Trọng Nghĩa - RFI
Thứ hai 23 Tháng Sáu 2014
Sau khi đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài khơi Biển Đông vào đầu tháng 05/2014,
Trung Quốc duy trì thái độ cứng rắn. Ngoài các hành vi đe dọa Việt Nam tại vùng
tranh chấp, Bắc Kinh còn cử lãnh đạo ngành ngoại giao đến Hà Nội để đòi Việt
Nam không được cản trở hoạt động của giàn khoan và nhất là không được phản đối
hành vi đơn phương của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Theo các chuyên gia phân tích, trong thế yếu về mặt
quân sự, biện pháp tốt nhất hiện nay mà Việt Nam có thể tiến hành để ngăn chặn
mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, là kiện Bắc Kinh ra trước các định chế tài
phán quốc tế, và đưa vấn đề Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực bằng giàn khoan
HD-981 ra trước Hội đồng Bảo an cũng như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong bài phân tích « Chiến dịch tuyên truyền của
Trung Quốc và Biển Đông : Cứ thử xem ! » (China’s Information Warfare Campaign
and the South China Sea : Bring It On !) trên báo The Diplomat ngày 16/06/2014,
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng
Úc đã cho rằng cần phải lợi dụng việc Trung Quốc công bố « Tuyên cáo lập trường
» về vụ giàn khoan HD-981 tại Liên Hiệp Quốc để yêu cầu Hội đồng Bảo an mở thảo
luận về vấn đề này, buộc Bắc Kinh lộ rõ bản chất muốn lợi dụng của mình.
Một dân biểu Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, thuộc
đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 19/06/2014 vừa qua cũng công khai yêu cầu Quốc
hội Việt Nam ra nghị quyết hay tuyên bố về các hành vi « ‘vừa ăn cướp, vừa la
làng’ của Trung Quốc », trong đó có việc đề nghị chính phủ Việt Nam « khởi kiện
Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức
tài phán quốc tế ».
Trên đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều ý kiến
cho rằng Việt Nam phải tranh thủ thời cơ tốt hiện nay để kiện Trung Quốc ra trước
quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng kèm theo là những động thái hung bạo
nhằm áp đặt yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Vấn đề đặt ra là sau khi chính Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng kiện Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn
báo chí ngoại quốc ngày 31/05/2014, chính phủ Việt Nam như vẫn án binh bất động
để cân nhắc lợi hại.
Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long
chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng trong bối cảnh
Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp để ép buộc Việt Nam chấp nhận các yêu
sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc
tế trước Liên Hiệp Quốc đã trở thành cấp bách. Việt Nam phải tranh thủ thời cơ
thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh
Long.
RFI
: Giáo sư đánh giá
sao về kết quả các cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tại
Hà Nội hôm thứ Tư 18/06/2014 ?
Ngô
Vĩnh Long : Kết quả cuộc hội đàm vừa qua cho thấy rằng Trung Quốc
chỉ muốn dùng cơ hội để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt
Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lập đi lập lại từ
trước đến nay.
Ngoài ra, Trung Quốc muốn viện cớ là vì Việt Nam vẫn
ngoan cố và không chịu phục tùng nên Trung Quốc phải tiếp tục dạy cho Việt Nam
một vài bài học, trong đó có việc đưa thêm vài giàn khoan vào Biển Đông như đã
công bố trong những ngày vừa qua.
Rõ ràng là Trung Quốc đã mưu tính việc gia tăng áp lực
đối với Việt Nam và leo thang trong khu vực Biển Đông.
Sau cuộc hội đàm, các tờ báo của Trung Quốc còn cho
biết là phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc
và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói
thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề
tranh chấp ở Biển Đông để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại
cuộc giữa hai nước.
Theo tôi, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận để nếu
Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc thì Trung Quốc nói là
Việt Nam ngoan cố và thất hứa.
RFI
: Trong thế yếu về
mặt quân sự hiện nay của Việt Nam so với Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên đấu
tranh trên các lãnh vực nào ?
Ngô
Vĩnh Long : Việt Nam nên ưu tiên cho việc vận động sự ủng hộ của
nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.
«
Cần ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc »
Để được thế giới ủng hộ, thì Việt Nam trước tiên cần
ủng hộ Phi Luật Tân trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo phụ lục
7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc, tức ITLOS của UNCLOS. Đây là việc dễ làm và
nhanh nhất vì Phi Luật Tân đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện
chung.
Phi Luật Tân đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000
trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận đường 9 đoạn, hay “đường lưỡi bò” mà
Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80% toàn bộ Biển Đông. Việt
Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên đường lưỡi
bò xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Phi Luật Tân thắng thì nước
được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam.
«
Giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước ASEAN »
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thương lượng với Phi Luật
Tân và các nước khác ở Đông Nam Á như Mã Lai và Brunei để giải quyết các vấn đề
tranh chấp trong khu vực Trường Sa để có thể thiết lập một liên minh trong việc
ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã
chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe
doạ các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực
Trường Sa. Do đó việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Phi Luật Tân, Mã Lai
và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt
Nam nhiều nhất.
«
Tăng cường quan hệ với Mỹ »
Ngoài ra, Phi Luật Tân là đồng minh của Mỹ và các nước
kia cũng gần với Mỹ cho nên liên minh với các nước này cũng giúp Việt Nam tăng
cường quan hệ với Mỹ.
Mỹ là nước vẫn có sức mạnh hải quân mạnh nhất trong
khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc thao túng trong
khu vực quan trọng nhất của Thái Bình Dương - tức là khu vực Biển Đông - vì khoảng
60% lưu thông mậu dịch hàng hải trên thế giới là qua đấy.
Điều kiện là Mỹ cần được sự ủng hộ và trợ giúp của
các nước trong khu vực, trong đó sự ủng hộ và trợ giúp của Việt Nam là quan trọng
nhất.
«
Nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế »
Ngoài việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng
tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, chung với Phi Luật Tân hay riêng rẽ, Việt Nam
nên đòi đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế (International
Court of Justice - ICJ).
Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Việt
Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm
đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động được dư luận trong nước và trên thế giới
ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
RFI
: Tháng 5/2004, Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra
trước quốc tế. Thế nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn còn thái độ
dè dặt. Theo phân tích của Giáo sư, cái lợi và cái hại của việc kiện Trung Quốc
ra trước quốc tế là như thế nào ?
Ngô
Vĩnh Long : Đúng là trong giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn
có thái độ dè dặt, có thể vì sợ Trung Quốc gây rối trong các lãnh vực kinh tế,
chính trị, và xã hội của Việt Nam. Nhưng Việt Nam càng chần chừ thì Trung Quốc
sẽ càng lấn tới.
Trung Quốc đã và đang cố tình phân hoá và cô lập Việt
Nam bằng cách tạo một hình ảnh là càng ngày Việt Nam càng tiến sâu vào quỹ đạo
của Trung Quốc. Như thế thì Trung Quốc có thể làm cho chính quyền Việt Nam càng
ngày càng mất đi sự tin tưởng của nhân dân trong nước và mất sự ủng hộ của nước
ngoài. Đến khi suy yếu và không còn có lựa chọn nữa, thì lúc đó Trung Quốc sẽ
dùng Việt Nam để trao đổi với các nước khác và để chia vùng ảnh hưởng như Trung
Quốc đã từng làm.
«
Thời điểm thuận lợi nhất để Việt Nam kiện Trung Quốc »
Theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Việt
Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ kiện Trung Quốc rồi. Thì bây giờ là thời điểm
thuận lợi nhất từ trước đến nay để chính phủ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc.
Trong trường hợp chính phủ Việt Nam chưa chuẩn bị
chu đáo thì Việt Nam cũng nên khởi kiện rồi hoàn tất hồ sơ như Phi Luật Tân đã
làm. Vấn đề quan trọng là trong thời điểm hiện tại Việt Nam phải cấp tốc chứng
minh rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như an ninh của khu
vực và của thế giới trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc.
«
Cái lợi lớn nhất : Được sự ủng hộ trong nước và trên thế giới »
Cái lợi lớn nhất là qua vụ kiện Việt Nam có thể vận
động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và của thế giới để không những ngăn chặn
sức ép của Trung Quốc, mà còn có thể được các toà án quốc tế xét xử và phán quyết
là việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và các đảo khác ở
Trường Sa là sai trái.
Trong khoảng hơn một chục vụ kiện ra trước các toà
án quốc tế về tranh chấp trên biển mà tôi đã nghiên cứu, phán quyết của các toà
án đều được tuân thủ.
Nếu ra được Toà án Quốc tế việc xấu nhất có thể xảy
ra là toà sẽ phán quyết chia quần đảo Hoàng Sa, phần phía bên đảo Phú Lâm cho
Trung Quốc và phần phía bên Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng dù như thế, Trung Quốc
không thể đòi là Phú Lâm có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để biện hộ cho việc cắm
giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam như họ đang làm.
Nếu Trung Quốc ỷ thế nước lớn và không chịu tuân
theo phán quyết của toà – mà đấy sẽ là trường hợp chưa từng xẩy ra - thì Trung
Quốc sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rõ bộ mặt ngoan cố của mình và tự cô lập
mình đối với cộng đồng thế giới.
«
Cái hại lớn nhất : Bị Trung Quốc trả thù bằng kinh tế, nhưng … »
Cái hại lớn nhất đối với Việt Nam là Trung Quốc sẽ
trả thù bằng cách phá hoại kinh tế Việt Nam như gián đoạn trao đổi hàng hóa,
gián đoạn mậu dịch hay gây trì trệ cho các công trình đang đấu thầu trong nước.
Việt Nam có thể bị khó khăn trong một giai đoạn,
nhưng Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại về nhiều mặt, trong đó có sự e dè của nhiều
nước trong việc làm ăn với Trung Quốc. Do đó có thể các nước đó sẽ rút bớt hoạt
động và đầu tư ở Trung Quốc và chuyển về Việt Nam hay các nước khác. Nhưng Việt
Nam phải năng động trong vấn đề xây dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư và mậu
dịch của các nước này khi họ chuyển dịch.
RFI
: Việt Nam cũng cần
phải thúc đẩy việc đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng
Liên Hiệp Quốc ?
Ngô
Vĩnh Long : Tôi đã đề nghị đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo
an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực
và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như
việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu tuần tra của Việt
Nam.
«
Đưa vụ HD-981 ra Liên Hiệp Quốc : Hiệu quả nhanh nhất »
Theo đánh giá của tôi, đây là việc làm có hiệu quả
nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới,
trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức.
Nhưng trong khi Việt Nam chưa thúc đẩy việc trên thì
Trung Quốc vào ngày 9 tháng 6 đã gửi « bản tuyên cáo lập trường » của họ lên Tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương-981 và đòi ông gởi đến
tất cả các nước thành viên.
Bản tuyên cáo này khẳng định rằng hoạt động khoan dầu
của giàn khoan Hải Dương-981 « là một phần trong quy trình thăm dò và khai thác
giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ». Trung Quốc
còn vu cáo Việt Nam cản trở « trái phép » hoạt động của giàn khoan Hải
Dương-981 bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc
cả hơn nghìn lần.
Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống
như trên, tôi nghĩ đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội
đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có
việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra đường
lưỡi bò để lấn chiếm hơn 80% khu vực Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và
thế giới.
«
Trung Quốc há miệng mắc quai nhưng Việt Nam phải vận động »
Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy vấn đề này,
Trung Quốc không thể ngăn chặn được vì Trung Quốc là người đã đưa vấn đề này ra
trước Liên Hiệp Quốc và ông Ban Ki Moon đã công bố rằng ông sẵn sàng giúp hòa
giải – tất nhiên là đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng
Liên Hiệp Quốc.
Nhưng để làm được việc này, ông Ban Ki Moon phải có
sự ủng hộ của một số nước lớn trên thế giới, cho nên Việt Nam phải vận động… và
vận động ! Chứ không thể ngồi chờ.
Và tôi thấy rằng gần đây Mỹ cũng đã có thay đổi
trong chính sách của họ. Ví dụ như gần đây, ông Daniel Russel, Trợ lỹ Ngoại trưởng
Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng theo ông và Bộ Ngoại giao Mỹ,
Hoàng Sa đúng là khu vực có tranh chấp.
Trước đây, Mỹ nói là Mỹ không can thiệp vào chủ quyền
Hoàng Sa, những bây giờ Mỹ thấy rằng việc Trung Quốc dùng Hoàng Sa để bào chữa
cho việc cắm giàn khoan HD-981 và tiếp tục đưa giàn khoan vào thì đúng là có sự
liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với an ninh của khu vực và của thế
giới.
Thì lúc này là dịp rất tốt cho Việt Nam để vận động
thế giới, vận động Mỹ giải quyết cùng một lúc vấn đề đe dọa của Trung Quốc và vấn
đề Hoàng Sa.
RFI
xin thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.
No comments:
Post a Comment