rất nhiều.
Luật Biểu tình chưa ban hành, các thông tư, nghị định cũng chưa ban hành, nên tôi cũng chưa thể nói điều gì trước, nhưng theo kinh nghiệm thì ở một nước có một đảng lãnh đạo, về phía Nhà nước người ta cũng không cần luật Biểu tình này nhiều, nên khả năng nó bị hạn chế bởi các văn bản dưới luật là rất có thể xảy ra.

Về những nền tảng chính trị và pháp lý của luật pháp biểu tình tại các quốc gia dân chủ tiên tiến, sau đây là các nhận định của Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền (C.E.V.I.D.O./Centre Vietnamien pour les Droits de l’Homme), có trụ sở tại Paris. Luật sư Trần Thanh Hiệp từng hành nghề luật sư tại Tòa Thượng Thẩm Paris và Tòa Thượng Thẩm Saigon trước năm 1975.
Nghe (08:16)  :  Luật sư Trần Thanh Hiệp (Paris)  04/06/2014

RFI : Thưa Luật sư, như Luật sư biết, hiện tại ở Việt Nam, chính quyền có một số chuyển động theo hướng đáp ứng, về mặt nguyên tắc, những quyền tự do căn bản của con người. Một trong những chuyển động đó là việc Quốc hội Việt Nam cách đây ít ngày thừa nhận cần phải gấp rút ban hành luật về biểu tình, mà nhiều người coi đây là một « món nợ » của chính quyền đối với xã hội. Tuy nhiên, từ chỗ tuyên bố để đi tới một bộ luật bảo đảm nhân quyền căn bản này là cả một chặng đường dài, và nhiều người đặt câu hỏi, liệu những người nắm quyền có thực tâm ban hành một bộ luật thỏa mãn các đòi hỏi của nền dân chủ hiện đại ? Câu hỏi trước hết, xin được Luật sư cho biết, đối với các quốc gia dân chủ Phương Tây, việc xây dựng luật (hoặc các quy định tư pháp) về biểu tình dựa trên những cơ sở nào ?

Luật sư Trần Thanh Hiệp : Biểu tình, vào thời điểm những năm 2000, là một nhân quyền mang tính phổ quát, chẳng những ở Phương Tây mà cả ở Phương Đông. Điều này đã được lịch sử chứng minh. Cách đây ít hôm, tại Hồng Kông đã có một cuộc biểu tình để tưởng niệm vụ độc tài Trung Cộng đàn áp dân chủ tại Bắc Kinh cách đây 25 năm.
Vì là một nhân quyền nên biểu tình đã xuất phát từ hai nguồn gốc chính trị và pháp lý. Hay đúng hơn, phải nói khởi đầu, biểu tình là một quyền chính trị, rồi về sau, để được hành sử không gặp trở ngại, quyền chính trị này đã được đưa lên hàng một quyền pháp lý. Tức là quyền biểu tình đã được các quy phạm pháp lý công nhận và bảo vệ.
Do đó, nói chung, trên thế giới, biểu tình là một nhân quyền đặt dưới sự chi phối của Hiến Chương Quốc Tế về Nhân Quyền, gồm có Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền năm 1948, hai Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966 và ba Hiệp Định Thư liên quan tới việc áp dụng hai Công ước quốc tế này. Ngoài ra, còn có những Hiến chương về Nhân Quyền riêng của các châu. Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn này, tôi sẽ chỉ bàn rất sơ lược về mấy văn bản pháp lý về nhân quyền ở châu Âu và ở nước Pháp.

RFI : Xin Luật sư cho biết một số ví dụ thành công trong vấn đề luật biểu tình, chẳng hạn như ở Châu Âu.
Luật sư Trần Thanh Hiệp : Văn bản pháp lý chi phối nhân quyền của người dân các nước ở châu Âu là Hiệp định Châu Âu về nhân quyền năm 1950 (Convention européenne des droits de l’homme) và luật quốc gia của mỗi nước. Quyền biểu tình của người dân châu Âu được dự liệu nơi điều 11 của Hiệp định này và của luật quốc gia của mỗi nước. Ở Pháp, ngoài điều 11 của Hiệp định Châu Âu nói trên, còn có Sắc-luật ngày 23 tháng 10 năm 1935 là văn bản chi phối việc hành xử quyền biểu tình. Theo văn bản này thì quyền biểu tình là một quyền tự do tập thể, không phải theo chế độ “Xin, Cho” như ở các nước độc tài, nhưng cũng phải khai báo trước về mục đích, thời điểm, địa điểm, lộ trình tuần hành của cuộc biểu tình dự kiến. Nhà chức trách có quyền ngăn cấm nếu nhận thấy cuộc biểu tình có triệu chứng bất lợi như gây rối loạn trong trật tự công cộng, làm phương hại đời sống của dân chúng v.v... Có một điểm cần nói rõ là việc ngăn cấm này không phải là một quyền độc đoán của nhà chức tránh tùy tiện ngăn cấm người dân biểu tình. Mà phải là biện pháp bảo vệ quyền lợi chung trong một nước dân chủ, như đã được ghi rõ trong bản văn được áp dụng.
Mặt khác, trong cả hai hình thức biểu tình hoặc tụ tập tại chỗ, hoặc tuần hành trên công lộ, tuyệt đối cấm không được mang theo vũ khí. Biểu tình nếu có võ trang sẽ bị công lực giải tán.
Lại nữa, quyết định của nhà chức trách cấm biểu tình phải được dẫn lý và chịu sự kiểm soát của tòa án quốc nội hay Tòa Án Châu Âu về Nhân quyền, nếu có khiếu nại.
Như vậy là những tranh chấp vì chính kiến bất đồng trong xã hội, kể cả trong những tương quan giữa dân và chính quyền - mà biểu tình là một hình thức - đã được giải quyết theo đường lối ôn hòa thay vì bằng bạo lực. Đó là một thành công đáng kể trong tiến trình của nhân loại đi tới ngày một văn minh. Trong sinh hoạt chính trị tại các nước dân chủ trên thế giới, và nhất là ở Tây Âu, ở Bắc Âu, thậm chí ở cả Đông Âu từ cuối thập niên 1990, biểu tình đã có một vai trò rất quan trọng.

RFI : Xin Luật sư cho biết những trở ngại về mặt tư pháp cho một luật biểu tình thành công ?
Luật sư Trần Thanh Hiệp : Theo tin tức thời sự thì trong một tương lai không xa, Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ ban hành luật về biểu tình. Việc này đã được nêu lên, loan báo từ lâu nhưng quyền biểu tình của người dân ở trong nước chưa bao giờ được nhà cầm quyền cộng sản công nhận, tôn trọng nói gì tới thực thi. Đã đành rằng những diễn biến về mặt quốc tế cũng như về mặt quốc nội là những sức ép rất lớn buộc nhà cầm quyền đương chức ở trong nước phải cải thiện sâu rộng tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng nhà chức trách ở Hà Nội vẫn chưa thuyết phục được ai rằng họ thực tâm muốn từ bỏ đường lối đảng trị phi nhân quyền. Cả một bộ máy đàn áp khổng lồ đang được triển khai trên bình diện quy phạm cũng như trên bình diện định chế.
Như vậy, nếu ban hành cái gọi là luật biểu tình mà vẫn giữ nguyên vẹn cả một hệ thống cấu trúc phi nhân quyền như Hiến pháp, pháp chế, tòa án, công an, nhà tù, quốc hội, chính phủ bù nhìn v.v..., thì sẽ chỉ là ban hành thêm một hình thức cấm biểu tình mới. Biểu tình là một sản phẩm của văn minh nhân loại, vì nhân loại văn minh đã biết và dám nhìn nhận nó như là một nhân quyền chính trị được pháp lý hóa. Không thể có được một luật về biểu tình đích thực trong một chế độ phi nhân quyền. Đó là điều cảnh giác cho những ai muốn thấy có luật biểu tình ở Việt Nam phù hợp với quốc tế vè nhân quyền.

RFI : Các quốc gia dân chủ có những biện pháp nào về pháp lý để hạn chế các lạm dụng, tùy tiện của chính quyền trong việc ra quyết định cấm biểu tình, vì lý do này hay khác ?
Luật sư Trần Thanh Hiệp : Có 5 yếu tố đã làm cho việc chống lại những lạm quyền xảy ra trong khuôn khổ một chế độ dân chủ trở nên những biện pháp hữu hiệu.
Thứ nhất, tự trong bản thân chế độ dân chủ đã có sẵn những tự chế không được lạm quyền mà người ta không thể tìm thấy được trong một chế độ độc tài.
Thứ hai, những người cầm quyền trong một chế độ dân chủ có những nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ những quy phạm buộc tôn trọng nhân quyền.
Thứ ba, ngành hành pháp cũng như ngành lập pháp trong một chế độ dân chủ, dù muốn, cũng sẽ không thể che đậy được hết những hành vi lạm quyền, nhất là sự kiểm soát của tòa án, tự bản chất của nó, lại rất khách quan và công bằng.
Thứ tư, quyền tự do ngôn luận là một thứ thuốc hiện hình làm cho các hành vi lạm quyền phải phơi bày ra trước ánh sáng.
Thứ năm, việc hành xử những quyền tự do trong chế độ dân chủ, khác với việc hành sử trong chế độ độc tài, không bị lệ thuộc vào nguyên tắc phải xin phép trước mà chỉ cần khai báo trước. Nói cách khác, việc chỉ khai báo thôi mà không phải xin phép đã gián tiếp tước bỏ mọi hành vi lạm quyền. Sự khác biệt này cũng là một nguyên nhân ngăn giữ tự gốc lạm quyền khiến nó không xảy ra. Nói tóm lại, tất cả những ràng buộc tinh thần này đã giúp cho mức độ lạm quyền trong những chế độ dân chủ giảm thiểu tối đa. Và đó chính là văn minh".

*

Biểu tình – hay việc biểu thị quan điểm và thái độ một cách tập thể tại nơi công cộng – là một hiện thực hết sức phổ biến tại các quốc gia dân chủ tiến bộ. Biểu tình là một thước đo cho thấy sức sống của một xã hội dân chủ, nơi tất cả mọi người, về mặt nguyên tắc, đều có quyền bày tỏ quan điểm, và thông qua việc bày tỏ quan điểm tại nơi công cộng mà tìm cách giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng con đường ôn hòa. Tại đa số các nước dân chủ, biểu tình còn được coi là một "quyền lực đối trọng". Là một hình thức thể hiện thái độ và quan điểm ở nơi công cộng, việc thực thi quyền tự do của người này có thể ảnh hưởng đến tự do của người khác, do đó chế độ pháp lý liên quan đến quyền biểu tình ở các nước dân chủ (còn được gọi là quyền tự do mang tính quan hệ/la liberté relationnelle) – phải đi kèm với các biện pháp bảo vệ trị an tương ứng - thường được hoàn chỉnh khá muộn so với một loạt các nhân quyền căn bản khác. Nhiều luật gia cho rằng, một cái mốc cho thấy quyền biểu tình của người dân được thực sự công nhận khi các cuộc biểu tình của công dân chỉ cần « báo trước », hay đăng ký trước với các cơ quan hành chính, chứ không cần được « cấp phép », và để ngăn chặn một cuộc biểu tình diễn ra, vì một lý do hết sức đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các chứng cứ, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước tư pháp về quyết định cấm. 

Một số ý kiến mà các luật sư trình bày trên đây cho thấy, có rất nhiều nghi ngờ về khả năng trong năm tới Quốc hội Việt Nam thông qua được một đạo luật biểu tình thực sự làm cơ sở để bảo đảm cho quyền bày tỏ ôn hòa quan điểm của một tập thể tại nơi công cộng. Chế độ pháp lý hiện hành tại Việt Nam, đặc biệt là các văn bản dưới luật, về cơ bản vẫn có thiên hướng dành cho chính quyền quyền định đoạt những gì mà công dân được phép làm hay không làm. Việc bảo vệ người dân trước các đe dọa lạm quyền từ phía Nhà nước, hỗ trợ người dân thực thi các quyền căn bản vẫn là điều thường hết sức bị coi nhẹ.

Công chúng cũng có thể đặt nhiều câu hỏi : Trong thời gian chờ đợi luật Biểu tình mới ra đời, người dân thực thi quyền biểu tình hiến định như thế nào ? Ai phải chịu trách nhiệm, nếu như các quy định pháp lý bị khuyết thiếu ? Sau khi chuyển sang Quốc hội « trái bóng » làm luật vào thời điểm áp lực trong công luận gia tăng, phải chăng Chính phủ hiện nay hoàn toàn vô can ?...

Những ai chia sẻ cách nhìn của Luật sư Trần Quốc Thuận, một mặt hy vọng vào thiện chí của những người cầm quyền, mặt khác vẫn rất cảnh giác và sẵn sàng hành động để « loại bỏ những ngăn cản bất hợp lý » trong dự luật mới, ngăn chặn xu hướng lạm quyền phổ biến trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu thành công, một luật Biểu tình ra đời theo hướng này có thể được coi là cơ hội cho chế độ chính trị Việt Nam hiện hành chuyển đổi một cách ôn hòa. Trong khi đó, đối với những ai đồng quan điểm với Luật sư Trần Thanh Hiệp, trong xu thế chính quyền Việt Nam, nếu « vẫn giữ nguyên vẹn cả một hệ thống cấu trúc phi nhân quyền » như hiện nay, luật Biểu tình tương lai sẽ « chỉ là một hình thức cấm biểu tình mới », và điều này như vậy triệt tiêu cơ hội hóa giải ôn hòa các xung đột xã hội tại Việt Nam.

RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp, Luật sư Hà Huy Sơn và Luật sư Trần Quốc Thuận đã dành thời gian cho chương trình. 



No comments:

Post a Comment

View My Stats