Được đăng ngày Chủ nhật, 17 Tháng 3 2013 10:47
Sau hơn một năm bị giam giữ, cuối cùng năm người
“blogger” của Việt Nam cùng với một số người bất đồng chính kiến khác đã bị đưa
ra tòa vào tháng Giêng vừa qua và bị tuyên án 13 năm tù. Thế là lại có thêm một
số người khác tham gia vào cái lực lượng càng ngày càng đông những người bị chế
độ kết án tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chế độ của nhân dân”, “phá hoại tình
đoàn kết”, và “tuyên truyền chống lại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Với việc phát triển mạng Internet mạnh mẽ
tại Việt Nam trong 10 năm qua, những “blogger” Việt Nam đã được hưởng một sự tự
do tương đối so với các môi trường truyền thông khác. Nhưng chính sự tự do
tương đối đó chẳng sớm thì muộn cũng kéo theo sự chú ý của một nhà nước bệnh
hoạn không còn dám tin tưởng vào chính mình.
Tại đất nước độc đảng này, tốc độ và tầm
mức phổ biến mạng Internet là một chuyện đáng ngạc nhiên. Theo báo cáo của tổ
chức nghiên cứu thị trường We Are
Social thì số lượng công dân mạng của Việt Nam đứng hàng thứ 18 và Việt
Nam cũng là nước có tốc độ gia tăng người sử dụng Facebook nhất thế giới. Nói
chung mức độ xâm nhập của mạng Internet tại Việt Nam là
34%. Tuy rằng còn thấp hơn mức độ trung bình 40% của Đông Nam Á, nhưng tốc độ
tăng trưởng sự xâm nhập này của Việt Nam là cao nhất. Con
số những người dùng mạng gia tăng trên 20% từ 2010 đến 2011, và chính quyền vừa
tuyên bố một kế hoạch nhằm cung cấp dịch vụ broadband cho 85% dân chúng vào năm
2015. Tốc độ tăng trưởng trong việc sử dụng kỹ thuật truyền thông thông tin của
dân Việt như được đo bởi chỉ số ICT Development Index là một trong những tốc độ
cao nhất thế giới. Trong một báo cáo về Việt Nam, Tổ Chức Viễn Thông Quốc Tế
(International Telecommunications Union) cho biết lực đẩy việc gia tăng này là
điện thoại di động với khả năng hội nhập mạng Internet. Tỷ lệ xâm nhập của
broadband di động là 13% cho năm 2010.
Một hệ quả của sự phát triển mạng Internet
là sự xuất hiện của những blog và những blogger nói lên những gì mà sự kiểm
soát của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông truyền thống không cho nói.
Người ta ước tính cả Việt Nam có khoảng 2 triệu người viết blog tuy rằng con số
blogger nổi tiếng với nhiều người theo dõi không nhiều lắm. Có những blog do
nhiều người đóng góp như blog Dân Làm Báo , trong khi có những blog chỉ của một người như Điếu Cày.
Ngưòi ta có thể lạc quan nghĩ rằng dưới áp
lực như vậy, chính quyền Hà Nội sẽ phải cởi mở. Tạp chí The Economist chẳng hạn còn khuyến cáo rằng đảng Cộng
Sản Viêt Nam có nguy cơ bị mất cái chính thống làm cơ sở cho quyền lực của mình
và cảnh cáo rằng những bất mãn của quần chúng hiện đang gia tăng tuy rằng “chưa
đạt đến mức nổi dậy cách mạng”.
Thế nhưng những lạc quan đó có vẻ là quá
sớm. Sau khi các cuộc cách mạng mùa xuân Arab nổ ra tại vùng Trung Đông và Bắc
Phi, người ta đã đặt nhiều vào khả nang làm thay đổi của các phương tiện truyền
thông mới này. Nhưng thay vào một tình trạng cởi mở mới thì tại các nước độc
tài - hoặc chuyên chế còn lại như Trung Quốc, Iran và Việt Nam - một giai đoạn
mới mà Christopher Deloire của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporter
Sans Frontières – RSF) gọi là một “thời
đại khủng bố mới” với việc theo dõi và kiểm duyệt phổ biến mạng Internet,
cũng như là đàn áp thẳng tay các người đối lập đã được chính quyền tung ra để
đối phó.
Hà Nội thấy rõ hậu quả của việc cho phổ biến các chống
đối trên mạng đối với chế độ của mình; và đã phản ứng một cách mau lẹ và tàn
bạo đối với những người bất đồng chính kiến. Trên một phương diện nào đó, phản
ứng này còn tàn bạo hơn là đối với những người chống đối tại các giai đoạn
trước nữa.
Nhằm làm dễ dàng hơn việc đàn áp những
người chống đối, chính quyền đã đưa ra nhiều luật lệ mới. Tháng 9 năm 2012, thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ban hành nghị định số 7169 ra lệnh cho các quan chức
trừng phạt không khoan nhượng những blog bị coi là bất hợp pháp. Trước đó, một
nghị định khác đã quyết định những hình phạt đối với những nhà báo – cả báo
thường và mạng – nào không tuân thủ những tiêu chuẩn mơ hồ như “cung cấp những
tin tức quốc nội và quốc tế đứng đắn phù hợp với những yêu cầu của đất nước và nhân
dân”. Nghị định này cũng trao quyền điều tra những kẻ bị nghi ngờ là tuyên
truyền chống đối cho công an chứ không phải là bộ Thông Tin.
Những luật lệ mới là một bằng chứng cho thấy một tình
trạng sợ hãi gia tăng trong giới lãnh đạo Hà Nội rằng blog là một môi trường
mới có ảnh hưởng rất mạnh giúp chống lại chế độ. Những e sợ đó được thể hiện
qua việc càng ngày càng có nhiều vụ bắt bớ và đưa ra sử với tội danh “âm mưu
lật đổ” chế độ.
Song song với việc đàn áp, chính quyền cũng
tích cực dùng những người của mình viết ra những blog ủng hộ hoặc là để bôi nhọ
những người chống đối. Tháng Giêng năm nay Trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương của
đảng Cộng Sản Việt Nam khoe rằng đã triển khai blogger của đảng tại 400 địa chỉ
mạng và 20 blog để ca tụng đảng và trả lời các chỉ trích. Con số các blogger
chính thức của đảng thì không được biết rõ, nhưng người ta ước tính là có thể
lên đến 1000 người. Không có một vẻ gì là hổ thẹn cả, Hồ Quang Lợi này khoe với
đài BBC về sự thành công của chính sách chống lại những “tin đồn tiêu cực” về
những “vấn đề tế nhị” và ngăn chặn những cố gắng trên mạng nhằm tổ chức những
cuộc biểu tình. Bên cạnh những cố gắng công khai đó là những cố gắng phá hoại
qua các hoạt động hacker chống lại những địa chỉ chứa các ý kiến chống đối đặt
bên ngoài Việt Nam.
Tổ chức The OpenNet Initiative đã thu thập được những bằng cớ cho
thấy những cuộc tấn công vào các địa chỉ chống đối và những người bất đồng ý
kiến trên mạng càng ngày càng có hệ thống, một bằng chứng cho thấy có bàn tay
của nhà nước chứ không phải là những “cá nhân ái quốc”.
Việt Nam sau khi mở cửa kinh tế, bắt đầu
vào năm 1986, đã có lúc được coi như là một con tiểu long tiềm tàng của châu Á.
Từ 2002 đến 2007, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt được trên 7%. Một giai cấp
trung lưu mới xuất hiện, tuy rằng tập trung phần lớn tại Sài Gòn và Hà Nội cùng
một số các đô thị khác. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chánh 2008 làm kinh tế
thế giới khựng lại thì kinh tế Viêt Nam cũng khựng lại với tốc độ tăng trưởng
chậm lại chỉ còn khoảng 5%. Tuy rằng nhiều nước phát triển như Anh Quốc chỉ
mong đạt được một tốc độ như vậy, nhưng đối với Việt Nam việc nền kinh tế chạy
chậm lại đã có một ảnh hưởng khủng khiếp đến thu nhập của những gia đình Việt
Nam trung bình. Trong khi đó, tình trạng lạm phát gia tăng - tốc độ lạm phát
lên đến 9% - lại càng làm cho những gia đình này gặp khó khăn hơn nữa.
Tình trạng suy thoái này đã không giúp gì
cho niềm tin của dân chúng vào chế độ. Nhưng bên cạnh đó, trì trệ kinh tế để
làm lộ ra những yếu kém và hủ hóa trong lòng bộ máy quản lý kinh tế của chế độ
với một loạt những vụ án tham nhũng giật gân tại các xí nghiệp quốc doanh như
Vinashin trong đó thất thoát đến hàng tỷ đô la Mỹ.
Hà Nội biết rằng trỉ trệ kinh tế có thể làm
sụp đổ ngay cả những chế độ ổn định nhất. Thành ra giới lãnh đạo Hà Nội sẽ
không để cho các mội trường truyền thông dù cũ dù mới có hy vọng thúc đẩy và
tập trung những bất mãn của quần chúng. Chúng ta có thể chờ đợi những đợt đàn
áp còn gay gắt nữa trong những ngày tới.
Lê Mạnh Hùng
------------------------------------
XEM THÊM :
No comments:
Post a Comment