Thursday, 20 August 2015

Từ “Cách Mạng Dù” suy nghĩ về thực dân đế quốc và giải phóng dân tộc (Đào Hiếu - LỀ TRÁI)





Đào Hiếu  -  LỀ TRÁI
20-8-2015

Có một thứ tâm lý khá phổ biến trong xã hội, đó là: lên án những người “thiếu lập trường”, “lá mặt lá trái”. Họ thường so sánh những kẻ như vậy là “con tắc kè”, khi đứng trên nhánh cây thì nó có màu lá, khi đứng trên đất đá thì nó có màu xám tro. Nói chung là những người suy nghĩ, nói năng không nhất quán thường bị lên án nặng nề, bị khinh miệt.

Họ nói: tuần trước tôi gặp thằng A, nó nói tổng thống Putin là anh hùng của nước Nga, tuần này gặp lại, nó chửi Putin là độc tài, là thực dân đế quốc.

Lại nói: Thằng B chơi không được. Trước đây nó hoạt động cho Việt cộng, bây giờ vì không được trọng dụng nên nó chửi Việt cộng không ra gì.

Những kẻ hay lên án như vậy thực ra họ cũng có cái lý của họ. Nhưng đồng thời họ là những người có suy nghĩ quá đơn giản về quá trình hình thành nhận thức của một con người.

Thường thì nhận thức được hình thành do kinh nghiệm. Ví dụ khi gần lửa thấy nóng, sinh ra nhận thức: lửa thì nóng. Khi gặp cô A thấy cư xử dịu dàng, sinh ra nhận thức: cô A rất dễ thương.

Nhưng cũng có trường hợp nhận thức do “giáo dục” mà có. Ví dụ nhà trường dạy: “Thực dân Pháp xâm lược bắt dân ta làm nô lệ”, sinh ra nhận thức: Thực dân Pháp là kẻ xấu.

Nhà trường lại dạy: “Đảng cộng sản lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp, đem lại độc lập tự do, hạnh phúc cho toàn dân”, sinh ra nhận thức: Đảng cộng sản là tốt.

Những loại nhận thức ấy được hình thành một cách trực tiếp, dễ dàng và bền vững. Chúng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia một cách mặc nhiên, không cần bàn cãi. Nó tạo ra một thứ chân lý phổ biến đến nỗi nếu có ai nói ngược lại hoặc chỉ cần nói khác đi là đã thấy khó nghe rồi.

Trên đây là những cách hình thành nhận thức đơn giản.

Nhưng bất cứ ai có suy nghĩ độc lập, muốn tự mình khám phá ra sự thật, thường không dễ chấp nhận những nhận thức theo kiểu mì ăn liền như vậy. Trong quá trình đi tìm sự thật nhiều khi người ấy phải trả giá bằng những kinh nghiệm xương máu, những mất mát, nhục nhã và có khi cả mạng sống của mình. Bởi vì sự thật nhiều khi không dễ tìm.

Sự thật thường bị bao phủ bởi nhiều lớp nguỵ trang bên ngoài. Những lớp nguỵ trang ấy khi thì do con người tạo nên, khi thì do mưa nắng, gió bụi, đất đá của cõi trần gian hỗn độn, phức tạp che lấp, vùi dập khiến cho sự thật bị chôn chặt theo thời gian. Có người ví sự thật giống như cái lõi của một củ hành: muốn tìm thấy nó phải bóc nhiều lớp vỏ, và động tác ấy sẽ làm bạn ràn rụa nước mắt.

*
Tôi vốn không tin những người suốt đời có một lập trường, suốt đời có một nhận thức về chân lý. Bởi vì cuộc sống luôn thay đổi, do đó kinh nghiệm sống cũng thay đổi theo và như thế thì nhận thức cũng phải thay đổi.

Cho nên nếu người nọ tuần trước khen Putin là lãnh tụ vĩ đại của nước Nga, tuần sau lại chê Putin là kẻ thực dân thì có lẽ cũng không nên nói anh ta là con tắc kè mà nên nhìn Putin như một con tắc kè.

Cho nên nếu ngày xưa người nọ theo Việt cộng kháng chiến mà ngày nay đủ điều phê phán, thì cũng chớ vội kết luận anh ta “lá mặt lá trái” mà có lẽ nên xem cái đảng mà anh ta từng phục vụ có lá mặt lá trái không?

*
Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh trong 150 năm. Từ “thuộc địa” nghe không êm tai, nghe có vẻ nô lệ, nhục nhục thế nào.

Kể từ ngày 30/6/1997 trở đi, Hồng Kông trở về với Trung Quốc, nghe như được tháo cũi sổ lồng, độc lập tự do hạnh phúc.

Nhưng cuộc “Cách Mạng Dù” (Umbrella Revolution) vừa qua ở Hồng Kông lại cho thấy một sự thực khác: Sự kiện nước Anh trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc không phải là một cuộc “tung cánh chim tìm về tổ ấm” mà biến thành một hành động “giao trứng cho ác”.

Mặc dủ khi “giao trứng” chính phủ Anh có giao kèo với Trung Quốc là vẫn duy trì Hồng Kông như một “Khu hành chánh tự trị” theo nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”. Nhưng anh Tàu cộng nhiều lần muốn xé bỏ giao kèo để đem trứng ra làm hột vịt muối.

Cuộc xung đột nổ ra cả tháng trời giữa một bên là nhân dân Hồng Kông đòi Bắc Kinh tôn trọng tự do bầu cử, ứng cử và một bên là lực lượng cảnh sát và côn đồ được Bắc Kinh thuê mướn đến gây bạo loạn và thậm chí dùng dao đâm chết người giữa thanh thiên bạch nhật.
Những cuộc xuống đường hàng vạn người (có khi lên đến hàng trăm ngàn người) ở Hồng Kông vừa qua chứng tỏ nhân dân sợ Trung cộng hơn “đế quốc Anh” rất nhiều. Và họ đã “ngộ” ra một điều là sống dưới sự “đô hộ” của đế quốc xem ra hạnh phúc hơn là chịu sự cai trị của người đồng bào cộng sản của mình.

*
Ở Việt Nam trước đây, rất nhiều học sinh, sinh viên, trí thức… căm thù thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vì nó “xâm lược”, nó “bắt dân ta làm nô lệ”, nó cướp ruộng đất, cướp quyền tự do dân chủ, nó bắt bỏ tù những người yêu nước…nó đẻ ra những vụ án để đời như vụ án Nọc Nạn ở Bạc Liêu.

Tài liệu của Wikipedia ghi rõ:
“Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) – tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp.”

Nhà nước Việt Nam ngày nay nói là “tôn vinh” cuộc đấu tranh chống bọn cướp đất này, nhưng thực tế hiện nay trên khắp ba miền đất nước đã xảy ra hàng trăm vụ cướp đất tương tự như vụ Nọc Nạn, có nghĩa là cũng do bọn tham quan cấu kết với tư sản nước ngoài cưỡng chiếm ruộng đất của nông dân dưới chiêu bài “quy hoạch” để xây dựng các khu công nghiệp.

Đó là các vụ cướp đất, cướp tài sản, phá nhà của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, vụ chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng công an hùng hậu cưỡng chế đất đai của nông dân cho dự án Ecopark hôm 24/04/2012 tàn nhẫn và ác liệt như một trận đánh.

Bản chất của các vụ cướp đất thời nay và vụ Nọc Nạn thời Pháp giống hệt nhau, chỉ khác là:
1./ Trong vụ Nọc Nạn, gia đình nông dân Biện Toại đã liều chết chống trả quyết liệt, kết quả là có 4 người trong gia đình bị bắn chết (gồm 3 người lớn và một cái bào thai trong bụng mẹ) và một tên lính Pháp. Còn các vụ cướp đất thời nay thì người dân chỉ chống trả bằng gậy gộc, la khóc, chửi rủa mà không xảy ra án mạng. Chỉ duy nhất có Đoàn Văn Vươn, một kỹ sư canh nông gốc bộ đội cụ Hồ, đã dùng pháo hoa tự chế vũ khí làm bị thương nhẹ vài ba nhân viên cưỡng chế gì đó.

2./ Tuy trong vụ Nọc Nạn, người nông dân đã giết một tên lính Pháp, nhưng toà án của “thực dân Pháp” lại xử họ trắng án vì họ chỉ tự vệ chống kẻ cướp đất, còn các vụ cướp đất thời nay, người nông dân bị đánh tơi bời nhưng toà án lại bỏ tù họ, cụ thể  Đoàn Văn Vươn bị 5 năm tù.

Rõ ràng là “bọn thực dân Pháp” còn có chút công lý, còn biết phải trái, ngược lại cái gọi là toà án của “chế độ ta” ngày nay thì chỉ xử theo lệnh trên và luôn đứng về phía bọn tham quan, bọn tài phiệt nước ngoài.

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đã nói với BBC:
“Sau khi nghe kết quả của tòa án về tội danh của anh em nhà họ Đoàn, đặc biệt ông Đoàn Văn Vươn bị mức phạt 5 năm tù, chúng tôi nghĩ: ước gì chúng ta có những phiên tòa như phiên tòa của thực dân Pháp xử các nạn nhân ở Đồng Nọc Nạn, hoặc là phiên tòa của Đức Quốc xã từng xử Dimitrov ở vụ án đốt nhà Quốc hội, cũng như vụ án của thực dân Anh ở Hồng Kông đã xử Nguyễn Ái Quốc.”

Từ bốn ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã tổ chức và tiến hành hàng trăm cuộc nổi dậy, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc và thực dân đế quốc để giành độc lập, và đã xây dựng được những triều đại rực rỡ như Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… nhưng cuối cùng lại để tổ quốc và dân tộc rơi vào một thời kỳ tệ hại nhất, nô lệ nhất sau khi đã tiến hành một cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu nhất trong lịch sử, làm chết hàng chục triệu người.

Đó chẳng phải là sự điên khùng nhất, chẳng phải là sự ngu xuẩn và bất hạnh nhất mà dân tộc ta phải gánh chịu hay sao?

ĐÀO HIẾU
(Trích từ tác phẩm MẶT ĐẤT VẪN RUNG CHUYỂN)






No comments:

Post a Comment

View My Stats