Lê Xuân Khoa
Posted by adminbasam on
23/08/2015
Đi
theo Tàu hay đi với Mỹ? Thay đổi ôn hòa hay bạo loạn?
Sau khi viết bài “Việt
Nam: Cơ hội cuối cùng hay những bước Đột phá cần thiết” (tháng Sáu,
2014) tôi nghĩ sẽ không phải làm gì khác hơn là theo dõi tình hình trong và
ngoài nước, trông đợi những thay đổi có lợi ích cho đất nước. Tháng Bảy năm
nay, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, được gọi là
“chuyến thăm lịch sử”, tôi lại thấy cần đóng góp thêm một số nhận xét về tình
hình mới. Chuyến đi Hoa Kỳ của ông Trọng cho thấy phe bảo thủ thân Trung Quốc
dường như đã muốn quay lưng lại phía Bắc Kinh và tiến tới gần hơn với Hoa Kỳ.
Lý do của sự chuyển hướng này là vì Bắc Kinh đã lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam
và Tập Cận Bình lại có thái độ khinh miệt TBT Nguyễn Phú Trọng sau sự cố giàn
khoan HD-981. Phe thân Trung Quốc vừa căm hận vì bị Bắc Kinh hạ nhục, vừa lo ngại
phe chống Trung Quốc có thể làm một cuộc đảo chính với sự ủng hộ của nhân dân
đang phẫn nộ đối với một chính quyền bị coi là “hèn với giặc, ác với dân”. Mặc
dù chuyến thăm nước Mỹ của ông Trọng có tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất,
sự kiện Tổng thống Barack Obama đặc biệt tiếp đón người cầm đầu Đảng Cộng sản
Việt Nam tại Phòng Bầu dục và bản Tuyên Bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ đã giúp
cho Nguyễn Phú Trọng gỡ lại được thể diện sau khi bị Tập Cận Bình làm mất mặt,
do đó quan hệ hợp tác Việt-Mỹ có triển vọng gia tăng nhiều hơn về cả hai mặt
kinh tế và quân sự.
Một điểm tích cực khác cần được chú ý trong chuyến
công du này của TBT Nguyễn Phú Trọng là, tại thủ đô Hoa Kỳ, ông đã hai lần xác
nhận vai trò quan trọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Lần đầu, trong bản
Tuyên bố chung Việt-Mỹ, ông Trọng “nhìn nhận sự thành công của người Việt Nam tại
Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ
cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Lần thứ hai là trong bài diễn văn được soạn trước (tức là đã được tính toán kỹ)
tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Trọng đã dùng những
từ “đặc biệt” và “hết sức quan trọng” để nói về “cộng đồng đông đảo người Việt
Nam tại Hoa Kỳ” mà ông định nghĩa rất chính xác và thân tình là “công dân Hoa Kỳ
và cũng là đồng bào của chúng tôi”. Những lời phát biểu chính thức này của lãnh
đạo số một ở Việt Nam cho thấy một cách nhìn mới và một thái độ đúng đắn của
nhà cầm quyền trong nước đối với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.
Sự thể bên ngoài thì như thế nhưng chiều hướng chính
sách của Việt Nam vẫn chưa rõ rệt sau chuyến đi thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú
Trọng. Nội bộ lãnh đạo Đảng đang thảo luận đóng kín và gay go về những quyết định
cho 5 năm tới để được thông qua trong Đại hội 12 vào đầu năm 2016. Dù sao, đường
lối lãnh đạo mới sẽ phải được thấy rõ trong các dự thảo văn kiện của Trung ương
Đảng mà, theo thông lệ, sẽ được công bố khoảng năm tháng trước Đại hội. Giả thiết
Đảng và Nhà nước thật sự muốn chuyển hướng sang phía Hoa Kỳ, bài viết này sẽ
đóng góp một số ý kiến cụ thể về sự phát triển quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, cũng
như sứ mệnh xây dựng sức mạnh dân tộc bao gồm vai trò của cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt.
Phát
triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan tâm chung trước
sự kiện lãnh đạo Bắc Kinh đang biến Trung Quốc thành một “nhà nước hung đồ”
(rogue state) có tham vọng bá quyền, hành động phi pháp, đe dọa hòa bình và
phát triển trong khu vực, nhất là xâm phạm độc lập và chủ quyền của Việt Nam.
Quan hệ Việt-Mỹ cần được phát triển từ đối tác toàn diện sang hợp tác chiến lược
toàn diện, và VN đang rất cần sự giúp đỡ của HK để có thể tự bảo vệ độc lập và
phục hồi kinh tế. Mục tiêu chung ấy đã được cả hai chính phủ khẳng định và đang
nỗ lực gia tăng hợp tác trên mọi lãnh vực.
Quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ là duy trì quyền tự do
lưu thông trên Thái Bình Dương, bảo vệ an ninh và phát triển quan hệ hợp tác với
tất cả các nước trong khu vực. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc
thể hiện quyết tâm làm chủ Biển Đông Nam Á, nhất là bồi đắp các bãi đá thành đảo,
xây dựng đường bay và căn cứ quân sự trong khu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa,
Hoa Kỳ cần có sự hợp tác của Việt Nam để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc
Kinh. Đối với lãnh đạo Việt Nam, mối quan tâm sâu sắc nhất trong quan hệ hợp
tác với Hoa Kỳ là sự tồn tại của Đảng và chế độ. Nỗi lo ngại này đã được Hoa Kỳ
giải tỏa từ chuyến thăm Washington của CT Trương Tấn Sang năm 2013, nhưng nhóm
bảo thủ muốn được xác nhận rõ hơn trong chuyến thăm Mỹ năm nay của TBT Nguyễn
Phú Trọng. Họ đã được toại nguyện khi thấy Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí Thư Đảng
CSVN tại Phòng Bầu Dục và bản Tuyên bố chung năm nay xác nhận điều hai bên đã
công bố năm 2013, “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của nhau.”
Rào cản duy nhất trên con đưòng hợp tác toàn diện là
vấn đề cải thiện nhân quyền ở VN. Thật là một nghịch lý khi các lãnh đạo Việt
Nam đều thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của cơ chế hiện thời, muốn xây dựng một
“xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”nhưng lại coi vấn đề cải thiện nhân quyền
như một đe dọa cho chế độ và ổn định xã hội. Dù sao, quyền con người cũng đã được
khẳng định ngay trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa có nguồn gốc từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người
đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm
phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc”. Chân lý này về quyền con người cũng là nguyên tắc cơ bản của Hiến
pháp VN 2013, được ghi rõ trong Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm
chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người,
quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển
toàn diện.” Ngoài ra, với tư cách một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam
cũng cam kết tôn trọng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đặc biệt là Công ước
Quốc tế về các Quyền kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền
Dân sự và Chính trị.
Trong bài diễn văn tại trung tâm CSIS, TBT Nguyễn
Phú Trọng xác nhận “còn không ít vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết trong đó
có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng
một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.” Như vậy, đã đến lúc Việt
Nam cần vận dụng những nỗ lực không mệt mỏi đó vào việc thể hiện quyền con người
như đã được ghi trong Tuyên ngôn độc lập 1945, mô tả đầy đủ trong Tuyên ngôn Quốc
tế Nhân quyền, và gần đây nhất được xác nhận lại trong Hiến pháp 2013.
Thật ra, trong những cuộc thảo luận giữa Mỹ và VN về
nhân quyền không có sự khác biệt về định nghĩa hay nội dung của nhân quyền mà
chỉ có sự khác thường trong cách giải thích và thực hiện nhân quyền của Việt
Nam. Sau 70 năm cầm quyền, trong đó có 40 năm thống nhất và 20 năm quan hệ bình
thường với Hoa Kỳ, vấn đề quyền con người sẽ không thể được giải quyết nếu Việt
Nam cứ viện dẫn một cách nhàm chán những lý do về “cách hiểu khác” của Việt Nam
về vấn đề nhân quyền và quả quyết “Việt Nam không có tù nhân lương tâm hay
chính trị mà chỉ có tù hình sự.” Nói thẳng ra, đây chỉ là một cách mua thời
gian cho sự lạm quyền của chế độ.
Xin hỏi: Chính phủ có tôn trọng nhân quyền hay không
khi công an bắt bớ và đánh đập tàn nhẫn những người dân đi biểu tình bất bạo động
chỉ để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất và biển của Việt Nam? Xin hãy
trả lời: tại sao blogger Tạ Phong Tần viết bài chống tham nhũng rất đúng mà bị
kết án 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”? tại sao nhạc sĩ trẻ Việt
Khang làm hai bản nhạc yêu nước rất chân tình “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu”
mà bị án 4 năm tù và 2 năm quản chế, cũng với tội danh “tuyên truyền chống nhà
nước”? tại sao doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bày tỏ chính kiến khác biệt của một
trí thức trong cuốn sách “Con đường nào cho Việt Nam” lại bị kết tội “âm mưu lật
đổ chính quyền nhân dân” và lãnh án tới 16 năm tù? Đây chỉ là một ít thí dụ điển
hình cho hàng trăm người bị bắt giữ vì phát biểu ý kiến khác biệt nhưng hoàn
toàn ôn hòa, không một người nào có hành vi bạo động. Làm sao có thể hiểu được
khi TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố giữa thủ đô Hoa Kỳ: “Tôi khẳng định rằng Việt
Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người. Chúng tôi đang nỗ lực
xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.” Ông còn quả
quyết: “Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ
như hiện nay.” Ôi, thế này thì Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây phương cần phải học
tập và áp dụng mô hình dân chủ của Việt Nam.
Nhân quyền là một chân lý phổ quát, không có một
chính thể nào có thể nhân danh nhân quyền để vi phạm “quyền sống, quyền tự do
và mưu cầu hạnh phúc” của con người. Ngay cả chính trị học Nho giáo cũng dựa
trên cơ sở “dân vi quý” tức là các chính sách của nhà nước phài phù hợp với ý
nguyện của nhân dân, vì “Ý Dân là Ý Trời”. Dân là nước, chính phủ là thuyền, và
như lời Mạnh Tử “nếu lãnh đạo coi dân như cỏ rác thì dân sẽ coi lãnh đạo như
thù địch”. Trong trường hợp đó, thay vì tiếp tục chở thuyền, nước sẽ lật thuyền.
Thật là một sự tình cờ thú vị vì quan điểm về dân chủ này lại được khai triển
rành mạch trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ngay sau đoạn có câu về quyền
con người được Hồ Chí Minh dùng để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, hoàn
toàn phù hợp với tình trạng VN ngày nay, dù đây là tiếng nói của 13 tiểu bang đầu
tiên của nước Mỹ ngày 4.7.1776 chống lại sự áp bức của Vương quốc Anh:
“Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính
phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở
sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó
phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính
quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc
cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt
nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.
“Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta hiểu rõ rằng
một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên thay đổi
chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng tỏ điều
đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ cam chịu
nó, hơn là tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc.
Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi những mục
tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có
quyền và có bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến sĩ mới
để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai . . .”
Trong trường hợp Việt Nam, không chỉ có vấn đề “chế
độ chuyên quyền độc đoán,” nhóm lãnh đạo ngày nay còn mắc tội phản quốc nếu
không kịp thời chuyển hướng, phủ nhận bản mật ước nhục nhã giữa hai Đảng ở
Thành Đô năm 1990, vô giá trị vì không hề được Quốc hội thông qua, do lỗi lầm của
nhóm lãnh đạo hồi đó.
Tôi không nghĩ rằng trong những cuộc thảo luận về
nhân quyền, các đại diện Hoa Kỳ muốn ép buộc Việt Nam phải rập khuôn tổ chức
chính trị, sinh hoạt văn hóa và xã hội của nước Mỹ; họ chỉ yêu cầu Việt Nam phải
tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người mà VN đã xác định trong Hiến
pháp 2013 nhưng không thi hành. Những quyền tự do căn bản đó không chỉ phù hợp
với Hiến pháp và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà cũng phản ánh tinh thần của
bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và rất đúng với ý nguyện của nhân dân Việt
Nam.
Như vậy, đã đến lúc phải khai thông những cuộc thảo
luận Việt-Mỹ về vấn đề nhân quyền. Việt Nam hãy bỏ ý định đòi Mỹ phải chấp nhận
quan điểm ngoan cố của mình trong chuỗi đối thoại đã kéo dài 20 năm qua. Nói rằng
“có cách hiểu khác nhau” về nhân quyền là một lối nói ngụy biện, trái với Tuyên
ngôn Độc lập và Hiến pháp 2013. Nói rằng “không nên để các vấn đề nhân quyền cản
trở quan hệ hai nước” là cách nói vơ vào, có nghĩa là chuyện nhân quyền chỉ để
nói chơi, chuyện chính là các dự án đầu tư, thương mại và viện trợ của HK cho
VN. Nói thế là không biết rằng chính phủ Mỹ luôn luôn chịu áp lực của Quốc hội
về vấn đề nhân quyền. Vì vậy, cùng với quyết định thoát khỏi sự khống chế của
Trung Quốc và chọn sự hợp tác bình đẳng với Hoa Kỳ, Việt Nam cần dứt khoát từ bỏ
thái độ lúng túng, trì hoãn, nói một đàng làm một nẻo, khiến cho quan hệ phát
triển với Hoa Kỳ bị trì trệ, Trung Quốc lấn át, nhân dân càng phẫn nộ.
Chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng là cơ hội tốt
nhất cho chính quyền chứng tỏ quyết định sáng suốt và thành thật, củng cố lòng
tin chiến lược đối với Hoa Kỳ và được sự ủng hộ của nhân dân. Việt Nam chỉ cần
thi hành những điều đã ghi rõ trong bản Tuyên bố chung : “. . . bảo đảm rằng mọi
người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt
giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn
tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện
nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà
Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy
và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.”
Vì những lẽ trên, chính quyền không
nên chậm trễ thiết lập một lộ trình chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ, bắt đầu
bằng việc phóng thích tất cả những người bị bắt giữ vì yêu nước và vận động dân
chủ một cách hòa bình. Chính quyền cần mở ngay những cuộc đối thoại thẳng thắn
với trí thức độc lập và ban hành một số biện pháp cởi mở về tự do, dân chủ.
Cộng
đồng công dân Mỹ gốc Việt
Sự kiện TBT Nguyễn Phú Trọng chính thức nhìn nhận
vai trò của người Mỹ gốc Việt trong chuyến đi lịch sử này đánh dấu một sự thay
đổi quan trọng trong thái độ và chính sách của lãnh đạo Việt Nam, không chỉ đối
với công dân Mỹ gốc Việt mà còn đối với toàn thể người Việt đã trở thành công
dân ở nhiều nước khác trên thế giới. Sự chuyển hướng này là một bước đột phá cần
thiết, đặc biệt đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vì cộng đồng này có thể
gây ảnh hưởng thuận lợi hay bất lợi cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hoa
Kỳ và Việt Nam.
Nếu sự chuyển hướng này là có thật thì cũng đã đến
lúc Nghị quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính trị phải được thay thế bằng một văn kiện
khác, vì những người soạn Nghị quyết 36 đã sai lầm khi thiết lập một chính sách
chung cho hai đối tượng khác nhau là Việt kiều và công dân ngoại quốc gốc Việt.
Việt kiều (hay kiều bào) là những công dân Việt Nam ra nước ngoài trong
một thời gian để làm lao động, tu nghiệp, du học, đầu tư kinh doanh, hay công
tác có thời hạn cho chính phủ, làm việc cho các tổ chức quốc tế hay tư nhân.
Chính sách giúp đỡ và bảo vệ (hay trừng phạt) Việt kiều không thể áp dụng đối với
những người đã trở thành công dân ngoại quốc. Về mặt pháp lý, công dân ngoại
quốc gốc Việt là người nước ngoài, có quyền lợi và bổn phận với quốc gia mình
đã nhập tịch; “gốc Việt” chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm giữa những người đồng
chủng, nhưng yếu tố tình cảm này lại rất quan trọng vì qua đó họ sẽ đóng góp
cho đất nước nhiều hơn là người dị chủng, nếu họ được chính quyền đối xử có
tình, có nghĩa. Ngay cả khi bị chính quyền nghi ngờ và gây nhiều khó khăn, những
cá nhân hay tổ chức nhân đạo do người Việt nước ngoài thành lập vẫn vì tình
nghĩa đồng bào mà tiếp tục giúp đỡ dân nghèo, những nạn nhân của bịnh tật, của
thiên tai và bất công xã hội. Người ngoại quốc khác chủng tộc đến Việt Nam với
mục đích làm ăn, xong việc rồi về nước, hiếm khi có sự ràng buộc tình cảm với
quốc gia sở tại.
Bài này chủ yếu nói về công dân Mỹ gốc Việt nhưng
cũng đúng cho những công dân gốc Việt từ các nước khác. Chính sách của chính
quyền trong nước đối với công dân nước ngoài gốc Việt cho đến nay, trừ một số
trường hợp, vẫn là một chính sách ban ơn và có mục đích khai thác. Do thói quen
suy nghĩ và hành động ở những nước dân chủ, tất cả những người Việt Nam định cư
ở nước ngoài khi về tới Việt Nam, dù chỉ để du lịch hay thăm bà con, cũng ít
nhiều đều bị nhân viên an ninh kiểm soát, theo dõi. Điều này có thể hiểu được
và tạm coi là chuyện bình thường. Nói chung thì với phương tiện khá đầy đủ của
một du khách, người Mỹ gốc Việt có thể sống thoải mái ở bất cứ tỉnh, thành nào
trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi có công việc phải liên lạc với một cơ quan chính
quyền, nếu không quen biết hay được giới thiệu trước, thì sẽ thường bị rắc rối
về thủ tục, tốn kém thì giờ và có thể tiền bạc nữa.
Đáng chú ý là trường hợp những giáo sư, học giả, nhà
văn, về Việt Nam tìm kiếm tài liệu nghiên cứu hay viết sách, nếu không được
phép trước mà tự ý tiếp xúc với các cá nhân có tư tưởng cấp tiến hay những tổ
chức không chính thức ở trong nước, sẽ không khỏi bị công an mời đến “làm việc”,
có thể bị cảnh cáo, ngăn cấm hay trục xuất, tùy theo mức độ bị nghi ngờ. Các tổ
chức phi chính phủ (NGO) từ bên ngoài về làm chương trình nhân đạo hay giáo dục
đều phải khai báo để được sự chấp thuận của Ủy ban Điều phối Viện trợ Nhân dân
(PACCOM) tại Hà Nội hay chi nhánh ở các địa phương. Trừ một vài trường hợp quá
“thân” với chính quyền, các NGO Mỹ gốc Việt dù đã hoàn tất mọi thủ tục và giúp
đỡ đồng bào từ nhiều năm qua vẫn chưa được PACCOM công nhận trong danh sách các
NGO được chính thức hoạt động tại Việt Nam. Ngay cả một tập hợp trên 30 NGO Mỹ
gốc Việt (VANGO Network) thành lập năm 2005 sau những hội nghị chính thức với
PACCOM , Ford Foundation và USAID, để phối trí các chương trình nhân đạo được
hiệu quả hơn, cho đến nay cũng vẫn chưa được PACCOM chính thức công nhận.
Những trí thức, chuyên gia và thành viên của các NGO
ở nước ngoài không ít thì nhiều đều khó chịu về những thủ tục khó khăn hay những
hạch hỏi vô lý về chính trị do quen biết những người hay tổ chức đang bị công
an theo dõi ở trong hay ngoài nước. Một số quyết định không trở lại Việt Nam
cho đến khi nhà nước thay đổi chính sách. Nhưng rất nhiều người, vì nhu cầu
công việc, vì cần thăm nom cha mẹ già hay những lý do bình thường khác, đã phải
nhẫn nhịn để khỏi bị làm khó dễ khi xin “thị thực” (tôi dùng chữ “visa” đã quốc
tế hóa dễ hiểu hơn). Phải nói thẳng ra rằng chính phủ Việt Nam đang giữ lợi thế
“nắm đằng chuôi” trong chính sách đối xử với tất cả những người ở nước ngoài cần
hay muốn có visa đi VN . Visa là vũ khí đe dọa có hiệu lực nhất để kiểm soát và
ngăn ngừa mọi thái độ chỉ trích hay phản đối chính quyền của những người từ bên
ngoài muốn du lịch, thăm gia đình hay làm việc ở VN. Trừ một ít trường hợp ngoại
lệ, tất cả các NGO nước ngoài đều bị bộ máy an ninh xếp vào thành phần “diễn biến
hòa bình” nguy hiểm chỉ vì ảnh hưởng tự nhiên của hoạt động nhân đạo. Đặc biệt
đối với các NGO Mỹ gốc Việt thì visa là thanh gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu,
vì họ là đối tượng đáng nghi nhất, vì họ có nhiều cơ hội gần gũi và trực tiếp
giúp đỡ người nghèo và bệnh tật, do đó được nhân dân có cảm tình và tin cậy.
Ngày nay, với “những nỗ lực không mệt mỏi” như TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố
về cải thiện nhân quyền, đã đến lúc Việt Nam nên chủ động “diễn tiến hòa bình”
(dịch đúng nghĩa của ‘peaceful evolution’) để có thể tiếp nhận nhiều hơn và điều
phối có kết quả tốt hơn các dự án nhân đạo và phát triển của các NGO nước
ngoài, nhất là NGO Mỹ gốc Việt.
Ngày 14 tháng Bảy 2015, nhân dịp TBT Nguyễn Phú Trọng
có những lời phát biểu chính đáng về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi đã viết
bài “Hòa
giải với người chết” yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy giải quyết dứt điểm
một vấn đề đã kéo dài 40 năm qua gồm chương trình tìm mộ và cải táng hài cốt những
tù cải tạo đã chết trong thời gian bị giam cầm, và chương trình trùng tu Nghĩa
trang Quân đội Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Bài viết đưa ra công khai
nhiều chi tiết về cuộc vận động và những nỗi thăng trầm của tổ chức Vietnamese
American Foundation (VAF), một NGO Mỹ gốc Việt do một số cựu tù cải tạo và con
em gia đình tử sĩ VNCH thành lập chỉ chuyên lo vận động và thực hiện hai chương
trình nói trên từ đầu năm 2007. Trường hợp VAF được nêu lên với mục đích thử
thách thiện chí của chính quyền trong việc nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng
đồng công dân Mỹ gốc Việt trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Nếu một dự
án hoàn toàn phù hợp với đạo lý con người như của VAF, nhất là đối với những
người đã khuất, mà lãnh đạo trong nước vẫn không chịu giải quyết dứt khoát thì
chắc chắn sự phát triển quan hệ giữa hai nước sẽ gặp nhiều trở ngại khó vượt
qua. Đó là lý do khi VAF bị ngăn cấm, các thân hữu của tổ chức đã vận động được
Quốc hội Mỹ lên tiếng can thiệp và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng quyết định đưa dự án của
VAF vào những cuộc thảo luận song phương.
Kết quả tức thời là chính quyền tỉnh Bình Dương đã
cho phép VAF tiếp tục chương trình trùng tu các ngôi mộ nhưng vẫn phải qua tên
cá nhân (chủ tịch VAF đã phải nhờ ông Lê Thành Ân, cựu TLS Mỹ, tạm thời đứng
tên xin phép trùng tu một số mộ) và hợp tác thực hiện việc cắt bỏ những cây đã
mọc trên mộ và làm sạch cò tại những lô mộ đã trùng tu. Tuy nhiên, đây vẫn có
thể chỉ là những đáp ứng rất hạn chế trong kế hoạch trì hoãn việc trùng tu
NTBH, thâu hẹp diện tích nghĩa trang để lấy đất cho thuê, khuyến khích gia đình
tử sĩ đưa hài cốt thân nhân về quê hay cải táng ở nơi khác, tạo sự cạnh tranh
giữa các hội đoàn thiện nguyện người Việt ở nước ngoài. Tất cả những hoạt động
có tính phá hoại này đều nhắm đến mục tiêu tối hậu là không để cho NTBH trở
thành một di tích lịch sử của cuộc nội chiến 20 năm. Tới đây cũng cần nói thêm
là VAF không có ý định độc quyền trùng tu NTBH nên đã kêu gọi mọi người cùng
trùng tu mộ và sẵn sàng lui bước nếu có hội đoàn nào được cộng đồng và hai
chính phủ Mỹ, Việt tín nhiệm, có đầy đủ khả năng đạt được mục tiêu tối hậu là
NTBH được duy trì và bảo quản như một di tích lịch sử. Quan trọng nhất là phải
chứng tỏ được sự minh bạch về tài chánh và lề lối làm việc. Tôi nghĩ phương
cách thực tế và có hiệu quả nhất là các hội đoàn đã hay muốn tham gia công việc
trùng tu mộ nên phối hợp với chương trình trùng tu theo kế hoạch và mô hình thống
nhất của VAF. Như vậy vừa giữ được sự tín nhiệm của cộng đồng, tránh được nạn
thâm lạm quỹ trùng tu, vừa vô hiệu hóa được âm mưu chia rẽ của những kẻ có ác
ý. Với sự ủng hộ của chính phủ và Quốc hội Mỹ, chương trình trùng tu NTBH sẽ
mau chóng đạt được mục tiêu mong muốn.
Vì nguồn gốc là tị nạn cộng sản sau biến cố tháng Tư
1975, cộng đồng công dân Mỹ gốc Việt không thể đương nhiên đóng góp tiền bạc và
trí tuệ cho sự phát triển đất nước chỉ vì được các lãnh đạo VN phong cho nhãn
hiệu “khúc ruột ngàn dặm” hay “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Xin
đừng quên rằng khi ra đi trong cơn nguy cấp, người tị nạn đã phải bỏ lại hết
tài sản và sự nghiệp, mồ mả tổ tiên, bà con và bạn bè thân thiết. Hiện tượng
“thuyền nhân” vượt biển gian nan và bi thảm chưa từng thấy trong lịch sử loài
người đã diễn ra liên tiếp trong gần hai chục năm. Mấy trăm nghìn đồng bào đã
phải làm mồi cho cá biển, hàng nghìn phụ nữ đã bị hải tặc hãm hiếp hay bắt đi mất
tích. Ngót một triệu người khác đã phải trải qua cuộc sống khổ cực trong các trại
tạm trú ở Hong Kong và Đông Nam Á cho đến khi được chấp thuận đi định cư ở một
quốc gia đệ tam hay bắt buộc phải hồi hương, đợt cuối là vào năm 1995. Cũng
không thể không nhắc đến gần một triệu quân nhân, công chức bị đầy đọa trong
các trại lao động cải tạo khiến hàng chục ngàn người đã chết trong thời gian bị
cầm tù, từ dưới 1 năm đến 15 năm hay hơn nữa. Những người sống sót khi được thả
về đã bị đối xử kỳ thị trong nhiều năm, không có công ăn việc làm, con cái
không được đi học. Rất nhiều gia đình đã bị tan vỡ hay ly tán.
Sau 40 năm định cư và hội nhập thành công ở Hoa Kỳ
nay đã đến thế hệ thứ ba, người Việt tị nạn đã trở thành công dân Mỹ và đã hội
nhập thành công trên mọi địa hạt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Không ai
có thể quên được quá khứ đau thương nhưng đa số đều hướng về tương lai, mong muốn
và sẵn sàng giúp cho quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và trở thành một
quốc gia phát triển. Theo tạp chí Tài Chính ở trong nước (9/2/2015), “tổng lượng
kiều hối năm 2014 cán mốc 12 tỷ USD. Số lượng dự án được các kiều bào đăng ký đầu
tư về nước đến thời điểm này là 2.000 dự án, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD
mỗi năm.” Thử tưởng tượng Việt Nam thật sự quyết định thoát Trung, hợp tác chiến
lược với Hoa Kỳ ở Biển Đông Nam Á, tham gia Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình
Dương (TPP) và chủ động dân chủ hóa chế độ, thì lượng kiều hối từ người Việt ở
nước ngoài chắc chắn sẽ gia tăng tới bao nhiêu, nhất là khi đó sẽ có thêm sự
đóng góp trí tuệ của hàng chục nghìn nhân tài gốc Việt ở Hoa Kỳ và các nước
khác vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam sẽ có những
“tiền đồn” trợ lực vững mạnh từ những cường quốc văn minh nhất trên thế giới.
Nhưng triển vọng tốt đẹp ấy chỉ có thể thành sự thật
nếu chế độ độc tài toàn trị được thay thế bời một chế độ của dân, do dân và vì
dân. Sự chuyển đổi thể chế này, như trên đã trình bày, hoàn toàn là vấn đề nội
bộ, giữa chính quyền và nhân dân trong nước. Hoa Kỳ không liên quan và, do luật
Neutrality Act, cũng đã chính thức xác định “không can thiệp vào những vấn đề nội
bộ của Việt Nam.” Công dân ngoại quốc gốc Việt cũng mong muốn có sự chuyển hóa
trong hòa bình và cũng chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ. Chính quyền cần phân biệt
những tổ chức muốn có vai trò chính trị ở trong nước với các NGO thuần túy. Các
tổ chức xã hội dân sự ở trong nước có thể đón nhận sự trợ giúp của những nhóm vận
động cho nhân quyền ở bên ngoài nhưng cần hiểu rõ động cơ cá nhân của những người
cầm đầu để có thể tránh bị lợi dụng bởi những “nhà thầu” đầy thủ đoạn nhưng đã
có nhiều thành tích xấu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Một số trí thức
có uy tín ở trong nước như TS Nguyễn Quang A hay GS Nguyễn Huệ Chi, do có nhiều
dịp xuất ngoại tiếp xúc với nhiều cá nhân và tổ chức cộng đồng, có thể cung cấp
những thông tin chính xác về động cơ và khả năng hỗ trợ của những cá nhân và tổ
chức ở bên ngoài. Tất nhiên, nếu Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ thì
chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, trong đó có công dân Mỹ gốc Việt, sẽ ủng hộ Việt
Nam mạnh mẽ hơn nữa. Mọi đảm bảo đã có sẵn, vấn đề chỉ còn là chính quyền Việt
Nam có muốn thực hiện hay không.
Cách
mạng Nhung ở Việt Nam?
Thực tế chính trị ở nhiều nước cho thấy sự thay đổi
từ một chế độ độc tài toàn trị sang chế độ dân chủ tam quyền phân lập không thể
diễn ra trong một sớm một chiều, ngay cả trong trường hợp cách mạng bạo động.
Đã có nhiều chế độ độc tài bị lật đổ bằng bạo động nhưng lại được thay thế bằng
một chế độ độc tài khác. Trái lại, có nhiều cuộc chuyển hóa thể chế một cách
hòa bình đã thành công như trường hợp Hung-ga-ri, Đông Đức hòa nhập vào Tây Đức,
“cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và nhiều nước Đông Âu khác, trong đó lãnh đạo cộng
sản đã phải trao quyền lại cho một chính quyền dân chủ. Trong trường hợp Việt
Nam, Đảng Cộng sản đã phạm quá nhiều sai lầm và tội ác, đã trở thành một đảng độc
tài, tham nhũng, phản bội nhân dân và các đảng viên yêu nước, nhưng vẫn có thể
tồn tại đến ngày nay là nhờ sự bảo hộ của Trung Quốc do nhóm lãnh đạo Hà Nội
sang Thành Đô cầu cứu năm 1990. Từ đó, Bắc Kinh đã có cơ hội sử dụng quyền lực
mềm để từng bước lấn chiếm lãnh thổ, cướp đoạt tài nguyên trên đất và trên biển,
lèo lái đường lối chính trị, lũng đoạn kinh tế và Hán hóa dân tộc Việt. Hơn thế
nữa, Trung Quốc còn dùng Việt Nam làm căn cứ chiến lược để làm chủ toàn thể Biển
ĐNÁ, kiểm soát toàn thể các nước ASEAN, do đó xâm phạm lợi ích cốt lõi của Hoa
Kỳ và đe dọa các nước trong khu vực.
Thái độ lộng hành của Trung Quốc cùng với lời ngoại
trưởng Dương Khiết Trì răn đe các nước ASEAN là “những nước nhỏ” đã khiến cho
các nước trong khu vực đều trông cậy vào sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển ĐNÁ.
Khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981, Tập Cận Bình nhiều lần từ chối gặp TBT Nguyễn
Phú Trọng làm cho nhóm lãnh đạo thân TQ bị mất mặt và thấy rõ mình bị phản bội
và khinh thường trắng trợn. Sau đó, khi Dương Khiết Trì sang Việt Nam kêu gọi
“đứa con hoang hãy trở về” thì nhân dân Việt Nam bỗng sục sôi lòng yêu nước và
sẵn sàng nổi dậy ủng hộ bất cứ một chính biến nào loại trừ những kẻ còn bám víu
vào TQ. Đó là những lý do khiến ông Nguyễn Phú Trọng và phe thân Tàu có thể đã
quyết định phải thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc và quay sang hợp tác với
Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự chuyển hướng ấy vẫn còn dè dặt, chậm chạp, vì lãnh đạo cộng
sản vẫn sợ là đi với Hoa Kỳ thì chế độ sẽ bị lật đổ. Chính vì thế mà Tổng thống
Hoa Kỳ đã phải hai lần xác nhận, lần đầu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lần
thứ hai với Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng rằng Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế
chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (của Việt Nam).” Tiếp theo
đó, trong buổi họp báo ở Hà Nội cuối tháng Bảy vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius
còn nói rõ hơn, là “Mỹ không tìm cách thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.”
Điều đó khẳng định chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính
trị của mỗi quốc gia vì đó là chuyện nội bộ của mỗi nước. Đại Sứ Osius nhắc lại
điều đó với mục đích làm cho Việt Nam được yên tâm trong các nỗ lực cải thiện
nhân quyền như đã ghi rõ trong bản Tuyên bố chung. Nhưng điều đó lại có thể bị
Việt Nam mượn cớ để duy trì chế độ độc tài, độc đảng. Nói như TS Phạm Chí Dũng,
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập ở Việt Nam, “điều đó lên giây cót cho chế độ chính
trị ở Việt Nam.”
Đây là một vòng lẩn quẩn, một tình trạng bế tắc
chính trị mà Việt Nam cần phải quyết tâm thoát ra khỏi sớm ngày nào hay ngày ấy.
Như tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam tổ
chức ở Hà Nội ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo truyền thông
báo chí nhà nước cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa
đảng, lợi dụng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ và chia rẽ nội bộ. Tuyên bố
này đã khiến quan sát viên của đài RFA nêu câu hỏi là Việt Nam sẽ cải cách bằng
cách nào khi tiếp tục không chấp nhận đa nguyên chính trị?
Câu hỏi này đã được TS Phạm Chí Dũng, từ giới truyền
thông độc lập am hiểu tình hình trong nước, trả lời rằng ông được nghe thông
tin là “trong Đại hội 12 sẽ không diễn ra sự thay đổi lớn về triết lý chính trị.
. . Tôi hiểu là tất nhiên họ vẫn không chấp nhận đa nguyên đa đảng.”
TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Phát triển IDS đã tự giải thể năm 2008 vì bị mất tính độc lập, hiện là đại diện
của Diễn đàn Xã hội Dân sự, cũng trả lời RFA rằng “nhà nước không chấp nhận đa
nguyên chính trị, và đó là nguyên nhân của tình trạng bê bết vì tham nhũng,
kinh tế ách tắc hiện nay.” RFA còn nhắc lại những nhận định mạnh mẽ trước đó của
TS Nguyễn Quang A: “Do chuyện chỉ có độc đảng, không có cạnh tranh chính trị,
không có một thế lực độc lập lành mạnh luôn luôn canh chừng để vạch ra những việc
làm bậy bạ của những người đương chức và nó luôn kè kè là đến cuộc bầu cử tới
mà các ông làm bậy, thì dân bằng lá phiếu của mình sẽ đẩy các ông xuống và
chúng tôi sẽ lên. Đây là một cơ chế hùng mạnh vô cùng, để buộc người ta bớt
tham nhũng đi. Khi buộc người ta bớt tham nhũng đi thì các chính sách mới thực
sự thúc đẩy nền kinh tế thị trường…”
Câu hỏi của RFA về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của
Đảng, vừa muốn cải cách chính trị vừa muốn duy trì độc tài độc đảng, cũng là vấn
đề tôi đã nêu ra ở trên là cần thoát khỏi vòng lẩn quẩn và khai thông tình trạng
bế tắc chính trị hiện thời. Tôi đã đề nghị giải pháp thích hợp là Đảng và Nhà
nước mở ngay những cuộc tham khảo với trí thức cấp tiến để sớm thiết lập một lộ
trình (road map) chuyển hóa thể chế từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình
và ổn định.
Sau lá thư gửi Bộ Chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
năm 1995, trước Đại hội Đảng lần thứ 9 cho đến nay, qua các Đại hội Đảng 10 và
11, nhiều lão thành cách mạng, đảng viên, trí thức, đã lên tiếng về hiểm họa
Trung Quốc, đổi mới chính trị và nhiều vấn đề quan tâm khác, dưới những hình thức
kiến nghị, tuyên bố và thư ngỏ. Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, lãnh đạo đã
ý thức được nhu cầu chuyển hướng cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là
trực tiếp tham khảo với trí thức trong và ngoài đảng. Viện Nghiên cứu Phát triển
IDS cần được phục hồi, có thể đổi tên, và mở rộng. Trí thức trong và ngoài nước
đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, kể cả dự án cải cách toàn
diện. Đầu năm 2015, bảy tổ chức XHDS trong nước cùng để ra chương trình hoạt động
“Năm 2015 là Năm Công Dân”, mong muốn chuyển hoá một cách ôn hoà chế độ độc tài
toàn trị hiện tồn sang chế độ dân chủ với những bước đi thích hợp. Một tài liệu
khác cần xem xét trong việc thiết lập lộ trình chuyển hóa thể chế chính trị là
bài viết mới đây của TS Nguyễn Quang A, “Dân chủ hóa: Vài bài học quốc tế và kịch
bản khả dĩ cho Việt Nam” (Hội thảo Hè, Berlin, 24-25/7/2015). Tác giả đã tìm hiểu
quá trình chuyển đổi chính trị tại 14 quốc gia từ 1945 đến nay, rút ra một số
bài học thực tế và trình bày một số tiếp cận có thể áp dụng cho Việt Nam. Khi
các dự thảo văn kiện Đại hội 12 được công bố, sự đóng góp ý kiến và nhận định của
chuyên gia các giới về cương lĩnh, báo cáo chính trị và chiến lược phát triển
kinh tế, xã hội chắc chắn sẽ rất phong phú và sôi nổi. Câu hỏi lớn là bản đúc kết
các văn kiện vào cuối năm cho Đại hội 12 có đáp ứng được sự mong đợi của nhân
dân hay không?
Quả
thật, tình hình chính trị Việt Nam chưa bao giờ bí mật và khó hiểu như đang diễn
ra trước Đại hội 12. Chỉ thấy rõ là có sự đấu đá kịch liệt trong nội bộ
Đảng, nhất là từ khi trang blog Chân Dung Quyền Lực bỗng nhiên gây chấn động dư
luận trong và ngoài nước với một loạt bài tố cáo đich danh một số tham nhũng gộc
trong hàng ngũ lãnh đạo trong mấy tháng cuối 2014 và đầu 2015. Chiến dịch triệt
hạ uy tín của nhau khi lên đến mức báo động cho số phận của Đảng thì tạm ngưng
(chắc để điều đình với nhau) cho đến khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh vào
tháng Tư và đi Washington vào tháng Bảy. Hai tuần trước khi ông Trọng sang thăm
Mỹ thì sự cố về “sức khỏe” của Bộ trưởng Quốc Phòng bùng nổ với những tin tức
trái ngược và những hình ảnh đáng ngờ vực ngay cả trên các báo giấy hay báo mạng
“lề phải” (của chính quyền). Một số lãnh đạo cao cấp lại có những phát biểu
chính thức rất tự mâu thuẫn, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc bài diễn văn
gây kinh ngạc nhất trong ngày kỷ niệm 30.4.2015 bày tỏ lòng nhớ ơn “sự giúp đỡ
quý báu của Trung Quốc” và tố cáo “tội ác dã man của Đế quốc Mỹ”. Những quan
sát viên bình tâm theo dõi tình hình sẽ phải kết luận rằng đây là tình trạng “hỏa
mù” do chính các phe chống đối nhau trong bộ máy quyền lực đưa ra để dư luận bị
hoang mang, khó ủng hộ hay chống đối phe nào cho đến khi các dự thảo văn kiện Đại
hội được công bố (nếu có theo thường lệ) cho thấy phe nào đã thắng hay các phe
đã đạt được một đồng thuận nào đó.
Dù sao, các giới nhân dân không nên mất thì giờ chạy
theo các nguồn tin trái ngược để phỏng đoán sự thật. Dù
kết quả thế nào, đi theo Tàu hay đi với Mỹ, hay vẫn nhập nhằng “bình mới rượu
cũ” thêm 5 năm nữa, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự vẫn phải tập trung nỗ
lực vào việc xây dựng sức mạnh nhân dân để có thể ứng phó với mọi tình huống một
cách thích hợp. Kết quả mong đợi là một tiến trình chuyển hóa thể chế ôn
hòa từ độc tài sang dân chủ, nhưng nếu phe bảo thủ thân Tàu nắm được ưu thế thì
chỉ một ngòi nổ bất thường sẽ gây ra bạo loạn. Trong giai đoạn quyết định này,
trí thức, xã hội dân sự và các đảng viên yêu nước không thể chần chừ đòi hỏi
chính quyền phải dứt khoát từ bỏ chính sách mập mờ, nói một đàng làm một nẻo. Bằng mọi cách, phải ngăn chặn
ý đồ duy trì chế độ độc đảng độc tài mà hậu quả là đất nước sẽ hoàn toàn lệ thuộc
vào Trung Quốc trong 5 năm tới.
Lãnh đạo Đảng đã biết rõ sự chán ghét và bất mãn của
dân chúng đang gia tăng và lan rộng nên đã cho thấy ý muốn thoát Trung, nhưng
đây có thể chỉ là một bước lùi chiến thuật của Đảng để duy trì và củng cố quyền
lực. Trí thức và xã hội dân sự cần phải huy động các mầm mống bất mãn của nhân
dân thành một hậu thuẫn mạnh mẽ cho phong trào đổi mới, hoan nghênh bước lùi của
Đảng để đẩy tới tiến trình chuyển hóa chế độ chính trị. Hãy bắt đầu bằng việc
kêu gọi chính quyền thực hiện “những nỗ lực không mệt mỏi” mà TBT Nguyễn Phú Trọng
đã tuyên bố tại thủ đô nước Mỹ khi đề cập đến vấn đề nhân quyền. Cụ thể là yêu
cầu chính quyền chấp nhận đối thoại với trí thức và đảng viên yêu nước, thả những
người bị giam giữ vì biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, vì vận động cải thiện
nhân quyền hay phát biểu chinh kiến khác biệt, ngưng mọi hành động cướp đất và
đàn áp dân oan, hợp tác hơn với các NGO nước ngoài gốc Việt, v.v.
Những yêu cầu nhẹ nhàng này là những bước thử thách
thiện chí của nhà cầm quyền về việc chuyển lời nói thành hành động, qua đó sẽ dễ
dàng nhận ra đường lối đích thực của Đảng và Nhà nước là vì dân hay phản dân. Nếu
chính quyền chấp nhận những yêu cầu hợp lý trên đây và đồng ý cùng thảo luận với
trí thức cấp tiến về một lộ trình dân chủ hóa trong hòa bình và ổn định thì đó
sẽ là đại phúc cho dân tộc. Cuộc chuyển đổi thể chế trong ôn hòa này sẽ còn tốt
đẹp hơn cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc, vì sự ra đi của Tổng Bí Thư Milos
Jakes và đám lãnh đạo cộng sản ngoan cố ở Tiệp chỉ xảy ra sau một chuỗi sự kiện
khởi đầu bằng một vụ đàn áp sinh viên biểu tình kỷ niệm 50 năm cái chết của
sinh viên Jan Opletal bị quân Đức Quốc xã sát hại. Vụ đàn áp biểu tình này được
dàn dựng bởi chính cơ quan mật vụ StB, tung tin đồn là có một sinh viên tên
Martin Smid bị công an đánh chết. Do phản ứng dữ dội của quần chúng, Diễn đàn
Công dân (Civic Forum) của Vaclav Havel ra tuyên cáo yêu cầu tập đoàn lãnh đạo
phải từ chức, sau đó là những cuộc biểu tinh bất bạo động của hàng trăm ngàn
người trong mười ngày trên toàn quốc. Công an không chịu đàn áp biểu tình và
quân đội cũng không chịu can thiệp. Cuối cùng, khi Diễn đàn Công dân kêu gọi một
cuộc tổng đình công và hầu hết công nhân Tiệp Khắc tham gia thì bè lũ Milos
Jakes đành chịu thất bại và nhục nhã ra đi.
Tóm lại, Đại hội toàn quốc Đảng CS lần thứ 12 sẽ
thông qua các văn kiện Đảng và xác định chiều hướng chính sách đối nội và đối
ngoại trong 5 năm sắp tới. Kết quả là một cuộc chuyển hóa thể chế êm đẹp sẽ diễn
ra hay chế độ độc tài độc đảng sẽ tiếp tục thống trị đất nước một cách khắc
nghiệt hơn và tàn bạo hơn. Hi vọng rằng đa số lãnh đạo đủ tỉnh táo nhận ra chiều
hướng tất yếu của lịch sử và thời điểm đã tới để lựa chọn một giải pháp vừa an
toàn cho mọi người vừa có lợi ích to lớn cho đất nước. Mọi người Việt Nam trong
và ngoài nước đều đang theo dõi và chờ đợi các dự thảo văn kiện Đảng có thể được
công bố vào tháng tới và đúc kết trước cuối năm 2015. Chắc chắn một điều là ý
Dân và ý Trời sẽ không cho phép một chính quyền mới tiếp tục duy trì chế độ độc
tài độc đảng và quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc. Đã đến lúc phương châm nhảm
nhí “16 chữ vàng và 4 tốt” do Bắc Kinh áp đặt phải được vứt bỏ vào sọt rác của
lịch sử. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải trả lại cho nhân dân những quyền đã được
quy định trong điều 3 của Hiến pháp 2013, thực hiện những điều hứa hẹn về một
xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh.”
Chuyển hóa chế độ trong hòa bình và ổn định, hay
châm ngòi cho một cuộc bạo loạn thảm họa cho chế độ? Cứu nước hay bán nước? Đó
là câu hỏi cần được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời minh bạch trước Đại hội
toàn quốc thứ 12.
Lê
Xuân Khoa
22-08-2015
No comments:
Post a Comment