Thursday, 14 March 2013

GIỚI THIỆU THÂN THẾ TÂN GIÁO HOÀNG (BBC)




BBC
Cập nhật: 02:03 GMT - thứ năm, 14 tháng 3, 2013

Sinh ra tại Argentina, Giáo hoàng Francis là người Mỹ Latinh đầu tiên, cũng là tu sỹ dòng Tên đầu tiên trở thành người dẫn dắt Giáo hội Công giáo La mã.
“Dường như các hồng y anh em của tôi đã đi đến tận cùng thế giới [để chọn giáo hoàng],” Ngài nói với đám đông tại Quảng trường Thánh Peter trong bài diễn văn đầu tiên, một lời nói đùa trái ngược với hình ảnh Ngài, một vị hồng y không bao giờ cười.
Cho tới ngày 13/3, Ngài còn là Hồng y Jorge Mario Bergoglio giáo phận Buenos Aires.
Các nhà bình luận uyên thâm không coi Ngài là một ứng viên nặng ký cho vị trí kế vị Đức Benedict XVI, và ở độ tuổi đã cao, 76 tuổi, chỉ ít hơn Benedict khi được bầu chọn hồi 2005 có hai tuổi, việc Ngài được chọn khiến những ai trông chờ vị giáo hoàng thứ 266 là một người ít tuổi hơn phải ngạc nhiên.
Tuy nhiên, Ngài có sức thuyết phục với cả những người bảo thủ lẫn cải cách trong Giáo hội, được coi là có tư tưởng truyền thống trong các vấn đề liên quan tới tình dục, nhưng lại tự do đối với vấn đề công lý xã hội.

Hồi 2005, Hồng y Bergoglio đã được coi là ứng viên cho vị trí Giáo hoàng


Lối sống khiêm nhường
Sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Ngài mang dòng máu Italy.
Theo hồ sơ lý lịch chính thức tại Vatican thì Ngài được phong chức tu sỹ dòng Tên vào năm 1969 và theo học tại Argentina và Đức.
Là giám mục từ 1992, Ngài trở thành Hồng y của Buenos Airest vào 1998, và năm 2005 đã được coi là một ứng viên cho vị trí Giáo hoàng.
Kết quả bầu chọn khiến nhiều người ở thành phố của Ngài ngạc nhiên, nơi nhiều người nghĩ rằng vấn đề tuổi tác sẽ khiến ngài không được chọn, phóng viên BBC Marcia Carmo tường thuật từ Buenos Aires.
Nhưng sự ngạc nhiên đã nhanh chóng nhường chỗ cho niềm hân hoan, với cảnh những xe hơi nhấn còi inh ỏi trên đường phố
Những bài thuyết giảng của Hồng y Bergoglio luôn có ảnh hưởng đối với Argentina và Ngài thường nhấn mạnh về sự hòa nhập xã hội, gián tiếp chỉ trích các chính phủ không chú ý tới những người bên lề xã hội, phóng viên BBC nói.
Francesca Ambrogetti, người đồng biên soạn cuốn tiểu sử về Ngài, nói với hãng tin Reuters rằng cách sống giản dị khiến Ngài rất được lòng dân.
“Ngài có lối sống khiêm tốn và cần kiệm,” bà nói.
“Đó là cách sống của Ngài. Ngài đi lại bằng tàu điện ngầm, bằng xe buýt, và khi tới Rome thì Ngài bay hạng bình dân.”
Tại Buenos Aires, Ngài sống trong một căn hộ đơn sơ trong tòa nhà của giáo phận, ngay cạnh thánh đường.
Khi tới Rome, phân tích gia chuyên về vùng Mỹ Latinh của BBC Eric Camara viết, Ngài thường thích mặc áo choàng màu đen thay vì trang phục màu đỏ và tía của hồng y mà Ngài được phép mang.
Ngài cũng được cho là dùng lại bộ đồ hồng y mà người tiền nhiệm từng sử dụng.

Tu sỹ Mario Bergoglio hồi 1973

‘Cân bằng lực lượng’
Theo bà Ambrogetti, Ngài ôn hòa trong mọi việc.
“Ngài thực sự có khả năng thực hiện việc đổi mới cần thiết mà không cần phải qua những bước đi không rõ,” bà nói.
“Ngài chia sẻ quan điểm cho rằng Giáo hội cần phải có sứ mệnh truyền giáo, phải tiếp cận được tới mọi người, phải năng động… một giáo hội không quá dựa vào chỉ đức tin để thúc đẩy, phát triển.”
Tuy nhiên, có vẻ như không mấy người biết Ngài mà lại nghi ngờ về những quan điểm bảo thủ của Ngài.
Đức ông Osvaldo Musto, người từng ở cùng trường dòng với Ngài, mô tả Ngài trong một bài báo đăng trên BBC News hồi 2005 như sau: “Ông là một người không khoan nhượng, giống như Giáo hoàng John Paul II vậy, đối với các vấn đề mang tính nguyên tắc của Giáo hội – mọi thứ mà Giáo hội bảo vệ liên quan tới việc hỗ trợ tự tử, án tử hình, phá thai, quyền được sống, quyền con người, đời sống độc thân của các linh mục.”
Với Giáo hội thì đây sẽ là một bước mới mẻ, khi một tu sỹ dòng Tên trở thành người đứng đầu: các thành viên có nghĩa vụ phải tránh những tự tôn dòng phái và tuân phục Giáo Hoàng.

Các câu hỏi đặt ra
Một vấn đề Ngài có thể phải đối mặt là vai trò của Ngài dưới thời độc tài quân sự Argentina 1976-1983, cụ thể là trong vụ bức hại hai tu sỹ dòng Tên, những người bị chính quyền quân sự bí mật bỏ tù vì đã hoạt động trong các khu dân nghèo.
Hai người này đã trải qua năm tháng tù giam và người lãnh đạo của họ bị cáo buộc là đã không tiếp tục bảo vệ họ. Đây là cáo buộc mà văn phòng Ngài bác bỏ hoàn toàn.
Những người ủng hộ tân Giáo hoàng nói rằng ngược lại, Ngài đã giúp những người bất đồng chính kiến thoát khỏi tay chính quyền quân sự.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế Argentina 2001, Ngài đã phản đối sự tàn bạo của cảnh sát trong vụ bạo loạn khiến Tổng thống Fernando de la Rua bị mất quyền.
Một vấn đề gần cấp hơn đối với Vatican là tình trạng sức khỏe của tân Giáo hoàng.
Từ nhiều thập niên nay, Ngài sống chỉ với một lá phổi còn hoạt động, dẫu Ngài được cho là có sức khỏe tốt.
Được biết Ngài là một cổ động viên bóng đá ủng hộ đội San Lorenzo de Almagro của Buenos Aires.

Các bài liên quan  :


No comments:

Post a Comment

View My Stats