Được đăng ngày Thứ năm, 14 Tháng 3 2013 10:45
Giáo hoàng Phanxicô Đệ Nhất
Ngày 13/3/2013, lúc 20g15, người phát ngôn của Tòa Thánh
Vatican tại Roma cho biết hồng y Jorge Mario Bergoglio vừa được Đại hội đồng
hồng y bầu làm vị giáo hoàng thứ 266 của Hội Thánh Công Giáo La Mã với danh
xưng Francis đệ nhất (hay Phanxicô, Francisco, François 1er).
Tin này đã làm rất nhiều người ngạc nhiên
vì trước đó giới thạo tin đã đưa ra nhiều dự đoán với tên tuổi những hồng y nổi
tiếng có thể được bầu làm giáo hoàng, nhưng không ai nhắc tới tên vị hồng y
này. Mặc dầu vậy, hơn một trăm ngàn người đứng tụ tập trước Quảng trường Thánh
Phê-rô tại Vatican và hơn 1,2 tỷ tín đồ Công giáo khác trên toàn thế giới, đặc
biệt là tại Việt Nam, chào đón tin này với tất cả sự hân hoan. Giáo hội Công
giáo đã có một vị chủ chiên mới sau hơn 10 ngày chờ đợi.
Hồng y Jorge Mario Bergoglio, năm nay 76 tuổi, là vị giáo
hoàng đầu tiên mang danh xưng Francis này. Chọn thánh danh Francis, hồng y Jorge Mario Bergoglio
muốn theo gương San Francisco d’Assisi, một tu sĩ người Ý đã suốt đời giúp đỡ
những người nghèo và kém may mắn, được phong thánh hai năm sau khi ông chết
(1226) và cũng là người sáng lập dòng tu khổ hạnh năm 1206 dưới tên gọi
"Những anh em hèn mọn", mặc áo nâu và tự túc bằng chính bàn tay của
mình, sau này được biết tới với tên “Dòng Phanxicô” . Jorge Mario Bergoglio có
lẽ là vị hồng y duy nhất dám từ bỏ những tiện nghi dành cho một vị hồng y tổng
giáo phận Buenos Aires, thủ đô Argentina với 3 triệu dân và hơn 14 triệu dân
nếu tính cả vùng ngoại ô, để sống cạnh những người nghèo khổ vùng ngoại ô như
thánh San Francis thành phố Assisi trước kia. Sứ mệnh chính của giáo hoàng
Francis chắc chắn là gây lại niềm tin cho các tín đồ tại khắp nơi đang bị chao
đảo trước những biến chuyển dồn dập của thế kỷ 21, đặc biệt là những người
nghèo khó ngày càng đông đảo trong một thế giới đang toàn cầu hóa.
Francis I cũng là vị giáo hoàng đầu tiên gốc Nam Mỹ. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa vì Châu Mỹ la-tinh hiện
nay là nơi tập trung 42% người Công giáo giữ đạo khá nhiệt thành, khác với Châu
Âu nơi những người Công giáo lơ là với tôn giáo đã tạo ra sức mạnh của họ trong
suốt hơn 2000 năm. Tuy vậy, đạo Công giáo tại Nam Mỹ cũng đang trực diện với
một nguy cơ mới, không phải sự lơ là với tôn giáo mà sự cạnh tranh của đạo Tin
Lành, với những hình thức sống đạo thích hợp hơn với sự tiến hóa chung của nhân
loại, nghĩa là không gò bó bởi những qui luật của đạo Công giáo đã có cách đây
hơn hai thiên niên kỷ.
Francis I còn là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng
Tên (Jésuite). Tên chính thức của dòng tu này là “Những
bạn đồng hành của Jésus” (Societas Jesu) do Ignacio de Loyola sáng lập. Đây là
một trong ba dòng tu đào tạo giáo sĩ đông nhất của Giáo Hội Công Giáo La Mã:
12.808 giáo sĩ và 4.200 học viên năm 2010. Đặc điểm của dòng tu này là do hội
nhập trực tiếp vào đời sống dân gian, những giáo sĩ nắm vững những nguyện vọng
của người dân để từ đó huớng dẫn họ sống đúng như Jésus đã sống, nghĩa là từ
bi, bác ái và bao dung. Tại Việt Nam, Dòng Tên nổi tiếng với Alexandre de
Rhodes (Đắc Lộ), một trong những vị giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam truyền đạo và
đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ, và nhất là số giáo sĩ bị tử vì đạo đông nhất so
với các dòng khác. Hiện nay những giáo sĩ Dòng Tên tham gia tích cực vào đời
sống và chia sẻ với những người cùng khổ những lo âu và hy vọng.
Sụ bầu chọn hồng y Jorge Mario Bergoglio
làm giáo hoàng có lẽ đã gặp đồng thuận lớn vì chỉ qua lần bầu thứ ba, sau hai
ngày họp kín của 115 vị hồng y, khói trắng đã tỏa ra từ ống khói thánh đường
Sixtine lúc 19 giờ ngày 13/3/2013. Đồng thuận này cho thấy sự ủy nhiệm hồng y
Jorge Mario Bergoglio vào chức vụ này không phải tình cờ. Ngoài kiến thức uyên bác
về thần học và kỹ thuật (ông là kỹ sư hóa chất), hồng y Jorge Mario Bergoglio
trong suốt cuộc đời tu hành đã chỉ là chăm lo và giúp đỡ những người bất hạnh.
Ông không phải là một người giáo điều, ông đã từng chỉ trích những giáo sĩ
Argentina không chịu làm phép rửa tội cho những trẻ em sinh ngoài hôn thú. Ông
nói chúa Jésus đã không ngần ngại chữa lành những người mắc bệnh phong hủi, đưa
những phụ nữ mãi dâm ra khỏi bóng tối và tha thứ những kẻ phạm lỗi biết ăn năn.
Bầu chọn hồng y Jorge Mario Bergoglio, Hội đồng hồng y tại Vatican muốn giao
cho ông nhiệm vụ cải tổ lại Giáo Hội Công Giáo La Mã mà một giáo sĩ lãnh đạo
xuất thân từ Châu Âu, nhất là tại Ý không thể làm được.
Theo nhiều suy đoán, giáo hoàng Francis I có ít nhất năm
nhiệm vụ chính cần phải làm ngay để giữ vững Hội Thánh. Một là trong
sạch hóa cách quản lý Tòa thánh Vatican, đặc biệt là xây dựng lại đội ngũ cố
vấn (curia) thân cận, giải quyết các vụ Vatileaks đang làm hoen ố danh dự Tòa
thánh (xâm phạm tình dục trẻ em và quan hệ đồng tính luyến ái) và nhất cân bằng
lại ngân sách (cũng nên biết, tuy có một diện tích nhỏ bé, 44 ha, nhưng Vatican
quản lý hơn 1,2 tỷ người và có một tích sản trong ngành ngân hàng được xếp vào
hạng lớn nhất nước Ý). Hai là hội
nhập Giáo Hội La Mã vào thế giới hiện đại, nghĩa là bớt giáo điều, để tiếp cận
với những yêu cầu bức xúc của giới trẻ như bình thường hóa sự giao hợp, quyền
phá thai... Ba là giữ vững niềm tin
của con chiên và đào tạo thêm tu sĩ để truyền bá đức tin vào những vùng đất
khác, nghĩa là suy nghĩ về cách hành lễ và giữ đạo. Bốn là tăng cường những trao đổi và đối thoại nội bộ về những bức
xúc với giáo sĩ và giáo dân để ntìm ra một giải pháp giữ đạo chung như quyền
được lập gia đình, quyền phụ nữ được làm linh mục, quyền đồng tính luyến ái. Năm là hòa giải với hai tôn giáo lớn
khác là Do Thái giáo và Hồi giáo mà đặc điểm chung là có cùng một Thượng đế
chung và có cùng một Sách Thánh (Phúc Âm, Bible, Coran, Torah).
Trước trách nhiệm nặng nề này, những người
Công giáo cấp tiến mong vị tân giáo hoàng dám mạnh bạo thực hiện những cuộc cải
tổ mà cựu giáo hoàng Benedicto XVI từ chối không làm. Nhưng chắc chắn vị tân
giáo hoàng sẽ gặp rất nhiều chống đối của những phe cánh trong triều chính
Vatican (curia), như nhóm Opus Dei, những nhóm không chịu cải cách (integrism)
và những nhóm dính líu tới tiền bạc và bất động sản trong triều chính Tòa
thánh.
Có cải tổ được Giáo Hội Công Giáo La Mã hay
không, phải chờ xem những quyết định mới của vị tân giáo hoàng trong những ngày
sắp tới.
Nguyễn Văn Huy
No comments:
Post a Comment