Friday, 14 August 2015

Người tù dân oan trẻ tuổi nhất ở Việt Nam vì một hệ thống cưỡng cướp có tổ chức của nhà nước (Phạm Dương Đức Tùng - Danlambao)






Em Nguyễn Mai Trung Tuấn - người tù dân oan trẻ tuổi nhất Việt Nam

Phạm Dương Đức Tùng (Danlambao) - Chúng ta hãy lắng người xuống để nghe lời kêu gọi thống thiết của một người Dân Oan: "Đối với cộng sản, những gì họ đã cướp sẽ không bao giờ trả lại cho dân. Chúng tôi đã mất hết tất cả, chúng tôi không hề trông mong lấy lại nhà đất nữa mà chúng tôi đòi công lý, đòi quyền sống, đòi quyền con người, dù phải chết"... "Chúng tôi đang sống trong một nhà tù, chúng tôi bị chế độ này nghiền nát, họ cướp đất đai nhà cửa, bóp nghẹt tiếng nói và cấm đoán ngay cả việc đi đứng, suy nghĩ, sinh sống. Chúng tôi sẵn sàng chết để đất nước này, xã hội này có một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để vận động cho những quyền làm người căn bản nhất tại đất nước này"... Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của các gia đình dân oan trên cả 3 miền đất nước và tự hỏi "chúng ta sẽ nghĩ gì, làm gì?", để đồng cảm và quan tâm nhiều hơn nữa với thảm cảnh Dân Oan tại Việt Nam...

*
1/ Dân Oan là ai?

Dân oan Việt Nam là một bộ phận đáng kể của người dân trên 3 miền đất nước, ngày càng quyết liệt trong cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi quyền con người và chống chế độ độc tài.

Dân Oan là những người dân lương thiện đã trở thành nạn nhân của những chính sách bất cập trong sở hữu và quản lý đất đai, trong đó các quan chức nhà nước cấu kết với giới đại gia, lợi dụng danh nghĩa đầu tư phát triển để thu hồi đất đai, tịch thu nhà cửa và toàn bộ tư liệu sản xuất của người dân, đổi lại một số tiền đền bù rất ít ỏi từ nhà nước, rồi sau đó bán lại với giá thành 10, 20 lần cao hơn.

Đối diện với cả một hệ thống cưỡng cướp bằng bạo lực có tổ chức của nhà nước, các gia đình dân oan, trên khắp 63 tỉnh thành của đất nước, lâm vào cảnh cùng khổ, bất cứ với sự lựa chọn nào.

Hoặc họ chấp nhận sự đền bù tượng trưng và bất công, để mất trắng thành quả của mấy chục năm lao động và bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng.

Hoặc họ phản đối và trở thành Dân Oan, bị cưỡng chế, đánh đập, tống giam vào tù với những điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự: “chống đối người thi hành công vụ”, “gây rối trật tự công cộng”, “cố ý gây thương tích” mà mức án là từ 2 đến 7 năm tù.

Nhưng Dân Oan cũng là những người bị công an đánh đổ máu oan, bị kết án oan, bị tù oan, bị khép tội oan và bị chết oan ức trong đồn công an.

Trong 2 năm vừa qua, từ Nam Chí Bắc, càng lúc càng có nhiều cuộc biểu tình tuần hành của Dân Oan để phản đối những hành động của lực lượng công an sử dụng bạo lực và nhà tù để đàn áp, bắt giam những người vô tội, hòng cướp đoạt tài sản, đất đai và nhà ở của nhân dân. Đồng thời, những cuộc biểu tình tuần hành của Dân Oan cũng để lên án cán bộ quan chức tham nhũng, đòi Quyền Làm Người và kêu gọi thả tự do cho những người bị án oan trở thành Tù nhân lương tâm. 

Dân oan

2/ Một trường hợp tiêu biểu

“Xóm Dân Oan”, khu phố 3, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - một trường hợp tiêu biểu trong hàng triệu trường hợp thương tâm của dân oan trên khắp 63 tỉnh thành của đất nước Việt Nam.

Vào ngày 16/10/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt dự án đê bao chống lũ và giao trách nhiệm cho UBND huyện Thạnh Hóa tiến hành việc thu hồi đất đai và bồi thường cho những hộ dân có đất, có nhà bị giải tỏa trong khu vực của dự án, tại khu chợ Tuyên Nhơn, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.


Ủy ban Huyện đề nghị bồi thường cho các hộ dân này với giá 300 ngàn đồng/m², bằng từ 1/40 đến 1/80 so với giá trị bình thường. Với số tiền đền bù không hợp lý đó, các hộ dân này không thể nào mua lại được bất cứ một nơi nương náu nào khác, vì giá trung bình của một mét vuông trong khu vực là từ 12 triệu 500 ngàn đến 25 triệu đồng một mét vuông. Và lý do thứ hai của sự chống đối, là vì sau cơn lũ cao nhất vào năm 2000, mặt bằng của khu vực đã được nâng cao hơn đỉnh lũ nên việc giải tỏa cả một khu vực để xây một bờ kè là điều hoàn toàn không hợp lý.

Sau khi các đơn khởi kiện đều bị bác ở các cấp huyện Thạnh Hóa và tỉnh Long An, sau những lần bị đoàn cưỡng chế dùng xe ủi san bằng nhà cửa, là những lần 13 hộ dân còn lại ở khu phố 3 dựng lại ngay trên khu vực bị phong tỏa những cái chòi nhỏ bằng lá, ny lông và những tấm tôn để dùng làm nơi tạm nương náu cho cả gia đình, vì họ không có điều kiện mua nhà khác và không biết đi đâu. Họ đành phải tạm nương náu như thế để tiếp tục sinh nhai bằng những nghề làm ruộng, lao động chân tay, buôn bán nhỏ, và sống qua ngày trong điều kiện thiếu thốn điện nước, thiếu thốn vệ sinh. Sống trong tình trạng cùng cực như thế, họ vẫn liên tục bị xử phạt hành chánh vì tội “chiếm lại đất thu hồi”.


Trước những quyết định vẫn tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng của UBND huyện, một số dân oan, bị dồn vào đường cùng, quyết tâm “tử thủ”, đánh đổi mạng sống của mình để giữ đất, giữ vài tấm thiếc được dựng lên làm chỗ ở cho toàn thể gia đình của họ.

Đó là trường hợp của khu hộ của vợ chồng anh chị Nguyễn Trung Can - Mai Thị Kim Hương. Họ sống bằng nghề sửa xe, bán bình gió đá và nước mía. Hai con nhỏ là Nguyễn Mai Trung Tuấn (15 tuổi) và Nguyễn Mai Thảo Vy (14 tuổi) được gửi sống nhờ ở nhà người dì để có thể tiếp tục đi học. Hộ dân Trung Can - Kim Hương đã bị cưỡng chế tất cả là 3 lần, lần thứ nhất là vào tháng 3 năm 2012, lần thứ nhì ngày 31/7/2014 và lần cuối cùng vào ngày 14/4/2015.

Gia đình dân oan Nguyễn Trung Can - Mai Thị Kim Hương. Em Nguyễn Mai Trung Tuấn ngoài cùng bên phải.


3/ Vụ việc ngày 14 tháng 4 năm 2015

Sau lần cưỡng chế cuối cùng không thành vào ngày 31/7/2014 đối với các hộ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Thị Nhanh và Nguyễn Trung Tài, UBND huyện Thạnh Hóa ra thông báo việc cưỡng chế lần thứ 3 vào 9 giờ sáng ngày 14/4/2015.

Trước khi xảy ra vụ cưỡng chế, gia đình dân oan Nguyễn Trung Can và Mai Thị Hương tuyên bố sẽ liều chết để giữ đất.

Sáng hôm đó, một lực lượng cưỡng chế hùng hậu hơn 100 người đã đến để san bằng khu hộ, gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương gồm 10 người, với sự ủng hộ của 3 người bạn hàng xóm khác, cố thủ trong và ngoài nhà với những vũ khí cá nhân tự tạo để đốt nhà và chống lại đoàn cưỡng chế. Họ mặc áo thun vàng có dòng chữ “Trả quyền làm người cho dân” phía trước ngực, đầu chít khăn trắng với hàng chữ “Dân Oan”. Một trong 3 người hàng xóm có mặt là chị Phùng Thị Ly, cũng là dân oan lâu năm trong khu vực, đồng thời là một thành viên của “Phong Trào Liên Đới Dân Oan Tranh Đấu Việt Nam”, đến để ghi hình cận cảnh cưỡng chế và phát tán trên các trang mạng xã hội.

Bà Phùng Thị Ly

Một cuộc ẩu đả đã xảy ra, 16 người của lực lượng cưỡng chế bị thương và 13 người dân oan bị bắt giam.

Chính quyền huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An huy động hàng trăm tên gồm công an mặc sắc phục, công an giả côn đồ, cảnh sát cơ động... tới đàn áp gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương-Nguyễn Trung Can.

Sau khi công an huyện đã kết luận điều tra vào ngày 9/7/2015, UBND huyện Thạnh Hóa công bố Cáo Trạng vào ngày 4/8/2015 trước Tòa án nhân dân huyện, quyết định khởi tố 10 người (*) về tội “chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 điều 257 Bộ luật hình sự và 2 người khác (**) về tội danh “cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự. Mức án phạt cho 2 tội danh này là từ 2 đến 7 năm tù giam.

Cáo trạng

4/ Người tù dân oan trẻ tuổi nhất ở Việt Nam

Nguyễn Mai Trung Tuấn sinh ngày 31/3/2000, 15 tuổi, học lớp 9, là trưởng nam của anh Nguyễn Trung Can và chị Mai Thị Kim Hương, dân oan từ năm 2009.

Nguyễn Mai Trung Tuấn

Khi gia đình bị cưỡng chế lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2012, Tuấn học lớp 6, 12 tuổi. Cha mẹ dọn ra sinh sống ở tấm lều tạm, còn Tuấn và em gái được gửi đến nhà người dì để tiếp tục việc học.

Công an địa phương tạo áp lực lên các địa lý bình oxy và khách hàng sửa xe của ba Tuấn hòng cắt đường kinh tế của gia đình. Phương tiện sinh sống còn lại duy nhất của gia đình là một chiếc xe đẩy bán nước mía, trên một mặt bằng 10m2 trong khu chợ, bên vài tấm thiếc được dựng lên làm chỗ ở cho gia đình. Nguồn thu nhập mỗi ngày là khoảng 15 ly nước mía được bán với giá 5.000đ/ly.

Chiều ngày 10 tháng 2 năm 2015, công an đến giăng dây cô lập khu vực 10m2 đó để cấm gia đình buôn bán. Vì Tuấn cố gắng bảo vệ Mẹ bị ép tới đường cùng khi bị ngăn cản không cho buôn bán để nuôi gia đình, nên đã bị công an huyện Thạnh Hóa siết cổ đến bất tỉnh và phải đưa vào nhà thương.

Hình :

Vào ngày cưỡng chế lần cuối cùng 14/4/2015, Tuấn đã bị bắt cùng 12 người khác về Trại tạm giam công an huyện Thạnh Hóa. Trong quá trình tạm giam, mọi người đều bị công an đánh rất dữ trong đồn, ông bà ngoại của Tuấn được đưa đi bệnh viện, ông ngoại của Tuấn bị dập phổi và chấn thương phần mềm. Tuấn cũng được thả ngay tối hôm đó để về nhà chữa trị căn bệnh tim và suyễn vốn có từ nhỏ.

Vì không chịu được cảnh công an đến trường học mời vào đồn để làm việc hàng ngày, Tuấn bỏ học để ra ở nhà người cậu ở tỉnh Ninh Thuận để tiếp tục được chữa trị, đến ngày 6 tháng 8 thì bị hơn 10 công an đưa xe ra bắt tại nhà, áp giải về thành phố Phan Rang, Tháp Chàm, trước khi đưa về Trại giam công an tỉnh Long An và bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự, với án tù từ 2 đến 7 năm.

Thông báo bắt người

Cha mẹ Tuấn bị bắt từ ngày 14/4, nay đến lượt Tuấn, chỉ còn lại ở ngoài đứa em gái tên Thảo Vy, 14 tuổi. Khi được hỏi ước nguyện lớn nhất bây giờ của con là gì, Thảo Vy đáp: “con chỉ muốn cả gia đình con được thả”.

Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, là người tù dân oan trẻ tuổi nhất ở Việt Nam.

5/ Hệ thống cưỡng cướp tài sản có tổ chức của nhà nước

UBND huyện Thạnh Hóa đã đề nghị đền bù cho gia đình Nguyễn Trung Can - Mai Thị Kim Hương số tiền 100.584.580 đồng (khoảng 4500$ usd) và cho chị Phùng Thị Ly số tiền 157.475.891 đồng (khoảng 7100$ usd).

Gia đình Trung Can-Mai Hương không chấp nhận sự đền bù không hợp lý đó, vì so với giá thành của khu vực, nếu muốn mua lại một chỗ ở mới, thì với số tiền đền bù đó họ chỉ mua được từ 4 đến 8 mét vuông, còn chị Phùng Thị Ly chỉ mua được từ 6 đến 12 mét vuông.

Vì không có sự lựa chọn nào khác, những người dân oan đó đã bám víu vào vài tấm bạt ny lông và những tấm thiếc để sinh tồn. Và họ đã không thể chống lại sự cưỡng chế bạo lực từ phía nhà cầm quyền.

Hôm nay, trong khi cả hai gia đình 13 người phải nằm tù nhiều năm, những tấm lều của họ đã bị ủi sạch. Vài năm sau, khi đã mãn hạn tù, bước chân ra ngoài, họ không có được một địa chỉ để trở về “nhà”. Đi ngang qua “căn nhà” ngày xưa, họ sẽ thấy một bờ kè dài, thô thếch và vô dụng.

Và họ còn sẽ phải đối đầu với một món nợ rất lớn phải trả cho nhà nước. Theo bản Cáo Trạng, số tiền bồi thường cho 2 người công an bị thương ngày 14/4 là 78.316.000 đồng. Và theo lời công an huyện Thạnh Hóa đã báo với gia đình, tổng chi phí việc cưỡng chế ngày 14/4 là khoảng 200 triệu đồng, cũng sẽ phải được các can phạm trả nốt. Lấy số tiền được đề nghị đền bù 100 triệu, trừ lại 278 triệu bị phạt, còn lại số âm nợ 178 triệu.

*

Trên đất nước CHXHCN Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc, bất cứ ai cũng có thể ngày một ngày hai trở thành Dân Oan, bị triệt đường sống, bị đánh đập đến đổ máu, bị bỏ tù, bị cướp trắng nhà cửa đất đai, và còn mang theo số nợ sẽ không bao giờ trả hết. Đã có những dân oan vì uất ức mà tự thiêu, như trường hợp bà Phạm Thị L, sn 1963, trú xã Phố Nhơn, huyện Đức Phố, Quảng Ngãi vào ngày 12/8/2015. Đã có những dân oan bị xe xúc đất của đoàn cưỡng chế cán qua người như trường hợp bà Lê Thị Châm, dân oan xã Cầm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vào sáng ngày 10/7/2015.

Dân oan có thể sẽ là một người thân của chúng ta. Không ít người trong gia đình chúng ta cũng đã từng là Dân Oan trong quá khứ.

Sau năm 1975 khi cưỡng cướp miền Nam Việt Nam bất hợp pháp, nhân danh "đánh tư sản mại bản", ĐCS đã lấy tài sản của dân giao cho cán bộ còn dân thì bị đày đi "kinh tế mới" tại những vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo khắc nghiệt. Trong suốt 27 năm, từ 1976 đến 1998, hơn 6 triệu người đã thành Dân oan, nạn nhân của "kinh tế mới", một hình thức để cướp tài sản và đày người dân vào những chỗ chết.

Chúng ta hãy lắng người xuống để nghe lời kêu gọi thống thiết của một người Dân Oan: "Đối với cộng sản, những gì họ đã cướp sẽ không bao giờ trả lại cho dân. Chúng tôi đã mất hết tất cả, chúng tôi không hề trông mong lấy lại nhà đất nữa mà chúng tôi đòi công lý, đòi quyền sống, đòi quyền con người, dù phải chết".

Chúng ta hãy mở trừng mắt để thấy nơi họ không chỉ là những người đi đấu tranh vì lợi ích của cá nhân của riêng mình mà là những người luôn đi tuyến đầu trong việc đòi hỏi công lý và nhân quyền phải được tôn trọng tại Việt Nam, đòi sự thay đổi thật sự cho đất nước: "Chúng tôi đang sống trong một nhà tù, chúng tôi bị chế độ này nghiền nát, họ cướp đất đai nhà cửa, bóp nghẹt tiếng nói và cấm đoán ngay cả việc đi đứng, suy nghĩ, sinh sống. Chúng tôi sẵn sàng chết để đất nước này, xã hội này có một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để vận động cho những quyền làm người căn bản nhất tại đất nước này".

Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của các gia đình dân oan trên cả 3 miền đất nước và tự hỏi "chúng ta sẽ nghĩ gì, làm gì?", để đồng cảm và quan tâm nhiều hơn nữa với thảm cảnh Dân Oan tại Việt Nam. 

Paris, 12 tháng 8 năm 2015

__________________________________________

Chú thích:

(*), (**):

10 người bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”

1/ Mai Thị Kim Hương sn 1979
2/ Mai Văn Đạt sn 1980, em trai của Hương
3/ Mai Quốc Hẹn, sn 1986, em trai của Hương
4/ Mai Văn Tưng, sn 1955, cha của Hương
5/ Nguyễn Thị Thắng, sn 1958, mẹ của Hương
6/ Nguyễn Trung Can, sn 1974, chồng của Hương
7/ Nguyễn Trung Tài, sn 1966, anh trai của Can
8/ Nguyễn Văn Tôi, sn 1939, hàng xóm
9/ Phùng Thị Ly, sn 1963, hàng xóm
10/ Phùng Văn Tuân, sn 1977, em trai của Ly

3 người bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích”:

1/ Nguyễn Trung Linh, sn 1994, con trai của Tài
2/ Mai Văn Phong, sn 1978, anh trai của Hương
3/ Nguyễn Mai Trung Tuấn, sn 2000, con trai của Hương

Trên 13 người, 4 người được tại ngoại là Mai Văn Tương, Nguyễn Thị Thắng, Mai Quốc Hẹn, Nguyễn Văn Tôi.

6 người bị giam tại Trại tạm giam công an huyện Thạnh Hoá là Mai Văn Đạt, Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Linh, Mai Văn Phong, Phùng Văn Tuân

3 người bị giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Long An là Mai Thị Kim Hương, Phùng Thị Ly, Nguyễn Mai Trung Tuấn










No comments:

Post a Comment

View My Stats