Saturday, 22 August 2015

Phác họa lại chân dung một chế độ (Nguyễn Vũ Bình)





Sat, 08/22/2015 - 04:38 — nguyenvubinh

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 02/9, có rất nhiều người đã đề cập tới ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, với nhiều khía cạnh và góc độ.


Tôi đồng ý với anh Nguyễn Gia Kiểng trong bài viết “Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám ”, , về vấn đề lực lượng và thực lực của đảng cộng sản Việt nam trong thời điểm bước ngoặt của thời cuộc. Độc lập dân tộc là điều cần thiết, không thể nhân nhượng và cần được đánh dấu một cách mạnh mẽ sau một thế kỷ đất nước chịu cảnh đô hộ. Cuộc Cách mạng tháng Tám đã diễn ra, đảng cộng sản là tổ chức có thực lực nhất, cũng như có sự chuẩn bị để tiếp nhận và xây dựng lên một nhà nước mới. Nhưng kể từ khi nhà nước mới ra đời, nhân dân Việt nam đã rơi vào vòng nô lệ của chế độ độc tài toàn trị cộng sản.

     Có một vấn đề rất lớn và quan trọng, với những mục đích (về lý thuyết) rất cao đẹp, trong sáng và với những con người nhiệt huyết, yêu nước như vậy tại sao nhà nước lại đưa nhân dân tới hết thảm họa này tới thảm họa khác? Điều mà phần lớn những người tham gia xây dựng lên nhà nước cộng sản và tham gia vận hành hệ thống chuyên chính vô sản không hiểu, và không tưởng tượng nổi, những thảm họa của người dân đều là những bước đi cần thiết của nhà nước cộng sản. Quan trọng hơn, những thảm họa đó đã được lên kế hoạch, chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng và bài bản.

Chúng ta lấy hai ví dụ, để chứng minh lập luận này.

Cải cách ruộng đất (CCRĐ), ngay từ những năm 1953-1954, Việt nam đã cho cán bộ sang Trung quốc học tập kinh nghiệm bài bản về cải cách ruộng đất. Quá trình tập huấn kéo dài mấy năm, khi diễn ra CCRĐ vẫn còn được các chuyên gia Trung quốc sang hướng dẫn và uốn nắn kịp thời. Một điểm đặc biệt chứng tỏ sự chuẩn bị của nhà cầm quyền Việt nam, kế hoạch sửa sai có trước khi CCRĐ diễn ra. Mục tiêu tối thượng của CCRĐ là bần cùng hóa nhân dân để áp đặt sự thống trị, đó chính là nhận thức triệt để, khái quát nhất của học giả Hoàng Văn Chí trong cuốn sách “Từ Thực dân tới Cộng sản”.

Tương tự như vậy, với mục đích đập tan sự kháng cự và phản kháng của tất cả các thành phần công, binh, cán, chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà nước cộng sản Việt nam đã bắt ép 1,5 triệu người thuộc các thành phần trên đưa vào các trại cải tạo, lao tù để đày đọa. Với một số lượng lớn người như vậy, tất cả đều được thực hiện bài bản, nhịp nhàng không thể nói chưa có sự chuẩn bị trước mà nhà cầm quyền Việt Nam lại thực hiện nổi việc đó. Cuối cùng, họ đã thành công mỹ mãn, hầu như không có một sự phản kháng đáng kể từ các lực lượng còn lại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

     Nhưng vẫn còn đó, một sự thắc mắc còn lớn hơn. Tại sao nhà nước Cộng sản Việt Nam có thể dẫn dắt nhân dân đi hết từ thảm họa này tới thảm họa khác? Tức là họ đã không hề gặp một sự phản kháng nào đáng kể, điều gì đã làm người dân phải chịu đựng đảng cộng sản và chế độ như vậy? Đi sâu vào phân tích cách thức guồng máy chuyên chính vô sản hoạt động nghiền nát tất cả sự phản kháng của người dân mới thấy được nghệ thuật cai trị của cộng sản. Đó cũng chính là nghệ thuật tiêu diệt và đày đọa con người. Có thể có ba trụ cột chính xây dựng thành một cơ chế khép kín, hoàn hảo để kiểm soát và cai trị người dân.

     Trước hết, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân. Phải khẳng định rằng, sự tàn bạo của chế độ cộng sản là không hề có giới hạn. Nhưng sự kinh khủng đó không phải đơn giản mà có được, mà đó là cơ chế được áp dụng hay cho phép của các đảng cộng sản nói chung và đảng cộng sản Việt Nam nói riêng. Điều đặc biệt là, cơ chế khủng bố được thực hiện trước hết trong nội bộ đảng ở tất cả các cấp, không giới hạn, kể cả cấp cao nhất. Chúng ta thấy nội bộ Quốc tế Cộng sản, nội bộ các đảng cộng sản các nước đều cho phép và duy trì sự khủng bố ngay trong nội bộ. Như vậy, các đảng cộng sản đã sử dụng cơ chế chọn lọc tự nhiên để tìm ra những hạt nhân lãnh đạo. Từ sự cho phép và khuyến khích khủng bố trong nội bộ, tức là những đồng chí với nhau như vậy, khi ra thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài, như thực hiện khủng bố đối với người dân và kẻ thù (hoặc đảng đối lập), những lãnh đạo cộng sản không hề run tay và chớp mắt. Như thế mới bảo đảm yêu cầu của quan cách mạng. Chính sự khủng bố từ trong nội bộ ra tới bên ngoài như vậy, người dân nhìn thấy hoặc nghe nói tới cộng sản, đã không còn hột máu nào, nói gì tới phản kháng.

     Thiết lập sự lệ thuộc. Làm cho người dân sợ chưa đủ, các chế độ cộng sản còn thực hiện việc thiết lập sự lệ thuộc hoàn toàn của người dân vào chế độ. Họ thực hiện điều này bằng hai bước. Bước một, bần cùng hóa nhân dân bằng cải cách ruộng đất, đánh tư sản (miền bắc và miền nam) để áp đặt sự thống trị; bước hai, xây dựng nền kinh tế kế hoạch, ép người dân vào các nhà máy, xí nghiệp và hợp tác xã. Ép người dân lệ thuộc về kinh tế vào nhà nước là mục tiêu của chế độ để dễ bề cai trị và sai khiến.

     Bước cuối cùng, kiểm soát tư tưởng của người dân bằng cách xây dựng cơ chế tự giám sát và tố cáo lẫn nhau của chính người dân. Họ làm điều này bằng cách xây dựng các tổ chức đoàn thể, các tổ chức ngoại vi hệ thống mạng lưới an ninh, đặc tình, vv…người dân bắt buộc phải giám sát và tố cáo lẫn nhau. Với cơ chế này, bất kể sự phản kháng nào của người dân đều dễ dàng bị phát hiện và vô hiệu hóa ngay từ trứng nước.


     Với sự vận hành và hoạt động của ba trụ cột quan trọng này, chế độ cộng sản đã nghiền nát, ngay từ trong suy nghĩ, tới ý chí và hành động phản kháng của người dân để duy trì sự thống trị. Chỉ có một điều, để làm được những điều này, những nhà nước cộng sản đã không thể xây dựng được một nền kinh tế theo đúng nghĩa tạo ra của cải vật chất. Trong khi, để duy trì một hệ thống khổng lồ bảo đảm sự vận hành và thống trị, nó lại cần một nguồn lực vô tận, điều không bao giờ có được. Chính vì vậy, các chế độ cộng sản, sau khi đã tạo ra được lâu đài thống trị uy nghi, cuối cùng đều tự sụp đổ vì sức nặng của chính nó. Và Việt nam chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ./.

Hà Nội, ngày 22/8/2015
N.V.B








No comments:

Post a Comment

View My Stats