Friday 15 March 2013

CƯỠNG CHIẾM ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM : CHÍNH QUYỀN MẤT LÝ TRÍ (The Economist)





Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Sáu, 15/03/2013

Ảnh: Hãy biến khỏi đất đai của tôi!

Giận dữ đang bùng lên vì những quan chức địa phương tham nhũng!

Những phong bì dày cộp được gửi đi từ các xóm làng ở 57 trong tổng số 63 tỉnh thành Việt Nam đang chất đống trong căn phòng của cụ Lê Hiền Đức. Chủ đề của các phong bì này là “đất đai”. “Chính quyền đang chiếm đoạt đất”, bà Đức nói. Bà là một nhà hoạt động tuổi 80 và là một nhà giáo đã về hưu. “Họ nói rằng tất cả là dành cho các dự án phát triển xã hội, nhưng tôi gọi đó là ăn cắp”.

Đảng CSVN lên nắm quyền thông qua việc ve vãn những người nông dân bằng những lời hứa ngọt ngào về cải cách ruộng đất. Ba phần tư dân số của quốc gia 90 triệu người này vẫn sống ở những vùng nông thôn đông đúc. Mặc dù nhà nước vẫn sở hữu tất cả đất đai trên danh nghĩa, năm 1993 nó đã trao cho nhiều nông dân quyền sở hữu mảnh ruộng của mình trong 20 năm. Đó là một bước tiến đột phá sau một thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp do nhà nước dẫn dắt đầy thảm khốc.

Ấy thế mà những ngày gần đây, dưới sức hấp dẫn của chủ nghĩa tư bản tham lam, nhiều quan chức địa phương đã chiếm đoạt đất nông nghiệp cho các dự án phát triển, và bồi thường cho người dân bằng cái giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Những lời nói ngọt ngào “vì lợi ích nông dân” của Đảng bây giờ trở nên hoàn toàn trống rỗng.

Những lời ca thán chủ yếu từ các vụ tranh chấp đất đai đã được gửi lên tận Trung ương. Những người quen thuộc với tiến trình phát triển của Trung Quốc có thể nhận thấy sự tương đồng trong câu chuyện ở Việt Nam.

Giá trị bất động sản đang sụt giảm, cùng lúc là tăng trưởng kinh tế chậm chạp và các khủng hoảng của ngân hàng. Thế nhưng tranh chấp đất đai vẫn tiếp tục mưng mủ. Căng thẳng đặc biệt khốc liệt tại ngoại vi thủ đô Hà Nội, và các thành phố lớn khác. Ở đây, sự chênh lệch giữa giá bất động sản và giá đền bù thường ở mức cao nhất. Một số dân làng đã biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền. Một số khác, bởi sự tuyệt vọng, đã bảo vệ mảnh đất của mình bằng gạch đá và những vũ khí tự tạo. Một ví dụ, đó là những nông dân nuôi cá ở Hải Phòng, thành phố cảng phía Đông của Hà Nội, đã chặn đứng một vụ cưỡng chế bằng cách đánh trả cảnh sát bằng sung và mìn tự tạo. Báo chí quốc doanh đã phát rất nhiều bản tin về vụ việc này, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai khiển trách các quan chức địa phương. Nhiều người Việt Nam đánh giá những người nông dân này như anh hùng, mặc dù họ đang đứng trước nguy cơ bị kết án về tội mưu sát.

Vào đầu tháng Năm, Quốc Hội sẽ phải quyết định phải làm gì sau khi quyền sử dụng đất thời hạn 20 năm hết hạn. Nhiều người đánh cược rằng quyền này sẽ được nới rộng thành 50 năm. Các quốc gia tài trợ cho Việt Nam trong lúc này đang thúc chính phủ giới hạn phạm vi các loại đất đai mà chính quyền có quyền tịch thu để dành cho phát triển.

Lấy đất đai cho các dự án cơ sở hạ tầng thường là lý do chấp nhận được, và Việt Nam đang rất cần hệ thống cảng và đường xá tốt hơn. Nhưng luật pháp cho phép các quan chức địa phương được tịch thu đất vì những lý do rất mơ hồ như phát triển kinh tế. Người dân thường Việt Nam, theo một khảo sát do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện, đánh giá bộ máy chính quyền quản lý đất đai là nơi tham nhũng nhiều thứ hai, chỉ sau cảnh sát giao thông. Một số nông dân lớn tuổi ở miền Bắc Việt Nam than phiền rằng đất đai mà họ bảo vệ từ cuộc xâm lược của Pháp và Mỹ đầu tiên bị lãng phí vào những cuộc thử nghiệm Chủ Nghĩa Xã Hội, và bây giờ thì bị mất vào tay chế độ sở hữu đất đai toàn dân.

Công an ở Hà Nội cho phép một cách bất đắc dĩ các nông dân có tuổi biểu tình bên ngoài Phủ Chủ Tịch. Nhưng những cuộc tụ tập ở khu vực đầy bụi bặm bên ngoài thủ đô rất có thể biến thành bạo lực, khuyến khích những lời đàm tiếu và phê phán chính phủ trên mạng Internet.

Ở Dương Nội, một vành đai phía Tây Nam Hà Nội, dân làng đã đối đầu với cảnh sát vào cuối tháng Một để ngăn xe ủi tiến vào dọn dẹp khu vực nghĩa trang mà tổ tiên của họ an nghỉ. Một số người dân đã tới các trụ sở báo chí do Nhà nước kiểm soát ở Hà Nội để nhờ đăng tin, hoặc gửi những lời khẩn cầu tới cụ Lê Hiền Đức, một nhà hoạt động chống tham nhũng. Một người dân, ông Trần Văn Sang, nói rằng ông từ chối chấp nhận khoản bồi thường nghèo nàn 9000usd cho mảnh đất 720m2 của ông. “Đất đai là nguồn sống của chúng tôi”, ông nói. “Chúng tôi sẽ chết để bảo vệ nó.”

Nguồn: Land-grabs in Vietnam: Losing the plot, The Economist



No comments:

Post a Comment

View My Stats