Nguyễn Hữu Việt Hưng
07/08/2015
Nguyễn Hữu Việt
Hưng là một tên tuổi trong giới Toán học Việt Nam, thuộc trường phái “Toán học
quốc lủi” như ông tự nhận. Trong nước, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014 được
trao cho ông. Ngoài nước, tháng 11 năm ngoái, nhân ông tròn 60 tuổi, một ngày
Tôpô Đại số được tổ chức tại Larema của CNRS và Đại học Angers, Pháp để vinh
danh ông.
BVN xin đăng bài
sau đây để ghi dấu những suy nghĩ của một trí thức về đất nước.
Bauxite
Việt Nam
-----------------
Đã một năm rồi kể từ cái ngày tôi phải ngủ màn trời
chiếu đất trong bệnh viện Bạch Mai. Đáng lẽ tôi đã có thể quên câu chuyện ấy.
Nhắc tôi nhớ đến nó, rõ khỉ, lại là cái chuyện lùm
xùm mấy ngày gần đây về Dự án xây tượng đài 1.400 tỷ ở Sơn La.
1.400 tỷ thì xây được bao nhiêu cái cầu treo nhỏ vượt
sông, để trẻ em không phải đi học bằng cách chui vào túi nilon, hay treo mình
trên dây cáp? Tôi đã đọc một bài báo, thấy nói người ta đã xây một cái cầu như
thế, hết 1,5 tỷ đồng. Vậy 1.400 tỷ có thể xây được quãng 1.000 chiếc cầu treo
như thế. Không biết chừng ngần ấy cây cầu sẽ chấm dứt tình trạng trẻ em đu dây
hay chui túi nolon đi học trên toàn cõi Việt Nam cũng nên.
1.400 tỷ thì xây được bao nhiêu bệnh viện? Tất nhiên
câu trả lời còn phụ thuộc quy mô của các bệnh viện ấy. Nhưng ít ra cũng xây được
dăm cái. Sẽ có nhiều người không còn phải ngủ màn trời chiếu đất như tôi năm
ngoái ở bệnh viện Bạch Mai.
Nhìn xa nhìn rộng, có khi chẳng bằng nhìn ngay dưới
chân mình. Nơi tôi làm việc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQG) Hà Nội,
là thực thể tiếp nối Đại học Tổng hợp Hà Nội, vẫn được coi là hậu thân của Quốc
Tử Giám thành lập ở Thăng Long từ 1076, tất nhiên là đại học được coi là số 1 của
đất nước ta, có một chuyện khó tin thế này: Cho đến ngày hôm nay, tất cả các Giảng
viên ở đây, kể cả các Giáo sư, không một ai có phòng làm việc riêng. Chúng tôi
chỉ có thể làm việc ở nhà (đối với nhiều người, cũng có nghĩa là làm việc trên
giường). Khi đến trường, chúng tôi chỉ có thể hoặc lên lớp dạy, hoặc ngồi chơi
xơi nước, tán gẫu với nhau. Vậy mà người ta vẫn thường xuyên nêu mục tiêu, chẳng
hạn như: Phấn đấu lọt vào top 100 đại học Châu Á, top 400 đại học Thế giới trước
năm 2025. (Người ta không chịu đặt câu hỏi: Có đại học nào trên thế gian này mà
cả Giáo sư cũng không có phòng làm việc hay không?) Ô hay, ai nỡ dè xẻn cả ước
mơ! Dù sao, không thể không tỉ mẩn đặt câu hỏi: 1.400 tỷ thì sẽ xây được bao
nhiêu phòng làm việc cho các Giáo sư, cho các Giảng viên đại học?
Ở đất nước ta xem ra có rất nhiều người nửa tỉnh nửa
mơ, dở dại dở khôn.
Tôi treo lại ở đây bài viết của tôi từ đúng một năm
trước, về cái đêm tôi màn trời chiếu đất ở bệnh viện Bạch Mai. "Để làm gì,
em biết không? Để gió cuốn đi." (Trịnh Công Sơn)
MÀN
TRỜI CHIẾU ĐẤT
Hôm nay 1/9/2014, tròn một tháng kể từ ngày bố tôi
phải cấp cứu vào bệnh viện Bạch Mai, có lẽ là một mốc thời gian thích hợp để
nghĩ ngợi lung tung.
Trong đời, tôi đã hai lần ngủ màn trời chiếu đất. Lần
đầu cách đây đã gần 40 năm.
Bấy giờ là mùa đông 1977, tôi đã là giảng viên Khoa
Toán Đại học Tổng hợp được hơn một năm. Nắng hanh hao, tiết trời thật đẹp. Tất
cả giảng viên và sinh viên ĐHTH Hà Nội đi nạo vét và mở rộng sông Tô Lịch, đoạn
ngang qua làng Láng. Lúc bấy giờ, cả nước là một công trường thủ công. Hình như
người ta có ý định đưa nước ta tiến thẳng từ Công trường Thủ công lên CHXH. Cho
nên hồi đó chúng tôi hay phải lao động chân tay lắm. Còn nhớ, có chủ trương từ
đâu đó ban ra rằng mỗi năm giảng viên đại học phải đi trồng lúa một tháng. Sự
thực, chúng tôi đã phải đi làm cỏ lúa một tháng như thế ở HTX Chèm. Giảng viên
Khoa Toán bàn luận chuyện này dữ lắm. Có thầy giáo lão thành chứng minh rất
hùng hồn bằng số liệu chi tiết rằng, vì năng xuất lao động chân tay của chúng
tôi rất thấp, cho nên lượng lúa gạo, ví thử có làm ra được, không đủ để chúng
tôi ăn thêm cho đủ sức làm ruộng trong cái tháng này. Tôi thấy ái ngại cho nhà
giáo lão thành quá. Tôi thì suy nghĩ đơn giản hơn, nên tôi phát biểu thế này:
“Đề nghị song song với chủ trương cho giảng viên đại học đi trồng lúa mỗi năm một
tháng, cần có chủ trương để nông dân đi giảng dạy đại học mỗi năm một tháng”.
Bây giờ nghĩ lại, cái thằng nhóc là tôi bấy giờ thật ngu dại.
Trở lại với việc nạo vét sông Tô Lịch mùa đông 1977.
Sáng hôm ấy tôi và Nam Hải, một anh bạn cùng Khoa Toán, đèo nhau bằng xe đạp của
tôi từ khu tập thể Mễ Trì đến chỗ lao động ven làng Láng. Buổi chiều, sau giờ
lao động, tôi là giáo viên chủ nhiệm một lớp, cho nên phải ở lại hội ý, mục
đích là làm sao khích lệ sinh viên lao động hăng hái hơn. Cuộc họp kéo dài chừng
20-30 phút gì đó. Họp xong, tìm chìa khoá xe, tôi mới biết rằng Hải vẫn cầm từ
sáng, vì Hải nghĩ rằng đến chiều hai đứa lại đèo nhau về. Tôi đành nhờ người về
Mễ Trì nói Hải đem chìa khoá xe cho tôi. Trong lúc chờ Hải ra, mệt quá, tôi lăn
ra bãi cỏ cạnh một luống rau thơm ven đường, chân gếch lên chiếc xe đạp đặt nằm
bên cạnh, và ngủ. Chiều muộn, nhưng nắng vẫn vàng, chưa lạnh. Tôi ngủ ngon
lành, mặc cho ôtô chạy ngay sát bãi cỏ, cuốn bụi mù mịt. Có lẽ chừng gần một giờ
sau, tôi choàng tỉnh vì Hải, lúc ấy đã tắm rửa sạch sẽ, đánh thức tôi.
Lần thứ hai tôi ngủ màn trời chiếu đất là đêm Chủ nhật
3/8/2014 vừa rồi.
Bố tôi đã vào C1, bộ phận cấp cứu của Khoa Tim mạch
bệnh viện Bạch Mai được hơn một ngày. Đêm ấy tôi trực. Thực ra, người nhà bệnh
nhân không được vào khu vực cấp cứu. Tuy nhiên, cũng như mọi thứ khác trên đất
nước này, bệnh viện của ta không tự vận hành được, nếu không có sự trợ giúp của
người nhà bệnh nhân. Thật tình, tôi cũng không biết trực người bệnh tại C1 có
nghĩa là phải làm những gì. Ở đó, thỉnh thoảng y tá lại đuổi, bảo rằng cứ ra
ngoài, khi nào có việc gì bệnh viện sẽ gọi điện. (Số điện thoại của người nhà bệnh
nhân đã phải cung cấp từ đầu cho bệnh viện.) Đêm hôm trước, 2/8, tôi nằm ở nhà
chị tôi, sát bệnh viện, chờ suốt đêm không có cú điện thoại nào, vậy mà sáng
hôm sau lại bị trách là đêm qua không thấy ai trông cụ. Thôi thì đành là cứ
quanh quẩn trong C1, kiếm một cái ghế mà ngồi vạ vật. Thỉnh thoảng bị người ta
đuổi ra, lúc sau lại lẻn vào. Đêm ấy, 3/8, y tá bảo rằng trực C1 là một Phó
Giáo sư, nghiêm lắm. Cho nên người nhà bệnh nhân chắc sẽ bị đuổi ra ngoài nhiều
lần. Nghĩ ngợi lan man, ở Khoa Toán của tôi cũng có một vài Giáo sư và không ít
Phó Giáo sư. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các vị này lại có thể “hắc” đến như thế.
Đêm ấy, quả tình tôi bị đuổi ra khỏi C1 nhiều lần. Lần
đầu lúc 11h, lần thứ hai lúc 1h, và lần thứ ba, vào quãng hơn 2h. Hai lần đầu,
tôi lang thang ngoài vườn cây sát cạnh C1. Ban đêm, bệnh viện là một thế giới
khác. Người nhà bệnh nhân nằm ngồi la liệt; giường bạt, chiếu, màn quây (trông
như một cái lồng bàn to) bầy ra san sát. Những người phải trông thân nhân trong
bệnh viện lâu ngày nghĩ ra đủ cách để tồn tại. Ngay cả bệnh nhân cũng có thể
tìm ra một nghề để kiếm sống. Ví như, một bà chạy thận lâu ngày tại Bạch Mai
hàng ngày mở quán bán nước lưu động để kiếm thêm tiền chữa bệnh. Bỗng chốc tôi
ghen tị với các nhà văn nước ta. Mảnh đất của họ mầu mỡ quá. Chỉ cần trải lên
trang giấy một phần nhỏ cuộc sống nhọc nhằn của đồng bào tôi thì còn gì phải lo
chẳng có Nobel.
Lần thứ ba tôi bị đuổi ra khỏi C1 vào quãng hơn 2h
đêm. Lần này đuổi rát lắm, có vẻ còn lâu mới hy vọng lẻn vào C1 được. Tôi lang
thang ra khỏi khu vực C1. Bên cạnh toà nhà Việt-Nhật có một dãy ghế dài bằng
inox. Lạ một điều là chỗ này khá vắng người. Có lẽ là bởi dãy ghế này không có
mái che, phía trên chỉ có tán lá của mấy cây sấu. Tôi chọn một chiếc ghế vừa ý,
ngay trước cửa một hiệu thuốc, đèn sáng, hứa hẹn an toàn hơn. Tôi ngả lưng xuống
ghế, để nguyên quần áo, nguyên cả dép, đầu gối lên chai nước và đôi dép mới mua
theo yêu cầu của y tá, đòi hỏi mỗi người khi vào trong C1 phải tụt dép cũ mà đi
dép mới, để tránh vi trùng. Mệt mỏi, tôi thiếp đi trong một giấc ngủ rất sâu và
ngon lành. Có lẽ ngay cả trong những khách sạn 5 sao sang trọng ở nhiều chốn phồn
hoa trên thế giới, tôi cũng chưa từng có một giấc ngủ ngon như thế.
Tôi choàng tỉnh vào lúc hơn 4h. Cảm thấy đôi chút ân
hận vì đã ngủ ngon lành đến thế, tôi lật đật lẻn vào C1. Tôi ở trong đó cho tới
sáng mà không bị ai đuổi ra nữa. Như trên đã nói, tôi thực tình không biết mình
trực ở C1 là để làm gì. Khoảng 7h, tôi phóng xe về nhà tắm rửa và định ngủ bù.
Chưa kịp nằm xuống giường, điện thoại réo vang. Tôi được báo phải tới bệnh viện
ngay, để chuyển ông cụ sang C9, “điều trị theo yêu cầu”, vì cụ không còn thích
hợp nằm ở khu cấp cứu nữa. Đây là một vài con số để mọi người có thể hình dung
thế nào là “điều trị theo yêu cầu”: Mỗi giường cỡ “trung bình khá” của C9 có
giá 1 triệu mỗi ngày; Kể cả thuốc, mỗi ngày C9 xài hết 200 USD cho ông cụ nhà
tôi. Đến hôm nay, ông cụ vẫn nằm trong bệnh viện Bạch Mai.
Không biết đời tôi sẽ còn bao nhiêu lần màn trời chiếu
đất nữa?
N.
H. V. H.
Nguồn: FB Nguyễn H. V.
Hưng
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:09
No comments:
Post a Comment