Monday, 17 August 2015

Vì sao chúng ta cứ thích bạo động? (VietTuSaiGon)





Sun, 08/16/2015 - 09:30 — VietTuSaiGon

Thảm sát cả gia đình, va chạm xe với nhau, chưa biết đúng sai đã xông vào đánh người, khi có người can thì chạy vào nhà người khác rút dao ra cắt cổ người đụng xe đến chết, chỉ vì dành nhau mấy tấc đất đã vác rựa chém chết cả nhà… Đó là những hành xử của kẻ cố sát. Còn với những nạn nhân của bất công, họ đã làm gì? Có người dùng bình gas chế thành bom để chống lại cưỡng quyền, cũng có người cởi áo quần để thể hiện bất bình, thậm chí, mới đây, có người đã tự thiêu để chống bất công do nhà cầm quyền địa phương gây ra. Tất cả đều có kết cục đau lòng.

Và đứng trên góc độ thần kinh học để nhìn các trường hợp trên, hầu hết đều có lựa chọn không bình thường, có khuynh hướng bạo động. Hay nói cách khác, nếu người ta không bạo động với bên ngoài thì cũng bạo động với chính bản thân của họ. Tại sao người ta lại chọn cách này?

Trước tiên, nói về bạo động, bạo lực, những trường hợp giết người man rợ đều có xuất phát điểm từ tính ham bạo động, bạo lực và khi tính bạo lực, bạo động đẩy lên đến cao trào thì mọi chuyện đều có thể xảy ra, lúc đó kẻ bạo động không còn lường được mức độ tàn ác của hành vi mình tạo ra nữa.

Trường hợp tự thiêu, tự hành hạ thân xác để bày tỏ bất bình với nhà cầm quyền, ở đây không có bạo động với xã hội nhưng lại bạo động với chính bản thân, đẩy bản thân đến chỗ chết chóc. Bằng chứng là anh Phạm Thành Sơn ở thành phố Đà Nẵng đã chết và người phụ nữ vừa tự thiêu ở Quảng Ngãi cũng đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Tính mạng mất đi hoặc bị tàn tật suốt đời nhưng mục đích đấu tranh vẫn không đạt được, bất công vẫn cứ bất công.

Nhưng tại sao biết bất công người ta vẫn cứ bạo động với bản thân. Và tại sao con người Việt Nam ngày càng trở nên bạo động, manh động? Cả hai câu hỏi này cần được lý giải trên ba phương diện: Giáo dục; Chế độ chính trị và; Năng lượng cho cơ thể.

Ở khía cạnh thứ nhất, với nền giáo dục một chiều, lấy vật chất làm nền tảng đã mau chóng đẩy môi trường giáo dục Việt Nam đến chỗ thực dụng, bẩn thỉu, vô nhân đạo và dã man. Một môi trường mà ở đó con người được đào tạo không phải để thành một con người tiến bộ, có đầy đủ nhân cách mà là cái lò luyện thi, cái lò để sản xuất ra những con người bất chấp, sẵn sàng đạp lên mọi thứ để đạt mục đích vật chất. Hệ quả của quá trình giáo dục này là sau bốn mươi năm được gọi là “thống nhất đất nước”, thanh niên Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung trở nên man rợ hơn, bạo lực hơn và máu lạnh hơn.

Nhưng đó cũng chưa phải là vấn đề căn cốt, chính nền chính trị độc tài với định hướng một chiều của giới chóp bu chính trị đã mau chóng đẩy Việt Nam đến chỗ lạc hậu. Con người, ngoài nguy cơ có thể bị bần cùng ra, còn có một cơ hội đạp lên đồng loại, tùng xẻo tài nguyên và bán đứng người anh em để tồn tại, phát triển, để được gia nhập vào một nhóm lợi ích nào đó. Nếu không được như thế, con người sẽ mau chóng bị đạp từ chỗ không có quyền lực đến chỗ bị lợi dụng, bị bán rẻ, bị đàn áp, bị bức hại, bị chà đạp và cướp trắng.

Và ở cả hai trạng thái, chà đạp người khác và bị chà đạp, thái độ lựa chọn của cả hai sẽ là thô bạo, bất chấp đạo đức và lấy bạo lực, bạo động làm kim chỉ nam. Ở phía chà đạp người khác để đạt mục đích, nếu không dùng bạo lực hành động thì người ta cũng dùng bạo lực tư tưởng thông qua âm mưu, thông qua thủ đoạn bạo lực để triệt tiêu đối phương. Đáp lại, khi con người bị đàn áp, chà đạp lâu ngày cũng sẽ tuyệt vọng, mất thiện chí với đời sống và chọn bạo lực, bạo động như một thứ cứu cánh để tự làm nổ tung khối uất hận của bản thân.

Việc người ta chọn hành động tự thiêu, chọn làm bom tự sát hoặc cho nổ tung tất cả không những cho thấy tính bạo lực của kẻ thua thế đã tăng cao mà hành vi bạo động của họ còn chứng minh rằng họ đã tuyệt vọng tột cùng, họ không còn tin vào hệ thống cầm quyền đang cai trị bên trên họ nữa. Bởi lẽ, đúng với trình tự xã hội, nếu còn niềm tin, họ sẽ đi kiện, sẽ đưa ra trước công lý, công luận những bất công mình đang gánh chịu. Nghiệt nỗi, tòa án làm theo chỉ đạo của đảng, công an phục vụ đảng, báo chí do đảng đào tạo và phục vụ đảng, mọi thứ đều của đảng. Một khi đảng bị đụng chạm đến thì kiện được ai? Trông vào ai nữa? Con người không chọn bạo lực, bạo động đáp trả thì cũng chỉ còn nước ra thân ăn mày.

Mà ở đây, không có đảng cụ thể nào đứng ra cướp của dân, chỉ có những đảng viên, những quan chức trực thuộc đảng cướp của dân, gây bất công với dân. Đảng luôn bảo rằng chủ trương đường lối của đảng là đúng, chỉ có những sai lầm nhỏ sẽ điều chỉnh, do một số đảng viên chưa thấu đáo… Cách chối tội này cùng với hệ thống thuộc cấp ngày càng liều lĩnh, manh động và bạo lực của đảng cầm quyền đã đẩy nhân dân đến chỗ phản ứng manh động, bạo động. Đây là một hệ quả tất yếu!

Bên cạnh đó, nguồn lương thực, thực phẩm đầy rẫy độc tố có xuất xứ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam cộng với công nghiệp rượu bia phát triển cũng là một phần nguyên nhân khiến cho lý trí con người trở nên căng thẳng, manh động. Chỉ có Việt Nam mới có thể có chuyện một ông thợ hồ, sau khi đóng mọi khoản thuế thông qua VAT cho mọi thứ ông ta mua mỗi ngày, chiều đến, ông ta tiếp tục lao vào quán nhậu để đóng một khoản thuế rất cao, vì thuế rượu bia và thuốc là là loại thuế ở nhóm chạm trần. Nhưng ông ta lại lựa chọn cách này.

Chỉ có Việt Nam mới có ba khoản thuế trong ngày, thuế xanh diễn ra vào buổi sáng, do các doanh nghiệp đóng, thuế đỏ diễn ra buổi trưa, trên bàn ăn sang trọng, trong những cú áp phe của giới chức, mafia đỏ và buổi chiều mới có khoản thuế vàng vọt của những người bần khổ tự lao vào quán nhậu mà đóng. Chuyện này chỉ có ở Việt Nam, tin là vậy!

Và, khi đời sống khốn khổ trùng vây, cựa đâu cũng bị áp bức, bất công, bóc lột ở đó thì bạo lực, bạo động và man rợ sẽ là môi trường mạnh nhất cho con người phát triển. Kẻ áp bức dùng bạo lực của kẻ mạnh, người bị áp bức dùng bạo lực để chống đối. Cuối cùng, đất nước cứ theo đà bạo lực mà đi tới. Đó là hệ quả của độc đảng, toàn trị và vô đạo đức. Không thể nói khác đi được!







No comments:

Post a Comment

View My Stats