Sunday, 10 March 2013

ĐỪNG ĐỂ HIẾN PHÁP THÀNH BÁNH VẼ (Thái Bình - Bauxite VN)




Thái Bình
11/3/2013

Hiện nay toàn dân đang hăng hái hưởng ứng Nghị quyết Quốc hội đóng góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Có thể nói chưa bao giờ dân Việt ta quan tâm đến sửa đổi Hiến pháp như hiện nay.

Nhưng xây dựng được Hiến pháp tiến bộ văn minh, hội nhập và phù hợp thời đại, phù hợp hoàn cảnh Việt Nam đã khó, để Hiến pháp đi vào cuộc sống càng khó.

Hiến pháp dù có tiến bộ văn minh bao nhiêu nhưng không có cơ chế thực hiện hoặc thậm chí khi thực thi bằng hệ thống luật có khi trái ngược Hiến pháp thì cũng vô nghĩa!

Để thấy rõ vấn đề này ta hãy xem xét việc thực hiện Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp 1992 tuy còn tồn tại một số nội dung không phù hợp không theo kịp thời đại và lạc hậu, nhưng có nhiều nội dung rất hay, rất tiến bộ, mà cũng chỉ như bánh vẽ, để trang trí cho đẹp mà không thành hiện thực, hoặc chỉ để đối nội và đối ngoại khi cần.

Ta hãy điểm qua việc thực thi Hiến pháp 1992.

1/ Điều 2 Hiến pháp 1992 ghi: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”. Nếu nhà nước của dân, vì dân, sao hòa bình gần 40 năm rồi mà dân vẫn khổ thế? Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thế thì tại sao dân góp ý sửa đổi Hiến pháp lại chụp cho dân cái mũ “chống đối, phá hoại”, và tìm mọi cách gây khó dễ với những góp ý không hợp khẩu vị chính quyền? Chẳng lẽ nhân dân phá hoại chính quyền lực của mình xây dựng nên? Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân sao dân không được phúc quyết Hiến pháp mà chỉ là tham khảo ý dân?

2/ Điều 7 Hiến pháp 1992 ghi: “Đại biểu Quốc hội bị cử tri và Quốc hội bãi miễn… khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Quốc hội thì đúng là đã từng bãi miễn đại biểu Quốc hội, nhưng cử tri thì viết trong Hiến pháp cho oai chứ làm gì có đại biểu Quốc hội bị dân bãi miễn?

3/ Điều 12 Hiến pháp 1992 ghi: “Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế…, và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…”. Tình hình thực thi Hiến pháp và pháp luật cũng như xử lý người vi phạm Hiến pháp và pháp luật của ta đã được dân mô tả qua hình tượng con mèo và con hổ.

4/ Điều 13 ghi: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. Thực tế không phải vậy mà lãnh thổ lãnh hải đã bị xâm lấn trắng trợn.

5/ Điều 18 ghi: “Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”. Thực tế đất đai bị lấn chiếm rất nhiều và sử dụng vô cùng lãng phí, rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, rất nhiều khu công nghiệp chưa được lấp đầy, rất nhiều sân gôn chiếm hàng trăm ha đất…

Điều 18 ghi tiếp: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và các cá nhân sử dụng ổn định và lâu dài”. Thực tế không phải vậy, đất nông nghiệp chỉ giao 20 năm, đất công nghiệp giao từ 50 đến 70 năm. Tại sao có tình trạng vi hiến như vậy? Ta có thể khẳng định rất nhiều nội dung quan trọng của Hiến pháp chứ không riêng điều này, chỉ viết ra cho đẹp nhưng trong thực tế chưa bao giờ thực hiện hoặc thực hiện khác đi.

6/ Điều 28 ghi “Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân, làm thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật”. Thực tế phá nát nền kinh tế nhưng chỉ xin lỗi và rút kinh nghiệm có xử lý ai?!

Điều 28 ghi tiếp: “Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng”. Quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng có ai bảo vệ? Hàng nhái, hàng giả, hàng lậu tràn ngập thị trường bóp chết hàng nội ai bảo vệ? Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đồ ăn uống có chất độc hại có những bếp ăn tập thể ngộ độc hàng loạt, môi trường xuống cấp nghiêm trọng… ai bảo vệ?

7/ Điều 29 ghi: “Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”. Thực tế tài nguyên đang bị suy kiệt nhanh chóng và môi trường đang xuống cấp nghiêm trọng.

8/ Điều 39 ghi: “Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại cho sức khỏe của nhân dân”. Thực tế có nhiều phòng mạch khám chữa bệnh trái phép, rất nhiều loại thuốc không đủ tiêu chuẩn vẫn lưu hành trên thị trường.

9/ Điều 52 ghi: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Thực tế không phải, như đã dẫn giải ở Điều 12.

10/ Điều 53 ghi “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”. Thực tế các cơ chế để công dân tham gia quản lý Nhà nước là rất ít, trưng cầu dân ý chưa có.

11/ Điều 54 ghi “Công dân, không phân biệt nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”. Theo điều này công dân có hai quyền cơ bản là bầu cử và ứng cử, quyền bầu cử thì đúng nhưng quyền ứng cử thực tế không phải vậy, bởi Đảng viên chỉ trên 2% dân số nhưng chiếm gần 90% đại biểu Quốc hội.

12/ Điều 69 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Câu này có 3 ý:
– Thứ nhất công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Thực tế nội dung này của bộ luật gốc đã bị Điều 88 Bộ luật hình sự làm vô hiệu; mỗi khi chính quyền xử tù những người bất đồng chính kiến bị các nước và các tổ chức Quốc tế phản đối, chính quyền giải thích “chúng tôi chỉ xử tù những người vi phạm pháp luật (Điều 88 Bộ luật hình sự) chứ không xử tù người bất đồng chính kiến, các ngài hãy xem Điều 69 Hiến pháp chúng tôi”, như vậy nội dung này của Điều 69 Hiến pháp viết ra vừa để cho đẹp vừa để đối phó.
– Thứ hai công dân có quyền được thông tin. Hiện nay có trên 700 tờ báo các loại phải nói là thừa thông tin một chiều, thông tin rác.
– Thứ ba công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Nội dung này viết ra cho đẹp chứ từ khi Hiến pháp 1992 có hiệu lực đến nay làm gì có pháp luật quy định.

13/ Điều 71 ghi: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự”. Thực tế có rất nhiều người bị cơ quan công quyền bắt tạm giam và bị chết, có người chết được cơ quan hữu trách giải thích họ chết do tự tử bằng cái dây của nạp điện thoại cầm tay, có người bị đánh chết… Nhân phẩm và danh dự của công dân có lúc có nơi bị chà đạp nghiêm trọng, điển hình Cù Huy Hà Vũ bị bắt bởi hai bao cao su.

14/ Điều 74 ghi: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết trong thời gian luật định”. Có nhiều trường hợp tố cáo của công dân đã bị các cơ quan hữu trách từ chối, ví dụ Cù Huy Hà Vũ làm đơn kiện Thủ tướng đã bị trả lại…

15/ Điều 76 ghi “Công dân phải trung thành với tổ quốc”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng cần làm rõ: những công dân làm cho đất nước nghèo nàn lạc hậu, gây bao thảm họa cho dân tộc, người dân khổ cực thì có phải công dân trung thành với tổ quốc không?

16/ Điều 83 ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam”. Điều này trong thực tế không đúng như Hiến pháp.

17/ Điều 84 ghi: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây…”, tại khoản “14-Quyết định việc trưng cầu dân ý” quyền hạn này hình như Quốc hội bỏ quên?

18/ Điều 130 ghi: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Điều này trên thực tế chỉ đúng một phần.

*
Có quá nhiều tồn tại trong thực thi Hiến pháp, tôi không hiểu về luật bằng những nhà luật học, nhưng việc đối chiếu giữa Hiến pháp năm 1992 với thực tế cuộc sống chỉ ra rất nhiều những tồn tại, hạn chế và chắc chắn những tồn tại, hạn chế của việc thực thi Hiến pháp 1992 chưa thể chỉ ra hết trong bài viết này, có gì sai sót mong các nhà luật học lượng thứ.

Xây dựng được Hiến pháp văn minh tiến bộ phù hợp đáp ứng nguyện vọng của công dân mới chỉ đạt 50% công việc, vấn đề để Hiến pháp đi vào cuộc sống quả thật rất khó khăn. Chính vì thế Hiến pháp mới nên có một điều quy định rõ mọi văn bản luật trái với Hiến pháp đều vô hiệu và phải bãi bỏ.

Hà Nội 09/03/2013
Thái Bình
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN




No comments:

Post a Comment

View My Stats