Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 22-08-2015
Ngày
21/08/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức công bố tài liệu mang tựa đề Chiến lược
an ninh hàng hải ở Châu Á Thái Bình Dương, phác họa những đường nét quan trọng
trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh tại vùng biển Châu Á. Dù cũng
đề cập đến Biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng
tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo tại Washington, ông David
Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương đã
xác định ba trục chính trong chiến lược mới đó : (1) kiên trì dấn thân và tiếp
tục sử dụng ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu
thông và tiếp cận các vùng biển Châu Á ;
(2) tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng các vùng biển,
ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức ;
(3) phát huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc
tế.
Sau khi nhắc lại quan điểm từng được tuyên bố của
Washington, theo đó Mỹ không thiên vị ai trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và
Biển Hoa Đông, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định là Hoa Kỳ
« có lợi ích trong việc đảm bảo sao cho tranh chấp chủ quyền được giải
quyết một cách hòa bình, không thông qua xung đột hay cưỡng chế ». Mối
lo ngại của Hoa Kỳ tuy nhiên đang tập trung ở Biển Đông, khi ông David Shear
nêu bật mối quan ngại của Mỹ về sự kiện Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường
Sa và quân sự hóa các nơi này.
Trong bối cảnh đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng
Mỹ, Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ
lợi ích của Mỹ cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối
đe dọa tiềm tàng. Trên tinh thần đó, Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng quân sự
trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Theo ông David Shear, Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển qua Châu Á các phương
tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương tiện đó trên toàn khu vực.
Con chủ bài trong các phương tiện tối tân đó là hạm
đội tàu chiến tuần duyên LCS (Littoral Combat Ship), loại chiến hạm nhỏ nhưng
linh hoạt, với hỏa lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những
vùng nước nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông : 4 chiếc sẽ được triển khai ngay
tại Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm lực
lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.
Một hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan
sẽ qua thay thế chiếc George Washington, và trong vòng năm năm sắp tới, Hải
quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ có thêm một chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS
America, trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật Bản.
Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và F-35 tối tân
hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52, và 47 chiếc phi cơ
tuần thám đời mới P8 A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực lượng Thủy quân lục chiến
túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị loại máy bay lên thẳng V-22.
Sau cùng, khu vực cũng sẽ có thêm các loại tên lửa
hiện đại phóng đi từ chiến hạm hoặc phi cơ, cùng với các hỏa tiễn tầm xa có độ
chính xác cao, trong đó có loại JASSM-ER và một loại tên lửa hành trình chống hạm
tầm xa mới. Với các phương tiện răn đe đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vai trò người bảo
vệ ổn định và quyền tự do hàng không và hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông.
Hôm thứ Năm, 20/08/2015, như để nhắc nhở Trung Quốc,
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khẳng định trở lại là Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp
tục các hoạt động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông : « Phi cơ
và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho
phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới ».
No comments:
Post a Comment