Tuesday, 5 March 2013

TU CHÍNH HIẾN PHÁP (Radio Đáp Lời Sông Núi phỏng vấn Ông Trần Bình Nam)




Được đăng ngày Thứ ba, 05 Tháng 3 2013 13:07

Hải Sơn (HS): Thưa quý thính giả. Trong tháng qua sinh hoạt chính trị tại Việt Nam sôi sục hẳn lên về việc góp ý sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992. Bắt đầu bằng bản kiến nghị do 72 nhân sĩ khởi xướng, sau đó được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân. Một trong những góp ý then chốt kỳ này là các kiến nghị đều đòi hỏi đảng Cộnd sản Việt Nam phải hủy bỏ Điều 4 trong bản Hiến pháp hiện hành, một điều mà nhiều nhà tranh đấu cho rằng nó là “vấn đề của mọi vấn đề”.
Để tìm hiểu thêm về những sự kiện liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp kỳ này, mời quý thính giả theo dõi buổi thảo luận của chúng tôi với ông Trần Bình Nam, nhà bình luận chính trị quen thuộc của giới truyền thông Việt ngữ. Ông Trần Bình Nam cư ngụ tại nam Cali, Hoa Kỳ.
Kính chào ông Trần Bình Nam. Trong tháng 2/2013 chuyện được nói nhiều nhất trong nước là chuyện tu chính Hiến Pháp. Ông thấy vấn đề tu chính này như thế nào?

Trần Bình Nam(TBN): Từ năm 1992 đến nay có nhiều lần đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề tu chính Hiến Pháp ra bàn. Và lần nào cũng rộn ràng nhưng rồi chẳng có gì thay đổi. Điều cần bỏ đi nhất là Điều 4 Hiến pháp, cái điều khoản giao quyền cai trị đất nước cho đảng Cộng sản, và chỉ đảng Cộng sản mà thôi thì không bao giờ thay đổi. Qua mỗi lần tu chính bản văn được xáo tới xáo lui nhưng rồi Điều 4 vẫn giữ nguyên như vậy: Đảng trên hết, nắm hết ba quyền Hành Pháp, Tư Pháp, Lập pháp .

HS: Theo chúng tôi thấy thì hình như càng ngày dư luận càng chú y đến Điều 4 Hiến pháp, có phải không thưa ông?
TBN: Đúng vậy, và đó là bước tiến tích cực nhất trong sự đóng góp ý kiến của quần chúng. Nhớ lại cách đây 15 năm khi Tổ chức Phục Hưng Việt Nam đưa vấn đề “Bỏ Điều 4 HP” gọi tắt là chiến dịch “Bỏ 4”, dư luận quần chúng, và ngay một số tổ chức chính trị và đoàn thể “chống chủ nghĩa cộng sản” cũng có vẻ bỡ ngỡ cho là đòi “Bỏ 4” là công nhận gián tiếp bản Hiến pháp của Cộng sản, và điều có có nghĩa công nhận chế độ cộng sản nên dư luận đầu tiên đầu vào cuối thập niên 1900 và đầu thập niên 2000 đối với chiến dịch “Bỏ 4” không mấy mặn mà .

Trong khi đó những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nhận thấy ngay chiến dịch Bỏ 4 là một đòn quyết tử đánh vào cái cột chống chế độ cộng sản của họ. Trước hết họ chống chế: một Hiến pháp độc đảng cũng đang tồn tại tại Singapore, Đài Loan mà các nước đó vẫn tiến bộ nhanh chóng thì tại sao lại cần thay đổi. Nhưng đó chỉ là một cách chống chế mập mợ đánh lận con đen. Trên thực tế Singapore cũng như Đài Loan đều có một bản Hiến pháp đa đảng, chỉ khác là tại Singapore đảng của ông Lý quang Diệu, và ở Đài Loan thì đảng Quốc Dân của ông Tưởng Giới Thạch vì làm được việc và được lòng dân nên luôn luôn thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội.

HS: Ngoài việc bám vào Singapore và Đài Loan để chống chế nhưng không đánh lừa được ai cả, đảng Cộng sản Việt Nam còn làm những gì trước áp lực cấp bách của phong trào Bỏ 4, thưa ông Trần Bình Nam?
TBN: Tháng 8/2007 ông Nguyễn Minh Triết khi đến công tác tại Tổng Cục Chính Trị quân đội đã nói với cán bộ và công nhân viên chức quốc phòng của Tổng cục chính trị rằng
“[Tôi] Khẳng định trước sau như một là chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng…”
Lời tuyên bố đó của ông Triết càng làm cho nhân dân quan tâm và dồn nỗ lực hơn nữa áp lực đảng Cộng sản Việt Nam bỏ điều 4 Hiến pháp, để cho các đảng chính trị ngoài đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động và cử người tham gia các cuộc bầu cử quốc hội tiến đến tu chính toàn bộ bản Hiến pháp phân chia dứt khoát quyền hành giữa 3 định chế : Hành Pháp, Tư Pháp, Lập Pháp

HS: Thưa ông, thế thì điều 4 Hiến pháp nói gì mà ông Triết và đảng cộng sản của ông sợ hải như vậy?
TBN: Điều 4 trong bản Hiến pháp gồm 147 điều do Quốc hội thông qua năm 1992 và sửa đổi thêm bớt bởi Nghị quyết do ông Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký ngày 7/1/2002, trong đó Điều 4 vẫn được giữ y nguyên viết rằng:
Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Điều 4 Hiến pháp như vậy minh định rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đó là luật tối thượng của quốc gia, dựa vào đó đảng cộng sản Việt Nam thu tóm mọi quyền hành trong tay, từ quyền hành chánh, quyền làm luật, quyền xử án, quyền biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng của đảng, và quyền biến quân đội thành lực lượng vũ trang để bảo vệ đảng bám lấy quyền hành chính trị, chứ không phải là lực lượng bảo vệ sinh mạng của nhân dân và sự an toàn của đất nước như một nguyên tắc được thế giới văn minh công nhận. Và đó là nguyên nhân tạo ra suy đồi xã hội từ đạo đức đến văn hóa, giáo dục, y tế, cũng như nạn tham nhũng cửa quyền trở thành quốc nạn không thuốc chữa.

HS: Trong dự tính tu chính HP hiện này đảng Cộng sản đang toan tính những gì ?
TBN: Như bản Dự thảo đảng Cộng sản đưa ra tháng trước, chỉ là một sự thay đổi ngôn từ và hình thức trình bày chứ không có một tu chính gì quan trọng, đặc biệt vẫn giữ nguyên điều 4 Hiến pháp. Trong chỉ thị hướng dẫn nhân dân đóng góp ý kiến đảng còn căn dặn góp ý gì thì góp đừng chạm đến Điều 4. Nhưng lời căn dặn như lửa đổ thêm dầu. Thoạt tiên có 72 nhân sĩ trí thức trong đó có nhiều thành phần từng ủng hộ đảng Cộng sản như các ông Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng , Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đắc Xuân … ký tên vào một kiến nghị đưa ý kiến về tu chính Hiến pháp minh thị đòi hỏi tu chính điều 4 Hiến pháp, và sau đó có hàng ngàn nhân sĩ trong và ngoài nước ký theo.

HS: Thưa ông, phản ứng của đảng như thế nào?
TBN: Phản ứng của đảng là giận dữ. Ngày 25/2 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam nói tại Vĩnh Phúc, nguyên văn:
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa”.
Lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông không hiểu gì cả. Chống lại đảng Cộng sản Việt Nam, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi trả quân đội cho nhân dân ông cho là thiếu đạo đức thì không ai biết ông hiểu đạo đức là gì. Cái kiến thức của ông quá kém cỏi.

HS: Báo chí trong nước phản ứng như thế nào, thưa ông?
TBN: Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên – làm cho báo Gia Đình & Xã Hội đã phát biểu trên blog của anh tóm tắc như sau:
“Bằng tất cả sự tôn trọng với người đang đứng đầu một đảng chính trị của Việt Nam, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng:
Thứ nhất , ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch một đảng không có tư cách nói với toàn dân. Ông chỉ có quyền nói với đảng viên của ông thôi.
Thứ hai, đi vào nội dung ông phát biểu tôi muốn hỏi ông:
Cái thứ chính trị, tư tưởng ông muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng Cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng Cộng sản của các ông là đúng thôi sao? Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên Cộng sản như vậy. Nhưng ngay cả với các đảng viên Cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Xin ông đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng của các ông xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái. Thật ra, chỉ có tham ô, tham nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy thoái thôi.”
Sau cùng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên tuyên bố:
Chẳng những tôi muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi còn muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam trong đó các nguyên tắc đa nguyên chính trị là căn bản, tam quyền phân lập, địa phương tự trị, phi chính trị hóa quân đội và các lực lượng vũ trang là căn bản. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
Kết quả lời phát biểu thẳng thắn và can đảm của ông Kiên đã làm ông mất việc. Hội đồng kỷ luật báo Gia Đình – Xã Hội đã sa thải ông.

HS: Ông có kết luận gì về phong trào đòi Bỏ 4 hiện nay?
TBN: Sau kiến nghị của 72 nhân sĩ hiện nay đã có hơn 5000 công dân ký tên ủng hộ cho thấy có một phong trào quần chúng rộng khắp đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp. Phong trào rộng lớn đi song song với phản ứng hoảng hốt của các cấp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam như của ông Nguyễn Minh Triết nguyên Chủ tịch nước trước đây và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư đảng và Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội cho thấy ngày cáo chung của Điều 4 Hiến pháp và sau đó là ngày tàn của đảng Cộng sản Việt Nam không còn xa. Quân đội mà đảng Cộng sản gọi là Quân đội Nhân dân sẽ trở về phục vụ nhân dân theo đúng tên gọi của nó.

HS: Thay mặt quý thính giả đài Đáp Lời Sông Núi, chúng tôi xin cám ơn bình luận gia Trần Bình Nam đã chia sẻ quan điểm của ông về sửa đổi hiến pháp, đặc biệt nhất là việc hủy bỏ Điều 4. Xin kính chúc ông nhiều sức khỏe.
TBN: Cám ơn ký giả Hải Sơn của đài ĐLSN.

Hải Sơn– Đáp Lời Sông Núi






No comments:

Post a Comment

View My Stats