Tuesday, 5 March 2013

VÒNG TRÒN LUẨN QUẨN (Nguyễn Đại)




Nguyễn Đại
Thứ ba, ngày 05 tháng ba năm 2013

1. Điều 4 Hiến pháp 1992 (HP92): “Đảng Cộng Sản…lãnh đạo đất nước.” Bây giờ Nhà Nước chuẩn bị ban hành HP mới và kêu gọi công dân góp ý, kiến nghị[i][i]. Rất nhiều ý kiến muốn bỏ điều 4 ở trên, thay bằng nội dung khác. Thế là nhiều dư luận viên gào lên: “Phạm pháp! Phạm pháp! Đòi lật đổ chế độ!”. Lý do họ đưa ra là “HP92 quy định ĐCS lãnh đạo.” Mọi chuyện trở thành vòng tròn luẩn quẩn?

Thật ra thì chẳng có gì luẩn quẩn cả, đơn giản là các DLV la “phạm pháp” ở trên không hiểu biết về pháp luật cả. HP92 gồm 147 điều, một công dân có quyền thích hoặc không thích bất kỳ điều nào trong đó. Một ngày trái gió trở trời, đột nhiên tôi không thích Việt Nam theo kinh tế thị trường mà theo kinh tế kế hoạch, bao cấp. Đối với tôi đó là điều hay, tôi cứ tàn tàn đi làm, chẳng cạnh tranh với ai. Ôi cái thời đẹp làm sao, đói thì tất cả cùng đói, gạo không có thì ăn khoai mì, bo bo. Đã đến mức ăn thịt người đâu mà sợ… Nói lan man vậy làm rõ cái ý “không thích điều 4 HP92 thì không phải là phạm pháp”.

Thế từ đang “không thích” chuyển sang “muốn bỏ” thì có phạm pháp không? Câu trả lời là “KHÔNG!” Điều 11 HP92 nêu “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội…” Một người “muốn bỏ” không có nghĩa là “đã làm trái”, vì vậy, không phạm pháp. Lại nói ví dụ cho dễ hiểu là một ngày đẹp trời, tôi nhớ đến ông Hồ Chí Minh, nhớ đến công lao to “nhất quả đất” của ông (như lời nói đầu của HP92), tôi đề nghị “muốn bỏ” điều 4, thay bằng nội dung khác là “Hồ Chủ tịch, người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chỉ có ông và con cháu của ông nối tiếp nhau làm lãnh tụ đến trọn đời”. Không ai nói tôi “phạm pháp” trong tình huống như vậy cả.

Thế trong trường hợp này, khi nào thì phạm pháp? Đó là khi bạn “làm trái” nó, cụ thể là bạn thành lập hoặc tham gia một đảng chính trị giành quyền lãnh đạo NN và XH. Tình hình lúc đó sẽ nguy hiểm. Bạn đã vi phạm điều 4 HP92, cho dù bạn có thích nó hay không.

2. Điều 147 HP92: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp.” Khi Quốc hội sửa HP, Nhà Nước kêu gọi toàn dân tham gia góp ý. Nhóm trí thức (nhóm 72) soạn kiến nghị, kèm theo bản hiến pháp tham khảo (DT72) gửi đi. Câu trả lời là “không công bố bản DT72, lý do Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.” Nhóm 72 phải ra thông báo “trong một nước mà tất cả quyền lực thuộc về nhân dânNhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì quyền lập hiến là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội.” Lại thành một vòng tròn luẩn quẩn.

Các dư luận viên  cũng dựa vào cái ý trên để chế giễu nhóm 72 là thiếu hiểu biết, là sai chức năng. Sự thật là không có gì luẩn quẩn và sai trái ở đây cả. Chính các DLV và Ủy Ban dự thảo đã không phân biệt được “quyền sửa hiến pháp của Quốc hội” và “quyền kiến nghị HP tham khảo của nhân dân”. Quốc hội có trách nhiệm công khai bản dự thảo 72 để tất cả cùng bàn bạc, thảo luận. Khi và chỉ khi có một nhóm người tự sửa hiến pháp, tự “sống và làm việc theo hiến pháp của riêng họ” thì mới là sai trái, thậm chí là phạm pháp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng hiểu nhầm nêu trên, đồng thời để khẳng định hơn nữa “mệnh đề tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” thì Hiến pháp phải có nội dung “Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý trước khi ban hành”.

3. Hiến pháp là đạo luật cao nhất, toàn bộ các văn bản luật và dưới luật đều phải dựa trên và không vượt ra ngoài hiến pháp. Thế nhưng HP92 thường xuyên có câu “công dân có quyền… theo quy định pháp luật”. Đây cũng là một dạng vòng tròn luẩn quẩn. Không một ông bố nào nói với bạn bè “mời anh đến nhà tôi theo… quy định của con tôi”. Lỡ thằng con mất dạy là quy định “bạn của bố không được đến nhà (mà nhà của bố) thì sao? Ông bố sẽ nói “mời anh đến nhà tôi, con tôi sẽ hướng dẫn anh đến”. Có lẽ vì vậy mà nhóm 72 kiến nghị bỏ cái đuôi “theo quy định pháp luật". Thế nhưng do không hiểu (hay giả vờ), DLV tiếp tục “thế không theo quy định pháp luật thì loạn à!”
Trong tình huống này, để DLV bớt sợ loạn, và cũng để làm rõ quan hệ “cha con” của HP và luật, nên sửa cái đuôi “theo quy định pháp luật” thành “pháp luật có trách nhiệm bảo đảm các quyền trên của công dân”.

Nguyễn Đại (2/3/2013)






No comments:

Post a Comment

View My Stats