Friday, August 7, 2015
Cách đây hai năm, ngày 7/8/2013, 5 blogger Nghiêm Việt
Anh, Nguyễn Đình Hà, Lê Thiện Nhân, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Văn Viên, đã thành
công trong việc vượt qua nhiều vòng công quyền thù địch (đúng ra từ “thù địch”
phải dành cho cơ quan công quyền mới phải, vì lâu nay công an, dân phòng, dư luận
viên chính là lực lượng công khai thể hiện sự thù địch và căm ghét với những
người ủng hộ dân chủ), vào được bên trong Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam để
trao bản Tuyên bố 258.
Trước đó, chiến dịch 258 đã bắt đầu từ trong nước với
việc một nhóm blogger đến gặp Đại sứ quán Mỹ (chiều 24/7 tại Hà Nội), nhưng cuộc
gặp này không được thông báo rộng rãi từ trước. Có lẽ vì thế nên các blogger tiếp
xúc với tùy viên báo chí của phía Mỹ không mấy khó khăn. Họ không bị an ninh cản
trở nhiều như nhóm viếng thăm Đại sứ quán Thụy Điển.
Hàng tốp công an đã đứng vây lấy cổng Sứ quán Thụy
Điển từ 7h30 sáng - điều này làm cho chính người chủ nhà và là người tổ chức cuộc
gặp, bà Elenore Kanter, cũng phải “choáng”. Khi các blogger chuẩn bị tới nơi,
công an ra sức đuổi tất cả các taxi chạy ngang qua khu vực, không cho họ dừng lại.
Thậm chí một phụ nữ nước ngoài muốn vẫy taxi cũng không được, đành phải đi bộ
ra phía ngoài đường Kim Mã.
Khi cuộc gặp kết thúc, các blogger định ra về, thì lại
thấy an ninh đã chờ sẵn ở cổng với ánh mắt gườm gườm, đầy thù địch. Bên trong Sứ
quán lúc đó, chủ nhà (toàn là phụ nữ) lo lắng đến mức cuối cùng họ phải bố trí
cho nhóm blogger tạm lánh vào tư gia của bà Elenore Kanter trong khuôn viên khu
nhà, chờ cho “các anh” ở ngoài bớt nóng rồi họ sẽ đi tay không ra, gửi đồ đạc lại.
Bà Elenore Kanter
và người trợ lý phải đưa các blogger ra tận cổng để đảm bảo họ được an toàn.
* * *
Tuyên bố 258 là tiếng nói độc lập từ các blogger yêu
cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc lợi dụng Điều 258 Bộ luật Hình sự để bắt
giữ, đàn áp những người có "góc nhìn khác".
Chiến
dịch 258 có thể được coi như nỗ lực chung đầu tiên của các blogger chính trị ở
Việt Nam nhằm vận động cho nhân quyền và dân chủ. Đó cũng là lần đầu tiên những người hoạt động dân chủ-nhân quyền Việt
Nam công khai tiếp xúc với các cơ quan đại diện ngoại giao (Mỹ, Thụy Điển, Úc,
Đức, Phái đoàn EU) và tổ chức nhân quyền quốc tế và khu vực (HRW, Freedom
House, SEAPA...) để kêu gọi họ quan tâm đến tình hình nhân quyền và cuộc đấu
tranh của các blogger vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam.
Cũng kể từ đó, "cuộc chiến diệt rận" của
đám dư luận viên, mà thực chất là chống lại các giá trị dân chủ-nhân quyền, bắt
đầu leo thang.
* * *
Ngay cả những người không phải là dư luận viên thì
sau này, cũng có không ít ý kiến hỏi (hoặc chỉ trích) rằng việc đưa Tuyên bố
258 ra cộng đồng quốc tế có phải là hành động gián điệp, vọng ngoại, "cõng
rắn cắn gà nhà", đem chuyện trong nhà ra nước ngoài tố cáo, trong khi lẽ
ra việc của Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết.
Là người tham gia Chiến dịch 258 từ đầu và trực tiếp
đưa Tuyên bố 258 tới Cao ủy Nhân quyền LHQ, tôi xin trả lời những ý kiến trên
như sau:
1. Tôi không biết có ai cảm thấy tự hào khi phải phản
ánh tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ra thế giới; tôi thì không.
Việc này cũng tương tự như chuyện có thể có một số rất
ít nhà báo mong có tai nạn giao thông thảm khốc, cháy, nổ, thiên tai, vụ án giết
người... để đưa tin, viết bài, câu view, bán báo... nhưng đại đa số nhà báo
không mong muốn phải tác nghiệp về những chuyện như thế.
Là một nhà báo và là một blogger, tôi cũng chỉ ước
mình có thể viết, có thể nói những điều tốt đẹp về Việt Nam mà thôi, rằng Việt
Nam đẹp lắm, con người Việt Nam dễ thương lắm, chính quyền Việt Nam dân chủ và
tiến bộ lắm. (Riêng ý thứ ba này thì hơi khó, vì trên cả thế giới này, nói
chung các bạn dư luận viên sẽ không tìm ra người dân nước nào ca ngợi chính quyền
của mình cả - trừ phi các bạn đến Bắc Triều Tiên hay một vài xứ độc tài tương tự).
Khi đã phải nói những sự thật chẳng hay ho gì về nước
mình, là khi người ta đau lòng và khổ sở, và cũng đã cảm thấy tuyệt vọng vì
không có khả năng thay đổi tình hình.
2. Không ai không hiểu rằng việc của người Việt Nam
phải do người Việt Nam giải quyết. Nhưng nếu vậy thì là công dân Việt Nam,
chúng ta phải làm gì để thay đổi chính sách?
Hãy chỉ cho tôi cách làm thế nào để vận động chính
sách ở Việt Nam mà không phải hối lộ, đút lót, không cần phải là đảng viên ĐCS,
không cần có chức quyền, không cần nhờ "Anh Hai/ Anh Ba/ Anh Tư" nào
đó tác động, không phải gửi hàng chục cân kiến nghị/ đề đạt và mòn mỏi chờ đợi
phản hồi, để rồi nhận những phản hồi (nếu có) kiểu "chúng tôi đã nhận được
thư của ông/bà và đã chuyển tới cơ quan chức năng xem xét giải quyết",
v.v.?
Hãy chỉ ra xem nào.
3. Việc tiếp xúc và phản ánh thông tin đến cộng đồng
quốc tế cũng chỉ là một hành động chính trị như vô số hành động chính trị khác
(làm truyền thông, tuần hành, biểu tình, khiếu kiện, v.v.).
Và, có vẻ như nó là hành động chính trị đặc thù của
người dân ở những xứ sở độc tài. Nếu Việt Nam là một thể chế dân chủ, nơi các
quyền dân sự và chính trị (như quyền biểu đạt ý kiến, quyền tham gia chính trị)
của người dân được đảm bảo, thì các blogger cần gì phải đi vận động quốc tế cho
những việc trong nước?
Nói vậy, nhưng tôi không tin đầu óc của dư luận viên
hay quan chức Việt Nam có thể hiểu. Những cái đầu ấy không bao giờ đủ trí tuệ
và sự tinh tế để hiểu nỗi đau khổ của những người đi vận động nhân quyền cho Việt
Nam.
Posted by Đoan Trang at 10:21 AM
-----------------------------
Trao
Tuyên bố 258 cho sứ quán Thụy Điển
(BBC 7/8/2013)
Audio : Trao
Tuyên bố 258 cho sứ quán Thụy Điển
(BBC 7/8/2013)
Blogger
VN trao Tuyên bố 258 cho LHQ - YouTube
(31/7/2013)
Bản
tuyên bố 258 - YouTube (9/9/2013)
Blogger
VN trao Tuyên bố 258 cho LHQ - YouTube
(31/7/2013)
Mời
thảo luận công khai và dân chủ về Tuyên bố 258 (RFA
30/9/2013)
No comments:
Post a Comment