Hồ Ngọc Nhuận
11-3-2013
Vua
Louis XVI của nước Pháp rất thích các loại máy móc, đặc biệt là mê sưu tập và
sửa chữa các loại đồng hồ. Nhân dịp một hội đồng hoàng gia đang được triệu tập
để nghiệm thu chiếc máy chém “la guillotine” do bác sĩ Guillotin vừa sáng chế,
để ban phát một cái chết nhẹ nhàng và bình đẳng cho mọi tử tội, nhà vua muốn
xem qua chiếc máy chém này.
Trong
buổi trình bày bản vẽ cho nhà vua xem có mặt nhà sáng chế, bác sĩ Guillotin,
nhà chế tác chiếc máy, ông Tobias Schmidt, bác sĩ Antoine Louis, bác sĩ riêng
của nhà vua, đồng thời là Thư ký vĩnh viễn Hàn lâm Y học hoàng gia, kiêm Chủ
tịch Hội đồng nghiệm thu, và có cả ông Sanson, đao phủ chính của cuộc Đại Cách
mạng Pháp.
Louis
XVI, năm đó 37 tuổi, xuất hiện trong bộ đồ thường phục, nhưng ai cũng biết đó
là vua. Ông lặng lẽ đến gần chiếc bàn để bản vẽ, trên có bày đầy đủ họa tiết
từng bộ phận được ghi chú cẩn thận. Sau khi ngó qua một lượt, nhà vua hất hàm
hỏi vị bác sĩ Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: “Ông thấy thế nào, ông Chủ tịch?”.
Trước sự bày tỏ hài lòng của người đối thoại, nhà vua bèn chỉ vào một họa tiết
và hỏi tiếp: “Lưỡi đao có hình lưỡi liềm này liệu có đúng cách không? Đường
cong và độ cong của nó liệu có thích hợp với nhiều cỡ cổ khác nhau của các tử
tội không? Có cổ không chừng nó chỉ chặt tới một phần nào đó, có cổ có thể nó
lại không ôm trùm hết”.
Ông
đao phủ Sanson có mặt không thể nào nén được, mà không đảo mắt liếc trộm chiếc
cổ nhà vua, và nghĩ bụng: Chiếc đao cong này không thể nào liếm vào chiếc cổ đó
được, nó bự quá.
Nhà
vua cũng liếc nhanh qua Sanson, và hỏi nhỏ bác sĩ Chủ tịch: “Phải người đó
không?”, và nói tiếp, khi được xác nhận: “Hãy hỏi ý kiến anh ta”. Sanson không
cần chờ hỏi, đã nói ngay: “Ngài đây nói rất đúng. Hình cong của lưỡi đao có thể
đưa đến một số trở ngại”. Với một nụ cười thích thú, nhà vua vói lấy một cây
bút để gần đó, lẹ làng gạch một nét thẳng xéo lên đường cong của hình vẽ lưỡi
đao máy chém. Và nói: “Dù sao tôi cũng có thể lầm. Khi nào đem ra thí nghiệm,
nên thử với cả hai loại lưỡi…”.
Các
cuộc thử nghiệm sau đó đã được tiến hành theo ý nhà vua. Với những con cừu sống
và với những tử thi lấy từ các phòng thí nghiệm y học. Các con cừu sống đều
chấp nhận cả hai lưỡi đao, không chê lưỡi nào. Nhưng con người, dù chết, chỉ
chấp nhận lưỡi chém có đường thẳng xéo, không cong.
Cuộc
trình bày bản vẽ chiếc máy chém “la guillotine” cho Vua Louis XVI xem, diễn ra
ngày 2 tháng 3 năm 1792 tại điện Tuileris, theo lời kể của cháu nội ông
Charles-Henri Sanson, đao phủ chính của cuộc Đại Cách mạng Pháp.
Và
11 tháng sau đó, vào ngày 21 tháng giêng năm 1793 vua Louis XVI đã bước lên
đoạn đầu đài, đích thân thử nghiệm sáng chế của mình với chiếc cổ của mình. Mà
không có ý kiến phê phán gì, sau đó.
Câu
chuyện lịch sử này có gì lạ?
Như
người ta thường nói, lịch sử thường lặp lại. Nếu có ai kể về một người bị tội
hỏa thiêu tự tay tiếp củi và sắp xếp giàn hỏa cho chính mình thì chắc khó có ai
tin. Nhưng chuyện một nhà vua tự tay phác họa lưỡi đao sẽ chặt lìa cổ mình là
một chuyện lạ xưa nay chưa ai thấy, lại xảy ra thật. Nó có lặp lại không, cách
này cách khác? Chưa nghe thấy ai kể tiếp một chuyện tương tự. Cuộc Đại Cách
mạng Dân chủ Dân quyền cũng chỉ xảy ra có một lần vào năm 1789 ở Pháp. Nhưng từ
224 năm qua, trên khắp thế giới, liệu có ai nhớ hết có bao nhiêu cuộc “dân
quyền na ná” lớn nhỏ đã diễn ra? Có khi do chính cỗ máy thừa hành đương quyền
xúc tiến?
Đó
là chuyện cũ.
Bây
giờ là chuyện mới:
Hồi
19 giờ ngày 25/2 /2013 Chương trình Thời sự VTV1 đã đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc
của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, như sau: “Vừa
rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư
tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai
trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân
lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan
điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là
suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình,
ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho
nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.
“Xử
lý cái này” là cái nào, cái gì?
Người
dân “tham gia đi khiếu kiện… ký đơn tập thể” hay “kiến nghị”… thì nôm na
cũng chỉ là theo đúng chế độ “xin cho” thôi. Hay cả “đi biểu tình” thì cũng chỉ
là để “ hòa bình yêu cầu được trả lại” các quyền chính đáng của mình, các quyền
tự do dân chủ căn bản của dân của nước từ lâu đã bị lấy mất mà sao lại phải bị
xử?
Xử
ai? Ai xử?
Còn
tội để mất Hoàng Sa, biển đảo, nhiều dặm biên giới, chủ quyền các loại… và
nhiều tội tày đình khác, trong đó có các tội “nghẹn ngào” không thể nói ra, hay
“nghẹn cổ” khó nói thì sao?
Ai
xử? Xử ai?
Lịch
sử thường lặp lại, cả những chuyện, những lúc, mà ít ai ngờ.Và chuyện mà nó
thường lặp lại nhất là chuyện: “Ai xử? Xử ai?”. Để liên tục và mãi mãi làm sạch
bộ mặt con người, dân tộc và cả nhân loại, khỏi các vết xấu xa của mọi thứ bất
công áp bức.
Sài
Gòn, 10-3-2013
H. N. N.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment