Đăng bởi: bsngoc | 15/03/2013
Nhờ có chuyện góp ý cho Hiến pháp 1992 chúng ta mới nhìn rõ hơn trình độ
của các giáo sư, tiến sĩ như thế nào. Nói thẳng cho dễ hiểu: dốt. Dốt đến mức
khó tưởng tượng nổi. Nhưng tại sao họ dốt như thế? Tôi cho rằng vì nền giáo dục
tồi. Chỉ có một nền giáo dục tồi mới sản xuất ra những con người vừa dốt vừa
trơ tráo như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.
Chúng ta đã thấy qua “Bên
thắng cuộc” của Huy Đức các chính khách Việt Nam dốt như thế nào. Nhưng
phải đợi đến vụ góp ý cho Hiến pháp chúng ta mới thưởng lãm được sự dốt nát của
thành phần giáo sư, tiến sĩ, tướng tá. Cái dốt của họ được bộc lộ qua những lập
luận ấu trĩ, những lý giải nguỵ biện, và những quan điểm mang tính xu nịnh. Xu
nịnh rất trắng trợn. Tôi gọi họ là những
“trí nô ký sinh”. Tức là những kẻ có chút học thức nhưng là thứ học thức nô
lệ. Họ là ký sinh vì phải sống bám vào một thứ chủ nghĩa đã bị cả thế giới
ruồng bỏ và lên án.
Nhưng để biết loại trí nô ký sinh này ra sao, chúng ta
cũng cần phải biết họ nói những gì. Bối cảnh của câu chuyện là bản dự thảo Hiến
Pháp. Hai điểm mấu chốt trong bản dự thảo và vai trò của Đảng CSVN và quân đội.
Điều 4 Hiến Pháp ghi là Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Bản
dự thảo Hiến Pháp còn ghi thêm rằng quân đội phải trung thành với Đảng CSVN.
Một nhóm nhân sĩ trí thức đưa ra một bản dự thảo khác,
mang tính phản biện. Bản dự thảo của nhóm nhân sĩ được hàng ngàn người đủ thành
phần xã hội ký tên ủng hộ. Sự ủng hộ của người dân làm cho những người cầm
quyền thấy lo ngại. Những lãnh đạo cao cấp nhất lên tivi tố cáo những người góp
ý là “cơ hội”, là “thế lực thù địch”. Thật ra, đó là những phát biểu được sao
chép từ sách của Trung Quốc mà Việt Nam đã chuyển ngữ. Đó là những luận điệu
Trung Quốc đã dùng 20 năm trước đây. Có thể nói rằng các lãnh đạo ta chẳng có
sáng kiến gì mà chỉ lập lại những gì Trung Quốc sáng chế ra. Có thể xem đó là
một sự rập khuôn tư tưởng.
Nhà nước lo ngại còn vì lý do khác. Bởi vì khi so sánh
hai bản dự thảo, bất cứ ai có chút lương tri cũng có thể nhận ra sự kém cỏi của
nhóm soạn thảo ăn lương Nhà nước. Thật ra, phải nói là quá kém cỏi. Kém cỏi từ
cách sử dụng từ đến tính hợp lý. Thế là Nhà nước huy động một lực lượng giáo sư,
tiến sĩ, tướng tá ra quân phản biện lại những phản biện.
Thế là chúng ta chứng kiến một cảnh phản phản biện.
Khởi đầu là một nhà văn, trung tá, phó giáo sư, tiến sĩ
tên là Nguyễn Thanh Tú đăng đàn phát
biểu. Ông lý giải rằng “việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng
hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm
thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh” và ông hồn nhiên
kết luận rằng bỏ điều 4 Hiến Pháp là đồng nghĩa với “đe dọa sự tồn vong của
cả dân tộc”!
Chỉ tiếc một điều là ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư
– tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú không thuộc sử. Dân tộc Việt đã tồn tại trên 2000 năm
nay mà có cần đến Đảng CSVN đâu. Dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu có bị diệt
vong khi đảng cộng sản ở những nước đó bị truất phế?
Phải nói ngay rằng chính sự thống trị của Đảng CSVN đã dẫn đất nước này và
dân tộc này đến bờ nguy cơ mất căn cước tính. Đảng CSVN đã du nhập một chủ nghĩa ngoại lai và dựng nên một chế độ công
an trị để phá nát nền văn hoá dân tộc. Chính Đảng CSVN đã ký công hàm dâng đảo
cho Trung Cộng. Chính Đảng CSVN đã để mất đất trên vùng biên giới phía Bắc.
Chính Đảng CSVN đã cho bọn Tàu cộng vào quậy phá đất nước này. Đến đây thì
chúng ta đã thấy ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú
dốt như thế nào.
Tiếp theo lập luận của Nguyễn Thanh Tú là “GSTS” Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận
Trung ương. Tôi phải để GSTS trong ngoặc kép vì tôi nghĩ trình độ lý luận của
ông này chưa qua khỏi tú tài. Ông Hoàng Chí Bảo nói: “Tuy nhiên, Đảng với
nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng
tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân,
phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền
tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân
mà phải hiến định nó”. Tôi phải thốt lên: wow! Ông lập luận theo kiểu tam
đoạn luận:
A với B là một,
A với C là một,
Bỏ A tức là bỏ B và C,
Bảo vệ B và C thì phải bảo vệ A.
Vấn đề ở đây là ông đã sai be bét ngay từ định đề đầu
tiên. Đảng CSVN với người dân Việt Nam không phải là một, không thống nhất
được. Đảng CSVN chỉ có 3 triệu người, nhưng Việt Nam có đến 91 triệu dân. Đảng
CSVN cướp chính quyền, chứ người dân đâu có bầu cho Đảng. Nếu ông thành thật
tin rằng Đảng CSVN thật sự được sự ủng hộ của người dân, thì tại sao không cho
người dân tự do lập đảng và tranh cử nghiêm minh?
Đến lượt ông Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu thì chúng ta mới thấy sự thảm hại của tư duy.
Ông vẫn khẳng định điều 4 trong Hiến pháp là “yêu cầu tất yếu của lịch sử đương
đại Việt Nam”, nhưng đề nghị viết lại cho … hay hơn. Hay như thế nào? Ông muốn
sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong đồng thời là đại biểu
trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lấy
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động, lãnh đạo
đất nước dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức”.
Nếu các bạn hiểu được ý của ông này tôi nghĩ các bạn không thành thật. Đây là
kiểu nói của một con vẹt. Con vẹt nói chỉ nói chứ nó không hiểu nó nói gì.
Thật ra, đây là một sự đạo văn. Câu “Đảng lấy chủ
nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động” là lấy
từ trong tài liệu của Đại hội Đảng lần thứ 7.
Nhưng đó là một kiểu nói nhập nhằng. Đã đại diện mà còn
đội tiên phong? Lãnh đạo dựa trên “nền tảng liên minh công nhân, nông dân, và
đội ngũ trí thức” là cái gì? Cái chủ nghĩa Mác-Lênin đó đã bị cả thế giới ghê
tởm và phỉ nhổ. Chính đất nước khai sinh ra cái chủ nghĩa đó cũng đã vứt nó vào
thùng rác. Thật ra, cái chủ nghĩa gọi là Mác-Lê đó không có thật, nó chỉ là sản
phẩm tưởng tượng của tên đồ tể Stalin để triệt hạ những ai chống đối hay tranh
giành quyền lực với hắn. Nay các đồ đệ của Stalin ở Việt Nam lại làm sống cái
chủ nghĩa đó để trấn áp người dân Việt. Thật là trớ trêu!
Ông Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng gì cả. Chính ông nói
như thế. Xin trích một đoạn trong hồi ký của ông Nguyễn Văn Trấn như sau:
“Trong tư cách Tổ trưởng Đại biểu Đảng CSVN năm 1951, lúc
ấy vừa tái công khai dưới cái tên Đảng Lao động VN, ông đã gặp ông HCM. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy
tư tưởng Mao Trcạh Đông làm kim chỉ đạo cho Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói
trong tổ cho nhau nghe thôi chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng
nói ở đây một điều như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói
là hơn.
HCM nhắm hí mặt như Stalin khi gặp vấn đề khó nghĩ, vì
tìm chữ. Tôi thưa tiếp: ‘Có đồng chí nói
hay là ta viết ‘tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh’ có phải hay
không!’
Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp
cấp kỳ: ‘Không, tôi không có tư tưởng gì khác ngoài tư tưởng
chủ nghĩa Mác-Lênin. […] Chớ còn tư tuởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới
xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Anghen, Lê-nin, chớ làm gì tôi có
tư tưởng ngoài triết học Mác”.
Đấy, chính ông cụ Hồ nói ông không có tư tưởng gì cả. Ông
chỉ là học trò của mấy ông râu xồm kia mà thôi. Mà chưa chắc là học trò giỏi vì
tiếng Pháp của ông còn khá hạn chế, như có lần được biểu hiện qua một bài phỏng
vấn (www.youtube.com/watch?v=LsNJ28qM0vU). Những bài
viết và phát biểu của ông có thể nói là nhỏ nhặt, linh tinh, có khi chẳng đâu
vào đâu. Cách ông trả lời cũng có khi khá buồn cười. Ví dụ như khi được hỏi thế
nào là dân chủ tập trung, ông nói một cách hồn nhiên: “Như các cô, các chú có
đồ đạc tài sản gì đó thì các cô chú là chủ, đó là dân chủ. Các cô chú không
biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại, bỏ chìa
khoá vào túi tôi đây. Đó là dân chủ tập trung”! Một tư tưởng gia mà lý luận
ngô nghê như thế hay sao? Ấy thế mà các đàn em của ông lại gán ghép và nâng tầm
những câu nói của ông thành “tư tưởng”! Tất cả chỉ là một sự giả tạo.
Nếu xem những giáo huấn của ông là tư tưởng và đáng học
tập thì tại sao không làm theo câu sau đây:“Nếu chính phủ làm hại dân thì dân
có quyền đuổi chính phủ”. Chính phủ hiện nay đã làm cho người dân hết đau
khổ này đến đau khổ khác. Cải cách ruộng đất. Nhân văn giai phẩm. Mậu thân 68.
Cải tạo. Vượt biên. Buôn bán người qua biên giới. Cướp nhà, cướp đất. Đó là vài
“sản phẩm” tiêu biểu của Đảng CSVN. Chính phủ do Đảng CSVN điều khiển đã làm
cho Việt Nam nghèo nàn và tụt hậu cả trăm năm so với Tân Gia Ba và Đại Hàn, đi
sau 50 năm so với Thái Lan và Mã Lai Á. Đó
là một nỗi nhục. Ấy thế mà Đảng lại không biết nhục mà còn đòi quyền lãnh đạo!
Nếu làm theo lời dạy của cụ Hồ thì tại sao không nhớ câu
này của ông cụ: “Quân đội ta trung với Nước, hiếu với dân”. Ấy
thế mà có ông tiến sĩ nọ dám sửa lời ông cụ rằng “Quân đội ta trung với Nước,
hiếu với dân”! Ngoài miệng họ nói làm theo lời ông cụ, nhưng khi viết
xuống thì họ chỉ lợi dụng ông cụ cho những toan tính cá nhân.
Tôi nghĩ nếu họ là trí thức thật sự và có tự trọng, họ
không thể nào ăn nói trơ tráo như thế. Chỉ có thể kết luận đây là một đám xu
nịnh và sống vì cái “chủ nghĩa sổ hưu” của Trần Đăng Thanh, chứ chẳng trí thức
gì cả. Đúng là ăn cơm chúa, múa tối ngày.
Quả là một loại trí nô ký sinh.
Nhưng tất cả những trò gọi là góp ý Hiến pháp chỉ là một
màn kịch. Đó là một màn kịch vụng về. Cái gọi là Hiến pháp chỉ là một cách hiến
định hoạt động của Đảng CSVN mà thôi. Chính vì thế mà những trí nô ký sinh phải
gân cổ lên biện minh cho điều 4. Tôi thấy thiếu tướng tiến sĩ Nguyễn
Xuân Mười thành thật nhất khi ông nói “Hiến
pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ
trương của Đảng; thực chất của việc tuân thủ nghiêm minh Hiến pháp, pháp luật
chính là sự thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của
Nhà nước, trong đời sống xã hội và như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh
đạo của Đảng”. Thế là đã quá rõ: vì sự tồn vong của Đảng chứ đâu phải tồn
vong của dân tộc. Nhưng sự tồn vong của Đảng lại là một đe doạ đến sự tồn vong
của dân tộc. Đó mới chính là bi kịch.
Tôi tự hỏi tại sao có những con người trí nô ký sinh như thế? Tại sao có những người mang danh giáo sư, tiến sĩ mà phát biểu chẳng có
một chút hàm lượng tri thức nào cả. Tôi nghĩ có thể tìm câu trả lời trong cái
hệ thống giáo dục hiện nay. Trong một nền giáo dục mà văn bằng tiến sĩ là một
thứ đồ trang sức (xem Vietnamnet) thì chúng ta biết hệ quả như thế
nào. Yếu tố làm nên những đồ trang sức đó là những luận án mà đọc lên chúng ta
chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Luận án về tắm giặt cho quân nhân. Lấy nghị quyết
của Đảng làm luận án tiến sĩ. Hay thử đọc vài tựa đề luận án tiến sĩ:
Quan điểm của C. Mác về phát triển con người và sự vận
dụng ở Việt Nam hiện nay.
Hoàn thiện chính sách tài chính đối với ngành công an
Việt Nam.
Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam
hiện nay.
Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế – xã
hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thị trường chứng
khoán Việt Nam.
Vai trò của Nhà nước đối với hội nhập kinh tế quốc tế của
Việt Nam.
Vân vân.
Với những “nghiên cứu” như thế thì hẳn nhiên chúng ta
không thể nào đòi hỏi tri thức từ những “tiến sĩ”. Nhưng những con người đó,
những tiến sĩ đó sẽ trở thành giáo sư, phó giáo sư. Họ sẽ đóng vai thầy để đào
tạo thêm một thế hệ “tiến sĩ” khác. Thế hệ “tiến sĩ” mới sẽ trở thành “giáo
sư”, thành tướng, thành tá. Và cứ thế, đất nước này sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ
giấy và giáo sư dỏm. Chính họ vừa là sản phẩm vừa là tác nhân làm cho nền giáo
dục nước nhà suy thoái. Một đất nước có truyền thống giáo dục cả ngàn năm mà
bây giờ phải bị ô nhiễm bởi những kẻ dỏm như thế thì quả là một nỗi nhục với
tiền nhân.
Nếu những kẻ dỏm này ngồi yên một góc xó nào đó thì sẽ
không có gì để nói. Nhưng ở đây, họ lại cất tiếng nói về những chuyện quốc gia
đại sự và đó là điều đáng quan ngại. Quan ngại vì với danh xưng hoa mỹ họ có
thể thuyết phục vài người nghe theo. Và đó là một điều nguy hiểm. Càng nguy
hiểm hơn khi những kẻ dỏm đó dùng quyền lực trong hệ thống quân đội và công an
để trấn áp những tiếng nói của những nhà trí thức chân chính. Nhưng trên hết, sự có mặt của họ là một nỗi
nhục cho nền học thuật của nước ta.
Trong một xã hội hưng thịnh, giới trí thức là những tinh
hoa của xã hội. Xin hiểu ở đây “trí thức” không có nghĩa là những người có bằng
cấp cao mà là những người có khả năng sáng tạo tri thức mới và dấn thân vì xã
hội. Nói như GS Cao Huy Thuần, trí thức là những người không để cho xã hội ngủ.
Hiểu như thế mới thấy những người chủ trương trang bauxitevn là trí thức. Và
nếu hiểu trí thức như vừa nói thì có lẽ những người mang danh giáo sư, tiến sĩ
của Chính Phủ đang ra rả trên đài, trên báo không phải là trí thức mà chỉ là
những trí nô ký sinh.
No comments:
Post a Comment