Sunday, 17 March 2013

TRANH CHẤP GIỮA CHỦ TỊCH NƯỚC & THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ? (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ bảy, 16 Tháng 3 2013 20:33

Ngoài những góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 từ phía người dân, trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có nhiều góp ý đáng chú ý. Ngày 15-3-2013, Bộ Tư pháp Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để sau đó báo cáo kết quả lên ban dự thảo. Tham dự hội nghị gồm toàn bộ cán bộ, công viên chức thuộc Bộ Tư pháp, các Sở tư pháp, Cục thi hành dân sự, cùng các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành.

Trong số những ý kiến đóng góp của bộ, người ta thấy ngành tư pháp có một lập trường rõ rệt về vai trò chủ tịch nước, chính phủ, thủ tướng và các bộ.

Về vai trò của chủ tịch nước, Cục thi hành án dân sự tỉnh Sơn La cho rằng "cần bổ sung nhiệm vụvà quyền hạn đặc biệt của chủ tịch nước trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Chủ tịch nước, với tư cách là thống lĩnh các lực lượng vũ trang và chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh, phải là người có quyền lực nhất nước để lấy những quyết định quan trọng khi đất nước lâm nguy".

Sở Tư pháp Bắc Ninh bổ túc thêm "cần phải khẳng định chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội, đối ngoại".

Sở Tư pháp Quảng Ninh đề nghị tăng cường vai trò của chủ tịch nước khi "trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của thủ tướng chính phủ, có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do chủ tịch nước bổ nhiệm. Ví dụ như phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Sở Tư pháp Lâm Đồng muốn chủ tịch nước có quyền yêu cầu thủ tướng, chánh án Tòa tối cao và viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao giải trình về việc xử lý các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Sở Tư pháp Quảng Ninh đề nghị trao cho chủ tịch nước quyền miễn nhiệm, cách chức các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên chính phủ khi Quốc hội không họp, nếu thủ tướng đề nghị.

Tại sao cán bộ trong các ban ngành Bộ Tư Pháp muốn tăng cường vai trò của chủ tịch nước ?

Những đóng góp của Bộ Tư pháp cho thấy có sự tranh chấp quyền lực giữa chủ tịch và thủ tướng chính phủ, mà ở đây ai cũng biết là tranh chấp giữa chủ tịch Trương Tấn Sang và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong Hiến pháp 1992, quyền hạn của chủ tịch nước đã được qui định rõ ràng trong Chương VII, từ điều 101 đến điều 108. Nhưng trong thực tế, từ khi bản hiến pháp này được công bố và thi hành từ năm 1992 đến nay, sự phân chia quyền hạn giữa chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ không rõ ràng.

Đóng góp của Cục thi hành án dân sự tỉnh Sơn La rất đáng được chú ý khi nhắc tới quyền tuyên chiến. Trước đây, quyền này thuộc tập thể Bộ Chính trị mà chủ tịch chỉ là người thừa hành, như quyền phát động chiến tranh chống thực dân Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, chống Khmer Đỏ hay chống Trung Quốc. Nay quyền này được bổ sung để dành riêng cho chủ tịch nước những nhiệm vụvà quyền hạn đặc biệt khi đất nước bị lâm nguy. Hậu ý của góp ý này quá rõ ràng, khi bị Trung Quốc tấn công, chủ tịch nước sẽ là người lấy quyết định nên hòa hay chiến, chứ không do Bộ Chính trị, Quốc hội hay Chính phủ (vì đa số đã gần như bị Trung Quốc mua chuộc). Nhắc lại, trong một góp ý trước đây, có một đóng góp buộc "quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng". Điều này hàm ý quân đội đứng bên ngoài sự tranh chấp giữa những phe phái trong đảng. Trung thành với đảng là giữ thái độ trung lập trong cuộc tranh chjấp.

Về quyền đại diện quốc gia, từ sau khi lên làm thủ tướng chính phủ từ năm 2006 đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đảm nhiệm tất cả những quyền hạn dành cho chủ tịch nước, như thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội cũng như đối ngoại. Trong những cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, APEC, G20, v.v., dư luận quốc tế chỉ nghe và thấy thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đóng góp của Sở Tư pháp Bắc Ninh nhằm chấm dứt sự nhũng lạm quyền đại diện này.

Về Quốc hội, Điều 91.9 viết : "Ủyban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây … Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược và trình Quốc hội phê chuẩn quyết định đó tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội…".Biết rõ vai trò bù nhìn của Quốc hội hiện nay, góp ý của Sở Tư pháp Quảng Ninh nhằm tăng cường vai trò của chủ tịch nước bằng cách thay thế Ủyban thường vụ Quốc hội trong trường hợp này.

Về Chính phủ, thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, những góp ý của Bộ Tư pháp nhấn mạnh về trách nhiệm (chính trị và hình sự) của thủ tướng. Trong những đóng góp về Dự thảo Hiến pháp mới, người ta chỉ thấy những góp ý bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chủ tịch nước. Lần này, cán bộ ngành tư pháp muốn đưa vào bản Hiến pháp sửa đổi phần nội dung, theo đó quy định "Thủ tướng cần thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng". Đây là một phương thức để nhân dân có được cơ chế giám sát hoạt động của thủ tướng, người đứng đầu hệ thống hành chánh, tức hành pháp, do đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về công tác của mình thay vì các bộ trưởng, như vậy mới hợp lý vì đây là trách nhiệm chính trị của thủ tướng.

Theo cơ chế hoạt động hiện nay, chưa có quy định cụ thể về vai trò của thủ tướng trong việc xử lý các tình huống phát sinh khi giữa các thành viên trong chính phủ có những ý kiến khác nhau, hoặc khi có vấn đề xảy ra ở cấp địa phương khác với ý kiến của trung ương. Chẳng hạn như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, từ tháng 2-2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận rằng việc cưỡng chế thu hồi đất của dân là "không đúng quy định pháp luật" và yêu cầu chính quyền Hải Phòng phải xử lý "khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao" các vấn đề liên quan và phải "báo cáo thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện". Thế nhưng cho đến nay, vụ việc vẫn đang dừng ở giai đoạn điều tra. Ai chịu trách nhiệm trong vụ này ? Nếu cứ giữ y như cũ, không ai bị chế tài cả, vì thủ tướng và các bộ trưởng liên quan đến quy hoạch và nhà đất (trung ương) đã đề nghị chính quyền Hải Phòng (địa phương) giải quyết, nếu địa phương không giải quyết chỉ gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị thiệt thòi vì không ai chịu trách nhiệm.

Qua những đóng góp của Bộ Tư pháp cho Dự thảo Hiến Pháp, dư luận cảm thấy sẽ xảy ra một trận đấu gay go trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, một bên là phe thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một bên là phe chủ tịch Trương Tấn Sang và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ai thắng ai, rất khó tiên đoán nhưng quyền lợi đất nước không có trọng lượng nào trong cuộc tranh chấp quyền lực và quyền lợi này giữa những đảng viên đảng cộng sản ở cấp chóp bu.

Nguyễn Văn Huy




No comments:

Post a Comment

View My Stats