Sunday, 10 March 2013

CÓ MỘT TỔNG THỐNG CỘNG HÒA VIỆT NAM ? (Nguyễn Hữu Vinh)




Nguyễn Hữu Vinh
Gửi cho BBC từ Hà Nội
25 Tháng 1 2009 - Cập nhật 13h12 GMT

Đó chỉ là cái tên giả định như giấc mơ gợi lên từ những gì được chứng kiến qua cuộc diễu hành và lễ tuyên thệ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 44 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, gây sự chú ý chưa từng có trên toàn thế giới.

Trông người
Liệu có phải thiên hạ ngày càng phú quý sinh lễ nghĩa? Chắc là không, bởi xưa ông cha ta, từ lễ vinh quy bái tổ của các tân khoa cho tới lễ đăng quang của nhà vua bao đời đều long trọng uy nghi nào có kém.
Những là ngựa voi, lọng kiệu, cờ xí rợp trời, văn võ đình thần mặc triều phục, phẩm phục theo thứ tự phẩm trật cầu kỳ. Vua thì đội mũ Cửu long, vận hoàng bào, mang đai ngọc, tay cầm trấn quê, ngự ngai vàng. Hàng ngàn chi tiết thủ tục đều được quy định nghiêm cẩn mực thước qua bao đời.
Ngày nay, nhờ phương tiện thông tin quá ư hiện đại, ta lại được biết là tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, từ Âu-Mỹ giàu sang cho tới Phi châu nghèo khổ, nghi lễ nhậm chức của người đứng đầu quốc gia cũng đủ màu sắc vừa hiện đại, nhưng vẫn giữ được truyền thống, tập quán riêng của mình. Rõ là nhìn ra đông tây kim cổ đâu đâu cũng đều vậy.

Lại ngẫm đến ta
Chiến tranh giặc giã, đói khổ bao phen, thôi thì tùng tiệm cho dân đỡ khổ, nên có xuề xòa bỏ đi nghi thức biết đâu cũng là cái đạo vì nước, thương dân.
Giờ thì hòa bình ngót phần ba thế kỷ rồi, lại đang tiến vào công nghiệp hóa hiện đại hóa, thêm cả những khẩu hiệu "hội nhập", hiện đại nhưng vẫn "đậm đà bản sắc dân tộc", các vị lãnh đạo thay nhau xuất ngoại liên miên bằng cả chuyên cơ, tùy tùng tiền hô hậu ủng, còn dinh cơ trụ sở thì hoành tráng không kém gì Tây.
http://www.bbc.co.uk/f/t.gif


Vậy sao tịnh không có nghi thức "đăng quang" long trọng như thiên hạ, hay học chút truyền thống đẹp của ông cha?
Chủ tịch nước "trúng cử" một cái thì chỉ: họp trên hội trường để tuyên bố, đọc các loại diễn văn, "xin các đồng chí một tràng pháo tay", ... bộp, bộp, bộp ... Thế là xong.
Ngay đến cả cái danh nghe cũng không giống ai. Nếu gọi là "tổng thống" thì quả thật không lẫn vào đâu được.
Nhưng còn "chủ tịch", thì rất nhiều. Nào là chủ tịch phường, xã, quận huyện, rồi chủ tịch mặt trận, hội này hội khác, cũng từ xã, phường đổ lên. Như vậy thì thái độ trọng thị tầm cỡ quốc gia rõ là bị nhoè nhoẹt đi bao nhiêu nữa rồi.

Tại sao
Người bình dân, tầng lớp trí thức, và giới công quyền chắc sẽ có những cách lý giải và thái độ khác nhau về hiện tượng này. Lớp bình dân thì bảo: Ôi dào! Các ông chỉ làm bộ làm tịch "cần kiệm". Bớt tiêu xài vung vít, công trình nguy nga đi tí là dôi ra ối tiền.
Hoặc giả ngược lại, có người sẽ bảo: Đơn giản thế cũng phải, vì ở ta cũng có bầu bán tranh cãi lằng nhằng như Tây đâu.
Còn giới trí thức, người am hiểu chính trị thì có thể suy ngẫm sâu xa hơn. Ấy là do ta chọn thứ mô hình quá khác lạ, tức là vừa quyết tâm bỏ béng đi tất tật những gì thuộc loại "tàn dư phong kiến", lại vừa nhất định không chịu học đòi "bọn tư bản giãy chết", thậm chí cả "Mỹ-Ngụy" nữa (vì ta bỏ qua thời kỳ quá độ, đi tắt đón đầu mà), từ những nghi thức cho tới cả tên gọi.
Thử lướt qua vài ngôn từ thông dụng là rõ. Ta không dùng từ "cựu" mà phải là "nguyên"; "đại biểu quốc hội" chứ không phải "nghị sĩ", "dân biểu"; không gọi "ngài", mà gọi "ông/bà", đặc biệt từ "đồng chí" thì được dùng thoáng nhất, kể cả hàng chức sắc tôn giáo cũng được tuốt (tại các kỳ họp Quốc hội đều thế).
http://www.bbc.co.uk/f/t.gif


Thêm nữa, xã hội cộng sản chủ nghĩa hướng tới tập thể hóa tất, nên lãnh đạo cũng theo lối tập thể, không đề cao cá nhân như kiểu tư bản, mà lại "dân chủ gấp ngàn lần" phong kiến, nên không có kiểu quỵ lụy thái quá với người đứng đầu quốc gia.
Nhưng vẫn chưa hết lý do đưa ra từ tầng lớp phi chính trị nhưng hay tọc mạch chuyện chính trường này. Đó là dù vị Chủ tịch có gọi là to nhất nước, nhưng về mặt Đảng lại chưa chắc to nhất, như thế là cắc cớ rồi. Nếu tổ chức to, thì các vị khác thuộc hàng tứ trụ triều đình mà "đăng quang" sẽ ra sao đây?
Thêm nữa, không như thời mới độc lập, mô hình nhà nước mang màu sắc cộng hòa rõ nét, vị chủ tịch theo như Hiến pháp những lần sửa đổi sau này có lẽ ít quyền hơn, gần với kiểu được gọi là xã hội chủ nghĩa hơn.

Hệ luỵ
Chắc khó thấy hết những điều hay dở liên quan tới việc có nên hay không tiến hành các nghi thức long trọng như thế.
Với người dân, một khi họ không được ghi khắc vào đầu những hình ảnh trang trọng như từng thấy xưa nay, tại nhiều quốc gia khác, thì tự khắc trong lòng họ, không thể không có thái độ thiếu kính nể người đứng đầu quốc gia, chưa nói tới lòng tự hào, một phần của tự hào dân tộc. Còn nếu như họ thờ ơ với buổi lễ đó, thì những người cầm quyền chắc phải suy nghĩ nhiều điều.
Với bản thân người nhận lãnh trọng trách mới, một khi được nghênh đón trong một nghi lễ trang trọng, được người dân tung hô thể hiện niềm tin của mình thì ắt sẽ có thêm nguồn động viên và ý thức trách nhiệm (kể cả với lời tuyên thệ nếu có). Còn ngay trong chính nhà nước của vị tổng thống tương lai cho nước Việt Nam mới đó, thái độ tôn trọng ông sẽ nhiều thêm.
Với văn hóa dân tộc nói chung, khi tạo lập, và giữ được ít nhiều nghi thức quốc gia như vậy, thì những nghi thức đẹp khác cũng sẽ được chú ý hơn, sớm bỏ lại những tàn dư thực sự của một thời phá dỡ đình chùa miếu mạo, quên lãng lễ hội dân gian, bài xích nét đẹp cha ông để lại ... và nay thì sang một biến thái khác, đó là "tôn tạo", phục hồi bừa bãi di tích, thắng cảnh, lễ hội xưa.
Với Nhà nước, từ những thay đổi để hòa nhập thực sự với truyền thống cha ông và với nhận loại như vậy, chắc chắn ý thức học hỏi, những thay đổi về bản chất đích thực như một chế độ cộng hòa, dân chủ sẽ nhanh chóng hơn.

Kết luận
Nhưng cũng có thể có những sáng kiến khác, đại để như: các vị đứng đầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng được nghênh đón chung trong một buổi lễ thật trang trọng, thì sao?
Hoặc ngược lại, tổ chức bộ máy nhà nước sẽ được cải tổ để khỏi phải băn khoăn về quyền lực thực sự của người đứng đầu nhà nước nữa.
Ví như Hiến pháp 1946, Điều 44: Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng. Và Điều 47: Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết ...
Nhìn vào đây thấy rõ ngay sự khác biệt rất lớn của mô hình nhà nước thời 1946 và thời nay (thực chất là nửa thế kỷ nay).
Nói nôm na là khi đó, tương quan quyền lực giữa Chủ tịch/Tổng thống-Thủ tướng giống nhiều nước Tây Âu đang tồn tại và phát triển hàng thế kỷ; còn ngày nay, nó lại giống với ... Liên Xô - một thể chế đã sụp đổ mà hậu quả một phần quan trọng cũng do mô hình tổ chức nhà nước bất hợp lý mà ra.
Cuộc thử nghiệm qua mấy thế hệ và với bài học nhãn tiền của cả một Đông Âu chuyển đổi rồi mà còn tiếp tục bê bết vẫn chưa đủ hay sao? "Đổi mới" mà không đổi thứ quan trọng nhất thì chắc chắc sẽ còn phải vật vã dài dài!

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến về bài viết này, xin gửi thư cho BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk   hoặc dùng hộp tiện ích bên phải.

---------------------------

Sen
Xin trả lời với tác giả là không thể có một Tổng thống Cộng hòa Việt Nam, chừng nào Hiến pháp 1992 vẫn còn hiệu lực. Tác giả nếu muốn mơ mộng thì xem lại Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967  để xem hồi đó nước ta dân chủ thế nào.

Huy, Sài Gòn
Bài viết của bạn Vinh thật hay, bình dân nhưng xâu sắc. Ở VN hầu như tôi chưa thấy có vị lãnh đạo nào có phong cách oai vệ của một người lãnh đạo nắm giữ vận mệnh của đất nước cả.
Thật lòng mà nói, nếu bạn hỏi một người VN bất kỳ rằng "Giữa chủ tịch nước và anh công an khu vực ai oai hơn?" câu trả lời chắc chắn là anh công an khu vực rồi. Thật sự chúng ta cũng phải hiểu cho nỗi khổ của những người lãnh đạo, trong một bộ máy quyền lực chồng chéo chia năm xẻ bảy ai cũng vun vén cho bản thân thì liệu có đồng chí náo dám đứng trước quốc hội, toàn dân mà hùng hồn nói ra những lời nói (chỉ đơn giản là lời nói) bênh vực quyền lợi của dân tộc.



No comments:

Post a Comment

View My Stats