Vũ Ánh
Friday,
March 22, 2013 5:53:43 PM
Khi đến nhận giải thưởng báo chí dành cho công dân mạng Netizen
ở Pháp, nhiều người hỏi rằng làm cách nào mà một người khi viết những bài báo
đưa ý kiến hủy bỏ điều 79 và 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước và chủ
trương đa nguyên, đa đảng mà không bị bắt thì nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trả lời
họ bị chưa bị bắt không có nghĩa là họ sẽ không bị bắt.
Một
nhà báo độc lập và không hoạt động cho một tổ chức nào vẫn có thể bị bắt bất cứ
lúc nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Chênh, kinh nghiệm cho ông thấy tại
Việt Nam hiện nay, một nhà báo công dân không thuộc hay không tham gia vào bất
cứ tổ chức nào sẽ không tạo cho nhà cầm quyền cái cớ thuận tiện để họ bắt giữ.
Câu nói này của ông Chênh có thể hiểu theo nhiều cách nhìn khác nhau. Cá nhân,
tôi cho rằng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh muốn nói tới tính chất độc lập và dựa
trên sự thật của người viết báo dù là bao in hay báo mạng trong những xã hội mà
nền báo chí bị kiểm duyệt cũng có thể khiến cho nhà cầm quyền phải suy tính
hơn, thiệt khi muốn dùng bạo lực chuyên chính để bịt miệng những người có những
ý kiến khác với họ. Dĩ nhiên, ý kiến của ông Huỳnh Ngọc Chênh không hẳn là đúng
100%, nhưng ít ra nó cũng đã giúp tạo ra một lá chắn tạm thời “có thể” đỡ đần
được phần nào những thành phần bị hoạn nạn khi bày tỏ suy nghĩ riêng tư của
mình vốn rất khác biệt với cường quyền.
Nhà
báo Huỳnh Ngọc Chênh không muốn nói huỵch toẹt ra mà chỉ muốn hàm ý đã làm báo và
truyền thông ở Việt Nam thì không nên hiểu quá xa những giới hạn một nền báo
chí và truyền thông còn đang bị thách thức bởi những lưỡi kéo kiểm duyệt, nhưng
ít ra nó cũng cho thấy một giải pháp tạm thời để có thể tiếp tục tồn tại để làm
những công việc mà mình muốn.
Nếu
đi ngược lại thời gian của hai thập niên đầu tiên và vào giai đoạn mà Tổng Bí
Thư đảng CSVN Nguyễn Văn Linh cổ võ “perestroika” mà ông ta gọi là “đổi mới tư
duy” với những việc “cần làm ngay” để phá vỡ chế độ bao cấp, giới hạn đó lên tới
cấp giám đốc và về phía đảng chỉ lên tới bí thư tỉnh ủy là cùng. Giở lại những
số báo cũ của 15 năm trước đây của tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Người Lao Ðộng và
mới đây tiềm ẩn trong những tài liệu được trích thuật lại trong tác phẩm “Bên
Thắng Cuộc,” người đọc sẽ thấy rõ những giới hạn ấy. So sánh thời kỳ đó và hiện
nay, người ta không thể phủ nhận rằng những vòng trói của đảng CSVN ở cổ tay
những nhà báo nhà văn trong nước dù đã được nới lỏng nhiều, nhưng bất cứ lúc
nào muốn họ siết lại cũng không có gì khó khăn.
Chỉ
cần ông Hoàng Khương, một tay viết phóng sự khá hấp dẫn cho tờ Thanh Niên viết
một bài tố cáo tham nhũng bằng cách hối lộ cho công an để có tài liệu dẫn
chứng, ông bị khốn đốn ngay. Thực ra chuyện này sẽ chẳng thành vấn đề gì nếu
nhà báo Hoàng Khương không dụng tới ngành công an là ngành đang đang bị tai
tiếng tham nhũng không phương gột rửa. Mới đây nhất, nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên mất việc ở tờ Sức Khỏe và Gia Ðình chỉ vì
những bài viết chỉ trích lời tuyên bố của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi ông
ta lên tiếng đe dọa những người ký kiến nghị đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp. Sau
đó, ông Trọng thì không hề đề cập gì đến phản ứng của nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên,
nhưng ai cũng biết rằng bộ máy bên dưới ông ta đã khởi động ngay, và chưa cần
họ ra tay, người tổng thư ký của tờ báo đã phải đuổi việc nhân viên của mình
trước. Tuy mất việc, nhưng ông Nguyễn Ðắc Kiên nói ông thông cảm với người sếp
của mình với một lời lẽ người ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhưng
ai cũng thấy cái vạch vôi bất khả xâm phạm chung quanh những chiếc ghế lãnh đạo
trong đảng Cộng sản dù chỉ được vạch ra bằng vôi, nhưng rõ ràng không ai xâm
phạm vào mà không phải trả giá.
Nhưng
có người lại nêu trường hợp ông Ðoàn Văn
Vươn đòi đất ở Tiên Lãng như là một trường hợp tức nước vỡ bờ điển hình
nhất và báo chí đã nhất loạt “đụng” tới vụ này. Thật ra nếu duyệt xét những
diễn biến từ đầu đến cuối của nội vụ, người ta thấy ngay đây chỉ là một trò
biểu diễn của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào lúc ông mới được bầu nhiệm
kỳ 2 nhằm tái tạo lại uy tín sau khi đã bị những kẻ “nội thù” trong đảng quăng
quật về vụ bê bối ở Vinashin và vụ in tiền polymer. Và chỉ giới hạn ở vụ này mà
thôi. Trong những vụ dân đòi đất khác tiếp theo, báo chí truyền thông trong
nước lại trở về tình trạng “im lặng vô tuyến.”
Thật
ra, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu lại một danh sách khá dài những vụ xảy ra
liên tiếp chung quanh các vụ tai tiếng cốt lõi của Việt Nam mới có thể đưa ra
những kết luận chính xác hơn. Những trường hợp tôi vừa nêu ở trên để đưa ra
những cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp hay đánh giá cao khả năng kiểm soát
dư luận của đảng và chính phủ Việt Nam Cộng sản, mà phải nhìn vào thực tế để
tìm cho mình một con đường tồn tại nếu quả thực những nhà báo lề trái còn nuôi
lý tưởng sẽ nhất định phải làm một điều gì đó cho giá trị dân chủ, tự do và
nhân quyền cho Việt Nam.
Ảnh
hưởng của truyền thông và báo chí nói chung chỉ thấm dần vào tâm trí quần chúng
nếu nó được khéo léo duy trì. Muốn gia nhập vào dòng báo chí truyền thông lề
trái ở Việt Nam mà chỉ sau bài báo đầu tiên mà nhà báo ấy đã bị đưa vào “cũi”
thì người di chuyển bên lề trái sẽ thưa thớt dần đi, sẽ thiếu sức mạnh đoàn kết
thì còn gì niềm tin nữa? Tôi không biết cuộc Cách Mạng Nhung ở Ba Lan thập niên
1980 có một hệ lụy nào về tầm quan trọng cho nhà lãnh đạo các phong trào cách
mạng khởi đi từ trong lòng đất địch hay không, nhưng một số lãnh tụ chính trị
của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan còn sống mà tôi được hân hạnh nói chuyện ở thủ đô
Warsaw và hải cảng Gdansk đều cho rằng điều làm họ sợ nhất là thủ lãnh Lech
Walesa của họ bị bắt và bị Tướng Jaruzelski tống xuất ra nước ngoài.
Họ
giải thích rằng thực tình vào lúc đó, những nhà hoạt động trong phong trào
không kiếm đâu ra được một người trầm tĩnh, nhẫn nại, tài ba và có đầu óc thực
tế để thay mặt Walesa tại nội địa Ba Lan vào lúc đó. Vẫn theo những nhân chứng
này nếu không may mà tình hình này xảy ra, bao nhiêu công lao trường kỳ mai
phục của dân chúng Ba Lan chờ đợi ngày N giờ G sẽ ra sông ra biển hết.
Từ
những bài học trong chiến dịch “Trăm Hoa Ðua Nở” vào năm 1956 tại miền Bắc Việt
Nam và 1975 tại miền Nam Việt Nam, “Mùa Xuân Tiệp Khắc” 1968 và cuộc Cách Mạng
Nhung ở Ba Lan, tôi không tin rằng Hà
Nội có nhu cầu sửa đổi Hiến Pháp 1992. Không lẽ một người như Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng hay Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lại không biết sự nguy
hiểm khi họ chấp nhận cho lấy ý kiến về việc sửa đổi Hiến Pháp? Từ lâu, không
lẽ họ lại không biết rằng các điều khoản 79, 88, những đòi hỏi về đa nguyên đa
đảng với một chính quyền tam quyền phân lập của một số những nhà bất đồng chính
kiến và nhất là việc đòi bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp đang là những mũi tấn công mạnh mẽ
từ dư luận hải ngoại và những nhà trí thức và nhân sĩ trong nước?
Người Cộng sản đã biết và thừa biết rằng Ðiều 4 Hiến Pháp là cái
xương sống cho đảng của họ không thể để nó bị chặt gãy được. Vì thế tôi cho
rằng ý kiến sửa đổi Hiến Pháp do chính quyền Việt Nam nêu ra đã được dùng như
một thứ vũ khí cho một chiến dịch “Trăm Hoa Ðua Nở” khác để biết rõ dư luận
thầm lặng ủng hộ việc đốn ngã cái xương sống của đảng CSVN đến từ đâu, ở khu
vực nào, ở tổ chức nào, nhất là lần này Hà Nội biết được thái độ rõ rệt của Hội
Ðồng Giám Mục Việt Nam.
Những
tháng sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau khi đưa các cựu sĩ quan và công chức VNCH
vào trại cải tạo, Hà Nội tính đến chuyện bình định các nhóm chống đối còn lại.
Những nhân viên tình báo và công an chìm của Cộng sản được lệnh phao tin đồn:
trong những khu rừng rậm ở Miền Nam Việt Nam còn tàn quân VNCH. Lập tức vụ nhà
thờ Vinh Sơn nổ ra, lực lượng vũ trang còn non yếu của Linh Mục Nguyễn Văn Vàng
vội vã hoạt động ra mặt, rồi mặt trận Phục Quốc nổi lên. Nhưng theo cách tường
thuật lại của những anh em Phục Quốc bị bắt và bị giam chung với chúng tôi thì
một phần đường dây tuyển mộ của lực lượng này thường bị công an gài. Họ cứ bắt
được nhóm này thì lần ra nhóm kia. Và đến Tháng Tám 1975, Hà Nội kéo mẻ lưới
cuối cùng. Do tai nghe, mắt thấy qua những nhân chứng của các phong trào nhằm
phục quốc bị bắt và bị nhốt chung một trại cải tạo với chúng tôi, kể cả những
người mang án tử hình và chung thân, tôi chiêm nghiệm ra một điều: tầng lớp
thanh niên yêu nước ở miền Nam Việt Nam vào giai đoạn ấy nhiều lắm, họ rất mong
được cầm súng chiến đấu, tinh thần dân chúng ủng hộ VNCH lên cao, nhưng do
không có một chút kinh nghiệm nào về trường kỳ mai phục, về tổ chức, về nuôi
dưỡng phong trào, lại nóng vội và cả tin vào những lời của bọn công an gài
trong các đường dây tuyển mộ và tổ chức khi chúng phao tin nào là ông Thiệu bí
mật về nằm ở Phan Rí, nào là ông Kỳ đang ở Rừng Sát, nào Tướng Trưởng bí mật về
lập chiến khu ở U Minh Thượng vân vân và vân vân.
Nói
cho ngay, vào giai đoạn đó, sau khi mất vùng đất thân thương là Miền Nam thì
người Miền Nam mới thấy quí và tiếc vùng đất ấy, nhưng khốn thay mọi chuyện đều
đã trở nên quá muộn.
Cho nên tôi tin rằng
việc Hà Nội lấy ý kiến dân để sửa đổi Hiến Pháp chỉ là chiến dịch “Trăm Hoa Ðua
Nở” mà thôi.
Những người cả ở hải ngoại và trong nước nếu quả thật đang trông đợi Hà Nội
thay đổi như Miến Ðiện thay đổi, chắc hẳn đã nghe lời đe dọa và khẳng định dứt
khoát của Nguyễn Phú Trọng cũng như Nguyễn Sinh Hùng: không được bỏ Ðiều 4 Hiến
Pháp.
Không
bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp thì không bỏ các điều khoản khác được. Chế độ cộng sản cũng
không có sức và không dại gì bắt giữ những người ký vào Kiến Nghị Sửa Ðổi Hiến
Pháp hay Hội Ðồng Giám Mục. Chiến thuật chuyên chính của người Cộng sản hiện
nay coi bắt giữ chỉ là biện pháp cuối cùng, cái chính để ngăn ngừa hữu hiệu các
biến động chính trị khỏi nổ ra là “cô lập” để ngăn chặn và răn đe.
Nếu
đọc các blog ngày nay, người ta thấy nhiều tác giả viết ra những suy nghĩ rất
“bạo” mà không bị bắt bởi có khi công an lờ đi vì đó vẫn chỉ là ý kiến của một
cá nhân. Nhưng chỉ cần những blogger liên lạc với nhau để trở thành một phong
trào là họ bắt ngay. Những trường hợp như các blogger Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần,
Anhba Saigon, những thanh niên trí thức như Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức,
các thanh niên Công Giáo địa phận Vinh và Nguyễn Phương Uyên là những bằng
chứng điển hình!
Cho
nên, suy đi nghĩ lại có thể hiểu rằng những khuyến cáo của nhà báo Huỳnh Ngọc
Chênh có một phần giá trị thực tế. Phải làm cách nào đó sống còn và tiếp tục
viết trong giới hạn của sự kiểm soát lúc bị siết lại, lúc lỏng lẻo để còn có cơ
hội chuyển tải ý tưởng dân chủ tự do đến khối dân chúng, giúp cho họ hiểu vai
trò của họ trong cuộc tranh đấu vì dân chủ, tự do và quyền thiêng liêng của con
người. Huỳnh Ngọc Chênh đã có những chuyện kiếm hiệp tưởng tượng rất vui, nhưng
dựa trên người thật việc thật ngay trong xã hội Việt Nam thời đại này.
Đọc thêm
:
No comments:
Post a Comment