Vũ Quang Việt
Cập nhật lúc 09:27, 25/03/2013
(ĐVO) - Hội Châu Á (Asia
Society) và Trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia
Singapore (NUS) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo về Biển Đông từ ngày 13 đến
15/3/2013 tại New York. Đây là Hội thảo có tính học thuật, nhưng qua đó có thể
thấy được lập trường và chính sách của các nước liên quan.
Luật Biển và vụ kiện của Philippines
Các chuyên gia Luật quốc tế,
trừ giáo sư Luật ở Đại học Thanh Hoa TQ, tham dự hội thảo cho rằng việc
Philippines kiện Trung Quốc là đúng và theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS
= Luật Biển), Chủ tịch Tòa án Luật Biển của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ phải cử ra 5
thành viên để xét xử, bất chấp việc Trung Quốc từ chối tham gia.
Yêu cầu của Philippines dựa
trên Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS, theo đó Tòa án Trọng tài (Arbitration
Tribunal) sẽ phải được thành lập để diễn giải (interpretation) một số vấn đề mà
Philippines nêu ra, trong đó đáng chú ý có:
Yêu sách đường 9 đoạn của
Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines (chỉ cách đảo
Luzon 50 hải lý, và cách đảo Palawan 30 hải lý) là vi phạm UNCLOS. Các hoạt
động của Trung Quốc ở đây đang cản trở Philippines thực thi các quyền hợp pháp
của mình. Việc Trung Quốc lập thành phố Tam Sa để quản lý vùng biển trong
“Đường 9 đoạn”, đồng thời đòi hỏi tàu thuyền của các nước khi đi vào khu vực
này phải xin phép là vi phạm UNCLOS.
Một số cấu trúc tự nhiên nằm trong và ngoài EEZ của Philippines không có EEZ của chính nó, vì khi thủy triều lên chúng bị chìm dưới nước và một số chỉ là ‘đá’ vì quá nhỏ không duy trì được sự sống tự nhiên của con người, vì vậy chỉ có hải phận 12 hải lý.
Một số cấu trúc tự nhiên nằm trong và ngoài EEZ của Philippines không có EEZ của chính nó, vì khi thủy triều lên chúng bị chìm dưới nước và một số chỉ là ‘đá’ vì quá nhỏ không duy trì được sự sống tự nhiên của con người, vì vậy chỉ có hải phận 12 hải lý.
Philippines cho rằng họ đã hội
đủ điều kiện theo điều 298 của UNCLOS để yêu cầu thành lập Tòa án hòa giải vì:
- Họ đã thất bại trong mọi
biện pháp thương lượng trực tiếp với TQ;
- Họ không yêu cầu hoà giải
liên quan đến chủ quyền hay xem xét phân chia chủ quyền trong vùng chồng lấn.
Theo Phụ lục VII, nếu một bên
không chịu thụ lý, bên kia vẫn có quyền yêu cầu thiết lập Tòa hòa giải, với 5
quan tòa do Chủ tịch Tòa án Luật biển chỉ định và có quyền ra phán quyết. Phán
quyết coi như cuối cùng; bên bị không có quyền yêu cầu xem xét lại.
Tòa hòa giải sẽ phải qua hai
giai đoạn, sau khi Philippines có yêu cầu chính thức tiếp tục thủ tục hòa giải
cho dù Trung Quốc đã chính thức từ chối tham gia. Giai đoạn một là xem xét tòa
có thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà Philippines đặt ra hay không. Giai
đoạn hai là xét xử và đưa ra phán quyết. Hiện vẫn chưa rõ liệu Tòa sẽ quyết
định thụ lý vấn đề nào, nhưng điểm đáng quan tâm nhất là liệu Tòa có đồng ý thụ
lý vấn đề “Đường 9 đoạn” hay không.
Các chuyên gia uy tín về luật
quốc tế tham dự hội thảo, như GS Jerome Cohen ở Đại học New York và GS Robert
Beckman ở NUS ủng hộ vụ kiện này của Philippines. Ông Cohen còn nói rằng Việt
Nam cũng nên làm thế. Tuy nhiên Giáo sư người Singapore lại cho rằng việc
Philippines không tham khảo ý kiến của ASEAN trước khi kiện có thể gây tổn hại
cho sự thống nhất của tổ chức này. Đại sứ Philippines đã phản bác quan điểm này
và cho rằng Phi phải vệ quyền lợi của đất nước họ, không thể chờ đợi ASEAN đi
đến đồng thuận, điều có thể không bao giờ xảy ra.
Vai trò của ASEAN và chính sách của Mỹ
Mỹ đã từng muốn ASEAN có vai
trò đi đầu trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, nhưng do quan điểm của các
nước thành viên không thống nhất với nhau nên vai trò của ASEAN đang bị suy
giảm.
Theo GS người Singapore, ASEAN
chỉ là một tổ chức trung lập, đứng ra kiểm soát vấn đề xung đột, chứ không nhằm
đưa ra giải pháp, nghĩa là ASEAN chỉ cố gắng tạo dựng sự hợp tác, tin cậy và
khuyến khích không dùng võ lực trong giải quyết tranh chấp mà thôi. ASEAN hiện
chưa có quan điểm chung về vấn đề Biển Đông, nhưng nếu Trung Quốc lấn tới ASEAN
bắt buộc phải có thái độ.
Mỹ đang chuyển trọng tâm về
châu Á-Thái Bình Dương và muốn ASEAN đi đầu trong các vấn đề an ninh khu vực.
Khi đó Mỹ sẽ đứng phía sau và ủng hộ các quyết sách của ASEAN. Tuy nhiên do
ASEAN chưa thống nhất được quan điểm, nên Mỹ mất chỗ dựa. Hiện nay Mỹ đang phải
dựa chủ yếu vào các đồng minh, nhưng nếu Trung Quốc đi quá đà, ví dụ sử dụng vũ
lực đối với đồng minh của Mỹ, Wasinhton sẽ phải hành động.
Tại hội thảo, các học giả Mỹ
đã nhấn mạnh về tuyên bố Wasinhton trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền
ở Biển Đông và chỉ muốn bảo đảm tự do đi lại cho tàu thuyền của các nước mà
thôi. Phía Mỹ nhấn mạnh rằng hiện nay Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được
quan hệ chặt chẽ, chưa thiết lập được đường dây nóng giữa các lãnh đạo cấp cao,
kể cả cấp bộ trưởng quốc phòng hai nước, nên nguy cơ hiểu lầm, tính toán sai
lầm, biến đụng độ nhỏ trở thành đụng độ lớn, vẫn còn cao.
Lập trường của Trung Quốc
Trái với mong mỏi của dư luận,
Thiếu tướng Chu Thành Hổ (Zhu Chenghu), Hiệu trưởng Học viện Quốc phòng, Trường
Đại học Quốc phòng, Trung Quốc cho rằng hiện không phải là thời điểm phù hợp để
đi tới thoả thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ông Chu cũng nói
lấp lửng rằng đa số dân chúng Trung Quốc muốn Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”
của Trung Quốc, nhưng né tránh nói rõ quan điểm của Bắc Kinh.
Tướng Chu cũng nói rằng Trung
Quốc muốn “giữ hiện trạng”, nhưng nhiều người cho rằng cần phải xác định rõ
“giữ hiện trạng” là gì. Ví dụ việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, đơn
phương ra lệnh cấm đánh cá gần Hoàng Sa, Trường Sa có phải là “giữ hiện trạng”
không? Trung Quốc đã từng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm đảo Gạc Ma từ
tay Việt Nam năm 1988 rồi nay lại kêu gọi “giữ hiện trạng” thì có hợp lý không?
Thay lời kết
Không ai rõ ý đồ thực sự của
Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể triển khai ba ý đồ sau:
1. Làm chủ tài nguyên bằng
cách xây dựng và tràn ngập Biển Đông bằng lực lượng hải quân và không quân, để
bảo vệ việc khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là dầu khí. Họ có thể để tầu bè
các nước đi lại tự do, kể cả việc chấp nhận để lực lượng quân sự Mỹ đi lại thám
thính trong vùng EEZ. Họ sẽ không khai chiến mà chỉ nhử các lực lượng yếu hơn
khai chiến.
2. Triển khai điểm 1 cũng là
quá trình tiến tới kiểm soát biển Đông Nam Á, qua đó trở thành bá chủ, đẩy Mỹ
ra khỏi khu vực.
3. Chỉ trong trường hợp không
thể triển khai hai ý đồ trên, Trung Quốc mới có thể đi tới thỏa thuận khai thác
chung tài nguyên với các nước nhỏ ở khu vực. Tuy nhiên ở đây các nước cần cảnh
giác với quan điểm “Chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”
của Đặng Tiểu Bình đưa ra trước đây.
Chỉ hợp tác khi chấp nhận chủ
quyền thuộc Trung Quốc là điều không thể triển khai được. Hợp tác giữa
Philippines -Trung Quốc-Việt Nam bị hủy năm 2007 vì nơi Trung Quốc muốn hợp tác
là vùng chồng lấn giữa “Đường 9 đoạn” và EEZ của nước khác.
Chưa biết Mỹ sẽ phản ứng như
thế nào, nhưng nếu chỉ nhằm vào khẩu hiệu “tự do đi lại trên biển” thì không đủ
để đối phó với hai ý đồ lớn nói trên của Trung Quốc. Dù sao chính sách chuyển
trọng tâm sang Châu Á-Thái Bình Dương cũng đã được chính quyền Obama đưa ra.
Trong vụ Philippines kiện
Trung Quốc, khả năng Trung Quốc thua kiện là khá cao. Vụ kiện này sẽ giúp thế
giới thấy rõ hơn bản chất của Trung Quốc, sẵn sàng dùng áp lực và bạo lực, bất
chấp luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển mà chính họ đã tham gia. Con
đường pháp lý cũng có thể là biện pháp để Việt Nam bảo vệ quyền lợi chính đáng
của mình một cách hợp pháp và hòa bình. Kiện Trung Quốc không phải là hành động
thù địch. Các luật gia trong hội thảo đều khuyến khích điều này.
Việt Nam, Philippines và
Brunei cũng cần giải quyết những tranh chấp giữa ba nước, vì một số đảo, đá,
bãi ngầm mà các bên tuyên bố chủ quyền nằm trong EEZ của nhau.
Phụ lục VII, Điều 9:
Nếu một trong các bên tranh chấp không xuất hiện
trước Tòa hòa giải, hoặc không bảo vệ được lý lẽ phản bác của mình, bên kia có
quyền yêu cầu Tòa tiếp tục tiến trình xét xử và ra phán quyết. Sự vắng mặt của
một bên, hoặc việc một bên không bảo vệ được lý lẽ phản bác của mình, không cản
trở tiến trình xét xử của Tòa.
Phụ lục VII, Điều 11:
Phán quyết của Tòa là cuối cùng và không có phúc
thẩm, trừ phi các bên tranh chấp thỏa thuận trước với nhau về thủ tục phúc
thẩm. Tất cả các bên liên quan đến tranh chấp phải tuân thủ phán quyết của Tòa.
TS. Vũ Quang Việt (Nguyên chuyên viên cao cấp
của LHQ)
--------------------------------------
Không
có giải pháp sớm cho tranh chấp biển Đông?
RFA - 16/3/2013
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-fseen-sol-for-scs-conf-in-near-fut-vha-03162013131016.html
Trung
Quốc muốn duy trì hiện trạng trên biển Đông? RFA
- 15/3/2013
No comments:
Post a Comment