Tuesday 5 March 2013

KHÔNG CÓ LỐI RA CHO ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-03-05

Gây tranh cãi

Hạn chót lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 đợt này chỉ còn không đầy một tháng nữa là kết thúc. Cho đến lúc này, một trong những điểm gây ra những quan điểm khác nhau là điều 4 trong dự thảo hiến pháp sửa đổi. Điều đó được ghi rõ : ‘Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’

Đối với những đảng viên Cộng sản thì hẳn nhiên họ không muốn hủy bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà Nước và xã hội; đặc biệt là những thành phần đang hưởng lợi từ chức vụ do đảng mang lại cho họ.

Trong kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức về sửa đổi dự thảo hiến pháp năm 1992, điểm được nêu ra đối với điều 4 vừa nêu theo những người kiến nghị thì ‘chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong một cuộc bầu cử như thế’.

Có ý kiến cho rằng với một số điểm mới được đưa vào dự thảo hiến pháp sửa đổi thì vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản sẽ không thống soái như trước nữa. Tờ Thanh Niên hồi ngày 22 tháng 2 có bài trích dẫn phát biểu của nguyên đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết tại hội thảo do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp,Văn phòng Quốc hội tổ chức, cho rằng những ý kiến cho rằng chỉ có giữ được điều 4 mới duy trì được vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản là những nhận thức mang nhiều định kiến.

Theo vị cựu đại biểu quốc hội có tiếng là ‘nói thẳng’ trước đây đó thì với điều 2 trong dự thảo sửa đối hiến pháp năm 1992 có thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng ở Việt Nam. Ông này nói hiến pháp cần nêu rõ qui định phương thức lãnh đạo Nhà Nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay.

Ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo có tinh thần yêu nước thể hiện qua nhiều bài viết, lên tiếng về tranh luận nên bỏ hay duy trì điều 4 về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản tại Việt Nam như hiện nay:
"Tôi nghĩ sự phức tạp này phản ánh một hiện thực của Việt Nam từ lâu rồi. Việc có những người kiên quyết không tin tưởng gì vào điều 4 nữa, và có những người mặc dầu người ta cũng có sự bất bình nhưng vin vào điều này, điều kia để có thể hóa giải. Ở Việt nam hiện tượng như vậy là có thật, và có những nguyên cớ mà theo tôi nghĩ xuất phát từ nguyên cớ đời sống thôi."

Phải cạnh tranh công bằng

Như ý kiến trong bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp năm 1992 của 72 nhân sĩ trí thức được trao tận tay đại diện ủy ban Quốc hội về dự thảo sửa đổi hiến pháp hồi ngày 4 tháng 2 vừa qua, nhiều người trong nước cho rằng phải có nhiều hơn một đảng để có sự cạnh tranh công bằng.

Nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, trong bài viết trên blog phản bác lại ý kiến của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Vĩnh Phúc, nêu rõ ‘tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng phái cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước’.

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long đồng ý với tuyên bố đó của anh Nguyễn Đắc Kiên và cho rằng anh này đã nói thay cho nhiều người trong nước muốn có thêm đảng khác ngoài đảng cộng sản:
"Anh Nguyễn Đắc Kiên đã nói hộ được quá nhiều cho mọi người trong những ngày tháng này rồi ạ."

Một luật sư từng bị án tù do những quan điểm bất đồng của ông đối với đảng cộng sản cầm quyền, luật sư Nguyễn Văn Đài, có ý kiến về điều 4 trong hiến pháp Việt Nam:
"Vấn đề then chốt là vấn đề điều 4 hiến pháp cần phải thay thế nó đi. Không cần thiết phải qui định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản trong đó ( hiến pháp), bởi vì khi điều 2 qui định mọi quyền lực Nhà nước thuộc về dân, do dân; tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân thì việc đảng cộng sản hay một chính đảng nào đó được nắm quyền lãnh đạo đất nước phải do người dân quyết định thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nếu đảng cộng sản cố tình qui định quyền lãnh đạo trong hiến pháp thì điều đó đi ngược lại lợi ích của nhân dân và chống lại quyền lực của người dân".

Không đến đâu

Qua phát biểu của ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và trả lời của ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 cho đại diện nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý; rồi phát biểu của chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng những người quan tâm cho rằng hoạt động lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 lần này sẽ không có kết quả gì như mong đợi.

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long nói về điều này:
"Lãnh đạo phải nói thẳng với nhân dân thực trạng của đất nước chúng ta hiện nay như thế nào, không thể giấu nhân dân bất cứ một điều gì cả. Chứ còn những điều nói không hết, chưa hết với nhân dân, thậm chí còn nói ngược khá nhiều vấn đề thì sự góp ý chắc chắn sẽ không thể nào mỹ mãn khi có sự chuẩn bị kỹ càng. Mà nhất là chỉ có ba tháng, và thú thực không phải người dân nào cũng quan tâm đâu. Trước cuộc sống mà hằng ngày phải đối diện với chuyện cơm áo, thì có bao nhiêu người trong 90 triệu người dân này có cái ‘đau đáu’ lo nghĩ về cái ‘khế ước xã hội’ này. Cho nên sự chuẩn bị không kỹ càng rất dễ rơi vào tình trạng hình thức rồi cũng không có gì khác những dự thảo lần trước."

Một tu sĩ Phật giáo, thượng tọa Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì tại Sài Gòn, cũng có ý kiến:
"Mình phải tán dương, ca ngợi những người có tinh thần đề nghị để thay đổi hiến pháp, luật pháp giúp đất nước được cởi mở, tốt đẹp và nhân quyền hơn. Điều đó rất tốt; nhưng riêng chúng tôi thấy họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng thôi, chứ không nghĩ đến nhân dân, đất nước gì cả."

Với những diễn biến như vừa qua, thì những đánh giá mà ông Nguyễn Thượng Long và thượng tọa Thích Không Tánh đưa ra sẽ không sai thực tế như bấy lâu nay đã diễn ra trong lĩnh vực hiến pháp Việt Nam trong mấy chục năm qua.

Tin, bài liên quan







No comments:

Post a Comment

View My Stats