Sáng nay tôi có dịp nghe ông cựu Chánh án Toà án Tối
cao Úc nói chuyện ở Garvan rất ư thú vị. Ngay cả cá nhân ông cũng đã là một con
người thú vị, vì ông có lẽ là một người đồng tính nổi tiếng nhất ở Úc, nếu
không muốn nói là trên thế giới. Ông nói về y khoa và người nghèo, về những nỗ
lực đem y học hiện đại đến thế giới đang phát triển như Phi châu, Campuchea và Việt
Nam. Nhưng qua một câu hỏi ngoài đề tài, ông cũng có nhắc đến tình cảnh của người
Việt tị nạn ở Úc vào thập niên 1980 và 1990, làm tôi ít nhiều xúc động.
Ở Viện tôi có chương trình seminar mà theo đó hàng
tuần mời những nhân vật quan trọng trong khoa học và xã hội đến giảng. Ông
Michael Kirby đến đây để chia sẻ “câu chuyện đời” của ông với các bác sĩ và nhà
khoa học ở đây. Bằng một giọng nói truyền cảm, chậm nhưng hết sức rõ ràng, ông
“thôi miên” khán phòng cả 400 người trong suốt 1 giờ đồng hồ. Ông đã trải lòng
đến những người làm trong ngành y, làm cho nhiều người ít nhiều phải suy nghĩ lại
sứ mệnh của mình.
Tôi nghĩ những quan điểm của ông chắc chắn sẽ làm
cho nhiều người trong ngành dược phải suy nghĩ. Ông nói trong lúc chúng ta tập
trung tài lực để giải quyết các căn bệnh mãn tính, bệnh của người giàu, thì ở
Phi châu, Á châu và Nam Mĩ, hàng tỉ người đang mắc những bệnh nhiễm trùng. Ai
lo cho họ? Các công ti dược không muốn dính dáng vì họ không làm ra tiền từ các
nước đó. Chính phủ các nước đó thì hoặc là không đủ khả năng, hoặc là tham
nhũng triền miên, nên hệ quả là người nghèo lãnh đủ. Một thế giới mà có một
nhúm người lo thủ cái giàu của mình trong khi một thế giới ngoài kia thì đang
chết dần chết mòn, vậy thì chúng ta sống trong thế giới này để làm gì? Một câu
hỏi đầy thách thức.
Tôi đã từng gặp ông một lần vào giữa thập niên 1980,
lúc đó ông là Chancellor của Đại học Macquarie (giống như Chủ tịch Hội đồng trường
đại học), còn tôi là người lên nhận bằng cao học từ ông. Lúc đó ông còn trẻ,
người nhanh nhẹn, nhưng nay, sau 30 năm gặp lại thì ông đã khá già, đi đứng chậm
chạp. (Tôi sợ mình cũng giống như ông ấy trong 20 năm nữa!)
Ông là người có một sự nghiệp “sáng chói” nhưng xuất
thân bình thường. Ông cho biết ông xuất thân từ một gia đình không giàu, mà
cũng chẳng nghèo, học trường của Nhà nước. Cần nói thêm rằng ở Úc mà học trường
tư thường là thuộc con nhà giàu. Ông học trung học ở trường Fort Street (khá nổi
tiếng), giỏi về toán và ngữ văn. Ông theo học ở ĐH Sydney, và tốt nghiệp cử
nhân văn chương năm 1959, cử nhân luật (1962), cử nhân kinh tế (1965), cao học
luật (1967). Sau khi tốt nghiệp cử nhân ông làm thư kí cho một công ti luật nhỏ,
rồi đến khi xong cao học thì ông được kết nạp vào “bộ lạc” và thành trạng sư
năm 1967. Đến năm 1983 ông được bổ nhiệm làm judge ở Toà án Tối cao Úc; từ 1984
đến 1993 được bổ nhiệm làm Chancellor của ĐH Macquarie; 1996 được bổ nhiệm làm
chánh án Toà án Tối cao Úc. Đến 2009 thì nghỉ hưu.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các
hoạt động xã hội và quốc tế. Ông quen biết với toàn những VIP ở các nước Âu Mĩ
và nước nghèo. Ông kể rằng có lần ông sang Campuchea để vận động phòng chống bệnh
AIDS, ông gặp thủ tướng Hunsen. Khi ông nói về nhân quyền và AIDS, ông Husen
như ngủ gục, có lẽ vì chán; nhưng khi ông nói về kinh tế và tài trợ thì Hunsen
đột nhiên mở mắt và tỏ ra thông minh đáng sợ. Ông còn nói rằng thời gian ở
Campuchea ông mới biết rằng quan chức và người dân Camp rất ghét người Việt
Nam, họ đổ lỗi bệnh AIDS là do Việt Nam mang đến (và ông nói thêm rằng dĩ nhiên
quan điểm đó là sai lầm).
Danh sách những việc làm của ông thì rất dài, nhưng
trong đó có việc ông được Liên hiệp quốc bổ nhiệm làm điều tra những vi phạm
nhân quyền của Bắc Hàn (2013). Ông không nói về việc ông khám phá gì ở Bắc Hàn
trong bài nói chuyện, mà chỉ nói rằng Bắc Hàn là nước quá kinh dị. Ngoài ra,
ông còn là người đấu tranh cho bình đẳng xã hội, nhất là những bệnh nhân AIDS ở
các nước đang phát triển. Ông kêu gọi các công ti thuốc nên quan tâm nhiều hơn
và làm sao hạ giá thành thuốc cho các nước còn nghèo. Nói tóm lại, ông là một
con người rất nhân văn và tình cảm.
Trong bài nói chuyện (hoàn toàn không có slides) ông
kể những chuyện cá nhân tưởng là chẳng đâu vào đâu, nhưng câu kết của mỗi câu
chuyện đều là một bài học ở đời. Vui nhất là ông thú nhận rằng trong thời gian
làm chánh án, ông chẳng đọc một cuốn tiểu thuyết nào cả, làm ai cũng ngạc nhiên
(vì một con người nho nhã như luật sư mà chẳng đọc sách!) Ông từ tốn giải thích
rằng ông chẳng cần đọc tiểu thuyết, bởi vì mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày, ông đều
phải đối diện với những câu chuyện thật, hay hơn và hấp dẫn hơn tiểu thuyết nhiều,
vậy thì ông cần gì phải đọc tiểu thuyết. Ai cũng cười ồ lên thích thú.
Ông là một trong những người gắn bó với người tị nạn.
Do đó, có người trong diễn đàn hỏi ông nghĩ gì về chính sách của Chính phủ Úc
hiện nay đối với người tị nạn. Ông từ tốn trả lời rằng ông không thích chính
sách hiện nay, vì nó không tử tế (kind) với người tị nạn. Thế rồi ông suy luận
rằng vì Úc là một hải đảo, mà người hải đảo thường nhìn người khác với cặp mắt
nghi kị, nên hễ thấy ai mới nhập cư là cảm thấy khó chịu. Đó chính là lí do tại
sao người Úc đã có thời không tử tế với người Ý, Hi Lạp, Nam Tư, Do Thái, Tàu,
Việt Nam, v.v. Riêng đối với người Việt, ông nhấn mạnh rằng sau 1975 Chính quyền
cộng sản đẩy dân họ ra biển, nên các nước văn minh cảm thấy có bổn phận quốc tế
cưu mang. Ông nói rằng những người Việt tị nạn đến Úc với một sự quyết tâm cao
độ, và cho đến nay họ đã đóng góp rất nhiều cho xứ sở này. Nhìn như thế, ông
nói tại sao Chính phủ Úc lại đối xử tệ bạc với làn sóng tị nạn mới, ông không
hiểu được. Nhưng ông nói vì ông không còn chức vụ gì ở toà án tối cao, nên ông
không ra lệnh được cho chính phủ phải làm gì. Câu này lại làm cho cử toạ cười ồ.
Nhìn người lại nghĩ đến ta, đến chính khách Việt
Nam. Không, tôi không kì vọng chính khách VN có cái nhìn bao quát, có học thức
rộng, hay cái tính “worldly” như ông Kirby; tôi chỉ mong chính khách và quan chức
VN có một chút cái tính nhân ái của ông Kirby, có quan tâm đến người nghèo
trong nước. Trong khi các bệnh truyền nhiễm còn là mối đe doạ và nguyên nhân tử
vong hàng đầu ở trong dân số, mà người ta lại muốn thành “rồng” và sánh vai với
những nền y học hiện đại bên Tây, thì nói như ông Kirby, là có cái gì đó không
ăn khớp và logic.
No comments:
Post a Comment