Wednesday, 18 June 2014

HAI TRÍ THỨC, HAI BÀI VIẾT & HAI TÂM THẾ TRÁI NGƯỢC (Lê Anh Hùng)




Thứ Tư, ngày 18 tháng 6 năm 2014

Sau những lời lẽ hùng hồn trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên quốc tế ở Philippines mới đây như “không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”, đ/c X của chúng ta lại khiến dư luận một phen ồn ỹ.

Tuần vừa rồi lại xuất hiện thêm hai bài viết trên báo chí “phi chính thống” với nội dung gần như hoàn toàn đối chọi nhau mà cả hai đều thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đó là bài “Thoát Trung, nhưng coi chừng một sai lầm bi đát!” của ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức Việt Nam ở hải ngoại được nhiều người biết đến, và bài “Thượng cấp Tầu Cộng đã ra chỉ lệnh, Thủ tướng hãy cẩn thận” của nhà văn Phạm Thành (blogger Bà Đầm Xoè), một trí thức Việt Nam khá nổi tiếng trong nước.

Tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã thẳng thắn chỉ ra bản chất đích thực của đ/c X đằng sau những lời lẽ hùng hồn mà rỗng tuếch của ông ta:
…Điều chắc chắn là ông Dũng đã góp phần quyết định đưa Việt Nam đi sâu vào thế lệ thuộc Trung Quốc. Lệ thuộc Trung Quốc là chọn lựa chiến lược của ĐCSVN từ giữa năm 1984 và là trách nhiệm chung của các bộ chính trị từ đó. Nhưng cũng có những điều chủ yếu thuộc trách nhiệm của hành pháp, nghĩa là thủ tướng. Như cho Trung Quốc thuê dài hạn rừng đầu nguồn; cho Trung Quốc thuê những vùng biển rộng lớn để khai thác hải sản; cho các doanh nghiệp Trung Quốc đưa công nhân ồ ạt sang Việt Nam và tổ chức như những khu riêng của người Hoa; cho người và hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam không kiểm soát; xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam sang Hoa Kỳ và Châu Âu đưa thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc lên 24 tỷ USD; cho Trung Quốc trúng thầu gần hết các dự án và sau đó thi công một cách bê bối v.v. Cũng đừng quên Nguyễn Tấn Dũng là người bảo vệ dự án Bô-xit Tây Nguyên một cách quả quyết nhất, tuyên bố “dự án này phải tiếp tục vì là một chủ trương lớn của Đảng”.
… Bởi vì Trung Quốc không thể tìm được một đồng minh lý tưởng hơn ông Dũng, ông vừa hợp tác tận tình với Trung Quốc vừa thẳng tay đàn áp những người chống Trung Quốc. Ai cũng phải thấy là vụ giàn khoan HD-981 đã chỉ có lợi cho Nguyễn Tấn Dũng.
…Nguyễn Tấn Dũng có thể không phải là người nhiệt tình nhất với chính sách phục tùng Trung Quốc nhưng cũng không ai có thể thân Trung Quốc hơn ông. Muốn “thoát Trung” mà lại “phò Dũng” là rất sai, sai một cách bi đát.
…Tóm lại Nguyễn Tấn Dũng là một người rất thiếu kiến thức và khả năng, rất tham nhũng, rất tận tình với Trung Quốc và rất hung bạo đối với những người dân chủ và những người chống chính sách lệ thuộc vào Bắc Kinh. Hơn nữa còn là người đã gây thiệt hại lớn nhất – về mọi mặt kinh tế, xã hội, đạo đức và môi trường – cho đất nước từ hơn mười năm nay. Người ta có thể không dám đả kích ông Dũng vì ông là người đầy quyền lực và rất hung bạo, nhưng ủng hộ và ca tụng ông là chuyện khác.
Ở thái cực ngược lại, nhà văn Phạm Thành lại không chỉ ủng hộ đ/c X một cách nhiệt thành và gần như… vô điều kiện (chỉ qua những lời nói suông của ông ta) mà còn dễ dàng đặt niềm tin vào những gì báo chí Tàu Cộng viết:
Báo chí – tờ Tuần báo Bắc Kinh của Tầu Cộng hôm nay đã chính thức tấn công vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng chỉ lệnh “ hữu nghị” và “đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi thứ khác”. (Nguyên văn: “trong khi những người ủng hộ Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị Việt – Trung thì một số lãnh đạo cấp cao mà đại diện là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” lại “đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi thứ khác”.)
…Tôi thật sự toát mồ hôi khi đọc mấy dòng này trên tờ Tuần báo Bắc Kinh. Tôi sợ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị bọn chúng hành thích.
…Với những diễn biến xâm lược ngày một leo thang của Tầu Cộng, với một thái độ rõ ràng trong bảo vệ lãnh thổ, chỉ trích tình hữu nghị “viễn vông” chỉ biến đất nước từng bước thành con mồi cho Tầu Cộng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị Tầu Cộng đưa vào đích ngắm hạ sát là điều ai cũng có thể hiểu được.

Rõ ràng, trong khi ông Nguyễn Gia Kiểng thể hiện phẩm chất điển hình của một trí thức tự do chủ nghĩa – đó là thái độ ngờ vực quyền lực (với ý thức rằng quyền lực luôn có xu hướng tự tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối như sử gia người Anh Lord Acton từng nói), thì nhà văn Phạm Thành lại thể hiện tâm thế tôn phù, đặt niềm tin vô điều kiện vào quyền lực, chưa kể đây lại là quyền lực trong hệ thống độc tài cộng sản (cụ thể là đ/c X).

Người Việt Nam vẫn thường nói “thâm như Tàu”; giả sử như Tàu Cộng thực sự có ý định ám sát vị thủ tướng được cho là đang gánh vác sứ mệnh “cứu nhân độ thế” kia thì liệu họ có nên la lối lên như thế hay không nhỉ?! (Thiết tưởng không cần phải nhắc lại rằng “giương đông kích tây” là một trong những kế sách quen thuộc xưa nay của người Tàu. Nếu như nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng – “không ai có thể thân Trung Quốc hơn ông [Nguyễn Tấn Dũng]” – là đúng thì chẳng phải vụ giàn khoan HD981 kia là mưu đồ hoàn hảo của Trung Quốc hòng đánh bóng “tên tuổi” đ/c X và góp phần quyết định để đặt đ/c ấy vào chiếc ghế Tổng Bí thư trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới, đồng thời sắp xếp đ/c PTT Hán tặc Hoàng Trung Hải – người bị tố cáo là đã gài bẫy và khống chế đ/c X suốt nhiều năm nay – vào vị trí Thủ tướng hay sao? Thôn tính Việt Nam theo kiểu đó mới đích thị là “diệu kế” của hậu duệ Tào Tháo, chứ mấy trò “điều binh khiển tướng” ở biên giới kia chủ yếu là để hù doạ những kẻ yếu tim thôi, thưa tất cả những “ủng hộ viên” nhiệt thành của đ/c X.)

Đáng tiếc hơn, quan điểm và tâm thế như của nhà văn Phạm Thành lại không phải là cá biệt trong giới trí thức Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Kiểng còn nhận xét:
Cũng đáng ngạc nhiên và thất vọng không kém là thái độ của nhiều trí thức Việt Nam. Họ chống ách lệ thuộc Bắc Kinh và muốn “thoát Trung” nhưng lại ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Đối với họ Nguyễn Tấn Dũng là người tiến bộ, thân phương Tây và dám đối đầu với Bắc Kinh. Lý do là vì ông đã gửi con đi du học Mỹ, đã gửi thông điệp đầu năm nói tới “đổi mới thể chế” và “xây dựng dân chủ” và mới đây đã công khai phản đối việc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó lại tuyên bố không chấp nhận quan hệ lệ thuộc.

Với những ai còn nghi nghi hoặc hoặc, thời gian rồi sẽ trả lời nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng hay của nhà văn Phạm Thành về đ/c X là đúng. Tuy nhiên, điều mà người ta có thể khẳng định dứt khoát ngay bây giờ là chừng nào giới trí thức, tinh hoa của giống nòi, còn mang nặng đầu óc tôn phù, dễ dàng đặt niềm tin vô điều kiện vào quyền lực như nhà văn Phạm Thành, chừng đó nước nhà còn chưa thể trở thành một quốc gia tự do - dân chủ hầu mong thoát ra khỏi vị thế nhược tiểu, luôn bị người láng giềng khổng lồ phương Bắc uy hiếp và đe doạ thôn tính./.

Được đăng bởi Lê Anh Hùng vào lúc 16:41



No comments:

Post a Comment

View My Stats