Wednesday, 12 August 2015

Vé Đi Tuổi Thơ Hay Hành Trình Về Phương Tây? (Đinh Từ Bích Thúy)





12.08.2015

Mùa thu năm ngoái, khi tuyển tập truyện vừaSuspended Sentences (Remise de peine - Án Treo) của nhà văn Pháp Patrick Modiano – người được trao giải Nobel văn chương 2014—được Yale University Press xuất bản thì tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng ra mắt độc giả Mỹ qua tựa Anh ngữ Ticket to Childhood(Overlook Press).  Đề tài tuổi thơ cùng được hai nhà văn, một Pháp, một Việt, khai thác như ẩn dụ về vai trò của người viết trong một xã hội chưa chấp nhận được sự thật. Trong khi  Án Treo của Modiano là hành trình khảo sát quá khứ tuổi thơ từ những mập mờ và dối trá của người lớn thì Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Nhật Ánh dùng chính sự ngây thơ của con nít để giới hạn tầm mức của cách mạng.

Đề tài “án treo” của Modiano biểu tượng tâm lý tội lỗi của những người trong thế hệ ông – sinh trưởng sau khi Âu Châu được Đồng Minh giải phóng nhưng vẫn phải chịu gánh nặng lương tâm từ sự sai lầm của thế hệ đi trước, bao gồm chuyện thân phụ của Modiano buôn lậu và thông đồng với mật vụ Đức Quốc Xã trong thời Pháp bị chiếm đóng.

Bài diễn từ Nobel của Modiano – một nhà văn không thích xuất hiện nơi công cộng và thường nói lắp, là một bài tường trình chân thành và cảm động, miêu tả văn nghiệp như một ân sủng “được nói mà không còn bị người lớn ngắt lời”:

Tôi thuộc một thế hệ mà người ta không để cho trẻ con được nói, trừ đôi trường hợp khá hiếm hoi và nếu chúng có xin phép .... Hẳn từ đó mà, cũng như nhiều người khác, khi vừa qua tuổi thơ, tôi đã có cái ham muốn được viết. Chúng tôi hy vọng người lớn sẽ đọc chúng tôi. Họ sẽ buộc phải nghe chúng tôi mà không ngắt lời chúng tôi và chí ít cũng biết tất cả những gì đang chất chứa trong lòng chúng tôi.[1]

Nhà văn tin rằng “người lớn” sẽ buộc phải nghe “trẻ con” khi “trẻ con” biết viết. Hành trình của Modiano phản ảnh ý thức khai phá bản ngã, cũng như nghệ thuật viết, cho tới tận cùng:

Lạ thay cái hành vi cô đơn được gọi là viết. Anh trải qua những lúc nản lòng khi viết những trang đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết. Mỗi ngày anh lại có cảm giác đã đi nhầm đường. Và lúc ấy trào lên cái ý muốn xúi mình quay lui và lao vào một lối khác. Không được ngã lòng vì sự xúi dục đó mà cứ phải tiếp tục con đường ấy. Gần giống như lái một chiếc xe, ban đêm, giữa mùa đông và chạy trên lớp băng mỏng, chẳng nhìn thấy gì sất. Không có lựa chọn nào khác đâu, cứ phải tiếp tục đi tới vừa tự nhủ cuối cùng mặt đường sẽ chắc hơn và sương mù sẽ tan.

nhận, Modiano tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của người đọc:
Vâng, độc giả biết về cuốn sách nhiều hơn chính tác giả. Giữa cuốn tiểu thuyết và người đọc diễn ra một hiện tượng giống như thao tác tráng ảnh thời chưa có kỹ thuật số. Trong phòng tối bức ảnh cứ hiện dần lên ....

Tuy không gian của truyện Án Treo (trong tuyển tập cùng tựa của Modiano) có màu sắc cổ tích (“Căn nhà hai tầng với giây leo xanh phủ kín mặt tiền. Một trong những khung cửa sổ - loại cửa sổ có hình vòng cung – chạy dài từ phòng khách. Đằng sau nhà là sân vườn. Nằm khuất dưới đó, sau bụi cây ông lão, là mộ bác sĩ Guillotin ....”)[2], mục đích của Patouche, nhân vật kể truyện, là được giải thoát ra khỏi giấc ngủ tuổi thơ. Án Treo có cấu trúc như truyện Hansel và Gretel: cảnh hai đứa bé bị bố mẹ bỏ rơi trong một thế giới êm ả nhưng đứt đoạn, mờ ảo, không luân lý trật tự. Nỗ lực “tráng ảnh trong phòng tối” của Modiano là cách tu sửa ký ức và làm lại lịch sử.





No comments:

Post a Comment

View My Stats