Nguyên
Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-08-05
2015-08-05
Sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng và cuộc hội kiến Tổng thống Mỹ vào tháng trước, tuần này, Ngoại trưởng
Hoa Kỳ John Kerry tới Việt Nam dự lễ kỷ niệm 20 năm tái lập bang giao giữa hai
nước. Diễn đàn Kinh tế kiểm điểm lại biến cố ấy qua phần trao đổi sau đây của
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa với Nguyên Lam.
.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần này Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày và tham dự nhiều sinh hoạt kỷ niệm 20 năm sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao kể từ Tháng Tám năm 1995. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị ông kiểm điểm lại hai chục năm bang giao giữa hai nước sau một cuộc chiến kéo dài quá lâu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã manh nha một cách gián tiếp khi Hoàng tử Cảnh của vua Gia Long gặp ông Thomas Jefferson vào cuối thế kỷ 18, và trực tiếp khi ông Bùi Viện gặp Tổng thống Ulysses Grant vào hạ bán thế kỷ 19. Cả hai lần đều không thành vì khi ấy Hoa Kỳ nhìn qua hướng khác. Sau đó là từ những năm 1945 tới 1954 thì thành mà cũng... thành đại họa cho Việt Nam do rất nhiều khúc mắc của lịch sử và sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ….
- Gần đây hơn thì ta có biến cố của 15 năm trước khi Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt và cho Việt Nam hưởng quy chế tối huệ quốc từ năm 2001; hay 20 năm trước, sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế vào năm 1994 rồi thiết lập bang giao với chế độ Hà Nội vào năm 1995.
.
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ. Ông có thể nào khai triển ý này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi Thế chiến II bùng nổ tại Á Châu Thái Bình Dương, Hoa Kỳ thực tế lãnh đạo khối Đồng minh và thắng quân Nhật mà không biết gì nhiều về các nước Á Châu khác. Đó là một lẽ. Sau khi chiến thắng năm 1945, lãnh đạo Hoa Kỳ cũng thiếu cái nhìn quán triệt về Châu Á và về số phận của các quốc gia từng bị là thuộc địa của Âu Châu. Khi ấy Châu Á còn là nạn nhân của sự bành trướng cộng sản và bị lôi vào Chiến tranh lạnh, làm lãnh đạo nước Mỹ cứ dời đổi mục tiêu, từ giải phóng các thuộc địa sang be bờ chống cộng. Việt Nam bị kẹt trong đó vì sự bành trướng của khối cộng sản do Liên bang Xô viết và nhất là Trung Quốc tổ chức và yểm trợ.
- Đặc biệt nhất, Hoa Kỳ không hiểu gì về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam, và về bản chất của cuộc chiến toàn diện do Trung Quốc chỉ đạo từ khi cộng sản thắng tại Hoa lục năm 1949 và lại còn suy tính từ lối trận địa chiến của Chiến tranh Cao Ly. Họ cũng chẳng biết rằng trong cuộc chiến chống Nhật tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ từng oanh tạc quân Nhật trên lãnh thổ Việt Nam mà dân Việt vẫn không chống Mỹ, vì hiểu cái giá phải trả cho hòa bình và độc lập. Sau này nhiều người Mỹ ngạc nhiên vì sao dân Miền Bắc không hề oán Mỹ mà lại coi thường cán bộ Liên Xô. Ngày nay, qua các cuộc khảo sát ý kiến thì dân Việt Nam thuộc loại “thân Mỹ” nhất Đông Nam Á với tỷ lệ cực cao, năm nay là 78%!
- Bây giờ, dân Mỹ dần dần hiểu ra mà một số vẫn hiểu sai, vì những gì là bản sắc Việt Nam thì họ lại cho là nhờ chế độ cộng sản! Họ không phân biệt được chế độ chính trị ở trên với xã hội bên dưới, và chẳng biết rằng trong nhiều thập niên, chế độ ấy đã ra sức “cải tạo xã hội”, tức là tiêu diệt bản sắc văn hóa của người dân. Chuyện văn hóa ấy cũng chi phối kinh tế mà người ta không hay.
.
Nguyên Lam: Nói về kinh tế, thưa ông, trước năm 1975, ông từng là công chức cao cấp về kinh tế tại Sàigòn, Nguyên Lam xin hỏi là ông nghĩ sao về chánh sách kinh tế Hoa Kỳ đã áp dụng ở trong Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy cũng là một tiêu biểu khác của sự thiếu hiểu biết và có thể là một trong nhiều nguyên nhân thất bại sau khi Hoa Kỳ tham chiến vì lý do rất chính đáng.
- Miền Nam là nơi có chiến tranh du kích, phá hoại và khuynh đảo mà phải vừa ứng chiến vừa xây dựng dân chủ với nền kinh tế tự do. Hoa Kỳ lại viện trợ cho một nước chiến tranh đó theo cách viện trợ để tái thiết Âu Châu và Nhật Bản là các nước đã công nghiệp hóa, chỉ bị tàn phá trong chiến tranh và nay đã có hòa bình. Lối viện trợ ấy của Mỹ không thích hợp với nhu cầu, lại còn khuyến khích tiêu thụ để phần nào tài trợ chiến phí, là mâu thuẫn sinh tử nếu ta nhớ đến hình thái chiến tranh toàn diện và yếu tố chính trị do Miền Bắc gây ra. Thí dụ như Mỹ viện trợ cho Pháp sau chiến tranh mà đảng Cộng sản Pháp đi vào bưng biền để đánh du kích và nghiệp đoàn CGT ở hậu phương với nhiệm vụ phá hoại tư bản chủ nghĩa thì mười Kế hoạch Marshalls cũng thất bại!
.
Nguyên Lam: Xin hỏi ông thêm một câu trước khi chúng ta trở về hiện tại. Hoa Kỳ cũng đã từng viện trợ cho Nam Hàn hay Đài Loan và hai xứ ấy đều thành công về kinh tế dù có bị Bắc Hàn hay Trung Quốc tấn công, tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hai xứ ấy có thể bị vài đợt tấn công từ bên ngoài, mà không bị xâm nhập và nội loạn bên trong như trường hợp Miền Nam. Ngoài ra, chính cuộc chiến tại Việt Nam lại tạo cơ hội cho hai xứ ấy và cho các nước Đông Nam Á quanh Việt Nam có hòa bình để phát triển. Ngày nay, ngần ấy quốc gia đều thịnh vượng và tân tiến hơn Việt Nam gấp bội.
- Trong tập hồi ký thứ hai, xuất bản năm 2000, ở Chương 28, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore có viết về chuyện đó và cám ơn Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam để giúp các nước Đông Nam Á khỏi bị Cộng sản Trung Quốc khuynh đảo và tạo điều kiện cho Đông Nam Á phát triển. Lãnh đạo Hà Nội nên đọc cuốn sách đó để rút ra bài học về lẽ thắng bại của dân tộc dưới sức ép của Trung Quốc trong khi Mỹ chẳng chiếm một quận huyện hay hòn đảo nào của Việt Nam! Kỳ họp tuần này của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN có cho ta thấy hai điều ấy khi phô bày sự thịnh vượng của các nước sáng lập ASEAN và mối nguy của Trung Quốc.
.
Nguyên Lam: Trở lại chuyện hiện tại thì trong 20 năm qua., Hoa Kỳ đã làm gì cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cần nhắc lại vài dấu mốc căn bản sau đây:
- Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994, Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Từ đấy, các chính quyền cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, đều tích cực giúp Việt Nam cải thiện kinh tế với cao điểm là năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton cho ký hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt, bên trong có điều khoản tạm chấp nhận quy chế tối huệ quốc, là mậu dịch bình thường – hay NTR – được tái xét hàng năm. Quy chế NTR trở thành vĩnh viễn và thường trực từ năm 2007 khi Hoa Kỳ thời ông George W. Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do chính thức là nếu cải thiện kinh tế sẽ cải thiện chính trị, nhưng Hà Nội lại gọi đó là "âm mưu diễn biến hoà bình"!
.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi từ đó, tình hình Việt Nam có thay đổi không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ đó, tình hình kinh tế Mỹ-Việt có đổi khác. Tôi xin được nêu vài con số về sự đổi khác nhưng nhấn mạnh rằng đời sống đa số người dân Việt Nam thì vẫn chưa.
- Từ 1994 đến cuối năm 2008 là sau khi gia nhập tổ chức WTO, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã từ 50 triệu Mỹ kim tăng đến hơn 12.000 triệu, tức là hơn 12 tỷ, gấp 250 lần. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ qua Việt Nam chỉ tăng từ 172 triệu Mỹ kim lên gần hai tỷ bảy - gấp 15 lần thôi.
- Về đại thể, từ 1995 Việt Nam liên tục đạt xuất siêu - là xuất nhiều hơn nhập cảng - với Hoa Kỳ. Kỷ lục là năm ngoái xuất hơn 30 tỷ mà nhập có năm tỷ bảy, xuất siêu gần 25 tỷ Mỹ kim. Nghĩa là Việt Nam có lợi lớn trong quan hệ buôn bán với Mỹ. Nhưng lời được bao nhiêu thì Việt Nam lại... trả cho Trung Quốc vì bị nhập siêu ngạch số tương đương với nước láng giềng phương Bắc!
- Nếu bảo rằng Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam để tư bản của Mỹ trục lợi nhờ nhân công rẻ của Việt Nam thì người ta lại lầm nữa vì trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Việt Nam có lợi hơn và doanh nghiệp Mỹ cũng chẳng dẫn đầu trong số đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
.
Nguyên Lam: Trở lại mục tiêu ban đầu của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ có thể chủ trương là nếu giúp Việt Nam cải thiện kinh tế thì xã hội cũng sẽ cải thiện về chính trị và tiến dần sang chế độ dân chủ, ông nhận xét như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy là một nhầm lẫn lớn từ cả hai phía.
- Hoa Kỳ có thể cả tin vào sức mạnh kinh tế thị trường sẽ dẫn tới chuyển hóa chính trị là điều thật ra không tất nhiên, vì các chế độ độc tài vẫn có thể áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc để củng cố chế độ, là điều đã thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Cuba. Ngược lại, Hà Nội cho rằng Mỹ có dụng ý chính trị để chuyển hóa chế độ theo kiểu diễn biến hòa bình. Thật ra Hoa Kỳ có nêu khuyến cáo hoặc thậm chí gây áp lực, nhưng chuyển hóa hay không thì vẫn là quyết định của Việt Nam. Hoa Kỳ đã từng có quan hệ khá chặt chẽ với nhiều chế độ độc tài, thêm một chế độ Hà Nội nữa thì cũng chẳng làm nước Mỹ thay đổi chính sách. Tổng kết lại thì có muốn dân chủ hay không là chuyện của dân Việt Nam, không là một yêu cầu tiên quyết của nước Mỹ.
.
Nguyên Lam: Trong trường hợp đó, ông giải thích thế nào về sức ép của Hoa Kỳ trong hiệp ước xây dựng đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên xét cho kỹ, rằng sức ép đó có lợi cho Mỹ hay cho Việt Nam? Nếu muốn gia nhập hệ thống TPP này mà Việt Nam cải thiện quy chế lao động, có công đoàn tự do và tôn trọng nền tảng luật lệ thì điều ấy có lợi cho người Việt Nam hơn là cho nước Mỹ.
- Vả lại, trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ vừa qua, Chính quyền Obama đã giúp phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vận động một số nhân vật của Quốc hội để được chấp nhận vào hiệp ước TPP. Rồi Phòng Thương Mại Hoa Kỳ còn tổ chức dạ tiệc khoản đãi ông Trọng để phía Hà Nội có cơ hội vận động chính giới, doanh giới và truyền thông Mỹ. Những sự giúp đỡ ấy không nhắm vào việc thay đổi chế độ như Hà Nội vẫn lo sợ.
.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng Chính quyền Obama muốn qua hiệp ước TPP mà yểm trợ an ninh của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc như nhiều giới chức ngoại giao Mỹ đã nói ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy lại là một lầm lẫn khác. Hoa Kỳ đang làm ăn buôn bán với Trung Quốc có hơn một tỷ 350 triệu dân thì chẳng có lý do gì mà huy động 90 triệu người Việt vào chiến tuyến chống Tầu. An ninh của nước Việt, hay nhân quyền và dân chủ của người Việt phải xuất phát từ Việt Nam, chứ không thể lệ thuộc vào chính sách thất thường của nước Mỹ.
- Nhưng Hà Nội cũng chẳng thể quên rằng Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên án nạn vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ của Hà Nội vì dân Mỹ không muốn dân Việt mãi là nạn nhân của một chế độ tồi tệ. Hoa Kỳ là nơi mà “quyền lực mềm” có sức mạnh thực tế, nó không xuất phát từ chính sách quân sự hay kinh tế của nhà nước mà một cách tự phát từ xã hội dân sự, trong đó có cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Quyền lực đó có thể giúp người ta thấy ra mối nguy của Bắc Kinh và lối ăn nói nước đôi của Hà Nội. Trong 20 năm qua, chính là những nỗ lực tự phát của xã hội Mỹ lẫn các tổ chức thiện nguyện về giáo dục, y tế và văn hóa đã làm xã hội Việt Nam thay đổi nhiều hơn là người ta thường nghĩ.
.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần này Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày và tham dự nhiều sinh hoạt kỷ niệm 20 năm sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao kể từ Tháng Tám năm 1995. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị ông kiểm điểm lại hai chục năm bang giao giữa hai nước sau một cuộc chiến kéo dài quá lâu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã manh nha một cách gián tiếp khi Hoàng tử Cảnh của vua Gia Long gặp ông Thomas Jefferson vào cuối thế kỷ 18, và trực tiếp khi ông Bùi Viện gặp Tổng thống Ulysses Grant vào hạ bán thế kỷ 19. Cả hai lần đều không thành vì khi ấy Hoa Kỳ nhìn qua hướng khác. Sau đó là từ những năm 1945 tới 1954 thì thành mà cũng... thành đại họa cho Việt Nam do rất nhiều khúc mắc của lịch sử và sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ….
- Gần đây hơn thì ta có biến cố của 15 năm trước khi Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt và cho Việt Nam hưởng quy chế tối huệ quốc từ năm 2001; hay 20 năm trước, sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế vào năm 1994 rồi thiết lập bang giao với chế độ Hà Nội vào năm 1995.
.
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ. Ông có thể nào khai triển ý này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi Thế chiến II bùng nổ tại Á Châu Thái Bình Dương, Hoa Kỳ thực tế lãnh đạo khối Đồng minh và thắng quân Nhật mà không biết gì nhiều về các nước Á Châu khác. Đó là một lẽ. Sau khi chiến thắng năm 1945, lãnh đạo Hoa Kỳ cũng thiếu cái nhìn quán triệt về Châu Á và về số phận của các quốc gia từng bị là thuộc địa của Âu Châu. Khi ấy Châu Á còn là nạn nhân của sự bành trướng cộng sản và bị lôi vào Chiến tranh lạnh, làm lãnh đạo nước Mỹ cứ dời đổi mục tiêu, từ giải phóng các thuộc địa sang be bờ chống cộng. Việt Nam bị kẹt trong đó vì sự bành trướng của khối cộng sản do Liên bang Xô viết và nhất là Trung Quốc tổ chức và yểm trợ.
- Đặc biệt nhất, Hoa Kỳ không hiểu gì về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam, và về bản chất của cuộc chiến toàn diện do Trung Quốc chỉ đạo từ khi cộng sản thắng tại Hoa lục năm 1949 và lại còn suy tính từ lối trận địa chiến của Chiến tranh Cao Ly. Họ cũng chẳng biết rằng trong cuộc chiến chống Nhật tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ từng oanh tạc quân Nhật trên lãnh thổ Việt Nam mà dân Việt vẫn không chống Mỹ, vì hiểu cái giá phải trả cho hòa bình và độc lập. Sau này nhiều người Mỹ ngạc nhiên vì sao dân Miền Bắc không hề oán Mỹ mà lại coi thường cán bộ Liên Xô. Ngày nay, qua các cuộc khảo sát ý kiến thì dân Việt Nam thuộc loại “thân Mỹ” nhất Đông Nam Á với tỷ lệ cực cao, năm nay là 78%!
- Bây giờ, dân Mỹ dần dần hiểu ra mà một số vẫn hiểu sai, vì những gì là bản sắc Việt Nam thì họ lại cho là nhờ chế độ cộng sản! Họ không phân biệt được chế độ chính trị ở trên với xã hội bên dưới, và chẳng biết rằng trong nhiều thập niên, chế độ ấy đã ra sức “cải tạo xã hội”, tức là tiêu diệt bản sắc văn hóa của người dân. Chuyện văn hóa ấy cũng chi phối kinh tế mà người ta không hay.
.
Nguyên Lam: Nói về kinh tế, thưa ông, trước năm 1975, ông từng là công chức cao cấp về kinh tế tại Sàigòn, Nguyên Lam xin hỏi là ông nghĩ sao về chánh sách kinh tế Hoa Kỳ đã áp dụng ở trong Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy cũng là một tiêu biểu khác của sự thiếu hiểu biết và có thể là một trong nhiều nguyên nhân thất bại sau khi Hoa Kỳ tham chiến vì lý do rất chính đáng.
- Miền Nam là nơi có chiến tranh du kích, phá hoại và khuynh đảo mà phải vừa ứng chiến vừa xây dựng dân chủ với nền kinh tế tự do. Hoa Kỳ lại viện trợ cho một nước chiến tranh đó theo cách viện trợ để tái thiết Âu Châu và Nhật Bản là các nước đã công nghiệp hóa, chỉ bị tàn phá trong chiến tranh và nay đã có hòa bình. Lối viện trợ ấy của Mỹ không thích hợp với nhu cầu, lại còn khuyến khích tiêu thụ để phần nào tài trợ chiến phí, là mâu thuẫn sinh tử nếu ta nhớ đến hình thái chiến tranh toàn diện và yếu tố chính trị do Miền Bắc gây ra. Thí dụ như Mỹ viện trợ cho Pháp sau chiến tranh mà đảng Cộng sản Pháp đi vào bưng biền để đánh du kích và nghiệp đoàn CGT ở hậu phương với nhiệm vụ phá hoại tư bản chủ nghĩa thì mười Kế hoạch Marshalls cũng thất bại!
.
Nguyên Lam: Xin hỏi ông thêm một câu trước khi chúng ta trở về hiện tại. Hoa Kỳ cũng đã từng viện trợ cho Nam Hàn hay Đài Loan và hai xứ ấy đều thành công về kinh tế dù có bị Bắc Hàn hay Trung Quốc tấn công, tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hai xứ ấy có thể bị vài đợt tấn công từ bên ngoài, mà không bị xâm nhập và nội loạn bên trong như trường hợp Miền Nam. Ngoài ra, chính cuộc chiến tại Việt Nam lại tạo cơ hội cho hai xứ ấy và cho các nước Đông Nam Á quanh Việt Nam có hòa bình để phát triển. Ngày nay, ngần ấy quốc gia đều thịnh vượng và tân tiến hơn Việt Nam gấp bội.
- Trong tập hồi ký thứ hai, xuất bản năm 2000, ở Chương 28, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore có viết về chuyện đó và cám ơn Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam để giúp các nước Đông Nam Á khỏi bị Cộng sản Trung Quốc khuynh đảo và tạo điều kiện cho Đông Nam Á phát triển. Lãnh đạo Hà Nội nên đọc cuốn sách đó để rút ra bài học về lẽ thắng bại của dân tộc dưới sức ép của Trung Quốc trong khi Mỹ chẳng chiếm một quận huyện hay hòn đảo nào của Việt Nam! Kỳ họp tuần này của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN có cho ta thấy hai điều ấy khi phô bày sự thịnh vượng của các nước sáng lập ASEAN và mối nguy của Trung Quốc.
.
Nguyên Lam: Trở lại chuyện hiện tại thì trong 20 năm qua., Hoa Kỳ đã làm gì cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cần nhắc lại vài dấu mốc căn bản sau đây:
- Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994, Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Từ đấy, các chính quyền cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, đều tích cực giúp Việt Nam cải thiện kinh tế với cao điểm là năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton cho ký hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt, bên trong có điều khoản tạm chấp nhận quy chế tối huệ quốc, là mậu dịch bình thường – hay NTR – được tái xét hàng năm. Quy chế NTR trở thành vĩnh viễn và thường trực từ năm 2007 khi Hoa Kỳ thời ông George W. Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do chính thức là nếu cải thiện kinh tế sẽ cải thiện chính trị, nhưng Hà Nội lại gọi đó là "âm mưu diễn biến hoà bình"!
.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi từ đó, tình hình Việt Nam có thay đổi không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ đó, tình hình kinh tế Mỹ-Việt có đổi khác. Tôi xin được nêu vài con số về sự đổi khác nhưng nhấn mạnh rằng đời sống đa số người dân Việt Nam thì vẫn chưa.
- Từ 1994 đến cuối năm 2008 là sau khi gia nhập tổ chức WTO, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã từ 50 triệu Mỹ kim tăng đến hơn 12.000 triệu, tức là hơn 12 tỷ, gấp 250 lần. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ qua Việt Nam chỉ tăng từ 172 triệu Mỹ kim lên gần hai tỷ bảy - gấp 15 lần thôi.
- Về đại thể, từ 1995 Việt Nam liên tục đạt xuất siêu - là xuất nhiều hơn nhập cảng - với Hoa Kỳ. Kỷ lục là năm ngoái xuất hơn 30 tỷ mà nhập có năm tỷ bảy, xuất siêu gần 25 tỷ Mỹ kim. Nghĩa là Việt Nam có lợi lớn trong quan hệ buôn bán với Mỹ. Nhưng lời được bao nhiêu thì Việt Nam lại... trả cho Trung Quốc vì bị nhập siêu ngạch số tương đương với nước láng giềng phương Bắc!
- Nếu bảo rằng Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam để tư bản của Mỹ trục lợi nhờ nhân công rẻ của Việt Nam thì người ta lại lầm nữa vì trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Việt Nam có lợi hơn và doanh nghiệp Mỹ cũng chẳng dẫn đầu trong số đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
.
Nguyên Lam: Trở lại mục tiêu ban đầu của việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ có thể chủ trương là nếu giúp Việt Nam cải thiện kinh tế thì xã hội cũng sẽ cải thiện về chính trị và tiến dần sang chế độ dân chủ, ông nhận xét như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy là một nhầm lẫn lớn từ cả hai phía.
- Hoa Kỳ có thể cả tin vào sức mạnh kinh tế thị trường sẽ dẫn tới chuyển hóa chính trị là điều thật ra không tất nhiên, vì các chế độ độc tài vẫn có thể áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc để củng cố chế độ, là điều đã thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Cuba. Ngược lại, Hà Nội cho rằng Mỹ có dụng ý chính trị để chuyển hóa chế độ theo kiểu diễn biến hòa bình. Thật ra Hoa Kỳ có nêu khuyến cáo hoặc thậm chí gây áp lực, nhưng chuyển hóa hay không thì vẫn là quyết định của Việt Nam. Hoa Kỳ đã từng có quan hệ khá chặt chẽ với nhiều chế độ độc tài, thêm một chế độ Hà Nội nữa thì cũng chẳng làm nước Mỹ thay đổi chính sách. Tổng kết lại thì có muốn dân chủ hay không là chuyện của dân Việt Nam, không là một yêu cầu tiên quyết của nước Mỹ.
.
Nguyên Lam: Trong trường hợp đó, ông giải thích thế nào về sức ép của Hoa Kỳ trong hiệp ước xây dựng đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên xét cho kỹ, rằng sức ép đó có lợi cho Mỹ hay cho Việt Nam? Nếu muốn gia nhập hệ thống TPP này mà Việt Nam cải thiện quy chế lao động, có công đoàn tự do và tôn trọng nền tảng luật lệ thì điều ấy có lợi cho người Việt Nam hơn là cho nước Mỹ.
- Vả lại, trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ vừa qua, Chính quyền Obama đã giúp phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vận động một số nhân vật của Quốc hội để được chấp nhận vào hiệp ước TPP. Rồi Phòng Thương Mại Hoa Kỳ còn tổ chức dạ tiệc khoản đãi ông Trọng để phía Hà Nội có cơ hội vận động chính giới, doanh giới và truyền thông Mỹ. Những sự giúp đỡ ấy không nhắm vào việc thay đổi chế độ như Hà Nội vẫn lo sợ.
.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng Chính quyền Obama muốn qua hiệp ước TPP mà yểm trợ an ninh của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc như nhiều giới chức ngoại giao Mỹ đã nói ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy lại là một lầm lẫn khác. Hoa Kỳ đang làm ăn buôn bán với Trung Quốc có hơn một tỷ 350 triệu dân thì chẳng có lý do gì mà huy động 90 triệu người Việt vào chiến tuyến chống Tầu. An ninh của nước Việt, hay nhân quyền và dân chủ của người Việt phải xuất phát từ Việt Nam, chứ không thể lệ thuộc vào chính sách thất thường của nước Mỹ.
- Nhưng Hà Nội cũng chẳng thể quên rằng Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên án nạn vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ của Hà Nội vì dân Mỹ không muốn dân Việt mãi là nạn nhân của một chế độ tồi tệ. Hoa Kỳ là nơi mà “quyền lực mềm” có sức mạnh thực tế, nó không xuất phát từ chính sách quân sự hay kinh tế của nhà nước mà một cách tự phát từ xã hội dân sự, trong đó có cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Quyền lực đó có thể giúp người ta thấy ra mối nguy của Bắc Kinh và lối ăn nói nước đôi của Hà Nội. Trong 20 năm qua, chính là những nỗ lực tự phát của xã hội Mỹ lẫn các tổ chức thiện nguyện về giáo dục, y tế và văn hóa đã làm xã hội Việt Nam thay đổi nhiều hơn là người ta thường nghĩ.
.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment