11:12:am 17/06/14
Sự kiện giàn khoan HD 981 xảy ra đã hơn một tháng. Một
tháng với không biết bao nhiêu biến cố dồn dập ngoài thềm lục địa VN và trên đất
liền, loang rộng xung đột làm cả biển Đông dậy sóng dư luận. Một tháng không biết
bao nhiêu phân tích, bình luận và ngoạị giao con thoi. Nội vụ bây giờ vẫn còn
nguyên đó nhưng ồn ào sóng nước mặt nổi đang lắng xuống để lộ dần cốt lõi sự việc.
Với ‘mũi dao’ HD 981 Tàu cộng không những đã cắm sâu
vào thềm lục địa mà cả trong trái tim từng người VN yêu nước (Phải dùng ‘người
VN yêu nước’ để phân biệt với loại người VN bán nước) Còn phản ứng thực sự của
chế độ CSVN trước giặc cướp ra sao bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.
Hội nghị tại Philippines, ngày 21/5, trong vai trò
Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói một câu nghe tạm được, có nội dung là
không đánh đổi sự toàn vẹn lãnh thổ với tình hữu nghị viển vông. Câu nói nầy vừa
thốt ra đã được khá nhiều người nhẹ dạ tin ngay, vì nghĩ rằng lời nói của một
ông Thủ tướng phải có giá trị nhưng, đến giờ nầy, vẫn chưa thấy hành động cứng
rắn cụ thể nào tương đồng với nội hàm đã nói! Chỉ biết sau đó, ngày 31/5, trong
cuộc họp Đối thoại về an ninh tại Shangri-La 13 ở Singapore, ông Phùng Quang
Thanh, là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng, người nắm trong tay sức mạnh quân đội
lại tuyên bố gần như trái ngược, gọi Tàu cộng đang xâm lược là “nước bạn”, coi
vấn đề giàn khoan HD 981 chỉ là “chuyện mâu thuẫn trong gia đình”. Quan điểm nầy
trái ngược với cách tuyên truyền xách động kêu gọi thanh niên miền Bắc tiêu diệt
người miền Nam chiến đấu để bảo vệ Tự do, một cuộc nội chiến đẫm máu do CS miền
Bắc gây ra trước năm 1975!
Như vậy giữa hai ông nắm quyền lực trong tay ông nào
thể hiện lập trường của Bộ Chính trị?
Căn cứ theo yếu tố thời gian, trước/sau thì lời nói
sau bao giờ cũng được cân nhắc kỹ lưỡng hơn lời nói trước và chắc chắn lời ông
đại tướng không phải khẩu khí mà bài bản đầy dụng ý của Bộ Chính trị. Cho nên
phải coi tiếng nói của ông đại tướng, ít nhất ngay trong thời điểm nầy, là tiếng
nói chính thức của Bộ Chính trị, cho dù chưa có ai khác trong Bộ Chính trị lên
tiếng tiếp. Như vậy Bộ Chính trị, qua ông Phùng Quang Thanh, vẫn coi Tàu cộng
là ‘anh em trong gia đình’, bất kể họ đang xâm lược. Đây là thỏa hiệp phản động
của đảng CSVN, thỏa hiệp của chủ nhà với kẻ cướp.
Vì vậy vấn đề mâu thuẫn nội bộ gay gắt ngay trong Bộ
Chính trị là sự thật. Phe Thủ tướng đã nói gà, phe Tổng Bí thư đang nói vịt!
Giữa lúc đất nước đang lâm nguy mà nội bộ của cái gọi
là “đỉnh cao trí tuệ” chia rẽ trầm trọng như vậy, thì việc mất nước không còn
là ‘nỗi lo’ nhưng là sự thật.
Về tác động trên thế giới vụ giàn khoan HD 981 thì yếu
tố Hoa Kỳ quan trọng nhất, vì Hoa Kỳ đã xác định chiến lược “xoay trục qua biển
Đông”, nên đây là cơ hội Tàu cộng thử lửa quan trọng để xem mức độ phản ứng của
Hoa Kỳ tới đâu? Hoa Kỳ sẽ làm gì để tìm kiếm lợi ích về kinh tế cũng như chính
trị trong khu vực, vì kinh tế/chính trị là ‘máu’ cho cơ thể đầy sinh lực của
Hoa Kỳ, còn tất cả những vấn đề khác đôi khi chỉ là một nhãn hiệu, thứ yếu!
Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước đã lặn lội sang
Hoa Kỳ không kèn không trống, trong chiêu bài “VN làm bạn với tất cả các nước”,
nhưng chỉ đạt được “hợp tác toàn diện”. Vì hợp tác chiến lược là cam kết ‘sống
còn’ với VN, điều mà Hoa Kỳ chưa muốn. Ngày trước VNCH là tiền đồn chống làn
sóng Đỏ tràn xuống phương Nam nhưng bây giờ chủ nghĩa CS đã sụp đổ, nên muốn đối
đầu với giấc mơ Đại Hán của Tàu cộng không cách nào tốt hơn là cứ để CSVN tồn tại.
Cứ để ‘anh em XHCN’ Tàu cộng-Việt cộng kình chống nhau và mỗi ngày sẽ nổ lớn
hơn. Dĩ độc trị độc. Nếu lãnh đạo VN khiếp nhược, như đang xảy ra, thì người VN
yêu nước sẽ sống mái với đảng CSVN. Lúc đó, hoặc đảng CSVN công khai đầu hàng
Tàu cộng để làm nô lệ, hoặc sẽ cầu cứu Hoa Kỳ giúp đỡ và Hoa Kỳ khi đó có kế
sách cụ thể cũng chưa muộn. Còn hiện tại thì đứng giữa, Hoa Kỳ chỉ đóng vai can
ngăn, như đã từng tuyên bố về tranh chấp lãnh thổ là “không ủng hộ riêng một nước
nào”. Vì thế Hoa Kỳ sẽ là ‘ngư ông đắc lợi’ mà không bị tai tiếng.
Cùng lúc với tình hình căng thẳng hiện tại không ai
có thể biết liệu có xảy ra mặc cả ở hậu trường giữa Hoa Kỳ với Tàu cộng, Hoa Kỳ
với Việt cộng hay không? Thời VNCH Hoa Kỳ làm ngơ để Tàu cộng chiếm Hoàng Sa
sau mặc cả của Kissinger, còn bây giờ sẽ chia chác biển Đông như thế nào để đôi
bên cùng có lợi? Chỉ chắc chắn một điều là có mặc cả với Tàu cộng thì dân tộc
VN đương nhiên là nạn nhân!
Trong tuần qua yếu tố pháp lý về công hàm Phạm Văn Đồng,
lại sôi nổi dư luận, vì Tàu cộng đang tố ngược “VN xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”
ra Liên Hiệp Quốc, có trưng dẫn thêm cả sách giáo khoa của VN! Trong lúc đó, VN
đang có đủ dữ kiện và nền tảng pháp lý lại được công luận ủng hộ rộng rãi tại
sao không/hay chưa dám kiện kẻ xâm lược, giống như Philippines đang làm? Yếu tố
thời gian khởi kiện Tàu cộng ra Liên Hiệp Quốc rất quan trọng. Vì, với khả năng
của một cường quốc, Tàu cộng đã và đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận thế giới
thì VN sẽ bị rơi vào thế bị động. Khi Tàu cộng tạo ra “một sự đã rồi” thì VN
khó làm lay chuyển được định kiến có sẳn. Chính sự dùng dằng, không dám cả quyết
khởi kiện đã dấy thêm thắc mắc, liệu Hội nghị Thành Đô năm 1990 và những văn
kiện bí mật nào đó mà tập đoàn CSVN đã ký kết với Tàu cộng chứa đựng nội dung
gì ghê gớm đến như vậy?
Các văn bản nói trên, nếu vẫn giữ bí mật, thì mãi
mãi sẽ là văn bản bán nước của đảng CSVN, vì nội dung có khuất tất nên mới giữ
bí mật! Nhưng bí mật đó nhất định cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng. Cho nên, ngay lúc
nầy, phải bạch hóa tất cả để dùng pháp lý hủy bỏ chúng!
Yếu tố căn bản đầu tiên là thay đổi thể chế. Nếu VN
từ bỏ chế độ CS (đã do đảng CSVN tiếm quyền lãnh đạo đất nước) chuyển đổi qua một
chế độ dân chủ (do người VN bầu chọn) thì yếu tố ‘đảng CS’ không trở thành yếu
tố quốc gia. Kinh nghiệm của những nước đã từ bỏ cộng sản thì những văn kiện
ràng buộc giữa các đảng cộng sản đều vô giá trị.
Vì hiện tại VN theo chế độ cộng sản nên Hoa Kỳ, dù
muốn (vì chính lợi ích của Hoa Kỳ) cũng khó có thể đặt quan hệ cốt lõi như Hoa
Kỳ đang liên kết với Nhật, Đại Hàn, Philippines hay một số các nước khác. Vì thế
Hoa Kỳ không thể giúp gì hơn ngoài việc nói suông. Điều nầy chắc chắn Tàu cộng
biết rõ.
Trong khi vịnh Cam Ranh là yết hầu của biển Đông, nếu
Hoa Kỳ biến Cam Ranh thành căn cứ quân sự thì vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và thềm
lục địa VN chắc chắn Tàu cộng khó thể nuốt trôi. Đây cũng là lý do Tàu cộng
đang hối hả biến Hoàng Sa, Trường Sa thành lãnh thổ của Trung Quốc như lập cơ sở
hành chánh, phi trường, trường học… với mục đích tạo nên sự đã rồi, kiểu Putin
chiếm Cremia của Ukraine mới đây, để phòng hờ biến cố VN thay đổi lập truờng,
cho Mỹ thuê Cam Ranh dài hạn.
Vì chính sách của Hoa Kỳ không chủ trương chiếm giữ
đất nên việc cho Hoa Kỳ thuê mướn Cam Ranh để làm căn cứ quân sự, như Nhật, Đại
Hàn hay Philippines đã làm, cũng chỉ vì quyền lợi chung. Riêng Nhật và Đại Hàn
nhờ đó đã hưởng lợi tối đa nên kinh tế phát triển vượt bực. Còn Philippines dại
dột đuổi Mỹ khỏi vịnh Subic nên kinh tế cứ èo uột, hiện tại phải đối mặt Tàu cộng,
không đủ sức đương đầu, nên phải trải thảm đỏ mời Hoa Kỳ quay lại.
Một lý do khác là nếu liên kết với Hoa Kỳ thì CSVN e
sợ tấm gương VNCH bị bỏ rơi? Điều nầy không thể xảy ra vì thời cuộc đã khác
hoàn toàn. Chủ nghĩa CS đang cáo chung nên từ bỏ CS là con đường duy nhất giải
phóng dân tộc ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Ngã theo tự do dân chủ là theo tiến
trình văn minh nhân loại. Đi theo con đường dân chủ thì dứt khoát sẽ có được bè
bạn toàn cầu mà chẳng phải đu dây! Kinh nghiệm của những nước có giao hảo tốt với
Hoa Kỳ như thế thì tại sao VN vẫn chần chừ?
Cho nên vấn đề còn lại là đảng CSVN đặt lợi ích cá
nhân hay dân tộc lên trên?
Trước mắt VN không còn thời gian để bàn cãi mà phải
hành động. Vì bàn cãi sẽ không bao giờ dứt mà Tàu cộng cần mua thời gian để
hoàn tất mọi kế hoạch, để tạo chuyện ‘gạo đã thành cơm’, ‘ván đã đóng tuyền’.
Cho nên lúc nầy mà đảng CSVN không hành động thì dân tộc VN cũng sẽ hành động.
Hoặc đảng CSVN tự biến đổi hoặc để bị giải thể phải xảy ra. Khi VN không còn chế
độ cộng sản thì lúc đó người VN mới có cơ hội cứu được nước!
Suốt 39 năm đảng CSVN đã chủ trương chia rẽ tình tự
dân tộc, biến người VN vô cảm với hiện tình đất nước, chỉ với mục đích duy nhất
là giành độc quyền cai trị. Nhưng biến cố giàn khoan HD 981 đã thức tỉnh lòng
yêu nước trong từng người. Sự cam chịu đằng đẵng bao nhiêu năm tháng bây giờ sẽ
đợi dịp bùng nổ căm phẫn. Mà khi căm phẫn bùng nổ thì sự sụp đổ của chế độ CSVN
không chỉ đơn thuần là thay đổi một thể chế. Ngày đó chắc chắn khó ai có thể lường
hết được hậu quả.
Thời cơ chỉ đến một lần. Hoặc, dân tộc sẽ bỏ qua mọi
lỗi lầm của đảng CSVN và được ghi tên trong lịch sử chống quân xâm lược, hoặc,
sẽ bị tàn hại với tiếng xấu ngàn năm. Giữa thời điểm nầy không còn có thể dùng
loại chính trị đu dây. Chính Tàu cộng đang lật ngửa quân cờ, bắt buộc đảng CSVN
phải chọn lựa dứt khoát. Không còn chuyện tráo trở “làm bạn với tất cả các nước”
mà vẫn giữ nguyên chế độ CS.
Ngay trong lúc nầy, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc
vụ viện Trung Quốc, một chức vụ cao hơn Bộ trưởng ngoại giao, đang ở Hà Nội để
thỏa mãn 3 lần xin đi Bắc Kinh của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị từ chối.
Không ai biết ông Ủy viên Quốc vụ viện sẽ chỉ đạo Hà Nội những gì nhưng trọng
tâm có thể là ‘các chú không thể đi dây giữa đàn anh với Hoa Kỳ được nữa’. Và
đây hẳn là lý do ông Phạm Bình Minh phải ở lại VN mà chưa thể sang Hoa Kỳ ngay
theo lời mời của đương kim Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cách đây không lâu.
Bây giờ, mọi quyết định mang tính chất lịch sử đều ở
trong tay những người đang lãnh đạo đảng CSVN.
(June 17th, 2014)
----------------------------
01:38:am 17/06/14
Từ xa tôi chân thành góp ý kiến với 16 vị trong Bộ Chính trị – thường gọi là Bêcêtê. BCT, cơ quan
lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản VN, tự nhận có quyền lãnh đạo toàn diện và
duy nhất đất nước và nhân dân, mặc dầu nó không hề nhận được một lá phiếu bầu
nào của người dân. Đây là điều phi lý rõ ràng, trái ngược hẳn với Dân chủ và
Pháp quyền do người đứng đầu Chính phủ cam kết với toàn dân trong bản Thông điệp
đầu năm 2014.
Nhiều người trong BCT gần đây đã lên tiếng về nguy
cơ của đất nước ở biển Đông, kêu gọi toàn dân đoàn kết thống nhất, biểu thị
lòng yêu nước, còn kêu gọi sự ủng hộ của toàn thế giới.
Lẽ ra BCT phải cùng nhau thảo luận dân chủ, thuyết
phục nhau cho ra lẽ, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là của trí thức nước
ta, đạt được nhất trí thật cao, 16 người như môt. Thế nhưng BCT đã không làm được
như thế.
BCT tự phơi bày sự thiếu đoàn kết nhất trí giữa tình
hình khẩn cấp. Người cầm đầu chính phủ ăn nói mạnh mẽ nhất, còn nói rõ ý định đưa TQ ra kiện trước tòa án quốc tế, hồ sơ đã sẵn sàng. Chủ tịch Quốc
hội có vẻ lưỡng lự nhưng do sức ép mạnh của một số đại biểu đang họp đã cao giọng
hơn một chút, trong khi Chủ tịch nước có vẻ như tránh né vấn đề quốc gia đại sự
này.
Đáng trách nhất là tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên
BCT, ra trước cuộc họp quốc tế ở Singapore đã đọc diễn văn, trả lời báo chí quốc
tế một cách yếu ớt, thái độ nhu nhược, không có khí thế chiến đấu. Ông lý giải
cuộc khủng hoảng ở biển Đông, theo phía VN nhìn, chỉ là một cuộc xung đột thường
có trong mọi gia đình. Ông Thanh làm cho người nghe hiểu rằng sẽ hòa giải qua
song phương, còn nhìn chung là quan hệ Việt – Trung vẫn tốt đẹp như trước.
Trong BCT cần chỉ ra người phụ trách ngành tuyên huấn
Đinh Thế Huynh và bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã tỏ ra nhu nhược.
Báo chí nhà nước chỉ được lên án TQ có mức độ vừa phải, các cuộc biểu tình vẫn
bị kiềm chế, sự đàn áp dân xuống đường chống bành trướng vẫn diễn ra, đặc biệt
là ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân được cử ra chăn dắt Mặt trận Tổ
quốc cũng tỏ ra thiếu nhiệt tâm chống bành trướng. Do đó các hội đoàn thành
viên Mặt Trận vẫn nằm im không lên tiếng trước hiểm họa từ phương Bắc.
Còn 2 bà phụ nữ trong BCT là Tòng Thị Phóng và Nguyễn
Thị Kim Ngân đều im hơi kín tiếng, khác hẳn các blogger nữ trẻ như Huỳnh Thục
Vy, Đoan Trang hay nhà văn Võ Thị Hảo, nghệ sỹ Kim Chi.
Xem ra cuộc thảo luận trong BCT chưa thật sự ngả
ngũ. Tất cả còn tùy thuộc ở thái độ đấu tranh của quần chúng nhân dân, bên cạnh
những thư ngỏ, tuyên ngôn, kiến nghị thật đông đảo người tham gia, còn cần hành
động xuống đường của quần chúng đông đảo hơn nữa, thái độ của giới trí thức thật
quyết liệt, buộc BCT phải hiểu rõ lòng dân thực sự là mạnh mẽ ra sao, từ đó mới
xoay chuyển được tình thế nhập nhằng hiện nay .
Sự chia rẽ trong BCT là một hiện tượng hiển nhiên.
Do quyền lợi các phe nhóm khác nhau, tranh giành nhau đặc quyền đặc lợi thêm
gay gắt khi Đại hội XII sắp tới.
Những người trong BCT có ý ngả theo lòng dân hãy ra sức thuyết phục những người còn phân vân lưỡng
lự, rằng lúc này là thời điểm quyết định, thuận theo ý dân thì đảng CS, BCT sẽ có
thể tồn tại; đi ngược lòng dân thì có thể mất hết sạch tất cả quyền lực lẫn của
cải, như trong mọi bão táp cách mạng của nhân dân quật khởi.
Nhóm thức thời trong BCT hãy ra sức tạo nên một đa số
trong BCT, nghĩa là trên 9 trong 16 người.
Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng
có thể thuyết phục vì vừa qua ông ta bị ép buộc đọc nguyên từng chữ bản văn được
BCT duyệt kỹ, còn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sửa, duyệt lần cuối và ký tên. Ông Trọng là con người bảo thủ, giáo điều bậc nhất hiện nay. Ông Thanh chỉ
là cái loa của BCT, thật ra là của ông Trọng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ như được các ông Lê Hồng
Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Hà Văn Dụ tán đồng, có thể tranh thủ
thêm ông Phùng Quang Thanh, ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Thiện Nhân và cả bà
Kim Ngân. Đa số trong BCT này có thể làm nên việc lớn. Có thể bẻ lái sang con
đường Dân chủ và Pháp quyền do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra trong
Thông điệp đầu năm nhưng chưa hề được thực hiện.
Đa số BCT có thể đề xuất với Ban chấp hành Trung
ương một cuộc họp đặc biệt bàn về hướng đi này.
Đây là lối thoát gọn, nhanh, ít xáo trộn xã hội nhất.
Và như vậy để sớm mở đường cho Bộ trưởng Ngoại giao
Phạm Bình Minh lên đường sang Washington gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ một
cách nhẹ nhàng phấn chấn. Nếu không sẽ thành một sơ xuất ngoại giao kỳ quặc
(gaffe diplomatique). Ông Minh đã gọi điện thẳng cho ông Kerry để yêu cầu phía
Hoa Kỳ ủng hộ VN, lên án TQ có hành động xâm phạm vùng biển VN, và Hoa Kỳ đã lập
tức mạnh mẽ lên tiếng. Ông Kerry còn mời ông Minh sang ngay Washington để bàn
sâu thêm về biển Đông và cả quan hệ Mỹ – Việt. Vậy mà 1 tuần lễ trôi qua rồi
người ta vẫn ngóng chờ. Chỉ vì BCT còn cãi nhau. Tựu trung cãi nhau trong mỗi
người. Vì nhân dân hay vì chủ nghĩa cá nhân .
Rõ ràng BCT đã tỏ ra bạc nhược trước họa bành trướng
đã hiển nhiên. Lập trường chính thức của Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu,
Úc, Hoa Kỳ còn mạnh mẽ và rõ ràng hơn thái độ chính trị của BCT ở Việt Nam.
Hưởng ứng lập trường kiên quyết ngăn chặn bành trướng
của toàn thế giới dân chủ, VN có thế và lực tăng lên gấp bội, cả về quốc phòng
và về kinh tế – tài chính, xã hội và đời sống, một cuộc đột biến lịch sử.
BCT hãy suy nghĩ kỹ về trách nhiệm của mình trong
tình thế nước sôi lửa bỏng ở biển Đông và hãy đoàn kết nhất trí như chính BCT
đã kêu gọi toàn dân đoàn kết nhất trí, một lòng kiên định chống bành trướng và
ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Một BCH chia rẽ nghiêm trọng với một Tổng Bí thư bạc
nhược là thảm họa của đảng CS, cũng là châm ngòi cho một cuộc cách mạng nhân
dân khó tránh khỏi.
Blog
Bùi Tín (VOA)
No comments:
Post a Comment