Tuesday, 5 March 2013

TÔI ỦNG HỘ "LỜI TUYÊN BỐ CỦA CÁC CÔNG DÂN TỰ DO" (Việt Hoàng - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ hai, 04 Tháng 3 2013 22:57

Vụ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị ban lãnh đạo báo Gia Đình & Xã Hội kỷ luật và đuổi việc chỉ một ngày sau khi anh viết bài báo chỉ trích ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sự phản đối mạnh mẽ cả từ những lời lẽ hồ đồ, chụp mũ của ông Trọng đến cả hành động nhẫn tâm, trái đạo lý, trái pháp luật của ông tổng biên tập báo Gia đình & Xã Hội.

Xã hội Việt Nam bị dồn nén lâu ngày và đã căng lên như quả bóng, nên cái gì phải đến sẽ đến. Tất cả mọi người đều lên tiếng ủng hộ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và chỉ trích kịch liệt ông Nguyễn Phú Trọng. Từ những vị nhân sĩ đáng kính trong 72 người ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 đến các nhà báo và đông đảo cư dân mạng.

Vượt lên trên mọi lời phẫn nộ thông thường đó là sự ra đời của “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” mà nhóm khởi xướng hầu hết là còn trẻ và không bị bất cứ một ràng buộc nào với chính quyền hay bất cứ một tổ chức chính trị nào khác. Lời tuyên bố này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp người Việt cả trong nước lẫn ngoài nước. Hiện tại (4/3/2013) số người ký tên ủng hộ đã lên tới 3.500 và chắc chắn con số đó sẽ được tiếp tục tăng lên trong những ngày sắp tới.

Đây là lần đầu tiên tôi ký tên vào một bản tuyên bố tại Việt Nam như vậy. Lý do cũng nhiều, thứ nhất tôi là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) nên không muốn những bản kiến nghị, tuyên bố bị chính quyền chụp mũ là “cấu kết với các thế lực thù địch”, dù rằng “thế lực thù địch thực sự” đang hiện hữu sờ sờ trước mắt người dân, và ai cũng biết rõ những âm mưu chiếm đảo, chiếm đất và thao túng mọi mặt đất nước của “thế lực thù địch” này, và cũng chỉ có đảng là không hay, không biết. Trong khi chúng tôi chỉ là những người Việt Nam yêu nước, dấn thân với mong muốn cho đất nước thay đổi về hướng dân chủ tốt đẹp hơn, tương lai của người dân tươi sáng hơn. Tôi là một công dân Việt Nam tự do, việc ký tên ủng hộ “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” là lẽ đương nhiên.

Thứ hai, từ trước đến giờ, tâm lý của người Việt, nhất là tại Việt Nam vẫn còn thành kiến và e ngại với các tổ chức chính trị. Sự e dè này có lý do của nó vì rằng suốt thời gian qua người dân Việt Nam chỉ biết đến một tổ chức chính trị duy nhất là đảng cộng sản, và với những gì đảng cộng sản đã và đang làm cho đất nước và người dân Việt Nam thì việc không ghét đảng, không sợ đảng mới là chuyện lạ và đương nhiên nó ảnh hưởng lên tiềm thức con người khiến họ dè chừng tất cả các tổ chức khác, đảng phái khác. Tuy nhiên sự thay đổi tư duy, sự nhìn nhận về các đảng phái chính trị đã chín muồi, nhất là khi bản Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức hàng đầu tại Việt Nam được công bố. Trong bản kiến nghị đó đã đề nghị bỏ điều 4 hiến pháp và chủ trương đa đảng, đa nguyên. Chuyện đảng phái đã trở thành câu chuyện cần thiết và dĩ nhiên.

Thứ ba, theo ý kiến cá nhân thì “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” dù ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ và rất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên những công dân Việt Nam đã mạnh mẽ đoạn tuyệt với suy nghĩ và thói quen Xin-Cho đối với chính quyền. Họ không xin và cũng không kiến nghị mà họ tuyên bố, họ trình bày những ý kiến và mong muốn của mình với nhân dân. Họ đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng và thực thi những quyền tự do cơ bản của công dân. Họ không chỉ dừng lại ở tuyên bố đòi bỏ điều 4 hiến pháp mà họ còn đòi hỏi một Hội nghị lập hiến để lập ra một hiến pháp mới theo nguyện vọng và ý chí của người dân chứ không phải là ý chí và sự áp đặt của đảng cộng sản. Họ ủng hộ đa nguyên đa đảng và sự cạnh tranh lành mạnh trong các hoạt động chính trị. Họ ủng hộ nhà nước tam quyền phân lập nhưng đi xa hơn khi đề nghị việc tản quyền, tức là trao nhiều quyền hơn cho các chính quyền địa phương. Họ cũng đề nghị phi chính trị hóa quân đội, phi đảng phái hóa quân đội và mạnh mẽ khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của mỗi người công dân.

Việc tôi ký tên ủng hộ “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” còn một lý do quan trọng khác đó là sự đồng cảm, đồng thuận giữa nhóm khởi xướng Lời Tuyên Bố với tư tưởng và Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ít ra là trên hai điểm; thứ nhất là việc trao quyền tự trị rộng rãi cho các chính quyền địa phương trong tương lai. Tập hợp đề nghị mô hình nhà nước sẽ là Dân Chủ Đại Nghị và Tản Quyền; thứ hai là hòa giải và tha thứ như lời nhà báo Nguyễn Đắc Kiên.

Theo chúng tôi thì việc tạo ra được một sự Đồng Thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là trong tầng lớp trí thức tinh hoa, có trách nhiệm dẫn đường và lãnh đạo có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Chúng ta thử hình dung rằng trên một chiếc thuyền lớn giữa đại dương, trên đó có nhiều nhóm người, nhóm thì muốn đi hướng này, nhóm kia thì muốn đi hướng khác trong khi thuyền trưởng (đảng cộng sản) đã bất lực thì con tàu đó sẽ đi về đâu? Vì sao chúng tôi không ngần ngại nhắc đi nhắc lại chuyện tạo ra Đồng Thuận Quốc Gia? Bài học của nước Nga và 15 nước Liên Xô cũ, các nước châu Phi vẫn còn đó. Tại các nước này vẫn có đa đảng và bầu cử nhưng vẫn độc tài và không có dân chủ, hay mới đây nhất là tại các nước Ả Rập vừa hạ bệ được các nhà độc tài cũ thì lại có nguy cơ xuất hiện các nhà độc tài mới. Lý do là xã hội dân sự ở các nước đấy kém? Đúng, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất là các nước đó không có được một dự án chính trị nghiêm túc cho tương lai vì thế không thể tạo được đồng thuận cho các đảng phái chính trị, dù đối lập hay cầm quyền. Người dân vì vậy cũng không biết nên ủng hộ ai, ủng hộ cái gì?

Quay lại với “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do”, có lẽ càng ngày người dân càng hiểu ra một điều là đảng cộng sản đã suy thoái quá nặng nề và không thể nào tự thay đổi được. Nhóm khởi xướng Lời tuyên bố, bản thân tôi cũng như 9 trên 10 người bạn của bác Nguyễn Trung (cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan) đều cho rằng đảng cộng sản đã hoàn toàn bế tắc và bất lực. Vì vậy mọi góp ý hay kiến nghị này nọ với đảng đều vô ích và vô nghĩa, nhất là với đảng cộng sản, một đảng cầm quyền và lãnh đạo suốt 68 năm qua nhưng chưa bao giờ biết tôn trọng luật pháp, dù là luật pháp do chính họ viết ra. Hai bài viết rất nên đọc để hiểu rõ hơn về việc “sửa đổi hiến pháp” lần này, bài Góp ý Hiến pháp: Hơn một sự ngộ nhận” của bác sĩ Phạm Hồng Sơn và bài “Sự xấc xược không phải tình cờ của ông Nguyễn Gia Kiểng ().

Điều cuối cùng khiến tôi ký tên và ủng hộ “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” đến từ giác quan. Tôi cảm nhận được rằng lòng người Việt Nam đã bắt đầu cho một sự thay đổi mà việc đuổi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và sau đó là “Lời Tuyên Bố Của các Công Dân Tự Do” chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tôi tin rằng “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, trong nước cũng như ngoài nước. Tôi cũng hy vọng là số người ủng hộ sẽ vượt qua số 150.000 chữ ký của người Việt tại Mỹ đã ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gửi chính phủ Mỹ đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang năm ngoái.

Bản “Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” nếu được ủng hộ rộng rãi nó sẽ đòi được tự do cho cả một dân tộc.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment

View My Stats