Nguyễn
Trung
Viet Studies ngày 3-3-13
(phiếm đàm)
Quan
sát sự vận động của các từ ngữ có tính là dạng khái niệm có thể cung cấp cho
chúng ta một cái nhìn khái quát bất ngờ. Để đơn giản hóa câu chuyện cho chủ đề
này, xin tạm phân chia các giá trị trong đời sống thành 2 nhóm thiện
và ác.
Phiếm
đàm hôm nay chỉ xin điểm một vài cụm từ hay khái niệm của nhóm “ác”.
Lâu
rồi, thời bao cấp, cụm từ “móc-ngoặc” lúc đầu chỉ là một cách nói
dân dã, vui cợt, tinh quái.., diễn đạt sự trao đổi rất tự nhiên với nhau trong
phạm vi có thể (tem phiếu, chỉ tiêu…) những thứ như thực phẩm, lương thực, các
vật dụng khác… rất khan hiếm của nền kinh tế kế hoạch. Đương nhiên, đây là sự
trao đổi thường tình, lúc đầu là vô thưởng vô phạt, thậm chí có ích và đáng
khuyến khích. Nhưng rồi qui mô ngày càng lớn của “móc-ngoặc” và cách thực hiện,
nó dần dần lấn vào vòng phi pháp. Dần dần “móc-ngoặc” trở thành
một khái niệm, được đưa vào các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước để phê
phán. Sự việc lên ngôi như thế của khái niệm “móc-ngoặc” đánh dấu
sự leo thang của một dạng tha hóa và tham nhũng thời đó…
Thời
bung ra, cái phong bì lúc đầu chỉ là một sự đơn giản hóa cho
thuận tiện và đỡ phải làm bao nhiêu việc phiền toái. Ví dụ: Thay vì sau một
cuộc họp phải bồi dưỡng cho cán bộ một bát phở hay một bữa cơm trưa cho đỡ đói
thì đưa một cái phong bì 5 – 10 nghìn đồng gì đó. Trong đám cưới cũng thế, ai
ai cũng mừng cô dâu chú rể phích nước, soong nồi, bộ ấm chén… - vì thị trường
chẳng có cái gì khác. Cho nên sau đám cưới, cô dâu chú rể phải đem bán đỡ đi,
mệt lắm, vừa mất giá nữa.., nếu không thì phải đem cho bớt... Thế là cái phong
bì được thay thế. Quá tiện và quá hợp lý…
Nhưng
một khi cái phong bì lên ngôi thành văn hóa phong bì, đất nước
bắt đầu nguy khốn mọi mặt, mở đường một quá trình sa đọa mới. Không phải chỉ sự
nặng/nhẹ được tính theo giá trị tiền trong phong bì mới là vấn đề. Ngày càng
nhiều trường hợp cái phong bì bằng giấy trở nên quá mong manh, không mang nổi
cái phải chứa trong nó, người tặng gói thành gói tiền, nhiều khi gói bằng đô-la
cho gọn nhẹ, cần thì bó luôn cả một cục tiền, thậm chí có khi đưa luôn cả một
bao tải tiền, hay thay thế bằng các “cây” cho thuận tiện… Việc phong bì lên
ngôi thành văn hóa phong bì đánh dấu thời kỳ tham nhũng trở thành
quốc nạn, đúng với nghĩa đen của câu chữ: Nén bạc đâm toạc công lý, giết
chết mọi đạo đức…
Như
một tính quy luật, văn hóa phong bì dần dà cũng phải trở thành lạc hậu, cuối
cùng chỉ còn thích ứng cho những “chuyện vặt”. Văn hóa phong bì
buộc phải đẻ ra kẻ nối dõi đúng với nghĩa hậu sinh khả úy. Sự đổi
chác trong tham nhũng dần dà không được tính bằng phong bì nữa,
mà phải đo bằng “quan hệ”.
Thoạt
đầu, “quan hệ” cũng được đo bằng các đơn vị tiền tỷ, song chưa đủ. Trong trao
đổi với nhau, thường thường xẩy ra tại các bữa ăn trưa giữa giờ ngoài cơ quan,
các chầu “nhậu” có phụ lục “từ A đến Z”, các buổi “tươi mát” ở
nước ngoài.., đã hình thành cách đo lường mới, ví dụ: phi vụ này (affair)
là bao nhiêu “quan hệ”?…
Nhưng
“quan hệ” ngày càng mang trong nó hầu như bất kể cái gì trí tuệ
của tham nhũng có thể nghĩ ra được, do đó ngôn ngữ nhanh chóng trở nên chật hẹp
hơn cuộc sống.
Phạm
trù “quan hệ” của tham nhũng ngày nay có thể hàm nghĩa là một hay
nhiều sổ đỏ, là khối lượng cổ phiếu trong một ngân hàng hay một đơn vị kinh tế
có máu mặt nào đó, là con số “phần trăm” của sự chia chác, là một cặp hay đôi
ba cặp “chân dài”.., một cái “ghế”, một tấm bằng thật (chứ không phải in nhái),
một vụ xóa tội, một ân huệ mưa móc các kiểu được ban phát như vua chúa thường
làm ngày xưa cho việc tính kế lâu dài, một sự ăn miếng trả miếng, một quy hoạch,
một cuộc “ông ăn chả bà ăn nem”.., một cuộc yểm bùa hay yểm long
mạch do một lý do nào đấy, một cuộc lễ bái mang tính mê tính dị đoan để cầu
mong chạy tội hay để tiến thủ.., thậm chí có thể là một quyết định, một chính
sách, một hội nghị, một cuộc vận động, một phong trào.., một sự trao đổi
lẫn nhau giữa tất cả những gì đã được sơ sơ liệt kê ra ở đây, thậm chí có khi
chỉ là một thứ đã qua sử dụng đằng sau cái lá nho… Vân vân và vân vân… Lần đầu
tiên ngôn ngữ bị phá tung, vì bất lực không làm sao mô tả hết được nội hàm của
khái niệm “quan hệ”. Bởi vì trí tuệ của tham nhũng luôn sinh sôi
nẩy nở và diễn biến tùy hoàn cảnh, do đó nội hàm của khái niệm “quan hệ”
cũng thường xuyên sinh sôi nẩy nở và diễn biến theo hoàn cảnh.
Hiện
tượng ngôn ngữ bị phá tung như vậy là cái bóng cho thấy hiện tượng kỷ cương,
luật pháp và các giá trị văn hóa - đạo đức của xã hội, của thể chế chính trị
quốc gia đang bị phá tung như thế nào.
“Quan
hệ” như thế sinh sôi nảy nở trên mảnh đất vốn có được tạo ra từ tình
trạng mất tự do dân chủ và sự thiếu vắng công khai minh bạch trong đời sống
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Song trong khoảng mươi năm
nay, được sự kích thích của các hiện tượng phản văn hóa khác – trong đó có văn
hóa mê tín dị đoan, văn hóa phong bì như đã nêu trên, “quan
hệ” thực sự đã trở thành một hiện tượng phản văn hóa mới
đầy nguy hiểm. Đúng là đến mức thách thức sự tồn vong của Đảng, của chế độ
chính trị như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận.
Mới
gần đây thôi, kể từ sau Đại hội XI, trong ngôn ngữ cuộc sống hàng ngày xuất
hiện khái niệm “dư luận viên”. Câu chuyện độc quyền chân lý, độc
quyền yêu nước… vốn dĩ không mới và là bản chất của chế độ toàn trị. Song một
khi “dư luận viên” được tôn vinh là một đội ngũ hùng hậu, và nó
xuất hiện như một binh chủng, hiển nhiên cho thấy tham nhũng – tiêu cực
không chỉ thống soái phần xác, mà đang tìm cách thôn tính nốt phần hồn của cuộc
sống đất nước.
Phải
ngả mũ bái phục trí tuệ của tham nhũng – tiêu cực đã thiết lập
được binh chủng này, nhưng còn phải bái phục hơn việc nghĩ ra được cái tên gọi
độc nhất vô nhị như thế mà tư duy bình thường của những con người bình thường
không thể nghĩ ra được. Đem hồng vệ binh trong cách mạng văn hóa của Trung Quốc
ra mà nói, dư luận viên và binh chủng này không phải là đối tượng
để so sánh về phương diện quy mô cũng như về phương diện bạo lực, nhưng khó mà
nói được mèo nào cắn mỉu nào nếu so sánh về mặt công dụng và tác dụng.
Chặng
đường các cột mốc đi từ khái niệm “móc ngoặc” đến “dư luận
viên” kéo dài mấy thập kỷ. Mỗi một cột mốc là một bước leo thang mới
của tha hóa, tiêu cực và tham nhũng. Điều cảnh báo phải nói lên ở đây là cột
mốc “dư luận viên” đang nhằm vào thôn tính nốt phần hồn của đất
nước. Người dân cả nước, dù là ai, đảng viên ĐCSVN hay không phải đảng viên,
phải cảnh giác và phải có tiếng nói của mình để ngăn chặn./.
Hà
Nội, ngày 03-03-2013
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày 3-3-13
No comments:
Post a Comment