Monday, 9 June 2014

"CẦN CÓ SỰ CAN THIỆP CỦA MỸ TRONG TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG" (Trương Ngọc Anh / Andrea Margeletti)




Trương Anh Ngọc/Rome
Vietnam Plus  05/06/14 09:03

ông Andrea Margeletti, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Italy (CeSI). (Ảnh: Trương Anh Ngọc/Vietnam+)

"Cần có sự can thiệp của Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong những tranh chấp ở Biển Đông" là quan điểm của ông Andrea Margeletti, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Italy (CeSI), một trong những cơ quan nghiên cứu địa chính trị thế giới hàng đầu của nước này, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với phóng viên về những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua và vai trò của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

Dưới đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.

- Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã tăng lên đáng kể sau khi chính phủ Bắc Kinh quyết định đưa một giàn khoan dầu khổng lồ vào Biển Đông, tại khu vực mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Theo ông, Trung Quốc đang có mưu đồ gì bằng hành động ấy?

Chủ tịch CeSI Andrea Margeletti: Theo góc nhìn của châu Âu, thì quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam không đến mức xấu đi như trên thực tế. Trong quá khứ, giữa hai nước đã từng có những giai đoạn vô cùng căng thẳng, dẫn đến đối đầu về mặt quân sự.

Trong những năm qua, trong khi quan hệ thương mại được củng cố, thì điều thay đổi lớn giữa hai nước là quan hệ chính trị, do tình hình ở Đông Nam Á có những biến động. Việt Nam hiện tại đã trở thành một quyền lực tầm trung và mang tính khu vực, với những mối quan hệ ngày càng mở rộng ra phương Tây. Trong khi ấy, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vòng 15 năm qua và trở thành một quyền lực lớn về kinh tế, thứ vũ khí mà họ dựa vào đó để buộc không chỉ Việt Nam và cả khu vực phải phụ thuộc mạnh mẽ vào họ. Điều này có những tác động không nhỏ đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu như những năm trước, các tranh cãi hầu hết được giới hạn trên bàn đàm phán ngoại giao và các biện pháp gây áp lực nhằm tăng phụ thuộc về kinh tế, thì nay với sức mạnh quân sự được tăng cường đáng kể, Bắc Kinh bắt đầu sử dụng chúng để đối đầu với tất cả những ai đang có tranh chấp với họ. Điều này tạo ra căng thẳng không chỉ với Việt Nam mà toàn khu vực.

Tôi cho rằng trong tương lai, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng sẽ là một khu vực có ý quan trọng đối với thế giới, đặc biệt là có vai trò lớn đối với Phương Tây. Do đó, nếu xét về những tranh chấp giữa các bên, trong đó có cả những đối đầu trong quá khứ, với những cuộc đối đầu có thể xảy ra và làm thay đổi hiện trạng tranh chấp trong khu vực, thì cần phải lưu ý rằng, đây không chỉ là cuộc đấu giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn là vấn đề lớn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, như Philippines hay Nhật Bản. Do đó, việc giải quyết các tranh chấp này cũng cần phải khác so với quá khứ, nghĩa là không chỉ bằng con đường ngoại giao giữa các nước tranh chấp, mà cần có sự can thiệp của Phương Tây.

- Sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là do sự suy yếu về ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, dẫn đến một khoảng trống quyền lực? Ngài có cho rằng một trật tự thế giới mới đang được Trung Quốc tìm cách tạo nên ở châu Á không?

Chủ tịch CeSI Andrea Margeletti: Tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ lâu. Nhưng ở châu Âu, chúng tôi có những cách nhìn tương đối khác với cách mà nhà báo các anh nhìn nhận vấn đề.

Ở châu Âu cũng như Trung Đông, những can dự của Mỹ cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng ổn định hơn nhiều theo tình hình. Trên biển Địa Trung Hải cũng như ở các nước Arab, vai trò của Mỹ vẫn rất lớn và không thể bị tranh chấp.

Trong khi đó, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ vẫn duy trì một nửa lực lượng quân sự của họ để cố gắng tiếp tục đảm bảo sức mạnh của một siêu cường duy nhất mang tính toàn cầu.

Tôi không tin rằng, ở châu Á đang tồn tại một khoảng trống quyền lực nào đó, xét trên khía cạnh an ninh khu vực, khi quân đội của họ vẫn đóng trong các căn cứ quân sự ở đây, nhưng vấn đề khiến cho nhiều người ở châu Á và cả các chính phủ châu Âu lo ngại là sự thiếu chắc chắn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chính phủ Mỹ phải tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn trong đối ngoại với Trung Quốc và điều đó không chỉ dừng lại ở những tuyên bố, mà phải bằng các hành động cụ thể sau khi xảy ra những vấn đề trên Biển Đông. Tương lai của khu vực này phụ thuộc nhiều vào họ.

Chúng ta còn nhớ là cách đây chưa lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" ở Bắc Á, Mỹ đã phản ứng bằng cách cho máy bay B-52 bay qua. Đấy là câu trả lời cho thấy rằng Mỹ không muốn nhìn thấy Trung Quốc ngày càng phát triển, và rằng Mỹ vẫn còn có mặt ở khu vực này.

Cũng nên nhớ rằng, người Mỹ có nhiều vũ khí chiến lược ở châu Á, nhưng nhiều vũ khí không đồng nghĩa sẽ phải sử dụng chúng và biết sử dụng chúng. Người Mỹ cũng rất có truyền thống và kinh nghiệm trong việc đối đầu với các quyền lực mới nổi bằng khả năng hiện có của họ. Hãy tin tưởng vào họ.

- Vậy, theo ông, đâu là lựa chọn cho chính quyền Obama ở Đông Nam Á, đặc biệt là sau những đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam? Ông có nhìn thấy một sự nhích lại gần nhau mang tính chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ không?

Chủ tịch CeSI Andrea Margeletti: Tôi không nhận thấy có nhiều bước tiến tham vọng của Tổng thống Obama trong vấn đề này, nhất là khi ông chỉ còn có hai năm trong nhiệm kỳ. Tôi cho là những tuyên bố gần đây của họ liên quan đến những tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác cho thấy Mỹ rất quan tâm đến tình hình, dường như Mỹ chỉ muốn cố gắng duy trì hiện trạng.

Tình hình căng thẳng ở châu Á không chỉ là mối lo của riêng Mỹ mà còn của cả châu Âu khi nền kinh tế của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Italy cũng rất chú ý theo dõi tình hình và có thể sẽ được Thủ tướng Matteo Renzi đề cập đến trong chuyến thăm Trung Quốc trong tháng này.

Đối với châu Âu, việc duy trì hòa bình trong khu vực này có ý nghĩa quan trọng bởi trao đổi thương mại đa chiều giữa châu Âu và Đông Nam Á đang tăng nhanh trong những năm qua.

Trong khi Nhật Bản ở Bắc Á và Philippines ở Đông Nam Á đều có những hiệp định quân sự bền chặt và mạnh mẽ với Mỹ, thì Việt Nam không có những điều này.

Quá khứ chiến tranh Việt Nam vẫn còn sống động, nhưng tình hình hiện tại ở khu vực có thể khiến những kẻ thù cũ trở thành bạn bè. Việt Nam có nhiều mối quan hệ với các nước Phương Tây, trong đó có Italy chúng tôi.

Không ngạc nhiên, khi tình hình trở nên căng thẳng, Mỹ là một trong những quốc gia Phương Tây đầu tiên xích lại gần Việt Nam, một phần vì đang kiếm tìm liên minh trong việc kìm hãm Trung Quốc, phần vì tức giận trước hành động của Bắc Kinh.

Cả Việt Nam và Mỹ chắc chắn đều sẽ tiến hành các hoạt động ngoại giao để từ đó xác định các ưu tiên nhằm xem xét mối quan hệ của họ có thể chuyển hướng như thế nào theo hướng tạo ra một nghị định thư hợp tác song phương hoặc đa phương nhằm đối phó với Trung Quốc. Nhưng hãy nhớ rằng, sẽ không thể làm gì được nếu như không có thiện chí.

- Xin cám ơn ông./.




No comments:

Post a Comment

View My Stats