Nguyễn
Văn Thân
22/06/2014
(Các vị thẩm phán Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển
thành lập dưới Phụ lục VII trong vụ kiện giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc (Nguồn:
pca-cpa.org).
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (The United
Nations Convention on the Law of the Sea) ra đời tại Montego Bay Jamaica vào
ngày 10 tháng 12 năm 1982 và chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 11 năm
1994. Hiện đã có 166 quốc gia ký vào Công Ước.
Công Ước phân loại biển và đại dương thành các vùng
khác nhau. Thứ nhất là nội thủy nằm phía trong của đường cơ sở (đường thẳng từ
những mũi đất nhô ra bờ biển hoặc theo ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển).
Lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia ven biển gồm có bờ biển, vùng nội thủy cộng với
12 hải lý. Trong vùng tiếp giáp (contiguous
zone) gồm có 12 hải lý từ lãnh hải (tức 24 hải lý từ đường cơ sở), quốc gia có
thẩm quyển thực thi hệ thống luật pháp của mình đối với một số tội phạm ví dụ
như buôn lậu hoặc nhập cư bất hợp pháp. Từ đường cơ sở ra tới 200 hải lý là
vùng đặc quyền kinh tế. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền
thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên của vùng nước
bên trên đáy biển, của đáy biển và dưới lòng đất đáy biển cùng với quyền tài
phán trong các lãnh vực như lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị
và công trình nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Nhưng các quốc gia khác dù có biển hay không có biển được hưởng quyền tự do hàng
hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và các đường ống ngầm.
Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy
biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý từ đường cơ sở cho
đến mép lục địa (continental margin) hoặc cách đường cơ sở 200 hải lý tính theo
cái nào có giá trị lớn hơn, nhưng không được vượt quá 350 hải lý hoặc cách đường
đẳng sâu 2500m một khoảng cách 100 hải lý. Quốc gia ven biển có độc quyền khai
thác khoáng sản và các thứ nguyên liệu không phải là sinh vật sống. Bên ngoài
thêm lục địa là hải phận quốc tế, tài sản chung của nhân loại.
Cơ
chế giải quyết tranh chấp theo Công Ước
Công Ước quy định là các quốc gia thành viên khi có
tranh chấp về việc diễn giải hoặc áp dụng các điều khoản của Công Ước phải tìm
cách thoả thuận và giải quyết tranh chấp bằng một phương pháp hòa bình. Nếu
thương lượng không thành công thì các quốc gia tranh chấp có quyền tiến kiện và
lựa chọn phương thức xét xử và tòa án gồm có Tòa án Công lý Quốc tế
(International Court of Justice), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (International
Tribunal for the Law of the Sea), Tòa Trọng Tài về Luật Biển dưới Phụ lục VII của
Công Ước (Annex VII Arbitral Tribunal) hoặc Tòa Trọng Tài Đặc biệt dưới Phụ lục
VIII của Công Ước (Annex VIII Special Tribunal). Trong trường hợp các quốc gia
tranh chấp không đạt được đồng thuận về thủ tục giải quyết thì Tòa Trọng Tài về
Luật Biển được thành lập dưới Phụ lục VII sẽ được áp dụng. Phán quyết của các
tòa có giá trị tối hậu và ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Không có thủ tục
hoặc cơ chế kháng cáo ngoại trừ các bên tranh chấp cùng đồng ý xin tòa xét lại
sự việc.
Tòa
án Công lý Quốc tế
Tòa án Công lý Quốc tế được thành lập dưới Hiến
Chương Liên Hiệp Quốc ký trong tháng 6 năm 1945 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng
10 năm 1945. Trụ sở chính nằm tại The Hague, Hòa Lan. Tòa có 15 vị thẩm phán được
các đại biểu Liên Hiệp Quốc và Hội Đồng Bảo An bầu chọn với nhiệm kỳ 9 năm. Tòa
có thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc
(State Member) với điều kiện là các quốc gia thành viên đó đã phê chuẩn chấp nhận
thẩm quyền của Tòa. Tới nay thì chỉ mới có khoảng 65 quốc gia thành viên phê
chuẩn. Tính tới năm 2013 thì Tòa đã xét xử hơn 150 vụ kiện liên quan tới tranh
chấp biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, quan hệ ngoại
giao, con tin, tỵ nạn quốc tịch và nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội
bộ của mỗi quốc gia. Tòa đã công bố hơn 110 phán quyết. Vụ kiện gần đây nhất
liên quan tới việc Úc kiện Nhật bản về các chương trình săn cá voi trong vùng
biển phía Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, Tòa cũng ban hành phán quyết tư vấn
(advisory opinions) khi được các cơ quan Liên Hiệp Quốc yêu cầu. Cho tới nay
thì Tòa đã ban hành 25 phán quyết tư vấn. Những phán quyết này không có tính
cách ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên nhưng có thể có
nhiều ảnh hưởng về mặt ngoại giao và chính trị.
Tòa
án Quốc tế về Luật Biển
Tòa án Quốc tế về Luật Biển được thành lập dưới Phụ
lục VI của Công Ước và có trụ sở tại Hamburg, Đức quốc. Tòa có 21 vị thẩm phán
được các quốc gia thành viên Công Ước bầu chọn cho mỗi nhiệm kỳ 9 năm. Chánh Án
đương nhiệm là Shunji Yanai (Nhật). Trong các quốc gia có tranh chấp tại Biển
Đông hiện nay thì chỉ có Cao Chi Quốc (Gao Zhiguo) từ Trung quốc là một thẩm phán
của Tòa. Một điểm khác biệt với Tòa án Công lý Quốc tế là đương đơn gồm có
nguyên đơn lẫn bị đơn không nhất thiết phải là quốc gia thành viên Công Ước.
Tới nay thì Tòa đã xét xử 22 vụ kiện. Đa số các vụ
kiện này liên quan tới đơn xin thả tàu khẩn cấp (prompt release) trong các trường
hợp mà tàu bị bắt giữ vì bị coi là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (đánh cá bất
hợp pháp) và biện pháp tạm thời (provisional measures) yêu cầu các bên tranh chấp
ngưng một số hành động trong khi chờ Tòa xét xử.
Cũng nên nói rõ là Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ
có thể xét xử các vụ tranh chấp về việc diễn giải vá áp dụng các điều
khoản của Công Ước về Luật Biển chứ không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp
về lãnh thổ hoặc lãnh hải hoặc ấn định lãnh thổ hoặc lãnh hải vốn thuộc phạm vi
thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế. Tuy nhiên, trong tiến trình diễn giải và
áp dụng các điều khoản của Công Ước thì có lúc Tòa phải có phán quyết liên quan
tới việc phân định lãnh hải cũng như vùng đạc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2012 thì Tòa đã ra phán quyết về vụ kiện giữa
Bangladesh và Miến điện liên quan tới sự tranh chấp về việc khai thác kinh tế
trong Vịnh Bengal. Đây là một phán quyết quan trọng và là lần đầu tiên Tòa
trình bày những luận cứ pháp lý trong tiến trình giải quyết các tranh chấp về
biên giới lảnh hãi và phân định vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa.
Có một điểm quan trọng liên quan tới Công Hàm Phạm
Văn Đồng trong vụ kiện này là Bangladesh lập luận rằng biên giới lãnh hải đã được
quyết định sau khi hai phái đoàn thương lượng của họ và Miến điện ký vào Biên bản
Đồng thuận vào năm 1974 (Agreed Minutes of 1974) và vì vậy Miến điện không được
quyền đi ngược lại (estopped) với những điểm đồng thuận đó. Nhưng Tòa phán rằng
Biên bản này không hội đủ tiêu chuẩn pháp lý quốc tế trói buộc Miến điện mà chỉ
là một dữ kiện ghi nhận những điểm thảo luận và đồng thuận trong phiên họp.
Biên bản không có tính cách ràng buộc pháp lý như là một hiệp ước vì người dẫn
đầu phái đoàn thương lượng của Miến điện không có thẩm quyền đại diện quốc gia
ký kết Hiệp Ước có tính ràng buộc theo Điều 7 của Công Ước và Hiệp Ước Quốc tế
Vienna. Hơn nữa, Biên bản này không được bên nào thông qua dưới thủ tục hiến
pháp quốc gia để biến nó thành một Hiệp Ước ràng buộc cả hai bên.
Tòa
Trọng tài về Luật Biển dưới Phụ lục VII
Nếu các quốc gia thành viên không đồng thuận được việc
sử dụng Tòa nào thì Tòa Trọng Tài về Luật Biển được thành lập dưới Phụ Lục VII
sẽ được áp dụng. Tòa này có thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp liên quan tới Công
Ước ngoại trừ những vụ kiện có tính chuyên môn ví dụ như đánh cá, bảo vệ môi
trường biển, hàng hải và nghiên cứu khoa học biển. Tòa này có 5 thành viên được
chọn lựa từ danh sách thẩm phán Mỗi quốc gia thành viên Công Ước đều được quyền
đề cử 4 người với Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc để đưa vào danh sách thẩm phán.
Khi có tranh chấp thì các bên chỉ định thẩm phán. Nếu không đồng thuận thì sẽ
do Chánh Án Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ định.
Như mọi người đã biết, vào ngày 30 tháng 3 năm 2004
vừa qua, Phi Luật Tân đã để đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường trực
được thành lập dưới Phụ lục VII. Đơn kiện gồm có hồ sơ dài khoảng 4000 trang và
nguyên đơn yêu cầu Tòa phán quyến tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung
quốc là bất hợp pháp. Tòa đã yêu cầu Trung quốc hồi đáp trước ngày 15 tháng 12
năm 2014. Cho tới nay thì Trung Quốc đã thông báo là sẽ không tham gia vụ kiện
và không công nhận phiên tòa.
Tòa
Trọng Tài Đặc biệt dưới Phụ lục VIII
Tòa này có thẩm quyền giới hạn và chuyên môn ví dụ
như việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển hoặc
hàng hải. Tòa này có sự đóng góp đáng kể của các tổ chức khoa học quốc tế
chuyên môn chẳng hạn như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Lương thực và
Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương Trình của Liên Hiệp Quốc về Môi trường
(UNEF)... Khi có tranh chấp, một hội đồng đặc biệt dựa trên danh sách chuyên
viên sẽ được thành lập để xét xử và giải quyết tranh chấp.
Tòa
Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration)
Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập dưới Công Ước
The Hague 1899 và 1907 và cũng có trụ sở tại The Hague Hòa Lan. Thật ra, tên gọi
Tòa Trọng Tài Thường trực là không đúng vì tổ chức này không phải là một tòa án
theo nghĩa ý nghĩa thông thường mà chỉ là một tổ chức quốc tế cung cấp dịch vụ
tài phán và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Tính tới tháng
2 năm 2012 thì tổ chức này có 115 thành viên. Việt nam là thành viên mới nhất
gia nhập ngày 27 tháng 2 năm 2012. Tòa có văn phòng thường trực đón nhận và
chuyển đơn kiện (Registry) cho các bên liên hệ trong cuộc tranh chấp.
Như đã trình bày, Phi Luật tân đã tiến hành nộp đơn
kiện Trung Quốc với Tòa Trọng Tài Thường Trực được thành lập theo Phụ lục VII của
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Nhưng sau đó, Trung Quốc cho biết là họ sẽ
không chấp nhận và tham gia vào vụ kiện. Tuy nhiên, một Tòa Trọng tài đã được
thành lập gồm có 5 thành viên là Thẩm phán Thomas A. Mensah (Chánh Án-Ghana),
Thẩm phán Jean-Pierre Cot (Pháp), Thẩm phán Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Giáo sư
Alfred H.A. Soons (Hòa Lan) và Thẩm phán Rudiger Wolfrum (Đức). Tòa đã chính thức
yêu cầu Trung Quốc nộp hồ sơ phản biện trước ngày 15 tháng 12 năm nay. Cho tới
bây giờ thì có dấu hiệu cho thấy là Tòa sẽ vẫn tiến tới xét xử cho dù Trung Quốc
không tham dự vào vụ kiện.
Tòa
án nào cho tranh chấp giữa Việt nam và Trung quốc tại Biển Đông
Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung qUốc bao gồm tranh
chấp chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc Trung Quốc đặt
giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tổng quát hơn là tuyên
bố chủ quyền 9 đoạn “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc
đều chưa tuyên bố tham gia và công nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế
và vì vậy Việt Nam không có cơ sở để kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa tại Tòa án Công lý Quốc tế. Trong khi đó thì Tòa án Quốc
tế về Luật Biển lại không có thẩm quyền xét xử tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc
lãnh hải.
Việt
Nam và Trung Quốc là hai quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
1982. Việt Nam phê chuẩn Công Ước ngày 25 tháng 7 năm 1994 và Trung Quốc hai
năm sau đó vào ngày 7 tháng 6 năm 1996. Trước mắt thì Việt nam có thể tiến hành
đơn kiện với Tòa án Quốc tế về Luật Biển phản đối việc Trung Quốc đặt giàn
khoan 981 gần đảo Tri Tôn và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý là vi phạm vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam. Nếu Việt Nam và Trung Quốc không đồng thuận thủ tục pháp
lý thì Việt Nam có thể nộp đơn kiện với Tòa Trọng Tài Thường trực được thành lập
dưới Phụ Lục VII của Công Ước, như Phi Luật Tân đã làm. Ngoài ra Việt Nam cũng
có thể tham gia nhập vào vụ kiện của Phi Luật Tân phản đối tuyên bố chủ quyền
đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đây là yêu sách yếu nhất của Trung Quốc vì tuyên
bố này thiếu hoặc không có cơ sở pháp lý. Vì vậy cả Phi Luật Tân lẫn Việt Nam đều
có cơ hội thành công cao nhất. Có thể Trung Quốc sẽ không tham gia vào vụ kiện
nhưng nếu Tòa phán quyết theo yêu cầu của nguyên đơn thì sẽ có tác động mạnh mẽ
về mặt chính trị và ngoại giao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như
vạch rõ bộ mặt giả dối “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trước công luận quốc
tế.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:24
No comments:
Post a Comment