Sunday 10 March 2013

KIẾN NGHỊ ĐỔI TÊN NƯỚC THÀNH "CỘNG HÒA VIỆT NAM" (Hà Thị Đông Xuân)




Posted by hienphap March 10, 2013

Tên nước (quốc hiệu) cần thay đổi

Đọc một số bài trên mạng, tôi thấy nhiều bài đã nêu lên những vấn đề bản thân tôi cũng suy nghĩ chưa có dịp phát biểu. Trước hết, đó là tên nước ta (quốc hiệu). Nếu có trưng cầu dân ý thì tên nước phải nằm ở vị trí số 1. Hiện nay, đang nổi lên ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây là cái tên dùng cho cả nước trong giai đoạn 1945-1954, sau đó (khi đất nước bị chia cắt: 1954-75) nó được dùng cho riêng miền Bắc. Trong khi đó, tên ở miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Chưa biết dân ta sẽ chọn tên nào (trong 2 tên trên), nhưng thiếu sót của cả hai tên này là sử dụng ngữ pháp Hán-Việt theo thói quen của một thời xa xưa.

Những quốc hiệu khác nhau: Thể hiện một thời kỳ đau thương

Sau năm 1945, nước ta từ chỗ có vua (vương quốc) đã chuyển thành nước CỘNG HÒA. Còn tên VIỆT NAM tuy có từ khi triều Nguyễn đề xuất với nhà Thanh (khi nước ta còn phụ thuộc Trung Quốc), nhưng cũng chỉ từ năm 1945 mới được dùng phổ biến.

Do những biến động lịch sử đầy đau thương, nước ta có nhiều quốc hiệu khác nhau, nhưng trong đó, không bao giờ vắng hai từ CỘNG HÒA và VIỆT NAM. Nhận xét của ông Nguyễn Chí Đức là rất chính xác.

Các quốc hiệu của Việt Nam (quá khứ gần đây và hiện tại):
- Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945): đây là cách viết quốc hiệu theo ngữ pháp Hán-Việt (tính từ đặt trước danh từ), thói quen cũ, nhưng nay thấy không hợp lý nữa. Đây là tên nước ta sau từ 1945, sau đó khi đất nước bị chia cắt thì tên này dùng cho miền Bắc, đứng trong phe cộng sản. VNDCCH có hiến pháp riêng vào năm 1946 và 1959.

- Việt Nam Cộng Hòa (1954): cũng viết theo ngữ pháp Hán-Việt; là tên dùng cho nửa nước phía Nam, thân tư bản. Có hiến pháp vào năm 1956 và 1967

- Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: viết rất đúng ngữ pháp tiếng Việt, là tên dùng cho nửa nước phía Nam, thân cộng sản. Có tài liệu nói đây là chính phủ do VNDCCH (miền Bắc) dựng lên. Có lẽ đúng, vì không có nổi hiến pháp và thủ đô.

- Cộng Hòa XHCN Việt nam: viết đúng ngữ pháp Việt, là tên dùng sau khi đất nước thống nhất (1975), khi đảng CSVN khẳng định nước ta sẽ tiến thằng lên CNXH. Hiến pháp lập năm 1980 và 1992 (nay đang sửa đổi).

Có hai nhận định trái ngược, nhưng đều rất xác đáng

1) CNXH (hiểu theo nghĩa tốt đẹp) thì nước ta chưa hề có. Do vậy đây chỉ là cái nhãn đẹp dán lên một sự vật còn quá xa xôi, ảo tưởng. Có người ví: Đó là hòn đá bị dán lên hai chữ “vàng ròng”.

2) Ngược lại, thực tiễn nước ta và thế giới, khiến nhiều người kinh hãi, dị ứng với từ ngữ XHCN hay CNXH. Chế độ bộ lạc và tàn bạo Lybia cũng có thời mang tên XHCN.

Đổi quốc hiệu: Chuyện lớn, phải do toàn dân quyết định

Nếu coi dân là người chủ đất nước, thì việc đặt tên nước phải được toàn dân quyết định bằng trưng cầu ý dân, nhưng trước đây chưa hề làm.

Trưng cầu ý dân chính là hòn đá thử vàng để biết lời nói “mọi quyền lực thuộc về nhân dân” là thật thà hay giả dối. Và câu “ngoài lợi ích của dân, đảng không có lợi ích nào khác” là thật hay đùa.

Bởi vậy, sửa đổi hiến pháp 1992 là cơ hội trưng cầu ý dân về tên nước ta.

Ý kiến cá nhân

- Tên nước ta hiện nay, ngoài Cộng Hòa và Việt Nam còn đeo thêm tính từ XHCN. Tiếng Anh (Pháp) socialist chỉ là 1 từ gồm 9 chữ cái đứng liền nhau, nhưng chuyển ngữ sang tiếng Việt đã thành 4 từ, nếu tính cả dấu và khoảng cách thì rất dài.

- Về nhận thức và tình cảm – như trên đã nhắc – hiện nay có hai cảm xúc tiêu cực khi nói tới CHXH và XHCN: CNXH đẹp như cái bánh vẽ (nhử con nít); hoặc CNXH rất xấu xa.

1) Cái bánh vẽ. Chủ nghĩa xã hội – theo nghĩa đẹp – hoàn toàn chưa thành hiện thực ở nước ta và bất cứ đâu trên thế giới. Theo lý thuyết do Mác nêu, CNXH cao hơn hẳn chủ nghĩa tư bản, ra đời từ CNTB khi CNTB đã phát triển hết mức (nhưng nay nó còn đang phát triển tiếp). Trong khi đó, nước ta vẫn là nước nông nghiệp, sức kéo chủ yếu vẫn là sức cơ bắp (người và súc vật). Đây là một đặc trưng của văn minh nông nghiệp. Bởi vậy, nhiều người cho rằng cái tính từ XHCN (hiểu theo nghĩa đẹp đẽ) bị gán ghép rất khiên cưỡng vào quốc hiệu nước ta. Có người ví, không thể dán cái nhãn “con rồng” vào con rắn mà rắn sẽ thành rồng. Ví von khác: Cái nhãn tiến sĩ được dán vào trán những vị học “giả”, dù nhãn là “thật”. Vô số ví von khác. Có người nói toạc: Đó là bánh vẽ. Sự mỉa mai này không dễ bác bỏ.

2) Cái tên gợi sự kinh hãi. Trên thế giới, nhiều nước mang tên XHCN là những nước rất nghèo, thậm chí độc đoán và bị lật đổ. Khi trưng cầu dân ý (để gia nhập EU, hoặc để thông qua hiến pháp mới) dân chúng ở các nước XHCN cũ (Đông Âu, Nga và chư hầu, Lybia…) đều quyết định đoạn tuyệt với từ CNXH.

Xin đảng hỏi dân để đổi tên nước ta.

Hai lý do nêu trên, khiến chúng ta khó mà chấp nhận tính từ XHCN trong tên nước.

Trong những tên cũ, tôi thấy không tên nào dùng được, nhất là những cái tên gợi ra quá khứ chia cắt đất nước, anh em một nhà đối địch nhau. Muốn hòa giải, nhất thiết không thể dùng lại các tên đó, dù là VNDCCH hay CHVN.

Tôi đồng ý cái tên đã có người đề xuất: CỘNG HÒA VIỆT NAM.

Trong mọi nội dung nêu trên, tôi không phải người đầu tiên.
Mong dịp này, đảng cho dân phúc quyết hiến pháp, trong đó số 1 là tên nước.

Hà Thị Đông Xuân


No comments:

Post a Comment

View My Stats